26/06/2024
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO là một mô hình bảo tồn di sản thiên nhiên và địa chất mang tầm quốc tế, đã được công nhận chính thức bởi UNESCO từ năm 2015. Được thành lập dựa trên các tiêu chí nghiêm ngặt, các CVĐC không chỉ có giá trị về khoa học địa chất mà còn gắn liền với các yếu tố văn hóa, lịch sử và sinh thái của khu vực. Mục tiêu của công viên địa chất toàn cầu là bảo vệ các di sản địa chất, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững thông qua giáo dục, du lịch và các hoạt động cộng đồng. Tính chất toàn cầu của CVĐC đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, điều này cần sự tham gia mạnh mẽ từ cộng đồng địa phương và các bên liên quan.
Tại Việt Nam, khái niệm công viên địa chất đã được xác định rõ ràng trong các văn bản pháp lý như Luật Khoáng sản 2018 và Luật Bảo vệ môi trường 2020. Mặc dù có sự thống nhất về khái niệm và các tiêu chí cơ bản, việc thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển các CVĐC ở Việt Nam còn gặp nhiều thách thức. Các địa danh này không chỉ cần bảo vệ các giá trị khoa học, mà còn phải tích hợp các yếu tố văn hóa, sinh thái và kinh tế, tạo ra sự phát triển bền vững cho cộng đồng địa phương. Do đó, vấn đề cấp thiết cần đặt ra đó là làm rõ yêu cầu về quản lý và bảo vệ môi trường đối với các công viên địa chất, đặc biệt là những thách thức trong việc kết hợp giữa bảo tồn di sản địa chất và phát triển cộng đồng tại Việt Nam. Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá các mô hình và kinh nghiệm quốc tế, từ đó rút ra bài học cho việc phát triển các CVĐC tại Việt Nam, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và bảo vệ các giá trị thiên nhiên quý giá của đất nước.
2. TỔNG QUAN VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI CÁC CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT
2.1. Khái niệm
a. Khái niệm công viên địa chất toàn cầu của UNESCO
Manh nha từ những năm cuối của thế kỷ 20, những công viên địa chất đầu tiên trên thế giới đã được thành lập ở Châu Âu và hình thành nên Mạng lưới công viên địa chất Châu Âu (European Geoparks Network) vào năm 2001 [1].
Năm 2004, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (gọi tắt là UNESCO) đã bảo trợ cho việc hình thành Mạng lưới CVĐCTC (Global Geoparks Network, GGN). Hàng năm, Mạng lưới này xem xét, thẩm định hồ sơ và công nhận các thành viên mới. Đến tháng 7/2020, Mạng lưới CVĐCTC đã có 161 CVĐC thành viên thuộc 44 quốc gia [1, 19, 20].
Ngày 17/11/2015, phiên họp toàn thể của Đại hội đồng UNESCO đã phê duyệt Chương trình Khoa học Địa chất và công viên địa chất Quốc tế (IGGP), qua đó, chính thức thông qua danh hiệu “CVĐCTC UNESCO”. Như vậy, cùng với Di sản thiên nhiên thế giới và Khu dự trữ sinh quyển thế giới, CVĐCTC UNESCO là một trong 3 mô hình bảo tồn văn hóa và thiên nhiên được UNESCO công nhận [20].
Định nghĩa về CVĐCTC của UNESCO như sau: "Các công viên địa chất toàn cầu là những vùng địa lý thống nhất, nơi có vị trí và cảnh quan có tầm quan trọng với địa chất quốc tế được quản lý toàn diện với các quan niệm về bảo vệ, giáo dục và phát triển bền vững [1].
Với di sản địa chất của mình, công viên địa chất toàn cầu UNESCO liên quan đến tất cả các khía cạnh khác của di sản văn hóa và tự nhiên của khu vực, nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về các vấn đề chính mà xã hội phải đối mặt như sử dụng tài nguyên một cách bền vững, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai. Bằng cách nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản địa chất trong lịch sử và xã hội ngày nay, CVĐCTC thúc đẩy niềm tự hào cũng như tăng cường nhận thức của người dân địa phương với khu vực của mình. Việc tạo ra các doanh nghiệp sáng tạo ở địa phương, công việc mới và các khóa đào tạo có chất lượng cao sẽ kích thích các nguồn thu nhập mới được tạo ra thông qua du lịch địa chất, trong khi các nguồn tài nguyên địa chất của khu vực được bảo vệ” (UNESCO, 2016).
Từ định nghĩa trên có thể thấy với tên gọi là CVĐCTC, UNESCO hướng đến các di sản địa chất có giá trị quốc tế với phần “lõi” là di sản địa chất. Tuy nhiên mục đích của công viên địa chất toàn cầu là khám phá, phát triển và tôn vinh mối quan hệ giữa di sản địa chất với tất cả các khía cạnh khác của di sản văn hóa khu vực. Vì vậy, việc xây dựng một khu vực trở thành CVĐCTC không thể bỏ qua các giá trị di sản văn hóa và cư dân địa phương.
b. Khái niệm công viên địa chất ở Việt Nam
Đến nay có hai bộ luật xác định khái niệm CVĐC đó là Luật Khoáng Sản và Luật Bảo vệ môi trường 2020; cụ thể:
- Tại khoản 3 điều Luật Khoáng sản 2018 quy định: Công viên địa chất là một vùng có giới hạn xác định, chứa đựng các di sản địa chất, có giá trị quan trọng về khoa học địa chất, độc đáo về văn hóa, sinh thái và khảo cổ học; có kích thước phù hợp để thực hiện các chức năng quản lý, bảo tồn, nghiên cứu và phát triển bền vững kinh tế - xã hội vào bảo vệ môi trường”.
- Về các hình thức CVĐC, tại khoản 2 điều 4 và khoản 4 điều 7 quy định: Công viên địa chất có 8 kiểu đó là Karst; Núi lửa; Đầm phá, hạ lưu sông; Kiến tạo; Cổ sinh, địa tầng, khoáng vật - khoáng sản; Thạch học; Đồng bằng sông, hệ thống sông; Đới khô, bán khô. Các tài liệu được công nhận về điều tra, đánh giá Công viên địa chất gồm có tài liệu nguyên thuỷ về công viên địa chất; Bản đồ công viên địa chất; và các sơ đồ, bản đồ chuyên môn.
Luật Bảo vệ môi trường có Điều 20 về “Di sản thiên nhiên được bảo vệ môi trường”; theo đó Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường tại Chương II mục 4 về “Bảo vệ môi trường Di sản thiên nhiên” đã qui định chi tiết về CVĐC:
CVĐC là khu vực đáp ứng tiêu chí quy định tại điểm c khoản 2 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường và được quy định chi tiết như sau: a) Có ranh giới địa lý, hành chính rõ ràng, liền khoảnh, trong đó chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất có giá trị khoa học, giáo dục và kinh tế; b) Có các đặc điểm nổi bật, độc đáo, minh chứng cho các quá trình địa chất quan trọng trong lịch sử tiến hóa, phát triển của Trái đất, đồng thời là nơi hội tụ các giá trị về thiên nhiên, đa dạng sinh học và được nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn và khai thác, sử dụng một cách tổng thể, bền vững.
Nhìn chung cả hai cách tiếp cận CVĐC đều thống nhất khẳng định công viên địa chất là một khu vực có ranh giới hành chính rõ rang, liền khoảnh chứa đựng tập hợp các di sản địa chất có giá trị độc đáo về khoa học, giáo dục, thẩn mỹ, kinh tế; công viên địa chất là tập hợp các di sản địa chất thuộc đối tượng phải được điều tra, đánh giá theo Luật Khoáng sản, vừa là đối tượng được bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường.
2.2. Tiêu chí xác định quy mô
Một CVĐC cần có diện tích đủ lớn để có thể đóng góp đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là dưới hình thức phát triển du lịch và các dịch vụ phụ trợ khác. Theo thống kê, các CVĐC trên thế giới thường có diện tích khoảng một vài trăm đến một vài nghìn km2.
Những năm đầu, các CVĐC đầu tiên có diện tích chỉ một vài trăm km2, như công viên địa chất Danxiashan (Trung Quốc) chỉ rộng 290 km2, CVĐC Langkawi (Malaysia) chỉ rộng 478 km2. Sau này, thấy được vai trò, hiệu quả của CVĐC, người ta có xu hướng thành lập những CVĐC rộng hơn, hoặc mở rộng những công viên địa chất hiện có, lên đến hàng vài nghìn km2. Các CVĐC ở Việt Nam hiện có quy mô khoảng một vài nghìn km2, thuộc loại trung bình trên thế giới. Chẳng hạn CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn rộng 2.360 km2; CVĐC Non Nước Cao Bằng rộng 3.390 km2, hiện đang trình hồ sơ đề nghị mở rộng thành 3.683 km2; CVĐC Đắk Nông rộng khoảng 4.760 km2 [19].
Tùy thuộc vào nhiều yếu tố, một công viên địa chất có thể được công nhận ở 3 cấp độ là: cấp địa phương (như ở Việt Nam là cấp tỉnh), cấp quốc gia và quốc tế. Khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và tiêu chí của UNESCO thì sẽ được công nhận là CVĐCTC UNESCO.
Về đơn vị hành chính, các CVĐC trên thế giới thường gồm một vài quận/huyện của một tỉnh hoặc một bang, có khi là một phần diện tích ở giáp ranh giữa 2-3 tỉnh/bang. Nhưng chưa có CVĐC nào chiếm toàn bộ diện tích của cả một tỉnh/bang. Điều này cũng dễ hiểu vì cuộc sống của một đơn vị cấp tỉnh/bang hiếm khi chỉ gói gọn trong các hoạt động du lịch, bảo tồn.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc xác định ranh giới CVĐC, thí dụ đặc điểm địa lý- tự nhiên, kinh tế-xã hội-nhân văn, đặc điểm địa chất-địa mạo, mức độ tập trung, phân tán, số lượng DSĐC cũng như các giá trị văn hóa, xã hội, lịch sử, đa dạng sinh học v.v., các yêu cầu an ninh-quốc phòng, phát triển các ngành kinh tế khác...
2.4. Yêu cầu quản lý bảo vệ
Các CVĐC hướng tới 3 mục tiêu cụ thể là:
- Bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể các loại hình di sản, trong đó các di sản địa chất đóng vai trò chủ đạo;
- Góp phần quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò và giá trị của các khoa học Trái Đất, khuyến khích học tập và nghiên cứu địa chất và giáo dục lòng yêu thiên nhiên và trách nhiệm công dân trong việc bảo vệ và khai thác bền vững các di sản địa chất, góp phần vào chiến lược nâng cao dân trí, phát triển kinh tế và văn hóa của địa phương và đất nước;
- Thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế bền vững, kết hợp với bảo tồn như tham quan, du lịch (du lịch sinh thái, du lịch địa chất) và các hoạt động kinh tế phụ trợ khác, tạo nguồn thu nhập bổ sung cho các cộng đồng địa phương.
Về mức độ tham gia của người dân, cộng đồng dân cư là một bộ phận quan trọng và là chủ thể không thể thiếu của các công viên địa chất. Họ cần được khuyến khích để tham gia một cách chủ động, tích cực vào mọi hoạt động quản lý, vận hành và phát triển công viên địa chất.
3.1. Kinh nghiệm các tổ chức quốc tế
Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu, viết tắt GGN theo tên tiếng Anh Global Geoparks Network, là một mạng lưới hỗ trợ của UNESCO phục vụ quản lý trong Ủy ban Khoa học Trái Đất và Sinh thái (UNESCO Division of Ecological and Earth Sciences). GGN thành lập năm 1998, tìm cách nâng cao và bảo tồn các di sản địa chất của hành tinh, cũng như khuyến khích các nghiên cứu bền vững và phát triển bởi các cộng đồng liên quan.
CVĐCTC của UNESCO được mô tả là các khu vực địa lý thống nhất, đơn nhất với các cảnh quan và địa điểm có ý nghĩa đối với địa chất quốc tế được quản lý một cách phù hợp và bảo vệ toàn diện dựa trên nền tảng giáo dục và phát triển bền vững.
CVĐC sử dụng di sản địa chất có liên quan đến di sản văn hóa và tự nhiên của khu vực có liên quan, để có thể nâng cao nhận thức, cũng như hiểu biết về tất cả các vấn đề lớn đang gặp phải trong xã hội ngày nay. Chúng có thể bao gồm mọi thứ, từ số lượng tài nguyên chúng ta sử dụng đến tác động của nó đối với môi trường, tính bền vững, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, cũng như giảm thiểu các thảm họa tự nhiên gây ra mối đe dọa hoặc rủi ro cho chính loài người và trái đất .
Do đó, CVĐC UNESCO được thành lập để chống lại những vấn đề hàng ngày này và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khu vực có liên quan đến Di sản địa chất ở khía cạnh lịch sử và xã hội. Một trong những mục tiêu chính, ngoài việc hỗ trợ khu vực bên trong và bao quanh Công viên địa chất, là mang lại cảm giác về sức mạnh và niềm tự hào trong cộng đồng sống ở khu vực đó, hợp tác cùng với các doanh nghiệp để tạo ra việc làm mới cũng như các khóa học chất lượng cao.
Tất cả được sắp xếp để cung cấp cho người dân địa phương cảm giác tự hào về khu vực của họ và giúp củng cố bản sắc của cộng đồng trong khu vực của họ. Các khóa học và các việc làm mới được tạo ra cũng cho phép tăng doanh thu thông qua du lịch dựa vào địa lý, tài nguyên địa chất và hơn thế.
Các tính năng cốt lõi cơ bản của CVĐCTC UNESCO:
Tất cả các CVĐCTC của UNESCO đều bao gồm các đặc điểm như di sản địa chất có tầm quan trọng quốc tế, khía cạnh quản lý, tính minh bạch trong các rủi ro và cuối cùng là sự kết nối để thu hút nhiều cá nhân và cộng đồng đến công viên.
Cách tiếp cận của tổ chức UNESCO là được thành lập để trao quyền cho các cộng đồng địa phương và cung cấp cho họ cơ hội phát triển quan hệ đối tác gắn kết với mục tiêu thúc đẩy các khu vực có quá trình địa chất quan trọng, ở tất cả các đặc trưng về các giai đoạn khác nhau, vẻ đẹp địa chất và chủ đề lịch sử. Những công viên này cũng được thành lập bằng cách sử dụng quy trình từ dưới lên, liên quan đến địa phương có liên quan, cũng như các bên liên quan và chính quyền trong khu vực. Họ bao gồm các tổ chức đất đai, nhà cung cấp du lịch, các nhóm cộng đồng, các tổ chức địa phương và người dân bản địa. Quá trình này cũng đòi hỏi một cam kết được thiết lập bởi tất cả các cộng đồng địa phương, bao gồm nhiều mối quan hệ đối tác vững chắc với sự hỗ trợ của công chúng và chính trị lâu dài. Điều này cũng đòi hỏi sự phát triển của một chiến lược toàn diện, được cho là đáp ứng các mục tiêu của cộng đồng, trong khi trưng bày và bảo tồn các khu vực địa chất, nơi có vai trò quan trọng đối với người dân địa phương.
CVĐCTC của UNESCO được quản lý bởi một cơ quan có sự tồn tại hợp pháp được công nhận theo luật pháp quốc gia. Cơ quan quản lý này cần được trang bị phù hợp để giải quyết toàn bộ khu vực và phải bao gồm tất cả các chủ thể và chính quyền địa phương và khu vực có liên quan. Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO yêu cầu một kế hoạch quản lý được tất cả các đối tác nhất trí nhằm đáp ứng nhu cầu kinh tế và xã hội của người dân địa phương, bảo vệ cảnh quan nơi họ sinh sống và bảo tồn bản sắc văn hóa của họ. Kế hoạch này phải toàn diện, kết hợp giữa quản trị, phát triển, truyền thông, bảo vệ, cơ sở hạ tầng, tài chính và quan hệ đối tác của CVĐCTC UNESCO.
3.2. Kinh nghiệm của một số nước
Trong số mạng lưới CVĐCTC, tại một số quốc gia đã có rất nhiều những hành động để bảo tồn, phát triển các giá trị thiên nhiên của công viên địa chất, điển hình như tại một số quốc gia:
- Áo: Eisenwurzen (2004).
- Brasil: Araripe (2006).
- Canada: Stonehammer (2010)
- Trung Quốc: Đan Hà Sơn (2004), Hoàng Sơn (2004), Lư Sơn (2004), Thạch Lâm (2004), Tung Sơn (2004), A Lạp Thiện (2009), Tần Lĩnh (2009), Lạc Nghiệp-Phượng Sơn (2010), Ninh Đức (2010).
- Croatia: Papuk Geopark (2007).
- Cộng hòa Séc: Bohemian Paradise (2005).
- Phần Lan: Rokua (2010)
- Pháp: Haute Provence (2004), Luberon (2005).
- Việt Nam: Cao nguyên đá Đồng Văn (2010), công viên Non nước Cao Bằng (2018), Công viên địa chất Đắk Nông (2020).
a) Kinh nghiệm của Iran:
CVĐCTC UNESCO Đảo Qeshm có ba thành phố và 57 ngôi làng. Có khoảng 120.000 người cư trú trên đảo Qeshm. Cơ hội kinh doanh chính của người dân là buôn bán và đánh cá. Cộng đồng địa phương hiện nay cũng tham gia vào các hoạt động du lịch địa chất và thu lợi từ lợi ích của hoạt động kinh doanh bền vững và thân thiện với môi trường này, điều này mang lại động lực thực sự cho cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn các địa điểm địa chất.
Nền văn hóa của Qeshm dựa trên bản chất nguyên vẹn và di sản địa chất. Khu định cư lâu đời nhất của con người ở Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đảo Qeshm có niên đại khoảng 40.000 năm tuổi. Theo phân tích khảo cổ học, cư dân trên đảo là những thương nhân nổi tiếng ở Ba Tư cổ đại, đặc biệt là trong thời kỳ Sassanid, với vùng Viễn Đông, bờ biển phía tây tiểu lục địa Ấn Độ, bờ biển phía nam vịnh Ba Tư và đặc biệt là bờ biển phía đông châu Phi.
Quản lý môi trường có sự tham gia của cộng đồng nhằm tăng cường đa dạng sinh học theo nguyên tắc tồn tại và thịnh vượng gữa con người và thiên nhiên với việc áp dụng quản lý tổng hợp vùng ven biển Cộng đồng địa phương là đơn vị hiệu quả nhất để thúc đẩy bảo tồn tài nguyên thiên nhiên ở nơi mà sinh kế và môi trường sống của họ phụ thuộc vào. Người dân, các cộng đồng tham gia vào việc quản lý các nguồn tài nguyên địa phương xung quanh họ. Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO cũng nhấn mạnh việc trao quyền cho cộng đồng là tiêu chí để thúc đẩy công viên địa chất. Công viên địa chất có thể là nền tảng để trao quyền cho cộng đồng nhằm thực hiện quản lý môi trường trên cạn. Hợp tác xã của ngư dân và cộng đồng làng đóng vai trò quan trọng trong quản lý môi trường ven biển. Quản lý tổng hợp vùng ven biển sẽ cần thiết để tạo điều kiện hợp tác giữa các bên liên quan trong đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và du lịch biển.
b) Kinh nghiệm của Trung quốc
Hệ thống phân vùng bảo vệ ba cấp đã được áp dụng trong các CVĐC của Trung Quốc, tức là các khu bảo vệ cốt lõi, các khu bảo tồn đặc biệt, các khu bảo tồn tích hợp. Các khu bảo vệ cốt lõi là những nơi có di sản địa chất có ý nghĩa khoa học quốc tế hoặc quốc gia đã được bảo tồn ở trạng thái tự nhiên và cực kỳ nhạy cảm với tác động của con người. Những nơi này đã được chỉ định chủ yếu cho mục đích bảo tồn, nơi không có cơ sở hạ tầng được phép xây dựng.
Bất cứ ai không được phép đều bị cấm vào. Các khu bảo tồn đặc biệt là những nơi có di sản địa chất có ý nghĩa khoa học khu vực, có sức tải và độ nhạy cảm trung bình. Nghiên cứu khoa học, hoạt động giáo dục, trao đổi học thuật và các hoạt động du lịch địa chất được cho phép. Các khu vực bảo vệ tích hợp có khả năng chịu tải cao. Hầu hết các cơ sở du lịch đã sẵn sàng và các khu vực có thể phục vụ mục đích giải trí.
Có thể nhận định ràng các kết quả trong công tác bảo tồn, quảng bá, khai thác du lịch phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại những quốc gia có CVĐC đều đạt được những thành công nhất định. Thông qua các chính sách của các chính phủ, các địa phương thì tại một số quốc gia trên thế giới công tác bảo vệ môi trường nói riêng và bảo tồn các giá trị thiên nhiên nói chung đều đã được quan tâm đầu tư.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập về chính sách như công tác bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức; công tác quảng bá còn hạn chế, việc khai thác quá mức dẫn đến mất dần các giá trị thiên nhiên, các gá trị văn hóa; công tác truyền thông về giá trị của công viên địa chất còn chưa được chú trọng.
4. GIẢI PHÁP VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT Ở VIỆT NAM
Các nghiên cứu điển hình cho thấy các Công viên địa chất khác nhau vận hành các cơ cấu Quản lý và Quản trị khác nhau. Vì thế có thể tùy thuộc vào điều kiện thực tế địa phương và văn hóa riêng để có thể vận hành đặc thù cho từng công viên địa chất.
Về mô hình và nhân sự Ban Quản lý của các BQL CVĐC ở Việt Nam hiện chưa thống nhất chung; Tùy theo tình hình từng địa phương mà có mô hình thích hợp. Do đó tác giả đề xuất kiện toàn các BQL CVĐC trực thuộc Tỉnh. Trưởng Ban Quản lý có thể do một Phó chủ tịch kiêm nhiệm; gồm 1 hoặc 2 Phó trưởng ban và các cán bộ phụ trách chuyên môn, trong đó phải có có 01 cán bộ có chuyên môn về khoa học.
Hiện các BQL đều có các quyết định từ UBND tỉnh trong việc quy định chức năng nhiệm vụ và quyền hạn, ví dụ như: Quyết định số 2381/QĐ-UBND ngày 21/12/2022 của chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức BQL CVĐC CNĐ Đồng Văn trực thuộc Sở Văn hóa Thể Thảo và Du lịch Hà Giang; Quyết định số 2438/QĐ-UBND ngày 22/12/2021 về việc thành lập BQLCVĐC Lạng Sơn trực thuộc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn.
Đề xuất Xây dựng Chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của BQL CVĐC Việt Nam.
Quản lý Công viên địa chất do cán bộ quản lý Công viên địa chất thực hiện thông qua các hoạt động, bao gồm: Điều chỉnh và bảo vệ môi trường tại Công viên địa chất theo sự phân bố của khu vực địa chất, có sự tham gia của các chuyên gia, bao gồm các lĩnh vực địa chất, sinh học, môi trường, văn hóa xã hội và du lịch; Sử dụng các khu vực địa chất, di sản địa chất, đa dạng địa chất, đa dạng sinh học và đa dạng văn hoá một cách bền vững; Phát triển hệ thống giám sát và an ninh cho các khu vực địa chất, di sản địa chất, đa dạng địa chất, đa dạng sinh học và đa dạng văn hóa; Thực hiện các chương trình bảo tồn di sản địa chất, đa dạng địa chất, đa dạng sinh học và đa dạng văn hóa; Phát triển giáo dục, nghiên cứu và khoa học; Phát triển kinh tế cộng đồng dựa trên nền kinh tế sáng tạo; Bảo tồn văn hóa xã hội; Phát triển các điểm đến du lịch; Phát triển các công trình hỗ trợ du lịch và nhu cầu cơ sở hạ tầng; Cung cấp thông tin về hiện trạng, tầm nhìn của Công viên địa chất, các trung tâm thông tin, hệ thống thông tin tích hợp và bảo tàng CVĐC; Xây dựng thể chế CVĐC bao gồm phát triển nguồn nhân lực, cơ cấu tổ chức, quản lý điều hành; Quảng bá giá trị khoa học của CVĐC cho các hoạt động du lịch, giáo dục, nghiên cứu và khoa học; Phát triển hợp tác phát huy vai trò tích cực của các nhà quản lý CVĐC trong mạng lưới quan hệ đối tác CVĐC quốc gia, khu vực và toàn cầu; Chuẩn bị các báo cáo định kỳ.
Ngoài ra, tất cả các CVĐC phải có kế hoạch quản lý CVĐC như một lãnh thổ. Đây là một kế hoạch cho khu vực, không phải là một chương trình làm việc cho cơ quan hoặc nhóm quản lý Công viên địa chất và nhiều đối tác có thể chia sẻ quyền sở hữu và phân phối nó.
Di tích địa chất trong CVĐC được bảo vệ và quản lý ở các cấp độ khác nhau, có thể được chia thành các khu vực bảo vệ khác nhau, tùy theo tầm quan trọng của đối tượng bảo vệ.
Đối với dự án xây dựng được phê duyệt theo quy định của pháp luật trong CVĐC, trước khi xây dựng, đơn vị thi công xây dựng phải xây dựng phương án bảo vệ di tích địa chất, di sản thiên nhiên, văn hóa, môi trường sinh thái xung quanh công trường.
Cơ quan quản lý CVĐC có trách nhiệm thiết lập và hoàn thiện cơ chế ứng phó khẩn cấp, làm tốt công tác kiểm soát rủi ro, chuẩn bị khẩn cấp và xử lý hỏa hoạn, thiên tai, dịch bệnh, sâu bệnh và các trường hợp khẩn cấp khác, tổ chức diễn tập thường xuyên.
Chính sách quản lý CVĐC cần sự hợp tác giữa chính phủ, cộng đồng địa phương, và các chuyên gia địa chất để đảm bảo bền vững và bảo tồn giá trị đặc biệt của những khu vực này.
Nguyễn Duy Bạch
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. International Association GLOBAL GEOPARKS NETWORK, https://globalgeoparksnetwork.org/?page_id=5.
2. Tạ Hòa Phương. (2010), Nghiên cứu điều kiện tự nhiên vùng cao nguyên đá Đồng văn – Mèo Vạc phục vụ xây dựng công viên địa chất toàn cầu.
3. Do Thi Yen Ngoc, Trần Tân Văn, Pham Thi Thuy, Hoang Xuan Duc, Pham Minh Hai, Doan Thi Ngoc Huyen. (2022). Một số nguyên tắc khoanh vùng bảo tồn các giá trị di sản địa chất - Áp dụng thử nghiệm khoanh vùng bảo tồn di sản, cụm di sản địa chất khu vực Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng. Tạp chí Môi Trường
4. Đỗ Thị Yến Ngọc và nnk (2023), Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về công tác điều tra, đánh giá và quản lý di sản địa chất, công viên địa chất
5. Quyết định số 1590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 09/09/2014 phê duyệt Đề án “Bảo tồn DSĐC, phát triển và quản lý mạng lưới CVĐC ở Việt Nam” đến năm 2020. Lưu trữ Viện ĐCKS.
6. Quyết định số 512/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/04/2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
7. Trần Tân Văn và nnk, 2010. Báo cáo kết quả nghiên cứu “Điều tra nghiên cứu các DSĐC và đề xuất xây dựng CVĐC ở miền Bắc Việt Nam”. Lưu trữ Viện ĐCKS, 700 trang.
8. Trần Tân Văn và nnk, 2016. Điều tra, khảo sát, nghiên cứu bổ sung, đánh giá, xếp hạng các giá trị di sản, xác định phạm vi, quy mô để xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận CVĐC Toàn cầu ở tỉnh Cao Bằng (2016);
9. Trần Tân Văn và nnk 2016. Xây dựng Hồ sơ CVĐC (CVĐC) Non Nước Cao Bằng;
10. Trần Tân Văn và nnk, 2014. Đề cương đề án Chính phủ “Bảo tồn DSĐC, phát triển và quản lý mạng lưới CVĐC ở Việt Nam” (2014-2020). Lưu trữ Viện ĐCKS.
11. UNESCO Global Geoparks Network, 2010. Guidelines and cretaria for national geopark seeking UNESCO’s assistance to join the Global Geoparks Network. Cordination Unit, European Geoparks Network, BP 156, F-04005 Digne-les-Bains cedex, France, 12 papers.
12. Nguyễn Quang Mỹ (Chủ biên), 2006. Việt Nam, di sản thế giới - Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh.
13. Nguyễn Quang Mỹ, Howard Limbert và nnk, 2001. Kỳ quan hang động Việt Nam. Trung tâm Bản đồ và tranh ảnh giáo dục, Hà Nội.
14. Trần Tân Văn, Phạm Khả Tùy, Thái Duy Kế, Bùi Văn Định, Nông Thế Diễn, 2005. Con đường tiến tới danh hiệu Di sản Thiên nhiên thế giới của Vườn Quốc gia Ba Bể (Bắc Cạn). Địa chất và Khoáng sản, 9 : 529-545. Viện Nghiên cứu ĐC & KS. Hà Nội.
15. Tran Tan Van, Pham Kha Tuy, Thai Duy Ke, 2004. Geological characteristics and values of the Pu Luong nature reserve, Thanh Hoa province, Vietnam. Proc. of the Intern. Transdisc. Conf. on Dev. and Cons. of Karst Reg., Hà Nội.
16. Trần Tân Văn, Vũ Thanh Tâm, Đỗ Tuyết, Nguyễn Xuân Khiển và nnk., 2005. Phát triển bền vững các vùng đá vôi ở Việt Nam. Văn phòng UNESCO, Hà Nội.
17. Trần Văn Trị, Lê Đức An, Lại Huy Anh, Trần Đức Thạnh, Tony Waltham, 2003. Di sản thế giới Vịnh Hạ Long: Những giá trị nổi bật về địa chất. TC Địa chất, A/277 : 6-20. Hà Nội.
18. Trịnh Dánh (Chủ biên), 2004. Báo cáo “Nghiên cứu các khu bảo tồn địa chất ở Việt Nam”. Lưu trữ Địa chất, Hà Nội.
19. UNESCO, 2007. Global geoparks network. Guidelines and criteria for National Geoparrks seeking UNESCO’s assistance to join the Global Geoparks Network.
20. Wolfgang Eder, 2004. The global UNESCO network of geoparks. Proc. 1st Intern. Conf. on Geoparks, pp. 1-3. Beijing, China.
21. La Thế Phúc, Trần Tân Văn. 2020 Nghiên cứu di sản địa chất và xây dựng công viên địa chất ở việt nam.
22. http://policy.mofcom.gov.cn/claw/clawContent.shtml?id=91308, truy cập 20 tháng 01 năm 2024
23. https://openjicareport.jica.go.jp/pdf/12334454_02.pdf, truy cập 20 tháng 01 năm 2024