Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Chia sẻ kinh nghiệm và các nội dung kỹ thuật liên quan đến cập nhật, xây dựng Kế hoạch hành động Thành phố xanh cho các đô thị tại Việt Nam

04/12/2024

    Ngày 4/12/2024, tại tỉnh Hải Dương, Ban Quản lý Dự án Đô thị xanh (Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT) đã tổ chức cuộc họp tham vấn với chủ đề: “Chia sẻ kinh nghiệm và các nội dung kỹ thuật liên quan đến cập nhật, xây dựng GCAP cho các đô thị tại Việt Nam”, nằm trong khuôn khổ Dự án “Lồng ghép chống chịu biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường để phát triển các đô thị xanh loại II” (TA 9417 - VIE), gọi tắt là Dự án Đô thị xanh.

Ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường - Phó Giám đốc Dự án phát biểu tại cuộc họp

    Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường - Phó Giám đốc Dự án cho biết, Dự án TA 9417 - VIE được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thực hiện tại Quyết định số 1226/QĐ-TTg ngày 18/9/2019 và Bộ trưởng Bộ TN&MT phê duyệt Văn kiện Dự án tại Quyết định số 245/QĐ-BTNMT ngày 30/1/2020; phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 3991/QD-BTNMT ngày 2/12/2023. Dự án được thực hiện dưới sự tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) thông qua Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với mục tiêu quan trọng là tăng cường năng lực thể chế trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững cho các đô thị loại II tại Việt Nam. Dự án gồm 4 hợp phần, trong đó, Hợp phần 2 và 3 dược quản lý, thực hiện bởi ADB; Hợp phần 1 và 4 được quản lý, thực hiện bởi Bộ TN&MT. Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường được Bộ TN&MT giao nhiệm vụ chủ trì Dự án; Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT là cơ quan đồng thực hiện.

    Đến nay, sau gần 5 năm thực hiện, Dự án đã và đang đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành trình phát triển đô thị xanh loại II. Với 4 hợp phần triển khai, Dự án đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tiêu biểu như: (i) Hỗ trợ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; (ii) Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ chế chính sách liên quan đến sản xuất, tiêu dùng bền vững, nhãn sinh thái; (iii) Cập nhật Kế hoạch hành động Thành phố xanh (GCAP) tại Huế, Vĩnh Yên, Hà Giang; (iv) Nghiên cứu các công nghệ tiên tiến thân thiện môi trường; (v) Điều tra, đánh giá ô nhiễm đất và đề xuất giải pháp thí điểm phục hồi môi trường; (vi) Rà soát, xây dựng phương pháp kiểm kê khí nhà kính và hướng dẫn thiết lập hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV).

    Nhằm đạt được mục tiêu cụ thể mà Dự án đã đề ra, trong đó cập nhật, xây dựng GCAP và cải thiện chất lượng môi trường, nhân rộng các kết quả tích cực đã đạt được tại Hà Giang, Huế, Vĩnh Yên ra các đô thị khác, Ban Quản lý Dự án tổ chức cuộc họp tham vấn với chủ đề: “Chia sẻ kinh nghiệm và các nội dung kỹ thuật liên quan đến cập nhật, xây dựng GCAP cho các đô thị tại Việt Nam” với mục đích tạo diễn đàn để các đại biểu cùng chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận những nội dung kỹ thuật liên quan đến việc cập nhật, xây dựng GCAP, cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án… Trên cơ sở đó, có thể đánh giá một cách toàn diện về tiến độ thực hiện, đồng thời đề xuất một số giải pháp thiết thực để tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động của Dự án trong thời gian tới; mở ra cơ hội nhân rộng mô hình xây dựng GCAP cho các đô thị tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Dương chia sẻ về những thách thức

và các giải pháp đã áp dụng trong quá trình xây dựng Hải Dương trở thành đô thị xanh loại I bền vững

    Chia sẻ về những thách thức và các giải pháp đã áp dụng trong quá trình xây dựng Hải Dương trở thành đô thị xanh loại I bền vững, ông Nguyễn Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Dương cho biết, TP. Hải Dương là đầu mối giao thông, có vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đối với tỉnh nói riêng và khu vực vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ nói chung. Những năm qua, Thành phố đã có bước phát triển mạnh trên các mặt kinh tế - xã hội, với tốc độ đô thị hóa nhanh, bộ mặt đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ ngày càng phát triển. Thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Hải Dương. Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố, các ngành kinh tế chủ yếu đều có mức tăng trưởng khá, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, cơ cấu kinh tế tập trung chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ (chiếm 95%). Giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng (theo giá so sánh) năm sau cao hơn năm trước. Đến tháng 6/2023, các khu, cụm công nghiệp đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư; tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp (KCN) Đại An là 91,33%; Khu dân cư Đại An mở rộng giai đoạn 1 là 81,48%; KCN kỹ thuật cao An Phát là 100%; tỷ lệ lấp đầy bình quân của các cụm công nghiệp trên 90%.

    Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 TP. Hải Dương trở thành đô thị xanh, thông minh, thân thiện, an toàn. Quy hoạch chung TP. Hải Dương đến năm 2040 cũng xác định “Xây dựng TP.Hải Dương hướng tới đô thị xanh, thông minh. Hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I; xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị hiện đại”. Bám sát định hướng này, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức rà soát các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, xem xét khả năng cân đối nguồn vốn dành cho công tác lập quy hoạch, các quy định về quản lý quy hoạch và yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý, chỉnh trang đô thị. Trong đó, ưu tiên bố trí triển khai trước đối với các khu vực trọng điểm, như: Khu trung tâm đô thị, khu vực hai bên sông Thái Bình, sông Sặt, các tuyến đường quan trọng…

    Tuy nhiên, quá trình xây dựng thành phố xanh tại Hải Dương cũng gặp một số khó khăn, thách thức như: Áp lực từ tốc độ đô thị hóa; chưa đồng bộ trong quy hoạch và quản lý đô thị; hạn chế về hạ tầng kỹ thuật và công nghệ xanh; nhận thức của cộng đồng chưa cao; tài chính và nguồn lực còn hạn chế… Từ thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Dương Nguyễn Hữu Phúc đưa ra một số khuyến nghị và đề xuất góp phàn xây dựng đô thị xanh tại TP. Hải Dương như: Xây dựng chiến lược phát triển đô thị xanh dài hạn. Theo đó, Hải Dương cần ban hành một chiến lược phát triển đô thị xanh rõ ràng, cụ thể hóa các mục tiêu và ưu tiên phát triển không gian xanh, hạ tầng xanh, năng lượng tái tạo. Chiến lược này cần được lồng ghép trong quy hoạch đô thị tổng thể, đảm bảo sự thống nhất và bền vững. Đồng thời, phải đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông công cộng, giao thông xanh, thân thiện với môi trường; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng thông qua các chính sách ưu đãi hoặc hạn chế cụ thể; tăng cường trồng cây xanh và bảo vệ không gian xanh; thúc đẩy các dự án xử lý nước thải và rác thải hiện đại để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường; áp dụng cồng nghệ tiên tiến trong tái chế và xử lý rác thải hiệu quả; khuyến khích người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn…

Quang cảnh cuộc họp

    Bên cạnh đó, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân và quốc tế thống qua việc xây dựng các cơ chế hợp tác công - tư (PPP), thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp vào các dự án xanh; tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và thực hiện lối sống xanh; đưa nội dung bảo vệ môi trường vào trường học, các triển lãm, cuộc thi; tổ chức các chiến dịch như “Ngày xanh Hải Dương” hoặc các hoạt động trồng cây, ra quân vệ sinh môi trường… Ngoài ra, thí điểm các khi đô thị xanh và áp dụng công nghệ thông minh với các tiêu chí sử dụng năng lượng tái tạo, hệ thống quản lý thông minh và các giải pháp tiết kiệm tài nguyên; xây dựng hệ thống giám sát chặt chẽ để đo lường hiệu quả các chính sách, dự án dô thị xanh. Các chỉ tiêu về diện tích cây xanh bình quân, mức giảm thiểu ô nhiễm không khí và tỷ lệ tái chế rác thải cũng cần được theo dõi, công khai, minh bạch.

    Cuộc họp đã lắng nghe một số tham luận về: Dự thảo GCAP cập nhật: Các ưu tiên và quan tâm của 3 thành phố (Hà Giang, Huế, Vĩnh Yên) - Dự thảo Hướng dẫn xây dựng GCAP cho các đô thị loại II ở Việt Nam; xây dựng GCAP, lựa chọn, đánh giá tiềm năng phát triển đô thị xanh tại 3 thành phố loại II khu vực Bắc và Bắc Trung bộ; xây dựng GCAP tại Việt Nam… Trong phần thảo luận, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, bàn thảo về những thuận lợi cũng như các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cập nhật và xây dựng GCAP tại Việt Nam.

Thu Hằng - Nguyệt Minh

Ý kiến của bạn