Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 08/05/2025

Bộ Nông nghiệp và Môi trường: Họp báo công bố, quán triệt triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW

07/05/2025

    Ngày 5/5/2025, tại Hà Nội, Bộ NN&MT đã tổ chức Họp báo công bố và quán triệt triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong ngành NN&MT. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo Vụ Khoa học - Công nghệ; Văn phòng Bộ; các viện, trường trực thuộc; tổ chức trong nước và quốc tế, cùng một số đơn vị liên quan và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí.

    Quyết tâm đưa khoa học công nghệ của ngành vươn tầm thế giới

    Phát biểu khai mạc buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến khẳng định, sự tham gia đầy đủ của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW là điều rất đáng mừng, nhất là khi Bộ TN&MT và Nông nghiệp & Phát triển nông thôn vừa hợp nhất. Đây là nguồn cổ vũ rất lớn cho những người làm công tác nghiên cứu trong bối cảnh cả nước đang vươn mình vào kỷ nguyên mới”.

Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến phát biểu khai mạc buổi họp báo

    Để triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội; Nghị quyết số 03/NQ-CP và Nghị định số 88/2025/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ NN&MT đã xây dựng các nội dung cơ bản để tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW tại Bắc Ninh vào ngày 9 - 10/5/2025, bao gồm các sự kiện: Trưng bày triển làm từ ngày 9/5; phiên toàn thể (sáng 10/5); chiều 10/5 sẽ chia 4 phiên họp chuyên đề để các đại biểu thảo luận sâu hơn các vấn đề liên quan đến ngành NN&MT, qua đó đề xuất giải pháp phù hợp, đảm bảo thực thi Nghị quyết một cách đồng bộ, hiệu quả, sát với thực tiễn.

    Hội nghị nhằm quán triệt tinh thần đổi mới, đặt nền tảng cho việc xây dựng hệ thống chính sách và chương trình hành động trong toàn ngành; đồng thời, thống nhất nhận thức và trách nhiệm trong quá trình triển khai. Hội nghị sẽ cụ thể hóa những định hướng lớn trong phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh, cũng như cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Vì vậy, việc tổ chức họp báo cũng như Hội nghị sắp tới thể hiện quyết tâm của Bộ NN&MT trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên và phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

    Báo cáo tại buổi họp, TS. Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ NN&MT, bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, ngày 27/3/2025, Bộ đã ban hành Quyết định số 503/QĐ-BNNMT về Kế hoạch đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Kế hoạch tích hợp đầy đủ mục tiêu của hai ngành TN&MT, NN&PTNT với những chỉ tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực, đồng thời, tập trung vào các nhóm nhiệm vụ lớn, then chốt để tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia của ngành. Trong đó bao gồm: Nâng cao nhận thức và đổi mới tư duy; hoàn thiện thể chế chính sách; tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng; phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong Bộ và các doanh nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ.

    Hiện Bộ trưởng và các Thứ trưởng đã chỉ đạo tất cả các đơn vị trực thuộc rà soát để có cơ sở báo cáo các cấp có thẩm quyền, đưa ra nội dung đầu tư trọng tâm trọng điểm để có cơ sở đổi mới sáng tạo, đưa khoa học công nghệ của ngành vươn tầm thế giới. Trong đó, rà soát tất cả các quy trình nội bộ, xây dựng hệ thống dịch vụ công xuyên suốt, hướng tới mục tiêu năm 2030, toàn bộ thủ tục hành chính sẽ được xử lý trên không gian mạng (toàn trình).

    Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Khuất Hoàng Kiên chia sẻ, đon vị đang có kế hoạch rà soát, dữ liệu của Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT trước đây để kết hợp lại thành nền tảng chung của Bộ NN&MT. Đặc biệt, đẩy mạnh tích hợp các hồ sơ công việc, dịch vụ công trực tuyến để sớm vận hành và phục vụ người dân. Bên cạnh đó, Cục sẽ sớm ban hành kiến trúc chuyển đổi số 4.0 trong lĩnh vực NN&MT, trong đó cụ thể hóa kế hoạch và cơ sở dữ liệu trọng điểm của từng lĩnh vực, từng dự án. Về cơ sở thông tin liên quan đến đất đai mang tính đặc thù cao, nguồn dữ liệu chủ yếu gắn với chính quyền địa phương, để thu thập số liệu chính xác đòi hỏi nguồn lực lớn. Vì vậy, đơn vị đang tích cực tham mưu Bộ NN&MT, Chính phủ khuyến khích các địa phương thu thập, rà soát dữ liệu. Ngoài ra, đơn vị đang tích cực hệ thống hóa thông tin để vận hành theo Luật Đất đai trước tháng 6, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ. Đồng thời, nghiên cứu về các công cụ, nền tảng chia sẻ dữ liệu phù hợp để hỗ trợ các cơ quan Chính phủ quản lý và vận hành công việc hiệu quả.

    7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 15 điểm nghẽn cần tháo gỡ để tạo đột phá về khoa học công nghệ

    Trả lời phóng viên tại buổi họp báo về Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, ông Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ NN&MT) cho biết, trước đây, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT đều đã có Nghị quyết, văn bản quán triệt triển khai Nghị quyết 57. Kể từ ngày 1/3/2025 khi thực hiện hợp nhất, Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Vụ KH&CN chủ trì, phối hợp với các đơn vị xây dựng Kế hoạch của Bộ NN&MT  trên cơ sở tích hợp kế hoạch của hai Bộ.

    Ngày 27/3/2025, Bộ NN&MT đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19/2/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 9/1/2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Quang cảnh buổi họp báo

    Kế hoạch đã bám sát tinh thần của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đồng thời đưa ra đầy đủ mục tiêu chung, chỉ tiêu cụ thể của ngành NN&MT với 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm:

    Nhóm 1 về nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, quyết tâm chính trị mạnh mẽ. Trong đó, phấn đấu 25% lãnh đạo Bộ và các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ có chuyên môn, kinh nghiệm về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, các đơn vị trong Bộ phấn đấu 5% nhân sự cấp ủy có chuyên môn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

    Để có cơ sở đánh giá, Vụ KH&CN cũng đang chủ trì xây dựng bộ tiêu chí để định kỳ hàng năm xếp hạng chuyển đổi số (DTI) trong từng đơn vị và toàn ngành. Mặt khác, ngày 10/5 tới đây, Bộ NN&MT sẽ công bố chuyên trang tuyên truyền để thông tin các hoạt động triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ.

    Nhóm 2 về hoàn thiện thể chế, đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thời gian qua, toàn ngành NN&MT có 17 Luật chuyên ngành; 5 Luật liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn và 2 Luật khác của Bộ KH&CN. Hiện nay, Lãnh đạo Bộ đang yêu cầu tất cả các đơn vị trong Bộ rà soát toàn diện để sửa đổi, bổ sung, đảm bảo sự thống nhất, kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn.

    Tới đây, Bộ NN&MT sẽ tập trung rà soát toàn bộ hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCQG), quy chuẩn quốc gia (QCQG). Tính đến hết tháng 4/2025, Bộ hiện đang quản lý 1.832 TCVN và 175 QCVN. Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã cắt giảm 149 QCVN nhằm tinh giản hóa hệ thống và giảm bớt rào cản cho doanh nghiệp. Trong năm 2025, các đơn vị trực thuộc tiếp tục rà soát và dự kiến cắt giảm thêm 59 QCVN cùng nhiều tiêu chuẩn khác.

    ​Nhóm 3 về tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Hiện nay, Bộ NN&MT đang có 21 tổ chức KH&CN, 34 trường đào tạo cùng lực lượng 11.467 nhà khoa học, trong đó có 44 Giáo sư. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng nhiều nơi đã cũ kỹ. Nhiều trang thiết bị công nghệ cũ kỹ, lạc hậu; nhiều quy trình cần cập nhật và nhân lực vận hành cũng còn tồn tại những bất cập. Lãnh đạo Bộ hiện đã chỉ đạo tất cả các đơn vị trực thuộc rà soát đánh giá thực trạng để có cơ sở báo cáo các cấp có thẩm quyền. Đồng thời, đưa ra nội dung đầu tư trọng tâm trọng điểm để có cơ sở nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, không chỉ ở tầm khu vực mà phải vươn ra thế giới.

    Bên cạnh đó, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo vào quản lý nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng chuyển đổi số, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý, nghiên cứu, sản xuất. Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu “sống, sạch, đủ“. Hiện, Cục Chuyển đổi số đang chủ trì xây dựng các hạ tầng chuyển đổi số, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia của từng nhóm chuyên ngành.

    Nhóm 4 về phát triển, trọng dụng nhân tài. Bộ sẽ nghiên cứu để có các cơ chế trọng dụng nhân tài, phát triển đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ cho ngành, bao gồm cơ chế chính sách thu hút cả các chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng đề án đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

    ​Nhóm 5 về đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Việc chuyển đổi số 100% là yêu cầu cấp bách, bắt buộc phải thực hiện. Theo ông Long, nhu cầu hiện nay là tất cả văn bản chính sách cần phải phù hợp cho công tác chuyển đổi số, bên cạnh đó là cơ sở hạ tầng, nhân lực . Mặt khác, cần rà soát toàn bộ quy trình nội bộ của từng cơ quan, từng bộ phận.

    Yêu cầu đặt ra cho dịch vụ công là toàn bộ phải xử lý trên không gian mạng (toàn trình), hướng tới người dân, doanh nghiệp. Bộ NN&MT phấn đấu đến năm 2030 sẽ toàn trình toàn bộ. Trước mắt năm 2025, tối thiểu các thủ tục trực tuyến phải đạt 85% và tăng dần trong 5 năm tới. Tất cả quy trình sẽ được rà soát, cắt giảm để phục vụ công tác chuyển đổi số của Bộ.

    ​Nhóm 6 về thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Hiện có nhiều doanh nghiệp trong ngành NN&MT đã mạnh dạn, tiên phong có những ứng dụng khoa học công nghệ hiệu quả. Tại Hội nghị ngày 10/5 tới đây, dự kiến doanh nghiệp tiên phong sẽ trình diễn các ứng dụng và thậm chí ký thỏa thuận hợp tác với Bộ để đưa khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất.

    Mục tiêu của nhóm nhiệm vụ này là Bộ và các đơn vị thuộc Bộ sẽ hỗ trợ tối đa doanh nghiệp để chuyển đổi số, ưu tiên đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. Đẩy mạnh chuyển giao tri thức, đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thông qua doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

    Nhóm 7 về tăng cường hơp tác quốc tế. Từ năm 2021 đến nay, toàn ngành NN&MT đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Hiện có rất nhiều chương trình khoa học công nghệ được triển khai đi đôi với việc ứng dụng mạnh mẽ nhiều thành quả khoa học công nghệ tiên tiến từ nước ngoài. Ngành cũng chủ động hội nhập quốc tế về cơ chế, chính sách.

    Việc thực hiện nhóm nhiệm vụ này sẽ tiếp tục duy trì, phát huy tối đa nguồn lực hiện có và huy động cộng đồng quốc tế tham gia hỗ trợ, hợp tác mạnh mẽ hơn với ngành NN&MT. Hoạt động hợp không chỉ song phương, đa phương mà còn theo các chuyên đề, chuyên ngành. Mục tiêu là làm sao tận dụng tối đa quy trình công nghệ, chuyên gia, nguồn lực quốc tế phục vụ phát triển ngành và chủ động hội nhập quốc tế.

    Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến cũng nêu rõ 15 vấn đề lớn cần được giải quyết nhằm thúc đẩy phát triển KHCN, cụ thể: (i) Đội ngũ các nhà khoa học cần được đặt ở vị trí trung tâm trong tiến trình đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, hiện nay số lượng giáo sư, tiến sĩ có xu hướng giảm; thu nhập chưa tương xứng khiến việc thu hút và giữ chân nhân tài gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh; (ii) Cần rà soát lại trình tự phê duyệt các đề tài khoa học để đảm bảo mục tiêu, nội dung và đầu ra phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Khoa học phải bắt nguồn từ thực tiễn và quay trở lại phục vụ thực tiễn. Bộ KHCN hiện có các quỹ hỗ trợ, song cần thúc đẩy cơ chế để chuyển nhanh từ nghiên cứu sang ứng dụng công nghệ hiệu quả; (iii) Cần cân đối chi ngân sách cấp Trung ương và địa phương; (iv) Cần có cơ chế đột phá để giải phóng tư duy “bao cấp", triệt tiêu động lực sáng tạo, hướng tới việc làm giàu từ KHCN; (v) Cần tháo gỡ khó khăn giải quyết khó khăn trong “ba tự chủ”: Tự chủ nhiệm vụ, tự chủ tài chính và tự chủ tổ chức nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt cho các đơn vị nghiên cứu; (vi) Hạn chế tình trạng lãng phí nguồn lực. Hiện nay có nhiều trang thiết bị được đầu tư nhưng không đồng bộ, tần suất sử dụng thấp, dẫn đến khấu hao chậm và lãng phí, vì vậy, cần rà soát, quy hoạch đầu tư theo hướng đồng bộ, hiệu quả; (vii) Có cơ chế sử dụng đất đai phục vụ hiệu quả cho các nhiệm vụ KHCN; (viii) Xây dựng cơ chế tín dụng riêng để hỗ trợ cho các cá nhân, nhóm nghiên cứu triển khai ý tưởng đổi mới sáng tạo; (ix) Vấn đề phê duyệt kinh phí cho nhiệm vụ khoa học cần được thực hiện đúng tiến độ để tránh tình trạng chậm trễ ảnh hưởng đến tiến độ nghiên cứu; (x) Hình thành và đầu tư cho các nhóm nghiên cứu xuất sắc, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, tập trung vào những lĩnh vực chủ lực của ngành; (xi) Các chương trình KHCN cần được đầu tư tập trung, đồng bộ, tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí; (xii) Những chương trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn lớn, tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất cần được ưu tiên về cơ chế và nguồn lực; (xiii) Xây dựng các cơ chế đặc biệt cho các chương trình KHCN phù hợp với đặc thù, nhu cầu và chiến lược phát triển của từng bộ ngành cụ thể; (xiv) Các chương trình phục vụ cho Bộ chuyên ngành phù hợp; (xv) Kinh phí nghiên cứu nên được phân bổ theo chuỗi, theo kíp, bảo đảm tính liên tục và hiệu quả.

Trần Tân (Theo mae.gov.vn)

Ý kiến của bạn