19/11/2024
Ngày 18/11/2024, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Công văn số 3803/UBND-TNMT về việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, UBND TP. Hà Nội giao các Sở, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã nghiên cứu Báo cáo và tập trung triển khai các giải pháp, nhiệm vụ đã nêu tại Mục IV của Báo cáo. Đồng thời, giao Sở TN&MT định kỳ tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí TP. Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, báo cáo UBND Thành phố theo quy định. Ngoài ra, vận hành ổn định hệ thống quan trắc chất lượng không khí, rà soát và hoàn thiện mạng lưới quan trắc không khí, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về không khí, thường xuyên cung cấp dữ liệu về diễn biến chất lượng không khí trên cổng thông tin và các nền tảng số hóa khác của Thành phố để cung cấp kịp thời thông tin để người dân có thể chủ động ứng phó với những thời điểm chất lượng không khí diễn biến xấu, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng. Cùng với đó, khẩn trương thiết lập hệ thống giám sát, cảnh báo, dự báo ô nhiễm không khí, xác định các điểm "nóng" và có phương án xử lý kịp thời; tiến hành kiểm kê nguồn thải ô nhiễm không khí, xác định chính xác các nguồn ô nhiễm không khí, có giải pháp xử lý trước mắt và dài hạn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình giao thông thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường; tổ chức phân luồng, hạn chế tối đa tình trạng tắc nghẽn giao thông; thiết kế hạ tầng cho các làn đường dành riêng cho xe đạp; tuyên truyền, vận động người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, tăng cường sử dụng phương tiện công cộng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, để giảm phát sinh khí thải, bụi gây ô nhiễm môi trường; có giải pháp triệt để tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp cho các mục đích phù hợp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn thải khí thải; yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các cơ sở phát sinh bụi, khí thải lớn trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nghiên cứu chính sách về thuế, phí, để khuyến khích, giảm giá xăng sinh học; sớm đưa xăng sinh học E10 lưu thông trên thị trường, theo lộ trình tại Quyết định số 53/2012/QĐ của Thủ tướng Chính phủ.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn sử dụng các kết quả, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường không khí chính thống do các cơ quan có thẩm quyền thực hiện, để cung cấp thông tin cho cộng đồng xã hội thông qua các phương tiện truyền thông hoặc thông tin dự báo thời tiết hằng ngày...
Duy Bạch - Chí Viễn