Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Lồng ghép dịch vụ hệ sinh thái vào công tác quản lý và bảo tồn đất ngập nước tại Việt Nam

15/09/2015

     Dịch vụ hệ sinh thái của đất ngập nước      Theo định nghĩa của Báo cáo “Đánh giá hệ sinh thái (HST) thiên niên kỷ” của Liên hợp quốc, các dịch vụ HST là những lợi ích con người có được từ các HST, bao gồm các dịch vụ cung cấp như cung cấp thức ăn và nước; các dịch vụ điều tiết như điều tiết lũ lụt, hạn hán; các dịch vụ hỗ trợ như hình thành đất và chu trình dinh dưỡng; các dịch vụ văn hóa như giải trí, tinh thần, tín ngưỡng và các lợi ích phi vật chất khác”. Cũng theo Báo cáo, đất ngập nước (ĐNN) cung cấp các dịch vụ HST chính bao gồm dịch vụ cung cấp (thức ăn, nước ngọt, sợi và nhiên liệu…); dịch vụ điều tiết (điều tiết khí hậu, làm sạch nước và xử lý ô nhiễm, điều tiết xói mòn…); dịch vụ hỗ trợ (hình thành đất, chu trình dinh dưỡng) và dịch vụ văn hóa (giải trí, thẩm mỹ, giáo dục).      Ở Việt Nam, ĐNN có diện tích ước tính hơn 10 triệu ha, phân bố trên khắp các HST, đa dạng về kiểu loại, phong phú về tài nguyên và đa dạng sinh học (ĐDSH). ĐNN có chức năng quan trọng như nạp và tiết nước ngầm, cung cấp nước ngọt, điều hòa khí hậu, sản xuất sinh khối, hạn chế lũ lụt… Đối với ĐNN ven biển còn có chức năng chắn sóng và gió bão, chống xói lở và ổn định bờ biển, là nơi du lịch giải trí, duy trì ĐDSH. Ngoài ra, ĐNN còn có vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường hoạt động cho nhiều ngành như khai thác thủy sản, lâm nghiệp, giao thông vận tải thủy, sản xuất năng lượng, du lịch, khai khoáng.      Các dịch vụ HST ĐNN tại Việt Nam đã và đang đóng vai trò quan trọng cho sự thịnh vượng của con người. ĐNN tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có giá trị ĐDSH và là vùng đất màu mỡ cho canh tác. Đây là vựa lúa gạo lớn nhất của cả nước, đóng góp 80% sản lượng gạo xuất khẩu quốc gia. Giá trị ước tính của 3.100 ha RNM ở Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy, tỉnh Nam Định khoảng 2,6 triệu đồng/ha/năm, với chức năng bảo vệ 10,5 km hệ thống đê điều. Tổng giá trị kinh tế của HST ĐNN tại cửa sông Ba Lạt - Nam Định là 88.619 tỷ đồng/năm bao gồm giá trị sử dụng trực tiếp, giá trị sử dụng gián tiếp và giá trị phi sử dụng. Nhiều vùng ĐNN như đảo Cát Bà, Côn Đảo, Phong Nha - Kẻ Bàng, VQG U Minh Thượng, VQG Xuân Thủy, RNM Cần Giờ, VQG Ba Bể, VQG Tràm Chim... là điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Các vùng ĐNN, đặc biệt là các vùng ĐNN ven biển với HST RNM, rạn san hô, cỏ biển là môi trường thích hợp cho việc cư trú, đẻ trứng, sinh sống và phát triển của nhiều loại động, thực vật (cá, chim di cư, hai mảnh vỏ, rong, tảo…). Tại các vùng ĐNN nội địa lớn như Đồng Tháp Mười (Tràm Chim), U Minh Thượng, U Minh Hạ và hệ thống sông suối là nơi sinh sống của nhiều loại động thực vật đặc hữu.      Tuy nhiên, ĐNN tại Việt Nam đã và đang bị suy giảm về diện tích và chất lượng. Diện tích ĐNN tự nhiên giảm, ĐNN nhân tạo tăng. Các khu RNM tự nhiên ven biển suy giảm nhiều so với trước đây, thay vào đó là các đầm nuôi thủy sản, các công trình du lịch và một số diện tích rừng trồng. Diện tích RNM đã giảm khoảng 183.724 ha trong 20 năm (từ 1985 - 2005), trong khi diện tích nuôi trồng thủy sản đã tăng lên 1,1 triệu ha vào năm 2003. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy giảm diện tích và chất lượng của ĐNN như gia tăng dân số, phát triển kinh tế - xã hội, công tác quản lý và bảo tồn ĐNN chưa hợp lý. Đặc biệt, việc chuyển đổi sử dụng đất đang có những tác động tiêu cực đến HST và dịch vụ HST của ĐNN. Việc chuyển đổi một diện tích lớn RNM sang nuôi trồng thủy sản tại khu vực ĐBSCL dẫn đến mất diện tích RNM, ảnh hưởng đến các dịch vụ HST của RNM như dịch vụ hấp thụ các bon, dịch vụ bảo vệ bờ biển... Việc đánh giá không đầy đủ giá trị của các dịch vụ HST trong công tác quản lý và bảo tồn ĐNN đã và đang làm gia tăng tác động tiêu cực đến việc đưa ra quyết định liên quan đến HST và dịch vụ HST của cơ quan quản lý. Do đó, việc lồng ghép dịch vụ HST vào công tác quản lý và bảo tồn ĐNN có thể tạo ra các cơ hội nhằm khai thác tốt hơn và duy trì lợi ích của dịch vụ HST ĐNN, xây dựng các chiến lược quản lý và bảo tồn ĐNN hiệu quả và tránh chi phí liên quan đến sự mất mát của ĐDSH và các dịch vụ HST do ĐNN mang lại.      Các cách tiếp cận về lồng ghép dịch vụ HST      Theo Công ước ĐDSH của Liên hợp quốc (2010) "Lồng ghép một cách hệ thống ĐDSH trong các quá trình phát triển được gọi là lồng ghép ĐDSH". Mục tiêu tổng thể của lồng ghép ĐDSH là đưa ra các nguyên tắc về ĐDSH vào các giai đoạn của quy trình xây dựng chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án. Một mục tiêu khác của lồng ghép ĐDSH là hỗ trợ để hạn chế các ảnh hưởng bất lợi mà các ngành sản xuất gây ra đối với ĐDSH và nêu rõ sự đóng góp của ĐDSH với phát triển kinh tế và phúc lợi con người. Lồng ghép dịch vụ HST vào công tác quản lý và bảo tồn ĐNN có thể tạo ra các cơ hội nhằm khai thác tốt hơn và duy trì các lợi ích của dịch vụ HST ĐNN, xây dựng các chiến lược quản lý, bảo tồn ĐNN hiệu quả và giảm thiểu những tổn thất về ĐDSH và các dịch vụ HST do ĐNN mang lại.   Vườn quốc gia Mũi Cà Mau        Hiện có nhiều cách tiếp cận để lồng ghép dịch vụ HST vào công tác quản lý và bảo tồn ĐNN, trong đó xem xét tác động của các chính sách đến HST và dịch vụ của HST, lượng giá các giá trị này dưới dạng tiền tệ và dùng những thông tin này để tác động ngược lại các quyết định và chính sách, từ đó có những điều chỉnh thích hợp để giảm tác động đến HST và dịch vụ của HST. Dịch vụ HST có thể lồng ghép vào các chính sách ở cấp quốc gia và địa phương, các khuyến khích về kinh tế và tài chính, các chính sách ngành hay trong quá trình quản trị. Đồng thời, cũng có nhiều công cụ được áp dụng để hỗ trợ quá trình lồng ghép, bao gồm phân tích định tính, định lượng, xây dựng bản đồ không gian và lượng giá dưới dạng tiền tệ. Việc lồng ghép dịch vụ HST có thể được thực hiện theo 5 bước bao gồm: Xem xét tác động của các quyết định đến HST; Đánh giá tác động của những thay đổi các HST lên việc cung cấp các dịch vụ HST; Đánh giá tác động của việc thay đổi các dịch vụ HST lên các giá trị mang lại từ HST; Sử dụng các thông tin để tác động vào thể chế; Điều chỉnh/ban hành các chính sách mới nhằm giảm tác động của chính sách lên các HST và dịch vụ HST (Daily và cộng sự, 2009).      Đề xuất lồng ghép dịch vụ HST vào công tác quản lý và bảo tồn ĐNN      Tại Việt Nam, các quy định về quản lý và bảo tồn ĐNN đều được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật về ĐNN, hoặc văn bản liên quan và được xây dựng dựa theo các định hướng, chiến lược, kế hoạch chung về BVMT, phát triển bền vững của Đảng và Nhà nước như Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21) và Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Các văn bản trên đã nêu rõ sự cần thiết phải bảo tồn và phát huy các giá trị của HST tự nhiên nói chung và HST ĐNN nói riêng. Đây là những cơ sở quan trọng để lồng ghép dịch vụ HST vào công tác quản lý và bảo tồn ĐNN nhằm phát huy những giá trị to lớn từ dịch vụ HST ĐNN.      Các dịch vụ HST của ĐNN có thể lồng ghép theo từng giai đoạn của quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Theo đó, cần xác định mối liên hệ giữa dịch vụ HST với các chỉ tiêu phát triển của quy hoạch/kế hoạch, phân tích các tác động của quy hoạch/kế hoạch đến các HST và khả năng cung cấp các dịch vụ HST. Đồng thời, xác định các khu vực sinh thái cụ thể có tính nhạy cảm, hoặc đang bị ảnh hưởng tiêu cực do tác động của quy hoạch/kế hoạch. Các thông tin về hiện trạng HST và dịch vụ HST có thể sử dụng trong quá trình xây dựng quy hoạch/kế hoạch, trong đó nhấn mạnh đến việc giảm tác động của các phương án phát triển của quy hoạch/kế hoạch đối với các HST và dịch vụ do HST cung cấp. Ngoài ra, các phương án phát triển của quy hoạch/kế hoạch cần xem xét đến việc đạt được các mục tiêu phát triển, cũng như các mục tiêu duy trì khả năng cung cấp các dịch vụ của HST. Các tiêu chí về sử dụng bền vững và bảo tồn các HST cần xem xét như một tiêu chí quan trọng bên cạnh các tiêu chí khác để lựa chọn phương án phát triển.      Bên cạnh đó, có thể áp dụng công cụ đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) để lồng ghép các thông tin về dịch vụ HST vào quá trình ra quyết định mang tính chiến lược. Thông qua việc triển khai ĐMC, tác động của các lựa chọn lên các HST và dịch vụ HST có thể được xem xét trong giai đoạn sớm nhất của quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của quốc gia. Các dịch vụ HST có thể là những chỉ số thích hợp để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch đến hiện trạng môi trường (là cơ sở cung cấp nguồn vốn tự nhiên).   Kim Thị Thúy Ngọc Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 6/2014  
Ý kiến của bạn