Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Ô nhiễm tại làng tái chế chì Đông Mai đã ở mức báo động đỏ

15/09/2015

     Nghề tái chế chì Đông Mai, thuộc xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên đã xuất hiện cách đây 40 năm và phát triển mạnh vào những năm 1990. Thời kỳ cao điểm, cả thôn có trên 100 hộ làm nghề thu gom, phá dỡ bình ắc quy và tái chế chì. Công việc tái chế chì được tiến hành ngay trong khu dân cư và xả thải ra môi trường một lượng lớn a xít, gây ô nhiễm môi trường đất và nguồn nước ngầm. Ngoài ra hoạt động nấu các lá chì cũ để tái chế cũng phát thải khói bụi độc hại làm ô nhiễm nguồn không khí.      Kết quả khảo sát của các cơ quan chức năng cho thấy, hàm lượng chì trong môi trường đất tại xã Chỉ Đạo trung bình là 398,72 mg/kg (cao gấp 9 lần), trong môi trường nước mặt cao gấp từ 50 đến 60 lần và trong không khí từ 26,332 mg/m3 - 46,414 mg/m3 (cao gấp 4.600) so với tiêu chuẩn cho phép. Do bề mặt nước bị ô nhiễm, một số thực vật cũng bị ảnh hưởng xấu, bèo tích lũy chì tới 430,35 mg/kg; rau muống từ 168,15 - 430,35 mg/kg… Mới đây, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) và Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã phối hợp với Trung tâm y tế huyện Văn Lâm tiến hành xét nghiệm nồng độ chì trong máu cho người dân Đông Mai. Kết quả bước đầu cho thấy, tcó tới 207/335 trẻ em được xét nghiệm (chiếm 65,3%) bị ngộ độc chì, trong đó có 33 trẻ em có lượng chì trong máu cao trên 70mg/dl cần phải được điều trị thải độc chì khẩn cấp.       Theo phản ảnh của người dân xã Chỉ Đạo, do bị nhiễm độc từ nước và khí thải của chì, thôn Đông Mai có hơn 80% số người bị mắc bệnh, trong đó có 50% bị đường ruột, tá tràng, đau dạ dày; 30% mắc các bệnh về đường hô hấp, đau mắt; 100% số người trực tiếp nấu chì đều bị nhiễm độc chì trong máu.  Xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề tái chế chì Đông Mai vẫn là bài toán nan giải      Trước tình trạng trên, tỉnh Hưng Yên đã có nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường và nhiễm độc chì như thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không hoạt động tái chế chì và chuyển đổi sang nghề khác... Từ năm 2006, UBND tỉnh cũng đã có quyết định đình chỉ các hoạt động tái chế chì thủ công. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng đã thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất; phạt hành chính và cưỡng chế, yêu cầu tháo dỡ lò thủ công đối với 7 hộ vi phạm; phạt Công ty Đông Mai 400 triệu đồng... Tuy nhiên, tình trạng sản xuất chì trong khu dân cư vẫn còn tiếp diễn và hiện tại, thôn Đông Mai vẫn còn 13 hộ sản xuất tái chế chì.       Mới đây, UBND tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo các ngành TN&MT, công thương, khoa học và công nghệ tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp cấp bách như: Khẩn trương di dời 13 hộ dân đang sản xuất, tái chế chì xen lẫn trong khu dân cư chuyển ra cụm công nghiệp làng nghề; Di chuyển toàn bộ chất thải rắn nguy hại còn tồn đọng trong khu dân cư; Tăng cường công tác kiểm tra giám sát quy trình tái chế chì, kiểm soát tác động môi trường của các cơ sở sản xuất tái chế chì; Có kế hoạch để cải tạo môi trường đất, nước, không khí tại làng nghề.       Tỉnh đã quy hoạch và bố trí đất xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề xã Chỉ Đạo với tổng diện tích 21 ha và giao cho huyện Văn Lâm kêu gọi đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đưa các hộ làm nghề tái chế chì ra hoạt động tập trung.      Tuy nhiên, theo người dân xã Chỉ Đạo, những biện pháp trên của tỉnh Hưng Yên chưa đủ mạnh, bởi sau hơn 40 năm làng nghề này hoạt động, trong lòng đất vẫn hiện hữu hàng trăm tấn phế thải chôn vùi tầng tầng lớp lớp nên chất độc đã ngấm sâu và lan rộng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe người dân. Do vậy, rất cần có sự vào cuộc của các Bộ, ngành trung ương để hỗ trợ về nhân lực cũng như thiết bị trong việc tẩy độc chì cho người dân. Về môi trường đất và nước ngầm, cần có sự hỗ trợ về công nghệ để xử lý triệt để sự ô nhiễm chất độc hại còn tồn đọng từ phế thải của chì sau nhiều năm qua. Cụm công nghiệp làng nghề xã Chỉ Đạo hiện cần phải có hệ thống xử lý nước thải, khí thải nhằm giảm thiểu phát thải mới gây ô nhiễm môi trường trong khu vực.   Gia Linh
Ý kiến của bạn