Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 17/12/2024

Phát triển kinh tế biển xanh gắn với bảo vệ môi trường biển

03/12/2018

     Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái (HST) biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển. Một trong những điểm mới, nổi bật trong Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đó là việc phát triển kinh tế biển xanh (KTBX) gắn liền với việc BVMT biển. So với Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, đây là quan điểm chỉ đạo nổi bật rõ nét.

     Sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 được thông qua tại Nghị quyết của Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương đảng khóa X, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Kinh tế biển ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nước nhà, quốc phòng, an ninh được đảm bảo, đối ngoại, hợp tác quốc tế được tăng cường trên mọi mặt. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển về mọi mặt, trong 10 năm thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn, thách thức. Phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và BVMT. Ô nhiễm môi trường biển ở nhiều nơi còn diễn ra nghiêm trọng, ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách; các HST biển, đa dạng sinh học (ĐDSH) biển bị suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức; công tác ứng phó với BĐKH, nước biển dâng, biển xâm thực còn nhiều hạn chế, bất cập

     Phát triển kinh tế biển xanh

     Có nhiều khái niệm về KTBX, theo báo cáo “Phát triển KTBX bền vững” tại Hội nghị Đại dương thế giới năm 2015 đã định nghĩa: “KTBX là một nền kinh tế biển phát triển bền vững, ở đó hoạt động kinh tế biển cân bằng với khả năng đáp ứng của các HST  biển một cách liên tục”. Có thể hiểu đơn giản rằng, KTBX ở đó vẫn đảm bảo cho kinh tế phát triển mà vẫn đảm bảo được sự phát triển của các HST biển thông qua các phương thức như: Giảm phát thải cacbon, tăng trưởng theo chiều sâu, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường…

 

Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý, phát triển mô hình tăng trưởng xanh, BVMT

 

     Nhìn lại Chiến lược Biển Việt Nam năm 2007, có thể thấy, tư duy phát triển KTBX Chiến lược Biển mới đã được thể hiện một cách rõ ràng. Cụ thể trong Chiến lược Biển năm 2007 đã nêu thứ tự “đột phát về kinh tế biển, ven biển như sau: Khai thác, chế biến dầu;  xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển”. Chiến lược Biển năm 2007 tập trung ưu khai thác tài nguyên biển như dầu khí, hải sản… trong khi các ngành sử dụng ít tài nguyên hoặc tài nguyên tái tạo không đóng góp vai trò lớn trong bức tranh nền kinh tế. Việc phát triển “kinh tế nâu” theo xu hướng sử dụng nhiều tài nguyên, hàm lượng công nghệ và chất xám ít… phần nào đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế và trình độ sản xuất trong thời kỳ trước đây, tuy nhiên đi kèm với nó là nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến môi trường biển.

     Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam 2018 quy định rõ “Phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; Nuôi trồng và khai thác hải sản; Công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới”. Có thể thấy, các ngành kinh tế sử dụng nhiều tài nguyên đã được giảm mức độ ưu tiên và được thay thế bằng các ngành sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên hơn như du lịch, hàng hải. Điểm mới của Chiến lược đó là sự xuất hiện của ngành nuôi trồng hải sản bên cạnh khai thác hải sản. Trong bối cảnh sản lượng đánh bắt hải sản có dấu hiệu giảm sút, các ngư trường truyền thống trong nước không đáp ứng được nhu cầu khai thác, sự quan tâm của quốc tế về vấn nạn đánh bắt hải sản trái phép… thì việc đẩy mạnh nuôi trồng hải sản sẽ là cứu cánh cho ngành hải sản nước ta. Ngoài ra, Chiến lược nhắc đến ngành năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới  như công nghiệp điện gió, điện điện mặt trời trên biển, điện sóng biển, khai thác tài nguyên ĐDSH biển như dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển… Đây là những ngành sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên hoặc sử dụng tài nguyên tái tạo. Các ngành kinh tế biển mới giá trị hàm lượng khoa học kỹ thuật cao hướng tới tăng trưởng bền vững. Đây là một điểm đột phá của Chiến lược Biển hướng tới phát triển KTBX.

     Việc phát triển KTBX theo định nghĩa tại Hội nghị Đại dương thế giới năm 2015 đã nêu vai trò của việc bảo tồn, phát triển bền vững HST biển, hay còn gọi phát triển theo hướng tiếp cận HST. Để thực hiện điều này, Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định khâu đầu tiên để đột phá đó là về quản lý biển, trong đó tập trung hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển, ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý, đổi mới, phát triển mô hình tăng trưởng xanh, BVMT, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế của các ngành kinh tế biển, các vùng biển, ven biển; hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về biển. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch liên quan đến biển, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ giữa các ngành/ địa phương. Hiện nay trong các hoạt động quản lý biển như: Quản lý tổng hợp vùng bờ, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ… đều áp dụng cách tiếp cận dựa vào HST. Đây là điểm thuận lợi để Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam có thể triển khai trong thực tế.

     Mục tiêu BVMT biển

     BVMT biển là một nội dung xuyên suất trong Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Một trong những quan điểm được nêu trong Chiến lược đó là BVMT biển gắn với phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, sự cố môi trường, tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu. Trước những thách thức về môi trường biển như: Chất thải nhựa đại dương, nguồn thải lục địa, sự cố môi trường… Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam tập trung vào định hướng các hoạt động kiểm soát chất thải tại nguồn. Chiến lược đã đưa ra mục tiêu: Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương. Ở các tỉnh/ thành phố ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với BĐKH, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường.

 

     Tăng cường diện tích các khu bảo tồn biển nhằm bảo vệ HST trước thách thức của BĐKH

 

     Chiến lược cũng đã nhìn nhận vai trò của các khu bảo tồn biển trong việc tạo dựng HST biển khỏe mạnh. Mục tiêu đến năm 2030 tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000. Đây là một con số rất lớn, phải biết rằng theo Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2020, trong giai đoạn 2010 - 2015 mới chỉ đưa ra mục tiêu 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam được bảo tồn. Con số 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia được bảo vệ bảo tồn đã thể hiện quyết tâm cao của Việt Nam trong việc bảo tồn các HST biển.

     Những thuận lợi và thách thức chủ yếu

     Việc hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Trong tình hình hiện tại, việc thực hiện Chiến lược Biển có những thuận lợi sau:

     Một là, vị trí, vai trò về biển, đảo đối với sự phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền đối với nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài đã được nâng cao rõ rệt.

     Hai là, trên cơ sở Chiến lược Biển Việt Nam 2007 đã xây dựng được hệ thống chính sách, pháp luật, bộ máy quản lý nhà nước về biển, đảo từ Trung ương đến địa phương, từng bước được hoàn thiện và phát huy hiệu lực, hiệu quả. Các phương thức quản lý biển hiện tại đều áp dụng theo hướng tiếp cận HST, quản lý tổng hợp đa ngành thông qua hệ thống văn bản luật pháp và chính sách.

     Ba là, nước ta có điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội thuận lợi, có tiềm năng và lợi thế cho phát triển kinh tế biển hướng tới phát triển KTBX gắn với BVMT biển. Đặc biệt là vị thế của vùng ven biển, các đảo và quần đảo cho phép xây dựng thành những khu kinh tế ven biển và kinh tế đảo đặc thù, gắn kinh tế với quốc phòng.

     Tuy nhiên đi kèm với thuận lợi là nhiều khó khăn và thách thức đặc biệt là phát triển hiệu quả KTBX gắn với BVMT.

     Nhận thức của người dân, các cấp, các ngành… về BVMT biển còn chưa đầy đủ. Đặc biệt, trong điều kiện cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo còn yếu kém, lạc hậu, manh mún, thiết bị chưa đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp vấn đề quan tâm bảo vệ môi trường thường chưa được xem trọng.

     Quản lý biển mới chỉ là lĩnh vực mới triển khai ở Việt Nam do vậy mọi thứ vẫn còn rất bỡ ngỡ, nguồn nhân biển vẫn còn thiếu hụt, chưa nhận được sự đầu tư tương xứng.

     Các lĩnh vực về biển đòi hỏi số lượng vốn đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm, hệ số rủi ro cao, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến nên rất khó tìm kiếm các nhà đầu tư đủ tầm và đủ tâm huyết.

     Bối cảnh BĐKH và nước biển dâng diễn biến khó lường, bối cảnh kinh tế trong nước và tình hình thế giới cũng có nhiều diễn biến phức tạp do đó việc thực hiện Chiến lược Biển cũng gặp nhiều khó khăn do các tác động bên ngoài mang lại.

     Để thực hiện mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam trước hết cần sự thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc trước mắt cần tập trung vào trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp và chính sách biển quốc gia, địa phương theo cách tiếp cận liên ngành để quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Quy hoạch biển Quốc gia. Đây sẽ là công cụ quan trọng để cụ thể hóa nội dung của Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đặc biệt là các mục tiêu về Phát triển KTBX gắn với BVMT biển.

 

TS. Đoàn Quang Sinh - Cục trưởng

Hà Thanh Biên

 Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2018)

 

 

Ý kiến của bạn