Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Ô nhiễm môi trường do khai thác khoáng sản

11/02/2014

     Cử tri và người dân xã Ngọc Minh (huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang) đã nhiều lần kiến nghị về tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương do các công ty khai thác khoáng sản tại xã không thực hiện đúng quy định về đánh giá tác động môi trường, không trú trọng công tác xử lý nước thải. Nguồn nước thải độc hại và tình trạng sụt lún, bùn đất đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân.

      Hiện nay, tại xã Ngọc Minh có 9 công ty khai thác khoáng sản tại 9 điểm mỏ được ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép. Trong đó có 4 điểm mỏ đã được đầu tư xây dựng cơ bản và đi vào khai thác, chế biến khoáng sản, gồm: Công ty TNHH Tường Phong khai thác mỏ Mangan Bản Sám; Công ty Cổ phần Cao nguyên đá - mỏ Mangan Bản Sám 2; Công ty Cổ phần Việt Bắc mỏ Mangan thôn Tân Bình; Công ty Cổ phần Thiên Hàm mỏ Mangan thôn Tân Bình. Hiện còn 5 doanh nghiệp chưa hoàn thiện thủ tục để được hoạt động tại đây.

 

Tại những điểm khai thác khoáng sản, tình trạng sụt lún bùn đất thường xuyên xảy ra

 

     Hầu hết các công ty này đều chưa chú ý hoặc cố tình lờ đi phần giải quyết và xử lý nguồn nước thải, chất thải khiến ô nhiễm môi trường nước, bùn thải làm ảnh hưởng đến đất sản xuất, thay đổi dòng chảy các con suối gây tác hại không nhỏ đến sinh hoạt và đời sống của người dân. Đã nhiều lần các đoàn giám sát của HĐND tỉnh, các đoàn kiểm tra liên ngành và người dân đã nhiều lần kiến nghị trong các đợt tiếp xúc cử tri đề nghị giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nhưng vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”. Ông Đặng Văn Sỹ, thôn Tân Bình cho biết: “Đã rất nhiều lần người dân kiến nghị các ngành chức năng của huyện của tỉnh yêu cầu các công ty khoáng sản giải quyết những vấn đề ô nhiễm môi trường nhưng không thấy được giải quyết, khiến người dân rất bức xúc”.

     Ông Lý Tiến Định - Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Minh cho hay: Trong 3 năm trở lại đây, xã Ngọc Minh luôn là điểm nóng về ô nhiễm môi trường do các nhà máy khai thác, chế biến khoáng sản gây ra. Thời gian vừa qua, trên địa bàn xã còn xảy ra tình trạng khai thác vàng trái phép tại thôn Toòng, cũng vừa mới được giải tỏa.

     Có chứng kiến những dòng nước thải xối xả từ nhà máy tuyển quặng Mangan của công ty TNHH Tường Phong, mới thấy được mức độ hủy hoại môi trường và những hệ lụy của nước thải trong việc chế biến khoáng sản có tác động không nhỏ đối với môi trường xung quanh khu vực nhà máy và phía hạ lưu. Công ty TNHH Tường Phong đang khai thác quặng thô Mangan tại địa bàn thôn Bản Sám xã Ngọc Minh và xây dựng nhà máy ngay trên đỉnh núi đầu nguồn nước. Ghi nhận tại hiện trường tại nhà máy tuyển quặng, thì lượng nước thải chưa qua xử lý được chuyển qua 3 ao nước mà lãnh đạo công ty cho rằng đó là bể lắng, việc xả thải như thế này chưa thực hiện theo thiết kế của dự án.

 

Khai thác khoáng sản bừa bãi là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước

 

     Dòng nước đục chảy xối xả vào ao lắng và không thể xác định được mức độ ô nhiễm nguồn nước đối với dòng suối Sảo kề bên ra sao. Theo lãnh đạo phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vị Xuyên, công ty này cũng đã nhiều lần bị phạt hành chính vì chưa xử lý dứt điểm về môi trường. Tháng 11/2003, các ngành chức năng gồm UBND tỉnh, Sở TN&MT, Sở Công Thương, Khoa học công nghệ đã tiến hành kiểm tra và yêu cầu công ty khắc phục và xử lý nạo vét bùn cát, xử lý hệ thống nước thải, đến nay công ty đã có động thái khắc phục như: ngăn dòng nước thải, uốn dòng suối Sảo, nạo vét bùn đất. Thừa nhận những sai sót trong việc xử lý nước thải của nhà máy, ông Phan Mạnh Dũng, Phó giám đốc Công ty TNHH Tường Phong hồn nhiên trả lời: Việc khai thác này thì ở đâu cũng thế, vấn đề ô nhiễm là không thể tránh khỏi!

     Cũng như Công ty TNHH Tường Phong, Công ty Cổ phần đầu tư Cao nguyên đá hiện đang khai thác và tuyển quặng tại mỏ Mangan Bản Sám 2. Công ty này cũng đã được các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra nhiều lần và các sai phạm chủ yếu là chưa hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải, nước thải theo thiết kế. Hiện nay công ty Cao nguyên đá đang thi công ì ạch hệ thống ao xả thải và chứa nước thải theo kiểu “tiếp thu rồi bỏ đấy”.

     Những sai phạm chủ yếu của Công ty cổ phần Cao nguyên đá là xả thải nguồn nước của nhà máy chưa qua xử lý ra môi trường, chưa hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường. Lượng bùn đất xả thải ra dòng suối làm ảnh hưởng đến sản xuất, đất canh tác của người dân.

      Sở TN&MT Hà Giang đã có văn bản đôn đốc, kiểm tra và yêu cầu các công ty thực hiện cam kết theo đúng thiết kế dự án. Nhưng, tình trạng vừa khai thác, vừa hoàn thiện thủ tục đều diễn ra ở hầu hết các công ty đang hoạt động khai thác khoáng sản tại xã Ngọc Minh.

     Những bức xúc kiến nghị của cử tri xã Ngọc Minh về tình trạng ô nhiễm môi trường, rất cần được các ngành chức năng tiến hành thanh kiểm tra, xử lý đơn vị sai phạm và đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các cam kết về môi trường, đồng thời sớm khẩn trương khắc phục hậu quả của việc ô nhiễm. Việc khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp tại xã Ngọc Minh đã và đang ảnh hưởng ít nhiều đến sản xuất, đời sống của người dân. Với trách nhiệm sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp cần đầu tư thích đáng để hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải, nước thải theo quy định nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường.

 

Theo Báo Tin Tức 

 

       

 

Ý kiến của bạn