Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 21/05/2025

Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2025: Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững

09/05/2025

    Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2025 (ngày 22/5) được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững”, nhấn mạnh sự cần thiết thực hiện song song các mục tiêu của Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (KMGBF) của Công ước Đa dạng sinh học (CBD) và các mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) do mối quan hệ hữu cơ giữa việc "Sống hài hòa với thiên nhiên" với mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững cho tất cả các quốc gia và cộng đồng trên thế giới.

    Các mục tiêu cụ thể của chiến dịch hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2025 nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về tầm quan trọng của đa dạng sinh học đối với mọi sự sống trên Trái Đất, bao gồm các thách thức kinh tế xã hội như đói nghèo và bất bình đẳng được đề cập trong toàn bộ các Mục tiêu SDGs; kêu gọi chuẩn bị các Chiến lược và Kế hoạch hành động về Đa dạng sinh học quốc gia (NBSAP) phù hợp với KMGBF và được tích hợp vào các Chiến lược phát triển bền vững quốc gia theo định hướng của SDG; nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp ở mọi cấp độ, bao gồm thông qua việc thực hiện toàn chính phủ, toàn xã hội, với hệ thống Liên Hợp Quốc hỗ trợ các tác nhân quốc gia thông qua Khung hợp tác phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc phản ánh KMGBF và SDG; khuyến khích các sáng kiến của tất cả các bên liên quan, bao gồm khu vực tư nhân, xã hội dân sự và phương tiện truyền thông.

    Để hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2025, ngày 09 tháng 5 năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có Công văn số 1863/BNNMT-TTTT gửi các Bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương; Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2025 với các nội dung cụ thể:

    Tăng cường truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; đa dạng hóa các kênh truyền thông về đa dạng sinh học; lồng ghép các chương trình giáo dục tuyên truyền về bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ thống trường học,... Kịp thời phát hiện, đề xuất và tôn vinh những cá nhân, tập thể, cộng đồng có những mô hình, hoạt động, sáng kiến thiết thực và hiệu quả trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

    Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến mục tiêu "phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu".

    Xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực tài chính đa dạng hóa nguồn đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học; đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để thu hút, gia tăng tối đa các nguồn hỗ trợ và đầu tư về tài chính cho công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; chia sẻ công bằng, hợp lý các lợi ích thu được từ nguồn gen và phát triển các mô hình sinh kế bền vững cho cộng đồng.

    Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển các mô hình bảo tồn, sử dụng bền vững loài, nguồn gen; điều tra, quan trắc, theo dõi, kiểm tra, giám sát đa dạng sinh học; bảo tồn đa dạng sinh học thích ứng với biến đổi khí hậu.

    Tăng cường hợp tác trong quản lý thiên nhiên, đa dạng sinh học, đặc biệt với các quốc gia có chung đường biên giới; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong kiểm soát việc buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã; trao đổi học tập kinh nghiệm với các nước, các tổ chức quốc tế về đa dạng sinh học.

Nguyễn Hằng

Ý kiến của bạn