Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Dịch tễ học môi trường - phương pháp tiếp cận khoa học trong đánh giá rủi ro của hóa chất độc hại

15/09/2015

   Trong những năm 1960 của thế kỷ XX, với tốc độ phát triển kinh tế nhanh, Nhật Bản đã trải qua tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, kéo theo những thiệt hại về sức khỏe con người, với các bệnh như: Minamata, Niigata-Minamata, Itai-Itai và hen suyễn Yokkaichi. Bốn căn bệnh nguy hiểm này là do người dân bị nhiễm độc cadmium, thủy ngân, chì, hóa chất do các nhà máy trong vùng thải ra gây ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, nhiều nhà khoa học Nhật Bản đã tiến hành các nghiên cứu về đánh giá rủi ro từ hóa chất và sức khỏe môi trường (SKMT) trong những năm qua.Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với TS.Shoji F.Nakayama - Viện nghiên cứu môi trường quốc gia Nhật Bản về dịch tễ học môi trường và đánh giá rủi ro của các hóa chất độc hại trong môi trường. TS. Shoji F.Nakayama    Xin ông cho biết về khái niệm dịch tễ học môi trường và ý nghĩa của việc nghiên cứu dịch tễ học môi trường, cũng như đánh giá rủi ro, mức độ phơi nhiễm các hóa chất độc hại đối với môi trường và sức khỏe con người?    TS. Shoji F.Nakayama: Muốn biết về dịch tễ học môi trường, trước hết phải hiểu về SKMT. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), SKMT là một trong những thành phần chính của y tế công cộng nhằm giải quyết tất cả các yếu tố vật lý, sinh học, xã hội, văn hóa, hoặc bất cứ những gì có thể ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của con người. Quản lý SKMT giúp đánh giá và kiểm soát các yếu tố môi trường có khả năng gây hại cho sức khỏe con người như ô nhiễm nước, không khí, đất, chất thải y tế, hóa chất...    Dịch tễ học là một trong những công cụ quan trọng được sử dụng trong quản lý SKMT để xác định những yếu tố nguy cơ của bệnh, phát triển và tối ưu hóa phương thức điều trị của y học lâm sàng, cung cấp thông tin cần thiết để thiết lập các ưu tiên cho hoạt động dự phòng. Dịch tễ học được định nghĩa là: “nghiên cứu sự phân bố và các yếu tố quyết định tình trạng hoặc các sự kiện liên quan đến sức khỏe trong một nhóm dân số và ứng dụng các nghiên cứu này để kiểm soát các vấn đề sức khỏe”. Trong đó, dịch tễ học môi trường là một nhánh của dịch tễ học, nghiên cứu mối quan hệ giữa phơi nhiễm môi trường và sức khỏe con người. Bằng cách ứng dụng các phương pháp toán học và thống kê, dịch tễ học môi trường kết hợp các thông tin về phơi nhiễm và tác động đến sức khỏe con người, cũng như các lĩnh vực khác (độc chất học, hóa học, sinh thái học, sinh học phân tử, y học lâm sàng, khí tượng học, vật lý học …). Các nghiên cứu dịch tễ học môi trường cũng không thể bỏ qua các yếu tố phơi nhiễm khác như khói thuốc, chế độ ăn, nguồn thực phẩm hoặc những yếu tố bên ngoài không liên quan trực tiếp đến môi trường.    Việc nghiên cứu về dịch tễ học môi trường và đánh giá mức độ phơi nhiễm môi trường, trong đó có các hóa chất độc hại đối với con người có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề SKMT. Nó không chỉ cung cấp các thông tin cần thiết để làm bằng chứng về tác động của hóa chất lên sức khỏe con người, mà còn giúp đánh giá mức độ phơi nhiễm các hóa chất đó, mối liên kết giữa ô nhiễm hóa chất với tỷ lệ bệnh tật trong một nhóm dân số chịu tác động bởi tình trạng ô nhiễm, từ đó thiết lập những hoạt động ưu tiên cho công tác dự phòng, bảo vệ con người khỏi các mối nguy hại từ môi trường.    Ông có thể cho biết nghiên cứu điển hình về dịch tễ học môi trường tại Nhật Bản mà ông và các cộng sự thực hiện?    TS. Shoji F.Nakayama: Vào năm 2006, WHO đã công bố một báo cáo cho thấy, 40% số trẻ em bị chết được cho là có liên quan đến ô nhiễm môi trường. Nhận thức được tầm quan trọng của SKMT đối với trẻ em, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu về dịch tễ học môi trường. Tại Nhật Bản, Hội đồng Tư vấn về SKMT của trẻ em thuộc Bộ Môi trường Nhật Bản (MOE) đã đề xuất một nghiên cứu với quy mô quốc gia nhằm đánh giá ảnh hưởng của hóa chất độc hại đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ em. Tháng 4/2008, nhóm nghiên cứu về dịch tễ học với SKMT của trẻ em đã được hình thành và bắt đầu đánh giá về dịch tễ học một cách hệ thống, cũng như mối liên quan đến tác động sức khỏe con người do phơi nhiễm hóa học. Với sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, năm 2011, nhóm nghiên cứu đã bắt đầu tiến hành một chương trình nghiên cứu trên phạm vi toàn quốc, với tên gọi “Môi trường Nhật Bản và sức khỏe trẻ em”, gọi tắt là JECS. Chương trình nghiên cứu đặt ra mục tiêu tổng thể là làm sáng tỏ các yếu tố môi trường có ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ em, nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách thiết kế chiến lược quản lý rủi ro hóa chất tốt hơn. Từ năm 2011 đến tháng 3/2014, Chương trình đã lựa chọn 100.000 phụ nữ mang thai ở nhiều địa phương của Nhật Bản để thực hiện nghiên cứu. Để đảm bảo tính khái quát, nghiên cứu đã chọn những phụ nữ đến từ nhiều ngành nghề, khu vực địa lý khác nhau, từ thành thị, ngoại thành đến nông thôn, từ lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản đến thương mại và công nghiệp.    Chúng tôi tiến hành nghiên cứu trong quá trình những phụ nữ đó mang thai, khi các em bé được sinh ra và lớn lên cho đến năm 13 tuổi. Thông qua phiếu điều tra bảng hỏi được gửi tới các bà mẹ và em bé 6 tháng một lần, chúng tôi đánh giá được mức độ tiếp xúc với các yếu tố môi trường. Mỗi câu hỏi được thiết kế để thu thập thông tin về việc tiếp xúc hóa chất như sử dụng dung môi hữu cơ, dầu hỏa, thuốc trừ sâu, chất diệt khuẩn, kim loại nặng, thuốc chống ung thư, ma tuý, sơn, thuốc nhuộm tóc, mực máy in; tiếp xúc với tiếng ồn, độ rung, độ cao và bụi. Các nội dung ưu tiên trong bảng hỏi bao gồm các biến chứng sinh sản, dị tật bẩm sinh, rối loạn thần kinh, rối loạn hệ miễn dịch, hệ thống nội tiết… Ngoài ra, các yếu tố di truyền, tình trạng kinh tế -xã hội và lối sống cũng được xem xét trong nghiên cứu.    Cùng với đó, chúng tôi lấy mẫu sinh học của các bà mẹ (thậm chí mẫu của những ông bố nếu cần) và các em bé, gồm mẫu máu, cuống rốn, nước tiểu, sữa mẹ và tóc rồi phân tích để xem xét mức độ phơi nhiễm kim loại nặng, hóa chất độc hại, những ảnh hưởng lên sự trao đổi chất do phơi nhiễm hóa chất, hoặc nicôtin qua khói thuốc lá và cả những vấn đề liên quan đến bệnh nghề nghiệp. Qua kết quả phân tích các mẫu đó, chúng tôi sẽ tính toán được những rủi ro là như thế nào, hàm lượng, ngưỡng tối thiểu, tối đa là bao nhiêu, sau đó, tìm ra nguồn gốc của những rủi ro do các hóa chất đó và xây dựng các ngưỡng chuẩn để đưa ra khuyến cáo.    Bên cạnh việc phân tích mẫu, chúng tôi còn tiến hành các phương pháp đo lường không khí môi trường trong gia đình để xác định các chất ô nhiễm không khí trong nhà, bao gồm cả những hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, anđêhít, ôxít nitơ và các hạt bụi (PM2.5), đồng thời theo dõi mức độ ồn, các thông số vật lý khác như nhiệt độ và độ ẩm, kết hợp với thông tin dữ liệu từ 1.500 trạm quan trắc không khí của các địa phương và khoảng 500 trạm quan trắc không khí ven đường trên khắp Nhật Bản. Tất cả dữ liệu thu thập được duy trì bởi một hệ thống quản lý dữ liệu (DMS) của Trung tâm Quan trắc Quốc gia.    Nghiên cứu kéo dài từ năm 2014 cho đến năm 2032, 5 năm sau khi các em bé tham gia được 13 tuổi, thậm chí có thể mở rộng sau năm 2032 để tiếp tục kiểm tra sức khỏe của các em ở tuổi vị thành niên. Mặc dù, nghiên cứu mới được tiến hành nhưng những số liệu ban đầu cho thấy, có sự phơi nhiễm rõ ràng trong trẻ em, vì thế, cần sự phối hợp của nhiều ngành từ môi trường, y tế, dịch tễ học, hóa chất… để có đánh giá cụ thể, chính xác về rủi ro của hóa chất trong môi trường đối với sức khỏe trẻ em. Nạn nhân bị mắc bệnh Minamata do nhiễm độc thủy ngân của Công ty hóa chất Chisso thải vào vịnh Minamata trong những năm 1960    Chính phủ Nhật Bản đã có những chính sách gì để đối phó với những thách thức đến từ hóa chất, thưa ông?    TS. Shoji F.Nakayama: Nhận thức được những tác hại của hóa chất độc hại đối với sức khỏe con người, những năm qua, Chính phủ Nhật Bản có nhiều chính sách khác nhau để quản lý, kiểm soát rủi ro môi trường từ hóa chất độc hại và bảo vệ sức khỏe người dân, cụ thể như Luật Kiểm soát ô nhiễm không khí, Luật Kiểm soát ô nhiễm nước và đặc biệt là Luật Kiểm soát hóa chất (KSHC). Luật KSHC được ban hành vào năm 1974, sau đó được sửa đổi, bổ sung vào năm 2009. Luật KSHC có những quy định đối với các sản phẩm hóa chất công nghiệp tổng hợp, bao gồm hóa chất mới và hóa chất hiện có; Thực phẩm hoặc phụ gia thức ăn, dược phẩm, mỹ phẩm, hóa chất nông nghiệp, phân bón... Dựa trên Luật KSHC, Chính phủ tiến hành đánh giá các hóa chất mới được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu vào Nhật Bản để nắm được sự phân hủy, tích lũy sinh học, cũng như tác hại của chúng đối với sức khỏe con người và sinh vật sống. Có khoảng 400 hóa chất mới được thông báo mỗi năm. Đối với hóa chất hiện có được sản xuất hoặc nhập khẩu trước khi Luật KSHC có hiệu lực (ngày 1/4/2011), các Bộ đã phối hợp với các ngành công nghiệp thúc đẩy Chương trình Thách thức Nhật Bản. Trong Chương trình, các nhà kinh doanh hóa chất tự nguyện thu thập những thông tin an toàn về hóa chất hiện có và báo cáo lên Chính phủ.    Song song với đó, Chính phủ Nhật Bản thiết lập một hệ thống quan trắc môi trường quốc gia để giám sát, theo dõi các hóa chất có trong môi trường. Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Môi trường triển khai các cuộc khảo sát có hệ thống về hóa chất trong môi trường. Trong quá trình khảo sát, Bộ đã cải tiến phương pháp phân tích để đo lường các chất hóa học mới và theo dõi chặt chẽ nồng độ của hóa chất đó, sau đó đo nồng độ của các chất trong không khí, nước, đất và sinh vật sống. Đồng thời, tính toán sự phân bố địa lý của nồng độ hóa chất và thực hiện một dự án lưu trữ mẫu hóa chất có trong môi trường để phục vụ công tác quản lý môi trường. Đến nay, tổng cộng có khoảng 800 hóa chất khác nhau đã được khảo sát.    Ngoài ra, Nhật Bản cũng rất chú trọng tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác quản lý, đánh giá rủi ro hóa chất.Thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, Nhật Bản đã nỗ lực loại bỏ và giảm thiểu tác hại đến môi trường của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs) như PCB, DDT và dioxin.Bên cạnh đó, Bộ Môi trường Nhật Bản cũng tiến hành đánh giá một cách khoa học về những rủi ro môi trường của các hóa chất (đánh giá rủi ro môi trường). Căn cứ vào kết quả đánh giá này, Bộ Môi trường sẽ thúc đẩy các chính sách để giảm thiểu các nguy cơ lên môi trường. Theo đó, Bộ Môi trường đã đưa ra một hệ thống đăng ký các chất ô nhiễm (PRTR) và yêu cầu các doanh nghiệp có liên quan phải ước tính, đăng ký khối lượng hóa chất độc hại thải ra môi trường.    Đặc biệt, để quản lý an toàn và hiệu quả các hóa chất, Chính phủ Nhật Bản đã đẩy mạnh công tác truyền thông về rủi ro môi trường của các hóa chất độc hại đến doanh nghiệp trong ngành công nghiệp, cơ quan quản lý, chính quyền và người dân. Trong trường hợp sự cố môi trường xảy ra, Chính phủ có những chính sách bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm hóa chất theo quy định của Luật Bồi thường thiệt hại ô nhiễm liên quan đến sức khỏe (còn gọi là Luật Bồi thường). Đồng thời, Chính phủ thực hiện các dự án nhằm phòng ngừa những tổn hại đến sức khỏe con người do ô nhiễm có liên quan hóa chất.    Xin chân thành cảm ơn ông! P. Linh (Thực hiện) (Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7 - 2015)
Ý kiến của bạn