Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 25/12/2024

Ưu tiên thực hiện kinh tế tuần hoàn để tạo động lực tăng trưởng mới

24/12/2024

    Ngày 23/12/2024, tại trụ sở Bộ TN&MT, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy đã nghe báo cáo về tình hình xây dựng Dự thảo ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; Dự thảo ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035. Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Trần Quý Kiên; lãnh đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ.

Quang cảnh cuộc họp

    Về quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, báo cáo tại cuộc họp, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT Nguyễn Đình Thọ cho biết, để có căn cứ đầy đủ về pháp lý và kỹ thuật trong việc xác định các hoạt động sản xuất kinh doanh đáp ứng tiêu chí môi trường theo quy định tại khoản 1 Điều 149, khoản 2 Điều 150 của Luật BVMT được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, việc xây dựng danh mục phân loại xanh gắn với các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường cụ thể là cần thiết đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân phát hành trái phiếu và các bên liên quan. Theo đó, Dự thảo ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh được Bộ TN&MT xây dựng gồm các nội dung: (1) Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; (2) Quy định về tiêu chí môi trường đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; (3) Các Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định.

    Đối với Dự thảo ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT Nguyễn Đình Thọ khẳng định, phát triển các mô hình kinh tế xanh, ít chất thải, các-bon thấp và tuần hoàn đang nhận được sự hưởng ứng của nhiều quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp trên toàn thế giới. Đến nay, đã có hơn 50 quốc gia/vùng lãnh thổ đã, đang và dự kiến sẽ xây dựng lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn dưới các tên gọi khác nhau như kế hoạch, chiến lược, lộ trình… Tại Việt Nam, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035 được xây dựng nhằm cụ thể hóa lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn theo quy định của Luật BVMT năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tuần hoàn. Trên cơ sở đó, ngày 26/9/2022, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 2480/QĐ-BTNMT về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập và Nhóm chuyên gia xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch. Trong quá trình xây dựng Kế hoạch, Bộ TN&MT đã nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật về đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn; đánh giá hiện trạng thực hiện; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xây dựng lộ trình, chiến lược, giải pháp và công cụ chính sách thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn; xây dựng dự thảo đề cương Kế hoạch; tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập; tổ chức Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam năm 2023, 2024. Đồng thời, gửi lấy ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan, tổ chức có liên quan, các địa phương… Đến ngày 4/4/2024, Bộ TN&MT đã nhận được 7 ý kiến góp ý của các Bộ. Trên cơ sở các ý kiến nhận được, Bộ đã nghiên cứu, giải trình các ý kiến góp ý; rà soát, chính lý và hoàn thiện Dự thảo. Theo đó, Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035 gồm 4 phần: Bối cảnh; Quan điểm; Mục tiêu; Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kinh tế tuần hoàn và 2 Phụ lục.

    Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cùng Thứ trưởng Trần Quý Kiên đã trao đổi, làm rõ những nội dung về tiêu chí xác định dự án xanh, kế hoạch triển khai kinh tế tuần hoàn, tiêu chí xanh quốc gia, ngành kinh tế xanh tích hợp vào hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, nhằm khuyến khích và đẩy mạnh chuyển đổi xanh.

    Đối với nội dung về tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, lãnh đạo các đơn vị cùng nhau thảo luận về các nội dung về đối với phạm vi, đối tượng điều chỉnh; giải thích từ ngữ; tiêu chí môi trường đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; về việc xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh; yêu cầu đối với tổ chức độc lập xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh…

    Qua các ý kiến xây dựng, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đánh giá cơ quan soạn thảo đã có nhiều cố gắng để hoàn thiện Dự thảo cơ bản đáp ứng được chất lượng đặt ra. Bộ trưởng đề nghị Viện Chiến lược Chính sách TN&MT tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thêm một số nội dung trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Trong đó, về tiêu chí môi trường đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị cơ quan soạn thảo cần tham khảo, dựa trên các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong nước, quốc tế để đảm bảo thống nhất về các pháp luật về đầu tư. Các quy định cần quy định rõ ràng, tường minh để thuận tiện cho quá trình thực hiện, nếu có bổ sung các quy định cần phải chứng minh trên các căn cứ khoa học. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy lưu ý cần kiểm soát chặt chẽ các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; đặc biệt cần có đánh giá, có quy định phòng ngừa cho các dự án mà trong quá trình vận hành không may gây ra sự cố ảnh hưởng đến môi trường…

    Đối với kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị các đơn vị nghiêm túc xây dựng kế hoạch, danh mục điều kiện, trong đó ưu tiên thực hiện kinh tế tuần hoàn để tạo động lực tăng trưởng mới, nâng cao khả năng chống chịu, phục hồi cho nền kinh tế, tạo ra đột phá trong phát triển, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng mới, hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học.

Mai Hương

 

Ý kiến của bạn