Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Hải Dương: Hướng tới đô thị xanh, thông minh, hiện đại và bền vững

20/11/2024

    Nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội và tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, TP.Hải Dương hội tụ đầy đủ các yếu tố của một đô thị năng động, hiện đại, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, du lịch, dịch vụ. Hiện thành phố đang tập trung mọi nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, quy hoạch kiến trúc, chỉnh trang đô thị, hướng đến là đô thị xanh, thông minh, hiện đại và giàu bản sắc văn hóa xứ Đông.

    Những năm qua, thành phố đã có bước phát triển mạnh trên các mặt kinh tế - xã hội, với tốc độ đô thị hóa nhanh, bộ mặt đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ ngày càng phát triển. Thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Hải Dương. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, các ngành kinh tế chủ yếu đều có mức tăng trưởng khá, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, cơ cấu kinh tế tập trung chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ (chiếm 95%). Giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng (theo giá so sánh) năm sau cao hơn năm trước. Đến tháng 6/2023, các khu, cụm công nghiệp đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư; tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp (KCN) Đại An là 91,33%; Khu dân cư Đại An mở rộng giai đoạn 1 là 81,48%; KCN kỹ thuật cao An Phát là 100%; tỷ lệ lấp đầy bình quân của các cụm công nghiệp trên 90%.

    Ngoài ra, hoạt động thương mại, dịch vụ có chuyển biến tích cực. Công tác chỉnh trang đô thị được quan tâm. Đến nay nhiều dự án đã và đang hoàn thành phát huy hiệu quả tốt, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân và góp phần thay đổi diện mạo thành phố. Có thể kể đến như: Dự án xây dựng Trung tâm văn hóa xứ Đông và Quảng trường; tuyến đường Vành đai 1 phía Nam thành phố; cầu vượt tại nút giao giữa đường dẫn cầu Hàn, Ngô Quyền và quốc lộ 5; các dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực,… Ngoài ra, một số dự án lớn đang triển khai như: Khu đô thị ven sông Thái Bình (EcoRivers); Khu đô thị trung tâm phường Phạm Ngũ Lão; cải tạo, mở rộng đường Vũ Công Đán kết nối TP.Hải Dương với vùng huyện Cẩm Giàng, Bình Giang; cầu Bùi Thị Xuân vượt sông Thái Bình,... đã từng bước làm thay đổi diện mạo đô thị thành phố theo hướng hiện đại, đồng bộ. Công tác xây dựng chính quyền điện tử được triển khai hiệu quả, tỷ lệ sử dụng hộp thư công vụ, văn bản điện tử đạt trên 90%; 100% dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến đủ điều kiện được thực hiện đi vào thực chất; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến của thành phố đạt trên 90% về số lượng…

    Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 TP.Hải Dương trở thành đô thị xanh, thông minh, thân thiện, an toàn. Quy hoạch chung TP.Hải Dương đến năm 2040 cũng xác định “Xây dựng TP.Hải Dương hướng tới đô thị xanh, thông minh. Hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I; xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị hiện đại”.

Thành phố Hải Dương ngày càng phát triển theo hướng Xanh - Sạch - Đẹp

    Bám sát định hướng này, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức rà soát các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, xem xét khả năng cân đối nguồn vốn dành cho công tác lập quy hoạch, các quy định về quản lý quy hoạch và yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý, chỉnh trang đô thị. Trong đó, ưu tiên bố trí triển khai trước đối với các khu vực trọng điểm, như: Khu trung tâm đô thị, khu vực hai bên sông Thái Bình, sông Sặt, các tuyến đường quan trọng,…

    Từ nay đến năm 2030, thành phố ưu tiên hoàn thiện hệ thống công cụ quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị; hệ thống hạ tầng khung đô thị; điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng; đề án di dời trụ sở một số cơ quan, ban, ngành. Đồng thời, cải tạo chỉnh trang khu vực đô thị hiện hữu, phát triển hạ tầng kỹ thuật, giao thông kết nối đô thị như hoàn thiện tuyến đường Vành đai 1, đường trục chính Bắc - Nam phía Nam cầu Lộ Cương, kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

    Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng, thành phố đã lựa chọn danh mục theo thứ tự ưu tiên, gồm: Các công trình trọng điểm, công trình tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; các công trình dân sinh, công trình tạo nguồn, tạo điểm nhấn đô thị; góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, giải quyết được những vấn đề cấp thiết.

    Trong thu hút đầu tư, thành phố ưu tiên vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, công nghiệp chế biến, chế tạo, thân thiện với môi trường. Cùng với đó là các dự án công trình cây xanh, xây dựng trường học, trụ sở, xây dựng và chỉnh trang đô thị.

    Chia sẻ về những thách thức và các giải pháp đã áp dụng trong quá trình xây dựng Hải Dương trở thành đô thị xanh loại I bền vững, ông Nguyễn Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Dương cho biết, bên cạnh những mặt thuận lợi nêu trên, quá trình xây dựng thành phố xanh tại Hải Dương cũng gặp một số khó khăn, thách thức như: Áp lực từ tốc độ đô thị hóa; chưa đồng bộ trong quy hoạch và quản lý đô thị; hạn chế về hạ tầng kỹ thuật và công nghệ xanh; nhận thức của cộng đồng chưa cao; tài chính và nguồn lực còn hạn chế… Từ thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Dương Nguyễn Hữu Phúc đưa ra một số khuyến nghị và đề xuất góp phàn xây dựng đô thị xanh tại TP. Hải Dương như: Xây dựng chiến lược phát triển đô thị xanh dài hạn. Theo đó, Hải Dương cần ban hành một chiến lược phát triển đô thị xanh rõ ràng, cụ thể hóa các mục tiêu và ưu tiên phát triển không gian xanh, hạ tầng xanh, năng lượng tái tạo. Chiến lược này cần được lồng ghép trong quy hoạch đô thị tổng thể, đảm bảo sự thống nhất và bền vững. Đồng thời, phải đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông công cộng, giao thông xanh, thân thiện với môi trường; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng thông qua các chính sách ưu đãi hoặc hạn chế cụ thể; tăng cường trồng cây xanh và bảo vệ không gian xanh; thúc đẩy các dự án xử lý nước thải và rác thải hiện đại để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường; áp dụng cồng nghệ tiên tiến trong tái chế và xử lý rác thải hiệu quả; khuyến khích người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn…

    Bên cạnh đó, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân và quốc tế thống qua việc xây dựng các cơ chế hợp tác công - tư (PPP), thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp vào các dự án xanh; tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và thực hiện lối sống xanh; đưa nội dung bảo vệ môi trường vào trường học, các triển lãm, cuộc thi; tổ chức các chiến dịch như “Ngày xanh Hải Dương” hoặc các hoạt động trồng cây, ra quân vệ sinh môi trường… Ngoài ra, thí điểm các khi đô thị xanh và áp dụng công nghệ thông minh với các tiêu chí sử dụng năng lượng tái tạo, hệ thống quản lý thông minh và các giải pháp tiết kiệm tài nguyên; xây dựng hệ thống giám sát chặt chẽ để đo lường hiệu quả các chính sách, dự án dô thị xanh. Các chỉ tiêu về diện tích cây xanh bình quân, mức giảm thiểu ô nhiễm không khí và tỷ lệ tái chế rác thải cũng cần được theo dõi, công khai, minh bạch.

Nam Việt

Ý kiến của bạn