Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 23/05/2025

Long An: Ban hành Kế hoạch về quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025 - 2030

20/05/2025

    Ngày 9/5/2025, UBND tỉnh Long An đã ban hành Kế hoạch số 1451 /KH-UBND về quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025 - 2030. Kế hoạch hướng tới mục tiêu cơ bản khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu vực đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh được phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý tại các khu xử lý chất thải rắn tập trung của tỉnh, cụ thể: Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn khu vực đô thị đạt 100%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn đạt 95 - 98%; 100% các huyện, thị xã, thành phố phải lập bộ và tổ chức thu đúng, thu đủ số tiền phí dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện quản lý; tiến đến ngân sách không còn cấp kinh phí cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Các huyện, thị xã, thành phố rà soát, nghiên cứu nếu cần thiết phải bố trí điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo thuận tiện cho việc thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý; đồng thời đảm bảo đúng quy định. Chất thải rắn phát sinh được phân loại tại nguồn để có thể dễ dàng vận chuyển, tái chế, qua đó góp phần giảm lượng chất thải cần xử lý, tăng lượng chất thải có thể tái chế. Số hóa việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt nhằm theo dõi tuyến đường thu gom, vận chuyển và khối lượng thu gom, vận chuyển bảo đảm hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, hoàn thành việc nâng cấp, chuyển đổi công nghệ đốt sang đốt phát điện và nâng công suất xử lý chất thải rắn từ 300 tấn/ngày lên thành 500 tấn/ngày tại Nhà máy xử lý rác Thạnh Hóa - Long An của Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa; xây dựng 1 Nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện với công suất 300 tấn/ngày của Công ty TNHH Năng lượng Trí Việt (xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa; cạnh Nhà máy xử lý rác Thạnh Hóa - Long An của Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa); xây dựng 1 Nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt thu hồi năng lượng tại huyện Đức Huệ; xây dựng 1 Nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt với công suất 250 tấn/ngày tại huyện Cần Giuộc; xây dựng 1 Nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt với công suất 450 tấn/ngày tại huyện Đức Hòa; đóng cửa bãi rác lộ thiên trên địa bàn thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ; tiến tới xử lý hoàn tất địa điểm ô nhiễm môi trường nêu trên.

    Để đạt được các mục tiêu trên, kế hoạch đưa ra 6 nhiệm vụ và giải pháp sau:

    Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và ý thức, trách nhiệm trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn của cộng đồng

    Tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức thông tin, giáo dục - nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, đặc biệt là ý thức về công tác thu gom, phân loại chất thải rắn tại nguồn, lưu giữ, chuyển giao xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và khoản 12 Điều 1 Thông tư số 07/2025/TT-BTNMT ngày 28/02/2025 của Bộ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường.

    Tiếp tục phát huy vai trò của các cơ quan, tổ chức có chức năng tuyên truyền như: Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, UBMTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Luật gia, Hội Người cao tuổi, Hội Nạn nhân chất độc da cam, Báo và Đài Phát thanh Truyền hình Long An, Báo Nông nghiệp và Môi trường… để duy trì và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường sâu rộng đến toàn thể cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn Tỉnh.

    Phối hợp với các Tổ chức Quốc tế như WWF - Việt Nam (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam), Tổ chức KOICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc), Tổ chức ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á) thực hiện các dự án hỗ trợ Tỉnh thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó có các mô hình thí điểm về tuyên truyền, vận động người dân và tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn, thu gom và xử lý chất thải rắn sau phân loại.

    Thực hiện “Chuyển đổi số Quản lý chất thải rắn” trên địa bàn tỉnh Long An nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu xây dựng chính quyền số; bảo đảm hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ngày càng tốt hơn.

    Xúc tiến đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn mới theo quy hoạch được phê duyệt

    Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 08/07/2024; trong đó, phương án triển khai xây dựng 1 khu xử lý chất thải rắn cấp quốc gia khoảng 200 ha tại Khu công nghệ Môi trường Xanh (xã Tân Long, huyện Thủ Thừa) để xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, bùn thải và các loại chất thải rắn khác. Chất thải được phân loại tại nguồn; công nghệ xử lý bao gồm tái sử dụng - tận thu, ủ phân, thiêu đốt chất thải không tái chế được (đốt rác phát điện hoặc thu hồi năng lượng), chôn lấp. Tăng cường phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh để đẩy nhanh tiến độ triển khai thu hút nhà đầu tư xây dựng và vận hành Khu xử lý chất thải rắn tập trung tại Khu công nghệ Môi trường Xanh (xã Tân Long, huyện Thủ Thừa).

    Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 686/QĐ-TTg ngày 13/6/2023; trong đó, phương án phát triển các khu xử lý chất thải rắn cụ thể như sau:

    - Xây dựng 3 khu xử lý chất thải rắn tập trung tại các huyện Đức Huệ, Vĩnh Hưng và Cần Giuộc với quy mô tối thiểu 30 ha/khu. Do đó, khẩn trương thực hiện các thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất do nhà nước quản lý để cho thuê đất có điều kiện sử dụng vào mục đích đầu tư thực hiện nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt thu hồi năng lượng tại xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ; đồng thời, tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn tại các vị trí quy hoạch đã được phê duyệt ở huyện Cần Giuộc.

    - Xây dựng 1 Nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện với công suất 300 tấn/ngày của Công ty TNHH Năng lượng Trí Việt (xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa; cạnh Nhà máy xử lý rác Thạnh Hóa - Long An của Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa).

    - Nâng cấp, chuyển đổi công nghệ đốt sang đốt phát điện và nâng công suất xử lý chất thải rắn từ 300 tấn/ngày lên thành 500 tấn/ngày tại Nhà máy xử lý rác Thạnh Hóa - Long An của Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa phục vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

    - Xây dựng các trạm trung chuyển chất thải rắn tại tất cả các khu đô thị có khoảng cách đến khu xử lý chất thải rắn trên 20 km; bố trí trạm trung chuyển chất thải rắn cỡ nhỏ tại các khu đô thị có bán kính phục vụ tối đa 10 km.

    Ngoài ra, để đảm bảo chất thải rắn phát sinh trên địa bàn tỉnh được thu gom và xử lý triệt để, trong thời gian tới UBND tỉnh giao các Sở ban ngành tỉnh liên quan thực hiện các thủ tục kêu gọi đầu tư và triển khai đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ thu hồi năng lượng với công suất xử lý dự kiến khoảng 450 tấn/ngày tại xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa.

    Cải tạo nâng cấp các nhà máy, cơ sở xử lý chất thải rắn hiện hữu, đóng cửa bãi rác lộ thiên

    Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ và đôn đốc Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa khẩn trương thực hiện các thủ tục để hoàn thành việc nâng cấp, chuyển đổi công nghệ đốt sang đốt phát điện và nâng công suất xử lý chất thải rắn từ 300 tấn/ngày lên thành 500 tấn/ngày tại Nhà máy xử lý rác Thạnh Hóa - Long An; phấn đấu từ năm 2025 - 2026 hoàn thành.

    Cải tạo, nâng cấp và nâng công suất các Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Vĩnh Hưng (công nghệ ủ phân compost và chôn lấp), Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Tân Hưng (công nghệ đốt) và Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt thị xã Kiến Tường và huyện Mộc Hóa (công nghệ đốt) đảm bảo đáp ứng xử lý hết chất thải rắn sinh hoạt phát sinh và an toàn vệ sinh trên địa bàn.

    Đóng cửa bãi rác lộ thiên tại thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ, phấn đấu bắt đầu thực hiện từ năm 2025 và đến cuối năm 2026 hoàn tất xử lý địa điểm ô nhiễm môi trường nêu trên.

    Bố trí, xây dựng các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt

    Bố trí, xây dựng các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt và niêm yết công khai theo đúng quy định tại Điều 76, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ, Điều 26 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Quyết định số 22/2023/QĐ-UBND ngày 2/6/2023 của UBND tỉnh quy định về việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Long An.

    Chuyển đổi số quản lý chất thải rắn sinh hoạt

    Trên cơ sở báo cáo, đánh giá toàn diện kết quả và hiệu quả triển khai thực hiện Kế hoạch số 2003/KH-UBND ngày 05/7/2024 của UBND tỉnh Long An về việc triển khai thực hiện thí điểm “Chuyển đổi số Quản lý chất thải” trên địa bàn thành phố Tân An, tỉnh Long An, giao Sở Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương nhân rộng phạm vi triển khai thực hiện ứng dụng Hệ thống “Chuyển đổi số Quản lý chất thải” tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Long An nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải trên phạm vi toàn tỉnh sau khi việc sắp xếp và sáp nhập hoạt động ổn định.

    Trước mắt, Sở Nông nghiệp và Môi trường đề xuất và đề nghị VNPT Long An tiếp tục hỗ trợ và hướng dẫn UBND thành phố Tân An, Công ty Cổ phần Đô thị Tân An (Đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt) và Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa tiếp tục duy trì vận hành Hệ thống “Chuyển đổi số Quản lý chất thải”; đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

    Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (theo Luật Giá)

    Nhằm cụ thể hóa các điều, khoản, điểm được quy định tại khoản 4 Điều 21 Luật Giá và điểm a khoản 3 Điều 28 Nghị định số 85/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ giao UBND tỉnh quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; làm cơ sở ban hành giá đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật hiện hành tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 06/2022/QĐ-UBND ngày 13/1/2022 của UBND tỉnh về quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (theo Luật Giá).

 Nguyễn Gia Thọ

Ý kiến của bạn