22/07/2025
Ngày 22/7/2025, tại Hà Nội, Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội thảo “Mô hình kinh tế tuần hoàn: Hiệu quả cho doanh nghiệp và môi trường”. Sự kiện thu hút gần 200 đại biểu là đại diện các Bộ, ban, ngành, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và cơ quan báo chí.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường khẳng định, kinh tế tuần hoàn đã và đang trở thành xu hướng tất yếu, giúp đối phó với khủng hoảng tài nguyên và biến đổi khí hậu và kiến tạo một mô hình phát triển bền vững, bao trùm và hiệu quả. Tại Việt Nam, tiềm năng kinh tế tuần hoàn rất lớn trong các lĩnh vực như nông nghiệp (tái sử dụng phụ phẩm), công nghiệp (thu hồi nhiệt, sử dụng vật liệu tái chế), xây dựng (vật liệu xanh), năng lượng (năng lượng tái tạo), giao thông (điện khí hóa phương tiện) và đặc biệt là trong lĩnh vực rác thải, năng lượng tái tạo. Nhận thức được điều này, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đấy kinh tế tuần hoàn. Điều 142 của Luật BVMT năm 2020 quy định rõ trách nhiệm của các bên trong thực hiện kinh tế tuần hoàn, từ cơ quan Nhà nước đến cơ sở sản xuất, thương mại. Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 23/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035, yêu cầu tích hợp kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn lập quy hoạch, thiết kế sản phẩm và sản xuất. Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg ngày 4/7/2025 và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cụ thể hóa cơ chế khuyến khích tài chính xanh, lộ trình và tiêu chí thực hiện kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực gây ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là ô nhiễm không khí, theo hướng thích ứng với điều kiện kinh tế - xã hội từng địa phương.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, thách thức trong quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đến từ yếu tố kỹ thuật hay tài chính và bắt nguồn từ chiều sâu văn hóa cũng như thói quen đã định hình lâu dài. Nhiều doanh nghiệp duy trì cách tiếp cận ngắn hạn, trong đó lợi nhuận tức thời chiếm ưu thế so với lợi ích dài hạn của đổi mới công nghệ, tái cấu trúc chuỗi cung ứng hoặc phát triển sản phẩm bền vững. Bên cạnh đó, năng lực công nghệ của nền kinh tế nội địa chưa theo kịp các yêu cầu của mô hình tuần hoàn. Hầu hết công nghệ tái chế hiện tại ở nước ta đang hoạt động theo kiểu nhỏ lẻ, công suất thấp và chưa đáp ứng được tiêu chuẩn môi trường. Các cơ sở xử lý chất thải còn phụ thuộc vào lao động thủ công, thiếu khả năng phân loại tinh và không đủ năng lực để xử lý các loại vật liệu phức tạp, chẳng hạn như hợp chất đa lớp trong bao bì, rác thải điện tử hoặc pin năng lượng cao. Ngoài ra, môi trường chính sách chưa thực sự tạo thành bộ khung vững chắc để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển theo hướng bền vững, dù các chiến lược quốc gia và các văn bản định hướng đã được ban hành, tính cụ thể hóa vẫn còn hạn chế…
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam cần bắt đầu bằng cải tổ hệ thống chính sách và pháp luật theo hướng đồng bộ, minh bạch. Cùng với đó, cần thúc đẩy đổi mới công nghệ và xây dựng nền tảng dữ liệu vật liệu quốc gia; tái thiết hạ tầng kỹ thuật phục vụ toàn bộ chu trình tuần hoàn; huy động hiệu quả nguồn lực xã hội thông qua hợp tác công tư và cải cách hành chính; thay đổi hành vi tiêu dùng và xây dựng văn hóa sống tuần hoàn trong xã hội; phát triển thị trường tài chính xanh và công cụ kinh tế hỗ trợ tuần hoàn…
Các tham luận tại hội thảo đã làm rõ những thách thức, cơ hội và kiến nghị chính sách nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn
Theo TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo, kinh tế tuần hoàn mở ra không gian mới để tái định hình tư duy phát triển. Từ chỗ coi chất thải là hệ quả tất yếu, mô hình thúc đẩy cách nhìn nhận chất thải là nguồn tài nguyên chưa khai thác, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận lại toàn bộ chuỗi giá trị của mình để tìm kiếm điểm gãy, khâu lãng phí, khu vực tiêu hao lớn về nguyên liệu, năng lượng và nguồn lực, chuyển đổi tạo cơ hội hình thành những chiến lược sản xuất khép kín, nơi nguyên liệu đầu vào được tái sinh từ sản phẩm cuối vòng đời, giúp giảm chi phí, ổn định đầu vào và nâng cao khả năng kiểm soát rủi ro. Do đó, theo TS. Đào Xuân Hưng, Hội thảo được tổ chức nhằm tuyên truyền sâu rộng thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị vừa được ban hành về phát triển kinh tế tư nhân, đây là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế tuần hoàn. Một trong những nội dung then chốt của Nghị quyết là phát triển tín dụng xanh, khuyến khích tổ chức tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các dự án tuần hoàn và áp dụng bộ tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị) - điều này không chỉ giúp doanh nghiệp chuyển đổi mô hình, mà còn nâng cao uy tín, tiếp cận thị trường toàn cầu.
Chia sẻ tại Hội thảo, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận - Giám đốc Công ty TNHH Dâu tơ tằm Mỹ Đức, người đã gắn bó cả cuộc đời với nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa truyền thống tại làng Phùng Xá, TP. Hà Nội đánh giá, ngành tơ lụa đang đối mặt với nhiều thách thức về đất đai, nhân lực kỹ thuật, chi phí sản xuất. Để giải quyết bài toán này, Công ty đã đầu tư mạnh vào đổi mới kỹ thuật, đào tạo nghề, nghiên cứu sản phẩm mới. Hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn, Công ty cũng chuyển đổi nhiều hoạt động sản xuất theo hướng tận thu và tái sử dụng phụ phẩm như lá, cành dâu cuối vụ, phân tằm, nhộng tằm, tằm đực… Tất cả được chế biến thành phân bón, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu mỹ phẩm, giảm thiểu rác thải, góp phần BVMT và tối ưu giá thành sản phẩm chính là tơ lụa.
Đến từ Tập đoàn công nghệ T-TECH Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn khẳng định mong muốn được đồng hành cùng chính quyền, cộng đồng và doanh nghiệp để giải quyết tận gốc vấn đề môi trường. Tập đoàn cam kết sẵn sàng đóng góp toàn bộ nguồn lực, trí tuệ và công nghệ của mình để góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Quang cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, đại diện các doanh nghiệp đã trình bày các tham luận chuyên sâu, tập trung vào các chủ đề: Giải pháp phát triển các khu công nghiệp sinh thái gắn với kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; Kinh tế tuần hoàn, giải pháp cho sự phát triển bền vững ngành Thủy sản; Vai trò xã hội và giám sát trong phát triển kinh tế tuần hoàn; Hành trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn - Kinh nghiệm thực tiễn từ doanh nghiệp OCOP… Các ý kiến tại Hội thảo đều thống nhất quan điểm hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn hiệu quả cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, xã hội. Đồng thời, cần xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ tiếp cận nguồn tài chính xanh, ứng dụng công nghệ sạch và thực hiện trách nhiệm xã hội, cũng như việc xây dựng các chuỗi giá trị tuần hoàn, chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trung Hiếu