27/05/2025
Bà Rịa - Vũng Tàu là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm ven biển Đông Nam bộ, với đường bờ biển dài khoảng 305,4 km, vùng biển rộng gần 100.000km2, có nguồn tài nguyên biển phong phú và cơ sở hạ tầng thuận lợi nên đây là những tiền đề quan trọng để tỉnh phát triển các ngành kinh tế biển (khai thác và chế biến dầu khí, phát triển kinh tế thủy sản, kinh tế hàng hải, du lịch biển…). Thời gian qua, công tác quản lý môi trường biển của Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, môi trường biển của tỉnh cũng đang chịu nhiều áp lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường xuyên biên giới. Điều này đòi hỏi phải tăng cường công tác quản lý môi trường biển trên địa bàn tỉnh.
1. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN VÀ TÁC ĐỘNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG BIỂN
1.1. Thực trạng phát triển kinh tế biển của Bà Rịa - Vũng Tàu
Với những tiềm năng, vị thế về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, những năm qua, Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức phát triển các ngành kinh tế biển và đạt được những kết quả đáng ghi nhận ở một số ngành kinh tế biển chủ đạo.
Về kinh tế hàng hải: Đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, năng lực vận tải ngày càng nâng cao, đáp ứng được tầng bước nhu cầu vận chuyển. Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải năm 2024 đạt 21.851,2 tỷ đồng, tăng 11,8%, khối lượng hàng hóa thông qua cảng bằng tàu biển năm 2024 đạt 93,5 triệu tấn, tăng 25% so với cùng kỳ. Trong đó, hàng container bằng tàu biển đạt 6,3 triệu TEU, tăng 37%.
Về du lịch biển: Ngành du lịch của tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định thông qua các chỉ tiêu về lượt khách, doanh thu, số lượng khách có lưu trú; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch tăng về chất lượng và số lượng; môi trường du lịch ngày càng được cải thiện; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch tạo không gian phát triển cho ngành du lịch được tăng cường; việc tuyên truyền, quảng bá, kết nối, liên kết với các địa phương trong nước để cùng phát triển từng bước được cải thiện; công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách được đặc biệt quan tâm thực hiện. Tỉnh đã phát triển đa dạng các loại hình và sản phẩm du lịch như nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch homestay, du lịch thể thao biển, tham quan các di tích, danh thắng, du lịch hội thảo, du lịch sinh thái, MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác); tăng cường sự liên kết, kết hợp giữa du lịch với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, văn hóa, thi đấu thể thao.
Về nuôi trồng và khai thác hải sản: Tỉnh đã tổ chức khoanh vùng nuôi trồng thủy sản lồng bè, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản và sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 429,31 ha phân bố tại huyện Long Đất và thành phố Vũng Tàu.
Khai thác hải sản của tỉnh đã dần tiến đến hiện đại với việc tái cơ cấu, tổ chức sắp xếp lại tàu thuyền. Tính đến cuối năm 2024, tổng số tàu cá của tỉnh là 4.468 chiếc. Trong đó, tàu cá khai thác thủy sản xa bờ (chiều dài từ 15m trở lên) có 2.541 chiếc, chiếm 56,87%; tàu khai thác thủy sản vùng lộng (chiều dài từ 12m đến 15m) có 602 chiếc, chiếm 13,47%; tàu khai thác thủy sản vùng ven bờ (chiều dài từ 6m đến dưới 12m) có 1.325 chiếc, chiếm 29,66%.
Về khai thác và chế biến dầu khí: Nằm ở vị trí trung tâm của các bể trầm tích dầu khí lớn, hoạt động khai thác dầu khí trên vùng biển của tỉnh đã sớm được thực hiện. Bên cạnh đó, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là nơi tập trung nhiều cơ sở chế biến dầu khí quan trọng của quốc gia. Đặc biệt, tổ hợp hóa dầu Long Sơn đã chính thức vận hành thương mại sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lâu dài cho tỉnh.
Ngoài ra, hoạt động khai thác và chế biến dầu khí đã hình thành và phát triển ngành năng lượng, đạm - hóa chất, công nghiệp khí đốt, sản xuất và cung ứng hóa phẩm dầu khí, đóng mới giàn khoan, sửa chữa tàu biển, dịch vụ cảng biển và kho bãi… đóng góp đáng kể vào tỷ lệ gia tăng giá trị công nghiệp và dịch vụ của Tỉnh.
1.2. Tác động của phát triển kinh tế biển đến môi trường biển
Bên cạnh những đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các ngành kinh tế biển cũng gây sức ép rất lớn đến môi trường biển của Bà Rịa - Vũng Tàu.
Về tác động của phát triển kinh tế hàng hải đến môi trường biển: Phát triển kinh tế hàng hải dễ gây ra rò rỉ hoặc tràn dầu từ tàu thuyền, đặc biệt là tàu chở dầu, hóa chất độc hại gây ô nhiễm nghiêm trọng đến nước biển, bờ biển và các hệ sinh thái biển. Dầu loang có thể bao phủ bề mặt nước, ngăn cản sự trao đổi khí và ánh sáng, gây hại trực tiếp đến sinh vật biển, đặc biệt là các loài chim biển và động vật có vú ở biển. Rò rỉ hoặc thải bỏ trái phép các hóa chất độc hại có thể gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe của sinh vật biển và con người. Nước thải sinh hoạt và nước thải từ các hoạt động trên tàu có thể chứa các chất ô nhiễm, vi khuẩn và các sinh vật ngoại lai, gây mất cân bằng sinh thái và ô nhiễm nguồn nước. Rác thải sinh hoạt và rác thải từ hoạt động vận tải gây ra nhiều hệ lụy cho sinh vật biển như mắc kẹt, nuốt phải, ô nhiễm vi nhựa.
Bên cạnh đó, việc xây dựng cảng biển, nạo vét luồng lạch, lấn biển để phát triển cơ sở hạ tầng hàng hải có thể phá hủy các hệ sinh thái quan trọng như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, là nơi cư trú và sinh sản của nhiều loài sinh vật biển. Nước dằn tàu có thể chứa các loài sinh vật ngoại lai, khi được thải ra ở các vùng biển mới có thể gây mất cân bằng sinh thái, cạnh tranh và gây hại cho các loài bản địa.
Về tác động của du lịch biển đối với môi trường biển: Lượng lớn rác thải từ khách du lịch, các cơ sở dịch vụ du lịch ven biển và các hoạt động vui chơi giải trí trên biển có thể bị thải trực tiếp hoặc gián tiếp ra biển. Rác thải nhựa đặc biệt nguy hiểm vì chúng phân hủy chậm, gây ô nhiễm lâu dài, làm hại sinh vật biển do nuốt phải hoặc mắc kẹt. Nước thải sinh hoạt từ các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng ven biển thường chứa các chất hữu cơ, chất tẩy rửa, vi khuẩn gây bệnh nếu không được xử lý đúng cách trước khi thải ra môi trường biển. Hoạt động của tàu thuyền du lịch có thể gây rò rỉ dầu, nhiên liệu, gây ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển.
Lặn biển và đi bộ trên rạn san hô không đúng cách có thể gây hư hại, gãy vỡ các cấu trúc san hô mỏng manh. Việc neo đậu tàu thuyền không đúng vị trí cũng có thể phá hủy rạn san hô. Hoạt động của tàu thuyền và việc đi lại trên thảm cỏ biển có thể gây tổn thương hoặc phá hủy thảm cỏ, làm mất đi môi trường sống quan trọng của nhiều loài sinh vật biển. Việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng, cơ sở hạ tầng du lịch ven biển có thể dẫn đến việc chặt phá rừng ngập mặn, làm mất đi hệ sinh thái quan trọng có vai trò bảo vệ bờ biển, lọc nước và là nơi sinh sống của nhiều loài. Sự gia tăng hoạt động của con người trên bãi biển và dưới nước có thể làm xáo trộn môi trường sống của các loài sinh vật biển, ảnh hưởng đến quá trình sinh sản, kiếm ăn và nghỉ ngơi của chúng.
Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ hải sản tăng cao do du lịch có thể dẫn đến tình trạng khai thác quá mức, đặc biệt là các loài có giá trị cao, gây ảnh hưởng đến sự bền vững của nguồn lợi hải sản. Việc xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng, cầu cảng, đường xá ven biển có thể làm thay đổi cảnh quan tự nhiên, gây xói lở hoặc bồi lắng bờ biển.
Về tác động của nuôi trồng và khai thác hải sản đối với môi trường biển: Thức ăn thừa và các chất thải từ quá trình nuôi tích tụ gây ô nhiễm nguồn nước, tăng nồng độ chất hữu cơ, nitơ, phốt pho, dẫn đến phú dưỡng, thiếu oxy. Việc sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh để phòng và trị bệnh có thể tồn dư trong môi trường và sản phẩm, gây hại cho hệ sinh thái và sức khỏe con người. Nước thải từ ao nuôi có thể chứa các chất ô nhiễm, mầm bệnh và gây ảnh hưởng đến các hệ sinh thái xung quanh.
Việc mở rộng diện tích nuôi trồng, đặc biệt là nuôi tôm, thường dẫn đến việc phá rừng ngập mặn, làm mất đi hệ sinh thái quan trọng có vai trò bảo vệ bờ biển, lọc nước và là nơi sinh sống của nhiều loài. Hoạt động xây dựng ao nuôi có thể làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, gây xói lở bờ biển, thay đổi nơi cư trú của các loài sinh vật. Khi sử dụng các loài nuôi không bản địa có thể gây xâm lấn, cạnh tranh với các loài bản địa, làm mất cân bằng sinh thái.
Khai thác hải sản với cường độ vượt quá khả năng tái tạo của các quần thể hải sản dẫn đến suy giảm số lượng, kích thước trung bình và thậm chí tuyệt chủng cục bộ của nhiều loài có giá trị kinh tế và sinh thái. Sử dụng các phương pháp khai thác không chọn lọc như lưới kéo đáy, thuốc nổ, chất độc không chỉ bắt được các loài mục tiêu mà còn phá hủy môi trường sống, tiêu diệt các loài sinh vật biển khác. Ngoài ra, rác thải từ tàu thuyền, ngư cụ bị bỏ lại hay dầu thải từ tàu thuyền gây ô nhiễm môi trường biển.
Về tác động của khai thác và chế biến dầu khí đối với môi trường biển: Sự cố tràn dầu từ các giàn khoan, tàu vận chuyển, đường ống dẫn dầu có thể gây ô nhiễm trên diện rộng, bao phủ bề mặt nước, bờ biển, làm chết hoặc gây hại cho sinh vật biển. Dầu loang còn ảnh hưởng đến các hệ sinh thái nhạy cảm như rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển.
Quá trình khai thác và chế biến dầu khí sử dụng nhiều loại hóa chất độc hại (dung dịch khoan, hóa chất xử lý, chất ức chế ăn mòn...) khi bị rò rỉ hoặc thải bỏ trái phép có thể gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe của sinh vật biển và con người. Nước thải từ các giàn khoan, nhà máy chế biến (nước làm mát, nước sinh hoạt...) có thể chứa các chất ô nhiễm, kim loại nặng, chất hữu cơ, gây ảnh hưởng đến chất lượng nước biển. Rác thải sinh hoạt, vật liệu xây dựng, thiết bị hỏng hóc từ các hoạt động dầu bị thải bỏ thiếu kiểm soát có thể gây ra ô nhiễm môi trường biển.
Hoạt động xây dựng giàn khoan, đường ống dẫn dầu, cảng biển, nhà máy chế biến ven biển có thể phá hủy các hệ sinh thái tự nhiên như rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, bãi triều. Hoạt động neo đậu của tàu thuyền, việc đặt và di chuyển các thiết bị khai thác có thể gây xáo trộn trầm tích đáy biển, ảnh hưởng đến các sinh vật đáy và làm tăng độ đục của nước.
Như vậy, việc phát triển các ngành kinh tế biển mang lại lợi ích kinh tế - xã hội nhưng cũng tiềm ẩn những thách thức đối với môi trường biển. Hiện nay, môi trường biển của Bà Rịa - Vũng Tàu ở một số khu vực và một số thời điểm đã gia tăng chỉ số rủi ro môi trường biển. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2021: Tình trạng ô nhiễm hữu cơ có tính cục bộ ở Vũng Tàu; giá trị các thông số TTS, Fe tại khu vực vịnh Gành Rái, giá trị thông số NH4+ tại cửa sông Thị Vải năm 2018 và giá trị Lindan tại vịnh Gành Rái năm 2017 vượt giới hạn cho phép của QCVN 10-MT: 2015/BTNMT; suy thoái cỏ biển ở Côn Đảo ở cấp độ I - II. Còn theo kết quả quan trắc đợt 02 năm 2025 của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Chỉ tiêu COD tại vùng nuôi lồng bè, nuôi tôm nước lợ và vùng sản xuất giống thủy sản có giá trị cao hơn giới hạn cho phép so với TCVN 13656:2023.
2. TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG BIỂN
Trong thời gian tới, quản lý môi trường biển ở Bà Rịa - Vũng Tàu được đặt trong bối cảnh quốc tế và trong nước có những vấn đề cần quan tâm như biến đổi khí hậu và nước biển dâng, ô nhiễm môi trường biển có tính chất toàn cầu, sức ép của các hoạt động kinh tế - xã hội…, đặc biệt là yêu cầu về phát triển kinh tế biển bền vững. Do đó, cần tăng cường các giải pháp quản lý môi trường biển trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu như sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về tài nguyên và môi trường biển, quản lý môi trường biển
Thực hiện đa dạng hóa các nội dung, phương pháp và hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về biển, về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, BVMT biển, nhất là đối với các doanh nghiệp khai thác tài nguyên biển, các cơ sở sản xuất đóng tại vùng ven biển trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư ven biển và huyện Côn Đảo cùng với cải thiện sinh kế và xoá đói giảm nghèo, trên cơ sở đó giúp họ thay đổi hành vi cá nhân trong cách ứng xử đối với tài nguyên, môi trường biển. Bên cạnh đó, cần phát huy các thiết chế văn hóa của cộng đồng dân cư ven biển trong việc khai thác bền vững tài nguyên, BVMT biển.
Thứ hai, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách về khai thác tài nguyên gắn với BVMT biển, phát triển kinh tế biển bền vững
Nhằm phát triển bền vững vùng biển đảo trong bối cảnh mới, cần thiết xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển của Tỉnh như: (1) Chính sách về bảo đảm sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven biển và trên đảo. Đặc biệt xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, nhất là cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ khu bảo tồn biển Côn Đảo. (2) Chính sách cho cộng đồng dân cư được hưởng lợi từ dịch vụ bảo vệ nguồn lợi thủy sản, BVMT sinh thái biển nhằm khuyến khích mạnh mẽ sự tham gia của cộng đồng, bảo đảm sự phát triển bền vững và hiệu quả. (3) Cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; cơ chế về ký quỹ - hoàn trả đối với tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường phục vụ phát triển kinh tế biển. Trước hết, tổ chức thí điểm cơ chế đặt cọc - hoàn trả các sản phẩm bao bì nhựa tại Côn Đảo. (4) Cơ chế, chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường trong quản lý và vận hành cảng biển trên địa bàn. (5) Cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, xây dựng các khu xử lý chất thải tiên tiến, thân thiện môi trường; lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn kết hợp với thu hồi năng lượng.
Thứ ba, bảo đảm nguồn lực cho quản lý tài nguyên gắn với BVMT biển
Kiện toàn cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo trên cơ sở rà soát chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành liên quan đến quản lý về khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển. Từ đó bổ sung nhiệm vụ cho cơ quan chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường theo hướng xác định đây là cơ quan có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh kết nối, điều phối các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển trên địa bàn. Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường biển thông qua các lớp bồi dưỡng, các khóa tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý tổng hợp về biển cũng như quản lý nhà nước về môi trường biển nhằm nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của công chức; đề cao đạo đức công vụ, tăng cường trách nhiệm của công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý môi trường biển trên địa bàn. Đồng thời, cần bảo đảm đủ số lượng công chức thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường biển trên cơ sở xác định vị trí việc làm cụ thể.
Thứ tư, tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, hải đảo và vùng bờ; bảo vệ, phục hồi môi trường biển, các hệ sinh thái biển
Tổ chức khai thác, sử dụng tài nguyên và BVMT biển bảo đảm phù hợp với phân vùng sử dụng không gian biển và vùng bờ, bảo đảm tuân thủ Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ nhằm bảo vệ, phát triển tài nguyên, duy trì đa dạng sinh học và năng suất của các hệ sinh thái vùng bờ. Đầu tư kinh phí tương xứng để bảo vệ, duy trì, phục hồi và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển.
Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn; giám sát chặt chẽ các hoạt động trên biển phát thải ra môi trường biển; tổ chức điều tra, thống kê và phân loại để có các giải pháp xử lý các nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường biển; rà soát, xác định các danh mục nguồn điểm, nguồn diện để chủ động kiểm soát, giám sát môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Thứ năm, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế phục vụ quản lý môi trường biển
Tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng công nghệ cho các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ biển, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường biển và đội ngũ công chức, viên chức trên địa bàn. Tổ chức huy động các nguồn lực, khuyến khích đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển; thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong quản lý môi trường biển. Đặt biệt, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào công tác phát triển khoa học và ứng dụng công nghệ phục vụ việc sử dụng hợp lý tài nguyên tái tạo ở vùng biển đảo; nghiên cứu tái chế, tái sử dụng hiệu quả chất thải, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn vùng biển đảo.
Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế để tận dụng sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế về nhân lực, trang thiết bị, tài chính, công nghệ, thông tin để nâng cao năng lực quản lý môi trường biển trên địa bàn, nhất là bảo vệ và duy trì hệ sinh thái tại khu bảo tồn biển Côn Đảo. Tổ chức xây dựng các chương trình, dự án để giải quyết được các vấn đề xung đột giữa khai thác tài nguyên biển với BVMT biển trên địa bàn; kiểm soát, bảo vệ và chống suy thoái môi trường biển, thích ứng với biến đổi khí hậu.
TS. Hoàng Nhất Thống
Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường
ThS. Nguyễn Thanh Điền
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2025)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2021), Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 -2020 (Tổng quan), Hà Nội.
2. Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (2025), Báo cáo kết quả quan trắc chất lượng môi trường: tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đợt 02 năm 2025, Bà Rịa - Vũng Tàu.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (2025), Báo cáo Sơ kết 05 năm Chương trình hành động số 44-CTr/TU ngày 09/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bà Rịa - Vũng Tàu.