24/07/2025
Tóm tắt:
Chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là chính sách thành công trong việc tạo ra những thay đổi tích cực về mặt tư duy, nhận thức về mối quan hệ giữa chủ rừng, còn chính sách Chi trả dịch vụ hệ sinh thái (DVHST) đã được quy định tại Luật BVMT năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT. Tuy nhiên, các quy định pháp lý liên quan đến việc xây dựng các nội dung trong Đề án Chi trả dịch vụ hệ sinh thái (DVHST) cấp cơ sở nằm rải rác ở rất nhiều Luật và văn bản dưới luật khác nhau. Bài viết hướng dẫn kỹ thuật lập Đề án Chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên cấp cơ sở cho hệ sinh thái (HST) biển và đất ngập nước (ĐNN) tại Việt Nam, thí điểm tại Vườn quốc gia (VQG) Tràm Chím, từ đó rút ra một số khuyến nghị chính sách.
Từ khóa: Hệ sinh thái, đất ngập nước, dịch vụ môi trường rừng.
JEL Classifications: N54, O13, Q57.
1. Bối cảnh thực hiện
Tại Việt Nam, Chi trả dịch vụ môi trường rừng là một chính sách thành công trong việc tạo ra những thay đổi tích cực về mặt tư duy, nhận thức về mối quan hệ giữa chủ rừng (với vai trò là bên cung ứng DVMTR) và các cá nhân, tổ chức sử dụng DVMTR (với vai trò là những người được hưởng lợi từ DVMTR). Sau 14 năm triển khai trên quy mô toàn quốc, số tiền thu được từ việc thực hiện chính sách DVMTR đã đạt hơn 30.162 tỷ đồng (trung bình 2.154 tỷ đồng/năm) với 1.803 hợp đồng chi trả DVMTR đã ký kết (bao gồm: 631 hợp đồng với cơ sở sản xuất thuỷ điện, 437 hợp đồng với cơ sơ sản xuất nước sạch, 34 hợp đồng với cơ sở kinh doanh du lịch, 4 hợp đồng với cơ sở nuôi trồng thủy sản và 697 hợp đồng với cơ sở sản xuất công nghiệp). Năm 2024, tổng nguồn thu từ DVMTR đạt trên 3.760 tỷ đồng. Nguồn thu từ DVMTR đã được phân bổ cho 235 ban quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, 99 công ty lâm nghiệp và hàng trăm ngàn hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; trực tiếp hỗ trợ quản lý, bảo vệ 7,45 triệu ha rừng (chiếm 53,53% tổng diện tích rừng toàn quốc).
Tiếp nối thành công của chính sách Chi trả DVMTR, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chính sách Chi trả DVHST tại Luật BVMT năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT, tập trung vào các loại DVHST tự nhiên phục vụ cho mục đích kinh doanh du lịch, giải trí; nuôi trồng thủy sản (NTTS) và hấp thụ, lưu trữ các-bon. Bên cạnh đó, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cũng quy định: tổ chức, cá nhân cung ứng DVHST tự nhiên có trách nhiệm lập Đề án chi trả DVHST tự nhiên cấp cơ sở cho khu vực áp dụng chi trả DVHST tự nhiên phù hợp với Đề án Chi trả DVHST tự nhiên cấp tỉnh; trường hợp địa phương chưa xây dựng, phê duyệt Đề án Chi trả DVHST tự nhiên cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn về BVMT cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan lập Đề án cho một hoặc một số HST tự nhiên. Ngoài ra, Nghị định này cũng quy định nội dung chính của Đề án chi trả DVHST tự nhiên cấp cơ sở bao gồm: (i) tên gọi, địa danh của HST tự nhiên; (ii) thông tin chung về khu vực cung ứng dịch vụ HST tự nhiên; (iii) các loại hình dịch vụ HST tự nhiên được cung ứng; (iv) danh sách tổ chức, cá nhân sử dụng DVHST tự nhiên; (v) các biện pháp bảo tồn, duy trì và phát triển HST tự nhiên; (vi) dự kiến mức chi trả, hình thức chi trả và (vii) phương án sử dụng nguồn thu từ chi trả DVHST tự nhiên.
Mặc dù Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành nhưng đến thời điểm hiện tại, chưa có đơn vị, tổ chức nào trên cả nước triển khai xây dựng Đề án chi trả DVHST tự nhiên cấp cơ sở do đây là một vấn đề còn mới và khung pháp lý hiện tại còn thiếu nhiều quy định chi tiết, cụ thể so với việc xây dựng Đề án chi trả DVMTR. Để thúc đẩy việc triển khai chính sách chi trả DVHST, trong khuôn khổ Dự án “Mạng lưới DVHST và Đa dạng sinh học Pha II” (BET-Net II), UNDP-Việt Nam đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng (RIFEE) thực hiện nghiên cứu “Xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật lập Đề án Chi trả dịch vụ HST tự nhiên cấp cơ sở cho HST biển và HST ĐNN tại Việt Nam”, tập trung cho HST biển và ĐNN.
2. Xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật lập Đề án Chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên cấp cơ sở cho hệ sinh thái biển và đất ngập nước
Hướng dẫn kỹ thuật lập Đề án chi trả DVHST biển và ĐNN được thực hiện trên cơ sở: (i) Rà soát các quy định hiện hành có trong các Luật (ví dụ: Luật Lâm nghiệp năm 2017, Luật Thủy sản năm 2017, Luật Đa dạng sinh học năm 2018, Luật BVMT năm 2020, Luật Quy hoạch, Luật Du lịch…) và các văn bản dưới luật có liên quan; (ii) Rà soát các thông lệ và thực hành tốt nhất về chi trả DVHST/chi trả DVMTR trong nước và quốc tế; (iii) Kết quả thí điểm nội dung Dự thảo Hướng dẫn lập Đề án cấp cơ sở tại VQG Tràm Chim; (iv) Ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự 2 hội thảo tham vấn được tổ chức tại Hà Nội là đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước, các VQG/Khu bảo tồn biển và ĐNN (như VQG Tràm Chim, VQG Côn Đảo, VQG Cát Tiên, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm…, các tổ chức quốc tế (như: UNDP-Việt Nam, IUCN-Việt Nam, GIZ, WWF-Việt Nam), các cơ quan nghiên cứu, trường đại học, chuyên gia, nhà khoa học...
Quá trình nghiên cứu để xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật lập Đề án Chi trả DVHST biển và ĐNN tại Việt Nam cho thấy, các quy định pháp lý liên quan đến việc xây dựng các nội dung trong Đề án Chi trả DVHST cấp cơ sở nằm rải rác ở rất nhiều Luật và văn bản dưới luật khác nhau, trong đó chỉ có một số ít nội dung đã được quy định chi tiết (ví dụ: phương pháp xây dựng bản đồ mô tả ranh giới, mốc giới; các tổ chức, cá nhân sử dụng và trả tiền DVHST; phân bổ và sử dụng nguồn thu DVHST…). Đa số nội dung trong Đề án chi trả DVHST cấp cơ sở chưa có hướng dẫn rõ ràng, chi tiết. Cụ thể: (i) Đối với yêu cầu xác định tên gọi, địa danh của HST biển và HST ĐNN: Chưa có quy định về mức độ chi tiết trong cách gọi tên và địa danh của HST biển, HST ĐNN; chưa có quy định về phân loại, tên gọi chính thức của các HST biển; (ii) Đối với yêu cầu xác định thông tin chung về khu vực cung ứng DVHST biển và ĐNN; xây dựng bản đồ mô tả ranh giới, mốc giới, diện tích cung ứng của khu vực cung ứng DVHST: Chưa có quy định về các nội dung bắt buộc phải có về thông tin chung của một khu vực cụ thể; chưa có quy định về việc khai thác các dữ liệu viễn thám (có phí và mất phí) để cập nhật các bản đồ ranh giới, mốc giới của khu vực cung ứng DVHST; (iii) Đối với yêu cầu xác định các DVHST biển và ĐNN được cung ứng: Chưa có quy định về các phương pháp được sử dụng để nhận diện và xác định giá trị các DVHST biển và ĐNN; (iv) Đối với yêu cầu xác định các biện pháp bảo tồn, duy trì và phát triển HST biển và HST ĐNN: Chưa có quy định về danh mục các biện pháp bảo tồn, duy trì và phát triển HST biển và ĐNN; (v) Đối với yêu cầu xác định mức chi trả và hình thức chi trả: Chưa có quy định về phương pháp xác định doanh thu của bên sử dụng DVHST làm cơ sở để tính mức chi trả tối thiểu; (vi) Đối với yêu cầu xác định phương án sử dụng nguồn thu từ chi trả DVHST: Chưa có quy định về mức độ ưu tiên trong sử dụng nguồn thu DVHST cho các mục đích khác nhau, các hình thức chi trả khác nhu và các bên cung ứng dịch vụ khác nhau.
Trong xây dựng Đề án chi trả DVHST cấp cơ sở cho HST biển và ĐNN, vấn đề khó khăn nhất là xác định mức chi trả và hình thức chi trả DVHST. Khác với chi trả DVMTR - nơi phần lớn các dịch vụ đã được ấn định mức chi trả trong các văn bản pháp lý thì trong chi trả DVHST, về mặt pháp lý, hiện nay chỉ mới có quy định về mức chi trả tối thiểu (1% doanh thu trong kỳ) mà không có quy định về mức tối đa cũng như không có hướng dẫn về cách xác định doanh thu của bên sử dụng DVHST đặc biệt là các cơ sở có hoạt động sản xuất kinh doanh đa ngành nghề, phức tạp hoặc nhỏ lẻ, không có hệ thống hạch toán, kế toán riêng. Theo thông lệ, mức chi trả DVHST sẽ được thiết lập dựa kết quả đàm phán của bên cung ứng và bên sử dụng DVHST, trong đó, các yếu tố đầu vào cho đàm phán bao gồm: giá trị kinh tế của DVHST, nhu cầu tài chính/chi phí đầu tư để bảo tồn và phát triển HST/DVHST, mức sẵn lòng chi trả (WTP) của bên sử dụng DVHST và quy đinh về mức chi trả tối thiểu (nếu có). Tuy nhiên, việc xác định các yếu tố đầu vào này rất khó khăn (đặc biệt là đối với các cán bộ địa phương) không chỉ ở mức độ sẵn có về thông tin, dữ liệu đầu vào mà còn ở các yêu cầu cao về mặt kỹ thuật trong trong thu thập, xử lý, thông tin dữ liệu. Đối với việc xác định hình thức chi trả DVHST, mặc dù hình thức chi trả trực tiếp (để giảm chi phí giao dịch) được khuyến khích áp dụng trong các lĩnh vực kinh doanh du lịch giải trí và NTTS nhưng trong thực tế triển khai chính sách chi trả DVMTR, hình thức chi trả trực tiếp đã bộc lộ một số bất cập về tính công khai, minh bạch cũng như sự lỏng lẻo trong ràng buộc về quyền lợi và trách nhiệm của bên cung ứng và sử dụng DVMTR. Trong khi đó, việc áp dụng hình thức chi trả gián tiếp (thông qua Quỹ BVMT) lại phải đối mặt với thực trạng nhiều địa phương trên cả nước chưa thành lập Quỹ BVMT cấp tỉnh, hoặc nếu có thành lập thì Quỹ BVMT cấp tỉnh phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nên không thể hoạt động hiệu quả như hệ thống Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của chính sách chi trả DVMTR.
Việc xây dựng phương án sử dụng nguồn chi trả DVHST biển và ĐNN gặp nhiều khó khăn đối với bên cung ứng DVHST là tổ chức bởi trong nhiều trường hợp, nguồn thu từ chi trả DVHST biển và ĐNN sẽ được sử dụng như một nguồn thay thế (thay vì là nguồn bổ sung) đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp cho tổ chức để triển khai các hoạt động quản lý, bảo tồn và phát triển HST/DVHST tự nhiên. Khi nguồn thu từ DVHST biển và ĐNN được sử dụng như nguồn thay thế cho ngân sách nhà nước, sẽ không có nhiều hoạt động quản lý, bảo tồn và phát triển HST/DVHST tăng thêm được thực hiện, do đó, mục đích cuối cùng của cơ chế chi trả DVHST sẽ khó đạt được.
3. Thí điểm lập Đề án chi trả dịch vụ hệ sinh thái cấp cơ sở cho hệ sinh thái đất ngập nước tại Vườn quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp
Đề án chi trả DVHST ĐNN tại VQG Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp được thí điểm lập năm 2024, trên cơ sở: (i) Rà soát, tổng hợp các thông tin, số liệu thứ cấp về hiện trạng quản lý, sử dụng HST/DVHST ĐNN; (ii) Sử dụng các dữ liệu không gian Sentinel (với bản quyền truy cập từ Đại học California Santa Cruz, Mỹ) để xây dựng, cập nhật các bản đồ ranh giới, mốc giới và đánh giá các dịch vụ HST ĐNN; (iii) Kết quả tham vấn và thu thập thông tin, dữ liệu từ các bên liên quan gồm: Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, Ban quản lý Dự án trồng rừng tỉnh Đồng Tháp, BQL VQG Tràm Chim, UBND xã Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Thành B, Trung tâm xúc tiến Thương mai - Du lịch và Đầu tư (Khu du lịch Tràm Chim) và một số tổ chức, cá nhân sử dụng DVHST ĐNN cho hoạt động kinh doanh du lịch, giải trí trong vùng lõi và vùng đệm của VQG Tràm Chim; (iv) Ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự Hội thảo tham vấn được tổ chức tại trụ sở VQG Tràm Chim, gồm đại diện của các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Văn hóa - Thể thao - Du lịch; Khu du lịch Tràm Chim; Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp; UBND huyện Tam Nông; UBND xã: Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Thành B, Phú Thọ, Tân Công Sính, Thị trấn Tràm Chim; BQL VQG Tràm Chim; Hội quán du lịch, Hội quán cộng đồng OCOP, các cơ sở kinh doanh du lịch, giải trí và NTTS trong VQG Tràm Chim.
VQG Tràm Chim có diện tích 7.313 ha thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, là nơi có các HST ĐNN đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười. Các HST ĐNN tại VQG Tràm Chim cung cấp cho con người, môi trường và nền kinh tế của địa phương nhiều loại DVHST ĐNN điển hình bao gồm: dịch vụ cung cấp (ví dụ: nước ngọt, nguồn lợi thuỷ sản, lúa gạo…), dịch vụ điều tiết (ví dụ: làm sạch không khí, điều hòa vi khí hậu, điều tiết nguồn nước, giảm thiệt hại do thiên tai…), dịch vụ văn hóa (ví dụ: di sản văn hóa vùng Đồng Tháp Mười, bảo vệ cảnh quan, vẻ đẹp tự nhiên phục vụ hoạt động du lịch, giải trí…) và các dịch vụ hỗ trợ (ví dụ: chu trình dinh dưỡng, chu trình nước…).
Mức độ quan trọng |
Khu vực được đánh giá: |
VQG Tràm Chim |
|||||
++ |
Lợi ích tích cực đáng kể |
Vị trí: |
Huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp |
||||
+ |
Lợi ích tích cực |
Ngày đánh giá: |
28/8/2024 |
||||
0 |
Lợi ích không đáng kể |
|
|||||
- |
Không có lợi ích |
|
|||||
-- |
Ảnh hưởng tiêu cực đáng kể |
|
|||||
? |
Chưa đủ bằng chứng để kết luận |
|
|||||
|
Phạm vi của lợi ích |
||||||
|
|
Độ quan trọng |
Lợi ích cụ thể |
Địa phương |
Quốc gia |
Toàn cầu |
|
DỊCH VỤ CUNG CẤP |
Nước ngọt |
++ |
HST ĐNN của VQG Tràm Chim là nơi dự trữ nước ngọt quan trọng và có thể cung ứng cho khu vực xung quanh thông qua hoạt động điều tiết |
X |
|||
Thực phẩm (hoa màu, tôm cá, cây trái…) |
++ |
Trong VQG Tràm Chim có nhiều hoạt động chăn thả gia súc, gia cầm, khai thác mật ong, thủy sản, động vật rừng, rau, sen, bông súng, điên điển… của người dân địa phương |
X |
||||
Xơ sợi |
+ |
HST ĐNN tại VQG Tràm Chim cung cấp rơm, rạ làm chất đốt cho người dân địa phương |
X |
||||
Nhiên
liệu |
+ |
Người dân địa phương thường xuyên khai thác mai dương, nhánh tràm để làm củi dùng để nấu nướng và phục vụ sinh hoạt hàng ngày |
X |
||||
Nguồn gen |
++ |
VQG Tràm Chim là nơi có giá trị đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ 57 nguồn gen quý hiếm của 8 loài thực vật, 17 loài thuỷ sản và 32 loài chim nước đặc biệt Sếu đầu đỏ là loài quý hiếm ở cấp độ toàn cầu |
X |
||||
Dược phẩm, thuốc tự nhiên |
+ |
Người dân địa phương có sử dụng một số loại thực vật trong VQG để chữa các bệnh ít nghiêm trọng |
X |
||||
Vật liệu trang trí |
+ |
Người dân địa phương thu hái hoa trong VQG để trang trí trong nhà hoặc sử dụng trong các lễ hội |
X |
||||
Vật liệu xây dựng |
- |
||||||
Năng lượng tự nhiên từ gió và dòng nước |
- |
||||||
DỊCH VỤ ĐIỀU TIẾT |
Làm sạch không khí |
++ |
Không khí trong và xung quanh khu vực VQG Tràm Chim có trong lành và có chất lượng tốt hơn các khu vực lân cận |
X |
|||
Điều hòa vi khí hậu |
++ |
Trong VQG Tràm Chim có nhiều vùng nước tĩnh với các thảm thực vật tạo ra sự thoát hơi và làm giảm nhiệt độ trong không khí |
X |
||||
Điều hòa khí hậu toàn cầu |
+ |
Thảm thực vật trong VQG Tràm Chim (rừng tràm, cỏ năng…) có khả năng lưu trữ và hấp thụ một lượng lớn CO2 hàng năm |
X |
||||
Điều tiết nguồn nước |
+/- |
Do có địa hình trũng, thấp, VQG Tràm Chim cho phép tích trữ nước khi có mưa lớn và từ từ nhả nước trở lại trong thời kỳ khô hạn; tuy nhiên hoạt động điều tiết nước nhân tạo (để chống cháy rừng) trong VQG Tràm Chim có thể gây ra tác động không tốt đến các HST rừng tràm bị ngập lụt lâu ngày trong thời gian trữ nước, chống cháy rừng |
X |
||||
Giảm thiệt hại do lũ lụt, gió bão |
++ |
Thảm thực vật và địa hình trũng, thấp cho phép HST ĐNN của VQG Tràm Chim hấp thụ năng lượng từ các sự kiện thời tiết cực đoan (bão gió, lũ lụt), giúp giảm thiệt hại cho toàn khu vực và vùng đệm |
X |
||||
Kiểm soát sâu bệnh |
? |
|
|||||
Kiểm soát dịch bệnh trên người |
? |
|
|||||
Kiểm soát dịch bệnh vật nuôi |
? |
||||||
Giảm xói mòn vùng bờ |
+ |
Thảm thực vật trong vùng ĐNN của VQG Tràm Chim có chức năng bảo vệ đất khỏi xói mòn, trong toàn khu vực không có dấu hiệu của xói mòn |
X |
||||
Làm sạch nguồn nước |
+ |
VQG Tràm Chim tiếp nhận một số nguồn nước bị ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp của cộng đồng dân cư vùng đệm; các HST trong VQG Tràm Chim đã hỗ trợ việc thanh lọc, khử độc và làm sạch các nguồn nước này |
X |
||||
Thụ phấn cho cây nông nghiệp |
+ |
Thảm thực vật VQG Tràm Chim, nhất là rừng tràm có nhiều côn trùng (ong rừng) sinh sống và hỗ trợ việc thụ phấn cho cây trồng các vùng lân cận |
X |
||||
Điều tiết độ mặn của nước |
+ |
Hệ thống đê bao nhân tạo trong VQG Tràm Chim giúp làm gián đoạn kết nối nguồn nước trong khu vực với thuỷ triều, qua đó giúp ngăn chặn sự xâm nhập mặn và điều tiết độ mặn của nước |
X |
||||
Giảm nguy cơ hoả hoạn |
++ |
Cấu hình của vùng ĐNN trong VQG Tràm Chim giúp hạn chế sự lan truyền của lửa và ngăn chặn sự lan rộng của các đám cháy |
X |
||||
Khử tiếng ồn và tăng tầm nhìn |
? |
||||||
DỊCH VỤ VĂN HÓA |
Di sản văn hóa |
++ |
VQG Tràm Chim là đại diện tiêu biểu cho văn hóa của toàn bộ vùng đất trũng Đồng Tháp Mười; năm 2015, VQG Tràm Chim đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia |
X |
|||
Giải trí và du lịch |
++ |
VQG Tràm Chim là điểm đến du lịch quan trọng của tỉnh Đồng Tháp và của vùng ĐBSCL; được xếp hạng là Khu du lịch cấp quốc gia |
X |
||||
Giá trị thẩm mĩ |
++ |
Vẻ đẹp tự nhiên của VQG Tràm Chim đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm nghệ thuật (tranh, ảnh, ca khúc, tác phẩm văn học…) của các tác giả trong và ngoài nước |
X |
||||
Giá trị tinh thần và tôn giáo |
+ |
VQG Tràm Chim có giá trị tinh thần quan trọng đối với cộng đồng dân cư ở vùng đệm VQG nói riêng và đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long |
X |
||||
Cảm hứng nghệ thuật |
++ |
Vẻ đẹp tự nhiên của VQG Tràm Chim là nguồn cảm hứng nghệ thuật cho các sáng tác âm nhạc và các hình thức nghệ thuật gắn liền với miền sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long |
X |
||||
Thúc đẩy các mối quan hệ xã hội |
+ |
Trong quá trình khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên của VQG Tràm Chim, một số cộng đồng đã được hình thành như cộng đồng khai thác sen, súng; khai thác hải sản; câu lạc bộ nhiếp ảnh; hội quán thủy sản… |
X |
||||
Giá trị giáo dục và nghiên cứu |
++ |
Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, VQG Tràm Chim cung cấp tư liệu cho nhiều hoạt động giáo dục và nghiên cứu của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước suốt nhiều năm qua |
X |
||||
DỊCH VỤ HỖ TRỢ |
Hình thành đất |
+ |
Thảm thực vật và điều kiện tự nhiên ảnh hưởng đến việc hình thành đất trong vùng thông qua các quá trình sinh địa hóa |
||||
Sản xuất sơ cấp |
+ |
Quá trình quang hợp của thảm thực vật trong VQG Tràm Chim tạo ra chất hữu cơ và giúp tích trữ năng lượng ở dạng sinh địa hóa |
X |
||||
Chu trình dinh dưỡng |
++ |
Các thành phần của hệ sinh thái ĐNN VQG Tràm Chim tham gia vào chu trình dinh dưỡng thông qua hoạt động sống của chúng |
X |
||||
Chu trình nước |
++ |
Cấu trúc của VQG Tràm Chim giữ nước theo một chu trình chặt chẽ |
X |
||||
Cung cấp sinh cảnh sống |
++ |
VQG Tràm Chim là sinh cảnh sống vô cùng quan trọng của nhiều loài động, thực vật là đối tượng bảo tồn, trong đó Sếu đầu đỏ là đối tượng được quan tâm bảo tồn phạm vi toàn cầu |
X |
||||
Quá trình xây dựng Đề án Chi trả DVHST ĐNN tại VQG Tràm Chim cho thấy, việc xây dựng Đề án chi trả DVHST cấp cơ sở là một thách thức ngay cả đối với cán bộ cấp Sở TN&MT (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) - đơn vị chịu trách nhiệm lập Đề án chi trả DVHST cấp tỉnh và cấp cơ sở trong trường hợp chưa có Đề án chi trả DVHST cấp tỉnh, trước hết do thiếu các hướng dẫn cụ thể; mặt khác do hạn chế về nhân lực, thiếu cán bộ chuyên môn/chuyên môn không phù hợp, ngoài ra còn do thiếu nguồn kinh phí để triển khai các hoạt động tạo bộ cơ sở dữ liệu cho các HST tự nhiên trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, việc xây dựng và triển khai thí điểm Đề án chi trả DVHST đối với HST ĐNN tại VQG Tràm Chim nhận được sự ủng hộ của tất cả các bên liên quan (Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, BQL VQG Tràm Chim, UBND các xã vùng đệm và các cơ sở kinh doanh du lịch, giải trí và NTTS) ngay cả khi các bên liên quan chưa thực sự hiểu rõ chính sách này (do công tác tuyên truyền về chính sách còn rất hạn chế, đặc biệt là với các bên hưởng lợi và phải thực hiện chi trả DVHST).
Kết quả xây dựng Đề án chi trả DVHST đối với HST ĐNN tại VQG Tràm Chim chỉ rõ, trong 2 loại DVHST được chi trả của HST ĐNN tại VQG Tràm Chim, thì loại DVHST phục vụ cho hoạt động kinh doanh du lịch, giải trí có triển vọng thực hiện thí điểm được luôn vì các cơ sở kinh doanh du lịch, giải trí không chỉ đồng thuận mà còn sẵn sàng chi trả cao hơn so với mức chi trả tối thiểu được quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Riêng dịch vụ hỗ trợ NTTS, do còn thiếu các nghiên cứu nền về mối liên hệ giữa nguồn nước của VQG Tràm Chim với nguồn nước được sử dụng trong hoạt động NTTS tại các xã vùng đệm nên mức độ thuyết phục còn chưa cao, hơn nữa, đa số hoạt động NTTS ở khu vực vùng đệm được thực hiện ở quy mô nhỏ, lẻ và nhiều rủi ro. Ở thời điểm hiện tại, nếu tiến hành thí điểm chi trả DVHST đối với hoạt động kinh doanh du lịch, giải trí, đối tượng thí điểm tiềm năng nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú ở vùng lõi và vùng đệm của VQG. Mức chi trả thí điểm có thể là 1 - 5% doanh thu của cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, trong đó doanh thu của cở sở kinh doanh dịch vụ lưu trú được ước tính dựa trên quy mô kinh doanh (số phòng), giá phòng và tỷ lệ lấp đầy bình quân năm. Nếu áp dụng mức chi trả DVHST là 1% (theo quy định về mức tối thiểu đối với lĩnh vực này) thì nguồn thu DVHST trong hoạt động kinh doanh du lịch, giải trí tại Tràm Chim được ước tính là 282 triệu đồng/năm. Nếu áp dụng mức chi trả DVHST là 3% (mức sẵn lòng chi trả trung bình của các cơ sở kinh doanh du lịch, giải trí được khảo sát trong vùng), nguồn thu DVHST trong hoạt động kinh doanh du lịch, giải trí tại Tràm Chim được ước tính là 846 triệu đồng/năm. Nếu áp dụng mức chi trả DVHST là 5% (mức sẵn lòng chi trả cao nhất của các cơ sở kinh doanh du lịch, giải trí được khảo sát trung vùng), nguồn thu từ DVHST trong hoạt động kinh doanh du lịch, giải trí tại Tràm Chim được ước tính là 1,41 tỷ đồng/năm.
4. Khuyến nghị chính sách
Hướng dẫn lập Đề án chi trả DVHST cấp cơ sở đối với HST biển và ĐNN do RIFEE xây dựng trong khuôn khổ dự án BET-NET II do UNDP-Việt Nam quản lý cần sớm được phê duyệt và ban hành dưới dạng hỗ trợ kỹ thuật để các địa phương có thể sớm tiếp cận và sử dụng hướng dẫn nhằm xây dựng các đề án chi trả DVHST cho các HST tự nhiên trên địa bàn tỉnh. Tác giả kiến nghị cần sớm ban hành các chính sách nhằm nâng cao năng lực, nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan (đặc biệt là các đối tượng sử dụng và hưởng lợi từ DVHST) trong việc xây dựng và triển khai cơ chế chi trả DVHST. Bên cạnh các DVHST phục vụ cho hoạt động kinh doanh du lịch, giải trí và NTTS, các HST biển và ĐNN còn cung cấp nhiều loại DVHST có giá trị khác có thể áp dụng chính sách chi trả DVMTR. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu để mở rộng nhằm bảo đảm sự công bằng và góp phần bảo tồn, phát triển bền vững các HST tự nhiên.
Trần Thị Thu Hà
Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt II/2025)
Tài liệu tham khảo
1. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020
2. Luật đa dạng sinh học năm 2018
3. Luật Lâm nghiệp năm 2017
4. Luật Thủy sản năm 2017
5. Luật Quy hoạch năm 2017
6. Luật Du lịch năm 2017
7. Nghị định số 08/NĐ-CP ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT.
8. Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN.
9. Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN quan trọng giai đoạn 2021 - 2030.
10. Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
11. Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT.