Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 28/07/2025

Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia cơ chế tín chỉ chung (JCM) hướng tới sẵn sàng cho thị trường các-bon tại Việt Nam

22/07/2025

    Ngày 22/7/2025, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Bộ Môi trường Nhật Bản tổ chức Diễn đàn "Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia cơ chế tín chỉ chung (JCM) hướng tới sẵn sàng cho thị trường các-bon tại Việt Nam”.

    Phát biểu tại Diễn đàn, ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị các điều kiện triển khai thị trường các-bon, bao gồm cả khung pháp lý, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, nguồn nhân lực và tài chính. Trong đó mới nhất, Nghị định số 119/2025/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng o-dôn. Về cơ chế tín chỉ chung JCM - sáng kiến do Chính phủ Nhật Bản khởi xướng, Việt Nam đã tham gia khung hợp tác song phương này từ năm 2013. Đến nay, JCM đã mở rộng ra 30 nước, với tổng số 256 dự án được triển khai. Việt Nam hiện đã phê duyệt 15 dự án với Nhật Bản, cấp khoảng 35.000 tín chỉ các-bon. Trong giai đoạn năm 2021-2030 của hợp tác JCM, Việt Nam sẽ cần thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC). Do đó, cơ chế không chỉ mang ý nghĩa hợp tác song phương, mà còn là công cụ hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu quốc gia về khí hậu một cách hiệu quả và minh bạch.

Quang cảnh Diễn đàn

    Tại Diễn đàn, đại diện Tập đoàn JFE Engineering (Nhật Bản) và Công ty CP Môi trường Thuận Thành đã giới thiệu Dự án Nhà máy điện rác T&J Green Energy tại Bắc Ninh, được hỗ trợ bởi cơ chế tín chỉ chung (JCM). Dự án này có công suất phát điện: 11,6 MW; Công suất xử lý rác 500 tấn/ngày (bao gồm rác sinh hoạt và công nghiệp); Giảm phát thải dự kiến: 41.805 tCO₂/năm. JFE Engineering đang xây dựng nhà máy thử nghiệm chuyển đổi rác thành khí tổng hợp, từ đó sản xuất hóa chất như methanol, tích hợp công nghệ thu giữ, sử dụng và lưu trữ các-bon.

    Ông Long Borareaksmey, Tổng Giám đốc khu vực Asia, Công ty TNHH Green Carbon giới thiệu về dự án tạo tín chỉ các-bon thông qua ứng dụng công nghệ tưới khô - Ướt xen kẽ (AWD). Kỹ thuật AWD) đã được chứng minh là giúp giảm phát thải khí mê-tan tới 50% so với phương pháp canh tác ngập nước truyền thống. Đồng thời, AWD còn góp phần tăng năng suất lúa khoảng 5%, giảm chi phí sản xuất nhờ tiết kiệm nước và thuốc bảo vệ thực vật, từ đó gia tăng thu nhập cho nông dân khoảng 150 USD/ha/năm.

    Tại Việt Nam, Công ty TNHH Green Carbon đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) với nhiều viện nghiên cứu nông nghiệp tại các vùng Bắc Bộ, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Nam bộ. Các chương trình hợp tác tập trung vào đo lường phát thải khí mê-tan và nghiên cứu các giải pháp canh tác phù hợp với từng vùng sinh thái.

    Đáng chú ý, Công ty TNHH Green Carbon hiện đang phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) và Viện Di truyền Nông nghiệp (AGI) triển khai dự án lưu trữ các-bon trong đất bằng cách trồng xen các giống cây như đậu tương trong giai đoạn đất bỏ hoang.

    Chia sẻ về những nỗ lực của Vingroup trong việc đẩy mạnh chuyển đổi xanh, hướng đến phát triển thị trường carbon, Ông Trần Kỳ Anh, Quản lý giao dịch - Phòng Tín chỉ carbon, Tập đoàn Vingroup cho biết, trong giai đoạn 2021-2024, Vingroup đã bàn giao hơn 140.000 ô tô điện và 243.000 xe máy điện ra thị trường Việt Nam. Ước tính, lượng xe điện VinFast đưa vào sử dụng trong năm 2024 sẽ giúp giảm khoảng 5,9 triệu tấn CO₂ trong suốt vòng đời hoạt động. Trong lĩnh vực giao thông công cộng, hệ thống 302 xe buýt điện VinBus đã được triển khai tại 31 tuyến xe buýt ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Nha Trang và Phú Quốc, góp phần cắt giảm 48.000 tấn CO₂ trong năm 2024. Dịch vụ taxi điện Xanh SM cũng ghi nhận mức giảm phát thải khoảng 150.000 tấn CO₂ trong cùng năm. Hiện Vingroup đang xúc tiến phát triển và đăng ký nhiều dự án tín chỉ các-bon theo tiêu chuẩn quốc tế: Dự án trạm sạc V-Green đăng ký theo tiêu chuẩn VCS; Dự án xe máy điện VinFast đăng ký theo tiêu chuẩn GS4GG; Dự án điện mặt trời tại Sơn La dự kiến áp dụng tiêu chuẩn GCC.

    Về phía Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PVN), Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó trưởng Ban An toàn môi trường và Phát triển bền vững cho hay, PVN đang ưu tiên tối đa hóa khai thác khí tự nhiên trong nước cho sản xuất điện và phân bón, điển hình là chuỗi dự án Lô B - Ô Môn. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu LNG được đẩy mạnh thông qua các cụm cảng và nhà máy nhiệt điện như Thị Vải - Nhơn Trạch 3, 4. Một bước tiến đáng chú ý là việc PVN hợp tác với đối tác Đan Mạch triển khai dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Nam Trung bộ, công suất dự kiến 1 GW, thuộc nhóm 17 dự án chiến lược trong khuôn khổ JETP. Ngoài ra, dự án xuất khẩu điện gió sang Singapore (2,3 GW) cũng đang được phát triển, tận dụng lưới điện qua Malaysia. PVN đang định hướng phát triển năng lượng mới như hydro xanh từ điện gió, kết hợp xây dựng Trung tâm công nghiệp - dịch vụ năng lượng tái tạo tại Vũng Tàu và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng quốc tế về hạ tầng điện gió ngoài khơi (chân đế, trạm biến áp…).

    Nêu lên những thách thức trong phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tuấn cho hay, PVN cũng đang đối mặt với nhiều vướng mắc về pháp lý khi tham gia thị trường tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế: Thiếu quy định cụ thể và đồng bộ về sở hữu, mua bán tín chỉ các-bon; Chưa có hướng dẫn kỹ thuật rõ ràng để tính toán lượng hấp thụ và giảm phát thải từ các dự án trồng rừng hay công nghệ; Quá trình theo dõi, đánh giá, chứng nhận lượng CO₂ hấp thụ còn kéo dài và tốn kém; Cơ chế quốc tế (JCM, VCM) còn phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi đăng ký và phát triển dự án…

Hồng Cẩm

Ý kiến của bạn