19/05/2025
Ngày 19/5/2025, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tổ chức họp tham vấn Dự thảo Chiến lược sức khỏe đất và Kế hoạch hành động.
Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt phát biểu khai mạc cuộc họp
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về sức khỏe đất, như đất đai bị suy thoái do xói mòn, nhiễm phèn, nhiễm mặn ở các vùng thấp và sự lạm dụng phân bón hóa học cũng như thuốc bảo vệ thực vật. Biến đổi khí hậu càng làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái đất, khiến dinh dưỡng cây trồng trở nên khan hiếm và mất cân đối. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp mà còn tác động nghiêm trọng đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chưa có chương trình toàn diện cấp quốc gia về sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng. Khung pháp lý về đất đai cơ bản đã có nhưng thiếu hướng dẫn cụ thể và nguồn lực triển khai tại địa phương. Cơ sở dữ liệu đất, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chưa được xây dựng thống nhất trên toàn quốc và thiếu nhiều nội dung. Chính sách về dinh dưỡng cây trồng, phân bón hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp mới ở mức định hướng. Cùng với đó, các nghiên cứu về chỉ tiêu đánh giá sức khỏe đất còn manh mún, thiếu bộ chỉ số tích hợp; các thiết bị đo nhanh tại thực địa ngày càng phổ biến nhưng chưa phổ cập…
Trong bối cảnh đó, nhằm góp phần chuyển đổi hệ thống lương thực của Việt Nam theo hướng sinh thái nông nghiệp và bền vững, Dự án “Hỗ trợ xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động sức khỏe đất quốc gia” được thiết kế với mục đích hỗ trợ xây dựng, triển khai Chiến lược sức khỏe đất quốc gia và Kế hoạch quốc gia về quản lý sức khỏe đất giai đoạn 2022 - 2026. Dự án do FAO tài trợ và đồng thực hiện, và Viện Thổ nhưỡng nông hóa làm Chủ Dự án, được phê duyệt tại Quyết định số 605/QĐ-BNN-HTQT ngày 27/2/2024. Đến nay, Dự án đã hoàn thành được 2/3 kết quả, gồm: (i) Dự thảo “Chiến lược sức khỏe đất quốc gia giai đoạn 2022-2030” góp phần đảm bảo an ninh lương thự, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường; (ii) Dự thảo “Kế hoạch quốc gia về quản lý sức khỏe đất giai đoạn 2022-2026” với sự lồng ghép quản lý rủi ro về an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và quản lý việc sử dụng không hợp lý vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật).
Theo Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt, buổi họp tham vấn được tổ chức nhằm có thêm thông tin và góc nhìn đa chiều, toàn diện trong quá trình tinh chỉnh, hoàn thiện Dự thảo Chiến lược, bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn. Cục trưởng mong muốn các đại biểu, chuyên gia tiếp tục nghiên cứu và góp ý về các nội dung để hoàn thiện Dự thảo, sớm trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Chia sẻ về nội dung này, ông Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam khẳng định, đất chính là trung tâm trong quá trình chuyển đổi các hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng bền vững, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc lưu trữ một lượng lớn các-bon, nếu được quản lý đúng cách và có trách nhiệm. Ở chiều ngược lại, việc lưu trữ các-bon cũng có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe, độ phì nhiêu cũng như các dịch vụ hệ sinh thái của đất, bao gồm cả sản xuất lương thực. Với tư cách là đối tác lâu năm của Chính phủ Việt Nam, FAO cam kết tiếp tục hỗ trợ cho việc quản lý đất bền vững và có trách nhiệm, cải thiện sinh kế cho tất cả mọi người - không để ai bị bỏ lại phía sau. Trong khuôn khổ Dự án này, FAO đã và đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật nhằm đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch quốc gia về quản lý sức khỏe đất giai đoạn 2010-2020, phân tích và liệt kê các khuôn khổ và phương pháp tiếp cận toàn cầu có liên quan, cũng như các mô hình và thực tiễn tốt nhất về quản lý sức khỏe đất.
Giới thiệu về Dự thảo Chiến lược sức khỏe đất, ông Đỗ Huy Thiệp, Viện Nghiên cứu thị trường và Thể chế nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Dự thảo được xây dựng dựa trên quan điểm: Bảo vệ và phục hồi sức khỏe đất là nền tảng của một hệ sinh thái bền vững, đảm bảo quá trình phát triển nông nghiệp có trách nhiệm, hiệu quả và bền vững về kinh tế - xã hội - môi trường theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; Bảo vệ sức khỏe đất là một phần quan trọng của bảo vệ môi trường, từ đó bảo vệ sức khỏe nhân dân và cần được ưu tiên trong các quyết định phát triển; không đánh đổi sức khỏe đất dài hạn lấy các lợi ích kinh tế; Bảo vệ sức khỏe đất là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn dân cũng như mỗi người sử dụng đất, do đó cần tăng cường huy động nguồn lực trong xã hội kết hợp với tăng chi ngân sách để bảo vệ và phục hồi sức khỏe đất. Mục tiêu chung của Dự thảo Chiến lược hướng tới bảo vệ, phục hồi và nâng cao sức khỏe đất nhằm đảm bảo sức khỏe của người dân, nâng cao năng suất và sản lượng sản xuất nông nghiệp, tăng cường khả năng thích ứng biến đổi khí hậu và cân bằng hệ sinh thái, qua đó góp phần vào đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học. Dự thảo Chiến lược gồm 5 định hướng chính: Nâng cao nhận thức; Huy động nguồn lực; Chuyển đổi số; Nghiên cứu và phát triển; Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Trên cơ sở đó, Dự thảo Chiến lược cũng đề ra các giải pháp thực hiện gồm: Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước; Nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực; Các nhiệm vụ và giải pháp về kỹ thuật; Các nhiệm vụ và giải pháp về tài chính.
Về Kế hoạch hành động quản lý sức khỏe đất sẽ hướng tới cụ thể hóa các giải pháp trọng tâm đã nêu trong Chiến lược. Đồng thời, phân công rõ trách nhiệm thực hiện Kế hoạch. Theo đó, Ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Sức khỏe đất do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường làm Trưởng ban và thành viên là các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đại diện các Bộ liên quan, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch hành động theo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo được ban hành cùng Kế hoạch hành động. Bộ Nông nghiệp và Môi trường là cơ quan đầu mối về sức khỏe đất, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược sức khỏe đất Việt Nam; hướng dẫn, giám sát, đánh giá, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xác định và phân bổ nguồn tài chính trong nước và điều phối các nguồn tài trợ của nước ngoài, cơ chế chính sách thúc đẩy thực hiện Chiến lược sức khỏe đất Việt Nam. Các Cục, Vụ trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, địa phương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, hiệp hội ngành hàng, hội nghề nghiệp chịu trách nhiệm chủ trì và phối hợp thực hiện các hoạt động được quy định trong Phụ lục I.
Quang cảnh cuộc họp tham vấn
Tại cuộc họp tham vấn, các chuyên gia, nhà nghiên cứu chính sách và đại diện các Viện, trường liên quan đã trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất để Dự án được triển khai thành công tại Việt Nam với mục tiêu chung là cải thiện sức khỏe đất, hướng tới phát triển nền nông nghiệp sinh thái, bền vững. Một số đại biểu cho rằng, cần làm rõ hơn thực trạng sức khỏe đất; các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe đất, các tiêu chí để đưa ra các định hướng, nhiệm vụ, hạn chế tối đa các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe đất. Cũng có ý kiến cho rằng, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, về vai trò của người nông dân trong chiến lược sức khỏe đất, nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững…
Hương Mai