Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Bảo tồn những giá trị đa dạng sinh học của Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc

04/05/2018

 

    Được thành lập theo Quyết định số 342/QĐ-UB ngày 17/3/2004 của UBND tỉnh Bắc Kạn, Khu bảo tồn (KBT) loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc nằm trên địa phận hai thôn Nà Dạ và Bản Khang thuộc xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn. Đây là hành lang quan trọng nối liền Vườn quốc gia (VQG) Ba Bể và KBT thiên nhiên Na Hang, có nhiệm vụ bảo tồn sinh cảnh sống cho hai loài linh trưởng là voọc đen má trắng và voọc mũi hếch, đồng thời bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm khác.

    KBT loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc có diện tích trên 1.788 ha, vùng đệm 7.508 ha. Khí hậu nơi đây ôn hòa, nhiệt độ trung bình 230 C, lượng mưa từ 2000 -2400 mm, độ ẩm 80%. Thảm thực vật rừng mang tính đặc trưng bởi nhiều kiểu rừng, trong đó, rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới núi thấp phân bố rộng nhất trong KBT. Rừng kín thường xanh mưa ẩm cây lá rộng diện tích khoảng 1.137 ha, chiếm 5,3% diện tích rừng và phân bố ở sườn và đỉnh núi đất cao độc lập hoặc sườn, đỉnh các dông núi ranh giới với huyện Ba Chẽ. Ngoài các loài cây của tầng vượt tán, ở đây còn có nhiều loài khác có giá trị như: Re hương, re gừng, kháo vàng, dẻ cau, dẻ gai, phay sừng, xoan đào, rè vàng…

    Đối với hệ thực vật của KBT loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, các nhà khoa học đã thống kê được 512 loài, thuộc 352 chi, 115 họ và 4 ngành. Trong đó, 333 loài (chiếm 65,04%) có giá trị sử dụng, nhóm cây làm thuốc chiếm tỷ lệ cao nhất (42,04%) như đẳng sâm, ba kích, kê huyết đằng… tiếp đến là nhóm cây lấy gỗ (25,23%) như nghiến, trai, đinh…;30 loài quý hiếm (5,86%) có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007) (cấp CR có 2 loài, cấp EN có 15 loài, cấp VU có 13 loài); 9 loài được ghi trong Danh lục đỏ IUCN.

    KBT cũng có hệ động vật rất phong phú, với 29 loài thú thuộc 4 bộ, 12 họ; 47 loài chim thuộc 9 bộ, 21 họ và 12 loài bò sát thuộc 2 bộ, 6 họ. Một số loài đặc biệt quý hiếm cũng được tìm thấy ở đây như: Khỉ đen, khỉ mốc, cu li lớn, cu li nhỏ, gấu chó, vạc hoa… Đây là những loài có giá trị bảo tồn gen, được các nhà khoa học trong nước và thế giới quan tâm.

    Mặc dù sở hữu một diện tích lớn rừng đặc dụng, hệ sinh thái đa dạng, cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, nhưng hiện nay, KBT loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc đang chịu nhiều tác động từ các hoạt động săn bắn, khai thác gỗ trái phép. Nhóm gỗ quý như nghiến, đinh... đã bị suy giảm nhiều về số lượng, đặc biệt, những loài hiếm như thông đá số lượng chỉ còn rất ít, gỗ đinh gần như không còn. Bên cạnh đó, việc khai thác vàng trái phép trong vùng lõi đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn 83 thôn, bản đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng đệm, vùng lõi của các khu rừng đặc dụng, đời sống còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhận thức và điều kiện canh tác lạc hậu, sống phụ thuộc vào việc khai thác khoáng sản, lâm sản và săn bắt động vật hoang dã… Các hoạt động này đã làm suy giảm chất lượng rừng, gây mất trật tự an toàn xã hội, tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

    Trước tình trạng đó, ngày 26/4/2011, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định Phê duyệt quy chế quản lý và bảo vệ KBT loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, trong đó, nghiêm cấm các hành vi: Chặt phá, khai thác rừng; Săn, bắn, bẫy, bắt, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng; Thu thập mẫu vật trái phép trong rừng; Vận chuyển, chế biến, kinh doanh, sử dụng, tiêu thụ, tàng trữ động, thực vật rừng trái với quy định của pháp luật; Khai thác tài nguyên sinh vật, khoáng sản và các tài nguyên thiên nhiên khác; Làm thay đổi diễn biến tự nhiên của rừng… Quyết định cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu thành tựu khoa học, đóng góp về tinh thần và vật chất hoặc trực tiếp tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị KBT; đẩy mạnh các hoạt động du lịch, dịch vụ, quảng bá; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giá trị của KBT…

    Đặc biệt, sau khi Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 2/7/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép gây hủy hoại môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được ban hành, tình trạng khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản, nhất là gỗ quý hiếm đã giảm đáng kể. Cùng với đó, Quy chế về quản lý, sử dụng cưa xăng, phương tiện độ chế tại các KBT và VQG trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1718/2012/QĐ-UBND ngày 19/10/2012 của UBND tỉnh được thực hiện đã góp phần quản lý chặt chẽ loại máy móc thường được sử dụng để chặt hạ gỗ quý tại các khu rừng đặc dụng.

    Ngoài ra, nhằm bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài, nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm, kết hợp hài hòa phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống dân cư và BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, ngày 10/5/2017, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 630/QĐ-UBND Phê duyệt Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ đánh giá toàn diện hiện trạng bảo tồn ĐDSH tỉnh Bắc Kạn; bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; chuyển tiếp 3 KBT đã có sang hệ thống KBT theo Luật ĐDSH, trong đó có KBT loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc. Mục tiêu đến năm 2030: Thành lập  Vườn ươm Kéo Nàng với diện tích 2 ha thuộc KBT loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc nhằm khai thác hợp lý tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái.

    Thời gian tới, để bảo vệnhững giá trị ĐDSH của KBT loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, tỉnh Bắc Kạn sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Luật ĐDSH, các văn bản có liên quan về ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ, phát triển bền vững ĐDSH, nhất là cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh các KBT; rà soát, bổ sung nguồn nhân lực tại các KBT đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ; tiếp cận các công nghệ mới để bảo tồn ĐDSH như bảo quản, lưu giữ nguồn gen, nuôi cấy mô tế bào, nhân giống các loài quý hiếm; đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý cho cán bộ làm công tác bảo tồn tại các KBT và cơ quan quản lý về bảo tồn ĐDSH. Đồng thời, nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp khoa học - công nghệ để bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên ĐDSH… Cùng với đó, tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để người dân sinh sống trong vùng lõi, vùng đệm các khu rừng đặc dụng phát triển kinh tế, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn…

Nhiều cây gỗ quý hiếm bị chặt hạ trái phép tại KBT loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc năm 2014

Hoa Vũ

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2018)

 

Ý kiến của bạn