Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Khuyến khích người dân tham gia bảo vệ môi trường

15/09/2015

       Theo ông Koos Neefjes, chuyên gia tư vấn chính sách cao cấp về biến đổi khí hậu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, việc đề cao vai trò của người dân và các tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong việc giám sát, BVMT trong các quy định của pháp luật sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững quốc gia.      BVMT là một thành tố quan trọng của phát triển bền vững. Ông đánh giá như thế nào về việc thực thi pháp luật về BVMT ở Việt Nam?      Ông Koos Neefjes: Đa số mọi người đâều nhận xét rằng, việc thực thi Luật BVMT có hiệu quả luôn là một thách thức. Kể từ khi Luật BVMT hiện hành được thông qua vào năm 2005, lực lượng cảnh sát môi trường đã được thành lập.   Người dân và cộng đồng cần được thông tin, giám sát các hoạt động liên quan đến môi trường của tất cả doanh nghiệp        Đây là một bước tiến lớn trong công tác BVMT ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm sao phải thu hút được những người dân bình thường tham gia BVMT để việc thực hiện Luật BVMT có hiệu quả.      Việt Nam có khẩu hiệu chính trị rất quan trọng về dân chủ cơ sở là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.      Tôi cho rằng, khẩu hiệu này cần được áp dụng triệt để hơn trong việc thực thi Luật BVMT, bởi hiện nay trên thực tế mới chỉ thể hiện được một phần.      Hiện Quốc hội đang xem xét Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi), và quản lý môi trường cũng sẽ là một chủ đề kỹ thuật được thảo luận tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam 2013. Ông có nhận xét gì về những dự thảo quy định mới liên quan đến vai trò người dân cũng như các tổ chức xã hội trong việc giám sát BVMT?      Ông Koos Neefjes: Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) chủ yếu quy định nghĩa vụ của các cơ quan chức năng trong việc tham vấn cộng đồng, như Điều 15 và 16 về đánh giá báo cáo tác động môi trường chẳng hạn. Tuy nhiên, người dân bình thường và các cộng đồng dân cư cần có quyền được thông tin, thảo luận, thực hiện và giám sát các hoạt động liên quan đến môi trường của tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt quy mô, kể cả các doanh nghiệp nhà nước.   Ông Koos Neefjes, chuyên gia tư vấn chính sách cao cấp về biến đổi khí hậu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam        Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) có đưa ra một số quy định liên quan đến thông tin và tham vấn, nằm rải rác ở các điều khác nhau. Và tinh thần của khẩu hiệu trên được thể hiện ở Chương 14 (các Điều 131, 132 và 133) với việc xác định quyền và nghĩa vụ của các tổ chức chính trị - xã hội và nghề nghiệp.      Đây là các tổ chức hội viên và là những đơn vị trung gian quan trọng. Điều 133 đề cập các quyền và nghĩa vụ của “cộng đồng dân cư”.      Tuy nhiên, Chương 14 rất chung chung, quy định không rõ ràng về việc liệu rằng, một đơn vị hành chính cấp xã hay cấp huyện của một tổ chức quần chúng có thể tự ra quyết định, hay chỉ được quyền ra quyết định khi có sự đồng ý của các cơ quan trung ương.      Chương này cũng không định nghĩa rõ ràng “cộng đồng dân cư” là gì, liệu có thể là bất kể công dân nào, một nhóm người không chính thức hay là một câu lạc bộ hay không? Hay cộng đồng dân cư này được giới hạn đến lãnh đạo xã và các khu vực lân cận có tổ chức, hoặc các thôn nằm bên trong các phường dân cư ở thành phố và các xã ở khu vực nông thôn?      Các điều được quy định trong Chương 14 cũng không làm rõ được mối liên hệ đối với các công cụ chính sách như đánh giá tác động môi trường hay đánh giá môi trường chiến lược. Đồng thời, Chương 14 cũng chưa làm rõ các quyền của các tổ chức chính trị - xã hội và nghề nghiệp và các nhóm công dân trong việc được thông tin cũng như tham gia các giai đoạn khác nhau của việc thực hiện các công cụ này.      Vậy các quy định mới nên được thể hiện như thế nào để thực thi có hiệu quả?      Ông Koos Neefjes: Ở Việt Nam hiện nay, các tổ chức quần chúng ở tất cả các cấp,  từ trung ương đến địa phương và các nhóm công dân hay các nhà nghiên cứu khó có thể tiếp cận được các dự thảo báo cáo đánh giá tác động môi trường và thậm chí cả các bản báo cáo đã được phê duyệt.      Nếu việc tiếp cận các báo cáo đó được nêu rõ ràng như là quyền của các tổ chức này, thì các “chủ dự án” phải công bố các báo này khi được yêu cầu, hoặc phải công khai các báo cáo này trên trang tin điện tử của mình, để các nhóm dân cư có thể giám sát xem các biện pháp nêu trong báo cáo đã thực sự được thực hiện chưa. Luật BVMT sửa đổi nên quy định quyền của các tổ chức này và tạo điều kiện cho họ biết rõ hơn, thảo luận hiệu quả hơn và giám sát tốt hơn. Nói cách khác, tôi cho rằng, Luật có thể quy định rõ hơn các quyền và nghĩa vụ của người dân, các nhóm cộng đồng dân cư không chính thức và các tổ chức chính trị - xã hội.      Luật thường mang tính bao quát và các quy định cụ thể thường được đưa ra trong các văn bản dưới luật. Tuy nhiên, Luật BVMT có thể rõ ràng hơn trong việc giải thích, chẳng hạn như các quyền tiếp cận các loại hình thông tin cụ thể; các quyền được tham vấn của các nhóm công dân về các giai đoạn cụ thể của các công cụ chính sách như đánh giá tác động môi trường; và các quyền giám sát môi trường đối với các loại hình dự án đầu tư và các cơ sở kinh doanh.      Quyền khởi kiện các đối tượng vi phạm môi trường là một công cụ để người dân giám sát bảo vệ môi trường hiệu quả. Tuy nhiên, trong những năm qua, rất nhiều vụ xâm hại môi trường đã xảy ra, nhưng người dân hầu như không khởi kiện các đối tượng này. Vậy theo ông, để quy định này được thực hiện hiệu quả, thì điều gì là quan trọng nhất?      Ông Koos Neefjes: Tôi cho rằng, về khía cạnh này, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đã tỏ ra cứng rắn hơn so với luật hiện hành. Nhưng Dự thảo vẫn có thể quy định rõ ràng và chính xác hơn. Điều 4.5 và Điều 158 của Chương 18 về bồi thường thiệt hại và phục hồi môi trường đã thể hiện nguyên tắc đối tượng gây ô nhiễm phải đền bù thiệt hại.      Theo đó, “tổ chức, cá nhân đã gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho môi trường làm ảnh hưởng xấu lâu dài tới môi trường và sức khỏe của con người, thì tùy theo mức độ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phục hồi môi trường theo quy định của Chính phủ”. Các điều 154, 155 và 156 xác định các thành phần môi trường bị suy giảm và ai sẽ chịu trách nhiệm giám định các thiệt hại về môi trường.      Tuy nhiên, có vẻ như, các hộ gia đình rất khó giám định và làm các bản đánh giá về các thiệt hại như vậy, cũng như sử dụng các bản đánh giá này để thưa kiện thành công, đặc biệt trong trường hợp họ không có nhiều tiền, thời gian và kiến thức về khoa học và pháp lý bị hạn chế.      Nói cách khác, giá như các nhóm cộng đồng dân cư và các tổ chức chính trị - xã hội và nghề nghiệp có đủ nguồn lực tài chính và nhân lực và giá như họ có thể giúp người dân địa phương trong việc làm các bản đánh giá và giám định thiệt hại, cũng như theo đuổi kiện tụng, thì việc đền bù thiệt hại mới có cơ may thành công.      Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đã không quy định bất cứ nguồn hỗ trợ tài chính hay hỗ trợ khác đối với các nhóm dân cư và các tổ chức chính trị - xã hội và nghề nghiệp. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, một quỹ hỗ trợ pháp lý cần được xây dựng, nhằm giúp người dân khởi kiện mạnh mẽ hơn và nguyên tắc đối tượng gây ô nhiễm phải đền bù thiệt hại sẽ được áp dụng hiệu quả hơn.      Theo ông, cần có thêm những quy định gì nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của môi trường, Chính phủ, người dân và doanh nghiệp?      Ông Koos Neefjes: Luật BVMT (sửa đổi) đã quy định nhiều trách nhiệm của các cơ quan chức năng cấp trung ương và địa phương. Tuy nhiên, tôi thấy khá ngạc nhiên rằng, vì sao lại không có quy định nào đối với cảnh sát môi trường. Do vậy, tôi chỉ giả dụ rằng, trách nhiệm của cảnh sát môi trường được quy định trong một bộ luật hay quy định khác. Nhưng tôi đề nghị, Luật BVMT mới cần xem xét lại và tăng cường làm rõ vấn đề này, và cũng nên bao gồm thêm một số điều khoản liên quan.      Các hoạt động BVMT được quy định rõ trong nhiều điều của Luật, với nhiều loại hình hoạt động cụ thể, bao gồm thương mại và dịch vụ, làng nghề và giao thông, khai thác khoáng sản, khu công nghiệp và bệnh viện. Tuy nhiên, một số loại hình kinh doanh có các tác động môi trường đáng kể lại dường như không được tính đến, bao gồm các doanh nghiệp quy mô lớn không nằm trong các khu công nghiệp như các nhà máy sản xuất giấy, chế biến đường, kim loại và phân bón.      Có lẽ các loại hình kinh doanh này được gộp vào Điều 46 rất chung chung về “Bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”. Nhưng tôi lại cho rằng, các loại hình kinh doanh này xứng đáng được xem xét một cách rõ ràng.      Ngoài ra, các nhà máy điện sử dụng than và các loại nhiên liệu hóa thạch khác, các nhà máy thủy điện có các tác động và rủi ro lớn về môi trường và các dự án hóa dầu bao gồm khai thác dầu khí đang hoạt động… cũng không được đề cập một cách cụ thể trong dự thảo mới này. Tôi cho rằng, dự thảo mới nên đề cập các hoạt động kinh doanh trên, nhằm nâng cao tính thực thi của luật.      So với luật hiện hành, Dự thảo Luật BVMT mới cũng đã cố gắng đưa ra quy định cụ thể hơn về các quyền và nghĩa vụ liên quan đến biến đổi khí hậu. Tuy vậy, Dự thảo vẫn chưa nêu rõ và toàn diện các chính sách mà Việt Nam đã có liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bao gồm các hành động đã được thống nhất theo các điều ước quốc tế như Hiệp ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.      Ở một vài điểm, Dự thảo vẫn nhầm lẫn giữa thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu phát thải. Đây là hai biện pháp hoàn toàn khác biệt. Chẳng hạn, sẽ là phù hợp hơn nếu nội dung tiêu đề của Chương 3 và Điều 26 là về “ứng phó với biến đổi khí hậu”, thay vì “thích ứng với biến đổi khí hậu” như hiện nay, bởi vì cả thích ứng và giảm thiểu đều nên được xem xét trong bảo vệ môi trường, sản xuất năng lượng, tiêu thụ và sản xuất bền vững và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tất cả những vấn đề này đều là chủ đề chính của các điều trong chương 3 này.      Tuy nhiên, như tôi đã giải thích ở trên, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đã là một bước tiến  ở một số điểm so với Luật hiện hành. Tôi hy vọng rằng, Dự thảo này sẽ được bàn thảo và biên soạn kỹ lưỡng hơn nữa để tạo ra một luật BVMT thực sự có hiệu quả.   Theo baodautu.vn  
Ý kiến của bạn