Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

15/09/2015

  Ông Nguyễn Văn Tuệ - Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và BĐK  Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức của toàn cầu trong thế kỷ XXI, đòi hỏi các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam phải xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể nhằm ứng phó kịp thời và hiệu quả với BĐKH. Ngày 2/12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 158/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) ứng phó với BĐKH. Bộ TN&MT được giao làm cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện các hoạt động ứng phó với BĐKH trong nước và hợp tác quốc tế. Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuệ - Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và BĐKH (Bộ TN&MT) về kết quả thực hiện CTMTQG ứng phó với BĐKH giai đoạn 2011 - 2015 và kế hoạch triển khai Chương trình trong giai đoạn 2016 - 2020.     Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của việc thực hiện CTMTQG ứng phó với BĐKH giai đoạn 2011 - 2015?    Ông Nguyễn Văn Tuệ: Nhận thức rõ những tác động nghiêm trọng của BĐKH đến sự phát triển bền vững của đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt CTMTQG ứng phó với BĐKH. Ngay sau khi Chương trình được phê duyệt, với sự chủ động, nỗ lực của Bộ TN&MT; cũng như các Bộ, ngành, địa phương cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, CTMTQG ứng phó với BĐKH đã đạt được một số kết quả nổi bật như: Xây dựng, cập nhật và công bố kịch bản BĐKH, nước biển dâng làm định hướng cho các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng và triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Đánh giá các tác động của BĐKH đến từng lĩnh vực, từng khu vực và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp, ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH cho từng Bộ, ngành, địa phương. Qua đó, nâng cao nhận thức về những thách thức, cơ hội do BĐKH mang lại cũng như năng lực thích ứng với BĐKH của các cấp, các ngành và cộng đồng, đặc biệt ở cấp Trung ương và các tỉnh thí điểm của Chương trình; Nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam thông qua đàm phán quốc tế và khu vực, thu hút sự hỗ trợ quốc tế cho Việt Nam ứng phó với BĐKH, ước tính trong 5 năm trở lại đây, Việt Nam nhận được khoảng trên 1,3 tỷ USD cho ứng phó với BĐKH. Bên cạnh đó, một số mô hình thích ứng với BĐKH được triển khai như xây dựng nhà đa năng tránh bão, lũ; kè, kênh thủy lợi kết hợp đường đường giao thông nông thôn; xử lý nước mặn thành nước ngọt; trồng rừng ngập mặn ven biển, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn kết hợp các giải pháp sinh kế cho người dân... đã mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và được sự đồng thuận, đánh giá cao của người dân, chính quyền địa phương.    Năm 2015 là năm cuối thực hiện CTMTQG ứng phó với BĐKH giai đoạn 2011 - 2015.Trong quá trình thực hiện, Chương trình gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì và các giải pháp để khắc phục những khó khăn đó, thưa ông?    Ông Nguyễn Văn Tuệ: Mục tiêu đặt ra của Chương trình là đánh giá mức độ tác động của BĐKH với các lĩnh vực, ngành và địa phương trong từng giai đoạn và xây dựng kế hoạch hành động có tính khả thi để ứng phó hiệu quả với BĐKH, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.    Để hoàn thành cơ bản mục tiêu nêu trên, đồng thời từng bước hoàn thiện các mô hình thí điểm thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tạo tiền đề quan trọng trong việc triển khai đồng bộ kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2016 - 2020, các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong năm 2015 - năm cuối thực hiện Chương trình giai đoạn 2011 - 2015 là: Cập nhật kịch bản BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam, chi tiết đến từng địa phương, dự kiến công bố vào quý IV/2015 làm cơ sở định hướng cho các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2016 - 2020; Cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của các Bộ, ngành; xác định một số nhiệm vụ trọng tâm theo từng giai đoạn và đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện; Tiến hành rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực có xét đến yếu tố BĐKH; Hoàn thiện các mô hình thí điểm thích ứng với BĐKH, từ đó tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm và xem xét khả năng nhân rộng trong giai đoạn 2016 - 2020 đối với các địa phương; Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức và hành vi của cộng đồng về các thách thức cũng như cơ hội của BĐKH, đồng thời nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của các cấp trong vấn đề ứng phó với BĐKH toàn cầu; Phối hợp với các Bộ, ngành, nhà tài trợ và các địa phương liên quan xây dựng Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và Tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 một cách đồng bộ, đảm bảo tính liên ngành, liên vùng, dài hạn và có tính bền vững để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.    Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện CTMTQG ứng phó với BĐKH thời gian qua đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, chủ yếu do mức vốn bố trí hàng năm cho Chương trình không đủ so với nhu cầu nên một số nhiệm vụ, dự án khó có khả năng hoàn thành, dẫn đến một số mục tiêu của Chương trình bị ảnh hưởng, không thực hiện được, hoặc chỉ thực hiện một phần.    Mặt khác, việc lồng ghép vấn đề BĐKH vào trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch là vấn đề mới nên trong thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế; ở các địa phương, công tác ứng phó với BĐKH còn chưa thực sự gắn kết với các chính sách, chiến lược, kế hoạch, quy hoạch. Các dự án ứng phó với BĐKH nhìn chung còn nhỏ lẻ, chưa tính đến yếu tố liên vùng, nên hiệu quả chủ yếu chỉ phát huy cục bộ tại nơi triển khai dự án. Cơ chế, chính sách cũng chưa đáp ứng yêu cầu khuyến khích, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội vào hoạt động thích ứng BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.    Giải pháp cơ bản vẫn là tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và thúc đẩy triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/NQ - CP của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, sử dụng hợp lý tài nguyên và BVMT, Chiến lược quốc gia về BĐKH và Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh. Đồng thời tăng cường hợp tác, vận động, thu hút nguồn hỗ trợ quốc tế, khuyến khích đầu tư từ doanh nghiệp, tư nhân nhằm tăng nguồn lực tài chính cho ứng phó với BĐKH. Mô hình trồng rừng ngập mặn ở khu vực ao nuôi thủy sản thích ứng với BĐKH ở Rú Chá - Hương Phong (Thừa Thiên - Huế)     Để chuẩn bị cho các hoạt động đàm phán nhằm xây dựng và thực hiện Thỏa thuận toàn cầu dự kiến sẽ được thông qua tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP21) tại Pari, Pháp vào tháng 12/2015, Bộ TN&MT đã và đang triển khai những hoạt động gì, thưa ông?    Ông Nguyễn Văn Tuệ: Năm 2015 là năm quan trọng trong tiến trình đàm phán BĐKH. Tại COP 21, các bên dự kiến sẽ thông qua thỏa thuận toàn cầu mới về BĐKH, áp dụng cho tất cả các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH từ năm 2020 trở đi. Với thỏa thuận mới, Việt Nam sẽ chịu ràng buộc pháp lý về cắt giảm phát thải khí nhà kính (KNK) bên cạnh các nội dung khác. Hiện tại, Bộ TN&MT đang tích cực chuẩn bị để trình Chính phủ Báo cáo “Dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định”, trong đó xác định chỉ tiêu cắt giảm phát thải KNK của Việt Nam.    Là cơ quan đầu mối giúp Ban công tác đàm phán BĐKH của Việt Nam, Cục Khí tượng Thủy văn và BĐKH đã và đang chuẩn bị nội dung này. Trước hết, các cán bộ của Cục đang tích cực cùng các Bộ, ngành tham gia những phiên họp trước của COP, chuẩn bị quan điểm của Việt Nam để đàm phán. Các phương án đàm phán đã được Cục cùng các đơn vị trong và ngoài Bộ xây dựng chi tiết, cụ thể cho từng nội dung, đồng thời rà soát các thành viên tham gia, cập nhật bổ sung những lực lượng mới, thông thạo ngoại ngữ, có kiến thức sâu về vấn đề BĐKH tham gia Ban Công tác đàm phán và hỗ trợ cho Ban.    Đồng thời, tích cực chuẩn bị nội dung tham gia các sự kiện bên lề COP 21 trong thời gian diễn ra Hội nghị. Phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị hậu cần, nội dung cho các đoàn cấp cao tham dự đạt kết quả, bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam một cách phù hợp.    Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này! Giáng Hương (Thực hiện) (Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8 - 2015)
Ý kiến của bạn