Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 28/07/2025

Đầu tư kinh tế biển nhìn từ góc độ luật đầu tư quốc tế: Hướng đi cho Việt Nam

24/07/2025

Tóm tắt

    Kinh tế biển đang trở thành trụ cột chiến lược trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, đặc biệt tại các quốc gia ven biển như Việt Nam. Tuy sở hữu tiềm năng to lớn về không gian và tài nguyên biển, nhưng dòng vốn đầu tư quốc tế vào các ngành kinh tế biển của Việt Nam vẫn còn hạn chế, phần lớn do khung pháp lý chưa hoàn thiện và cơ chế quản lý phân mảnh. Bài viết phân tích vai trò của luật đầu tư quốc tế trong việc bảo hộ và thu hút đầu tư vào lĩnh vực biển, thông qua các nguyên tắc như đối xử công bằng và thỏa đáng (FET), bảo vệ chống trưng thu phi pháp, và cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư (ISDS). Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm từ Pháp, Tây Ban Nha và Ý, bài viết đề xuất Việt Nam cần xây dựng một khung pháp lý tích hợp dựa trên quy hoạch không gian biển (MSP), quản lý tổng hợp vùng bờ (ICZM) và cơ chế ưu đãi đầu tư chuyên biệt. Những cải cách này sẽ góp phần nâng cao tính minh bạch, ổn định pháp lý và khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư quốc tế vào các ngành kinh tế biển chiến lược.

Từ khóa: Đầu tư kinh tế biển; Luật đầu tư quốc tế; Quản lý tổng hợp vùng bờ (ICZM); Ưu đãi đầu tư.

JEL Classifications: Q56, Q57, Q58.

1. Tổng quan

    Đại dương chiếm hơn 70% bề mặt trái đất của chúng ta. Đại dương hay biển không chỉ là nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào nuôi sống con người trên khắp hành tinh, mà còn ẩn chứa trong lòng mình những tài nguyên quý giá như khoáng sản và dầu mỏ. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đến năm 2030, kinh tế biển toàn cầu có thể đạt giá trị 3 nghìn tỷ USD mỗi năm, tạo ra hơn 40 triệu việc làm nếu được quản lý bền vững và đầu tư hiệu quả. Nhiều quốc gia ven biển đã đẩy mạnh thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước nhằm mục đích khai thác hợp lý tiềm năng biển và thúc đẩy chuyển đổi xanh.

    Việt Nam có lợi thế đặc biệt về biển với hơn 3.260 km bờ biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng trên 1 triệu km², nằm ở vị trí trọng yếu trong mạng lưới giao thương hàng hải toàn cầu, tất cả những điều này là nền tảng thuận lợi để phát triển mạnh mẽ kinh tế biển. Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2018 của Trung ương Đảng đã xác định mục tiêu đến năm 2030 các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực kinh tế biển còn khiêm tốn, phân bổ chưa đồng đều và gặp nhiều rào cản pháp lý và kỹ thuật, nhất là trong các lĩnh vực mới như điện gió ngoài khơi hay quy hoạch không gian biển tích hợp.

    Trong bối cảnh đó, luật đầu tư quốc tế - với tư cách là một hệ thống quy tắc điều chỉnh quan hệ giữa nhà đầu tư nước ngoài và quốc gia tiếp nhận đầu tư - ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các chuẩn mực pháp lý cho thu hút và bảo hộ đầu tư biển. Bài viết này phân tích vai trò của luật đầu tư quốc tế đối với thu hút và điều chỉnh các dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực kinh tế biển, từ đó đề xuất một số giải pháp chính sách phù hợp với bối cảnh phát triển biển bền vững của Việt Nam.

2. Đầu tư kinh tế biển và mối liên hệ với Luật Đầu tư quốc tế

2.1. Đầu tư kinh tế biển

    Đầu tư vào kinh tế biển, dưới góc độ pháp lý, là việc nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn vào các hoạt động kinh tế sử dụng không gian, tài nguyên và hạ tầng biển, bao gồm các lĩnh vực như điện gió ngoài khơi, khai thác thủy sản, vận tải và logistics biển, và phát triển hạ tầng cảng. Khác với đầu tư trên đất liền, các hoạt động này không chỉ được điều chỉnh của pháp luật đầu tư, mà còn gắn chặt với các quy định về quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

    Điểm đặc thù của đầu tư kinh tế biển là tính "phi lãnh thổ" về không gian pháp lý. Nhà đầu tư không đầu tư trên đất thuộc chủ quyền nội địa mà trong vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa, nơi nhà nước ven biển chỉ có quyền chủ quyền chứ không có chủ quyền đầy đủ. Sự khác biệt về không gian pháp lý trên biển dẫn đến hệ quả rằng quyền của nhà đầu tư không được bảo hộ ở mức độ tương đương với quyền tài sản trên đất liền. Theo đó, quốc gia tiếp nhận đầu tư có thẩm quyền điều chỉnh rộng hơn đối với các hoạt động đầu tư biển, đặc biệt khi nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh hàng hải hoặc quản lý bền vững tài nguyên sinh vật.

    Ngoài ra, quyền sử dụng vùng biển để thực hiện dự án đầu tư chủ yếu được xác lập thông qua các quyết định hành chính có tính chất tạm thời, thiếu tính ổn định và dự đoán được. Điều này dẫn đến rủi ro pháp lý đáng kể cho nhà đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hoạch định và triển khai dự án. Chính vì vậy, đầu tư biển đòi hỏi một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và có cơ chế bảo hộ hiệu quả hơn so với các lĩnh vực đầu tư truyền thống.

2.2. Vai trò của luật đầu tư quốc tế trong điều chỉnh đầu tư biển

    Luật đầu tư quốc tế cung cấp các nguyên tắc bảo hộ pháp lý có ý nghĩa then chốt đối với nhà đầu tư trong lĩnh vực biển, nơi vốn tiềm ẩn rủi ro pháp lý cao do sự chồng lấn giữa luật quốc gia và luật biển quốc tế. Trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc về đối xử công bằng và thỏa đáng (Fair and Equitable Treatment - FET), chống trưng thu phi pháp, minh bạch, và xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế (Investor-State Dispute Settlement - ISDS), luật đầu tư quốc tế sẽ trở thành “chiếc khiên pháp lý” thu hút đầu tư cho Việt Nam trong việc phát triển bền vững kinh tế biển. Trong đó, nguyên tắc FET đóng vai trò trung tâm, đảm bảo rằng quốc gia tiếp nhận đầu tư không được phân biệt đối xử, thiếu minh bạch hoặc phủ nhận kỳ vọng chính đáng của nhà đầu tư.

    Ví dụ, trong trường hợp nhà nước thay đổi quy hoạch không gian biển hoặc thu hồi quyền sử dụng vùng biển đã cấp mà không có căn cứ khách quan, nguyên tắc FET cho phép nhà đầu tư khởi kiện quốc gia tiếp nhận theo cơ chế ISDS vì hành vi vi phạm cam kết. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các dự án có thời hạn đầu tư dài như điện gió ngoài khơi, khi chi phí ban đầu rất lớn nhưng phần lớn lợi ích chỉ thu được sau hàng chục năm vận hành.

    Hoạt động đầu tư kinh tế biển diễn ra trong các vùng biển chịu sự điều chỉnh của các điều ước quốc tế, do đó luật đầu tư quốc tế có mối liên hệ chặt chẽ với các điều ước quốc tế này, tiêu biểu là Công ước UNCLOS và các nguyên tắc mà Công ước đặt ra. Mặc dù UNCLOS không điều chỉnh trực tiếp quyền đầu tư, nhưng việc quốc gia ven biển cấp phép cho nhà đầu tư triển khai dự án tại vùng đặc quyền kinh tế vẫn phải tuân thủ nguyên tắc sử dụng biển vì mục đích hòa bình, không làm tổn hại đến môi trường biển và không xâm phạm quyền của quốc gia khác. Khi khu vực đầu tư nằm gần vùng biển đang có tranh chấp, nhà đầu tư có thể đối mặt với rủi ro bị khiếu kiện từ bên thứ ba - một dạng rủi ro liên quan đến chủ quyền lãnh thổ mà luật đầu tư quốc tế hiện chưa thể giải quyết triệt để (trường hợp tranh chấp đầu tư gắn liền với tranh chấp chủ quyền). Tuy vậy, nhà đầu tư vẫn có thể tìm kiếm sự bảo vệ nhất định thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp ISDS.

    Một số hiệp định đầu tư thế hệ mới như Hiệp định EVIPA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã đưa ra các tiêu chuẩn môi trường biển như một phần của nghĩa vụ pháp lý đầu tư. Điều này làm tăng độ phức tạp trong đánh giá tính hợp pháp của các quyết định hành chính đối với dự án biển, đặc biệt nếu xảy ra xung đột giữa mục tiêu phát triển và nghĩa vụ bảo vệ tài nguyên.

3. Vấn đề pháp lý của Việt Nam trong thu hút đầu tư kinh tế biển

Số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế biển ở TP. Hải Phòng giai đoạn 2018-2022

    Mặc dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hệ thống pháp luật hiện hành vẫn chưa tạo lập được một hành lang pháp lý đủ rõ ràng và minh bạch để thu hút đầu tư quốc tế vào các ngành kinh tế biển. Vấn đề không chỉ nằm ở việc thiếu các đạo luật riêng về đầu tư biển, mà còn thể hiện ở sự mơ hồ trong việc xác lập quyền sử dụng không gian biển cho mục đích đầu tư. Không giống như quyền sử dụng đất được chuẩn hóa theo Luật Đất đai, quyền sử dụng vùng biển vẫn là khái niệm chưa được luật hóa đầy đủ, khiến cho nhà đầu tư khó xác định cụ thể các quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Hiện nay, quyền này thường được xác lập qua các quyết định hành chính có tính tạm thời, dẫn đến tình trạng thiếu ổn định pháp lý và gia tăng rủi ro bị điều chỉnh chính sách bất ngờ hoặc thu hồi mà không có bồi thường hợp lý.

    Luật Biển Việt Nam năm 2012 và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 có đề cập đến việc quy hoạch không gian biển, song vẫn chưa có các văn bản dưới luật hướng dẫn đầy đủ về cơ chế cấp quyền sử dụng vùng biển cho nhà đầu tư theo quy trình thống nhất. Việc thiếu hành lang pháp lý cụ thể cho các dự án đầu tư ngoài khơi như điện gió, cảng nước sâu hay khai thác khoáng sản biển đang tạo ra khoảng trống pháp lý, khiến nhà đầu tư quốc tế không thể đánh giá được tính hợp lệ và khả năng bảo hộ của dự án từ phía nhà nước tiếp nhận.

    Thêm vào đó, các chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành chủ yếu được thiết kế theo hướng chung cho mọi lĩnh vực, chưa tính đến đặc thù của các ngành có vòng đời dự án dài và mức độ rủi ro cao như điện gió ngoài khơi, logistics biển hoặc dịch vụ hạ tầng cảng. Các nhà đầu tư trong lĩnh vực này thường phải đối mặt với bài toán tài chính và pháp lý kéo dài trên 20 năm, nên đòi hỏi chính sách ưu đãi mạnh mẽ hơn về thuế, tiếp cận đất đai/vùng biển và bảo lãnh đầu tư. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được cơ chế ưu đãi chuyên biệt cho đầu tư biển, cũng như chưa ban hành khung bảo hộ đầu tư đầy đủ để xử lý các tình huống xung đột giữa nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển và bảo đảm quyền lợi kinh tế của nhà đầu tư.

    Một trong những cản trở lớn trong thực thi chính sách đầu tư biển là sự phân mảnh thể chế (Institutional Fragmentation). Các cơ quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính), Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) và Bộ Công Thương cùng có thẩm quyền liên quan đến việc cấp phép và quản lý dự án biển, nhưng chưa có cơ chế điều phối hiệu quả. Hệ quả là quy trình cấp phép đầu tư trở nên phức tạp, kéo dài và không minh bạch. Trong nhiều trường hợp, cùng một dự án có thể bị yêu cầu điều chỉnh nhiều lần do các cơ quan quản lý đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật, an ninh hoặc quy hoạch khác nhau mà không có đầu mối tích hợp.

    Việc chưa triển khai đầy đủ hệ thống quy hoạch không gian biển theo Luật Quy hoạch năm 2017 cũng khiến nhà đầu tư không có cơ sở pháp lý rõ ràng để xác định khu vực đầu tư có phù hợp với định hướng phát triển quốc gia hay không. Điều này làm tổn hại đến kỳ vọng chính đáng của nhà đầu tư, một nguyên tắc cốt lõi trong luật đầu tư quốc tế, vốn yêu cầu quốc gia tiếp nhận phải cung cấp đầy đủ thông tin và bảo đảm tính nhất quán của chính sách pháp luật.

    Như vậy, những hạn chế về pháp lý hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến năng lực thu hút vốn đầu tư vào kinh tế biển, mà còn làm giảm mức độ tin cậy và hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Để khắc phục, cần có các cải cách thể chế sâu rộng, hướng đến xây dựng một khung pháp lý biển tích hợp, có khả năng cân bằng giữa chủ quyền quốc gia và cam kết đầu tư quốc tế.

4. Kinh nghiệm quốc tế

    Việc thiết lập một khung pháp lý đầu tư hiệu quả cho các lĩnh vực kinh tế biển không chỉ đòi hỏi những quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư, mà còn phụ thuộc vào năng lực thể chế hóa không gian biển như một phần của chiến lược phát triển quốc gia. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia châu Âu đã lựa chọn cách tiếp cận quy hoạch tích hợp vùng bờ (Integrated Coastal Zone Management - ICZM) và quy hoạch không gian biển (Marine Spatial Planning - MSP) làm nền tảng pháp lý cho việc thu hút và điều tiết đầu tư biển. Sự tích hợp giữa quy hoạch và pháp luật đầu tư không chỉ tạo ra môi trường ổn định, minh bạch cho nhà đầu tư quốc tế, mà còn đảm bảo sự tương thích giữa hoạt động đầu tư và các cam kết quốc tế về bảo vệ tài nguyên, phát triển bền vững và quyền tiếp cận cộng đồng.

    Tại Pháp, mô hình hợp đồng phát triển biển (contrat de projet mer) là công cụ chính sách mang tính ràng buộc giữa Nhà nước, chính quyền địa phương và nhà đầu tư để triển khai các dự án chiến lược trên biển. Mô hình này vận hành trên cơ sở luật môi trường biển (Code de l’environnement maritime), vốn tích hợp nhiều nguyên tắc pháp lý của luật đầu tư quốc tế như bảo hộ kỳ vọng chính đáng, bảo vệ môi trường và giải trình chính sách. Dự án đầu tư muốn được phê duyệt phải trải qua một quy trình đánh giá tương thích với quy hoạch không gian biển quốc gia và cam kết không làm tổn hại đến lợi ích môi trường hoặc an ninh biển. Một khi dự án đã được phê duyệt, nhà đầu tư có thể dựa vào hồ sơ quy hoạch và hợp đồng để yêu cầu bồi thường nếu chính phủ đơn phương thay đổi quy định gây bất lợi về sau cho nhà đầu tư.

    Tây Ban Nha, với đường bờ biển dài hơn 4.900 km, đã xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia (Planificación del Espacio Marítimo Español) theo Luật số 41/2010 về bảo vệ môi trường biển. Quy hoạch này có giá trị pháp lý bắt buộc trong việc xác định khu vực ưu tiên đầu tư, vùng hạn chế phát triển và tiêu chí bảo vệ tài nguyên biển. Hệ thống bản đồ biển điện tử và cơ sở dữ liệu quốc gia được xây dựng công khai giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận thông tin chính thức, minh bạch hóa quy trình lập kế hoạch kinh doanh và đánh giá rủi ro quy hoạch. Từ góc độ luật đầu tư quốc tế, điều này góp phần nâng cao tính dự báo và kỳ vọng chính đáng, một tiêu chuẩn cốt lõi trong bảo hộ nhà đầu tư nước ngoài.

    Ý, một quốc gia có hình dáng khá tương đồng với Việt Nam, cũng áp dụng cách tiếp cận tương tự Tây Ban Nha khi ban hành Luật số 221/2015 về phát triển bền vững và kinh tế xanh. Đạo luật này quy định việc xây dựng kế hoạch ICZM làm căn cứ cho cấp phép đầu tư vào các lĩnh vực như du lịch biển, cảng du lịch, bảo tồn sinh học và nuôi trồng thủy sản. Các kế hoạch này có hiệu lực pháp lý tại cấp vùng, đồng thời được tích hợp trong hệ thống luật môi trường và luật đầu tư khu vực. Ý nghĩa pháp lý quan trọng của các kế hoạch này là tạo ra hành lang pháp lý “không gián đoạn” cho nhà đầu tư: từ lựa chọn địa điểm, thẩm định dự án, cấp quyền sử dụng không gian biển, đến bảo hộ pháp lý khi xảy ra thay đổi chính sách.

    Cách tiếp cận kết hợp giữa quy hoạch và luật đầu tư như trên có thể coi là hình mẫu cho việc tạo dựng môi trường pháp lý ổn định, dựa trên sự cân bằng giữa lợi ích quốc gia, quyền lợi của nhà đầu tư và nghĩa vụ môi trường. Trong bối cảnh luật đầu tư quốc tế ngày càng yêu cầu cao hơn về minh bạch, ổn định và nhất quán chính sách, các quốc gia Địa Trung Hải đã tạo ra cơ chế pháp lý tiên tiến để xử lý các đặc thù của đầu tư biển, nơi mà không gian pháp lý có giới hạn, xung đột lợi ích thường trực, và thời gian hoàn vốn kéo dài.

5. Kiến nghị cho Việt Nam

    Để nâng cao năng lực thu hút và bảo hộ đầu tư vào kinh tế biển, Việt Nam cần thực hiện cải cách pháp lý mang tính hệ thống, vừa bảo đảm quyền chủ quyền quốc gia, vừa tương thích với nghĩa vụ trong các hiệp định đầu tư quốc tế.

    Thứ nhất, áp dụng tiếp ICZM và quy hoạch không gian biển làm nền tảng pháp lý. Việc áp dụng mô hình ICZM  kết hợp với MSP không chỉ giúp thống nhất điều phối giữa các ngành có liên quan (hàng hải, năng lượng, du lịch, bảo tồn), mà còn tạo cơ sở pháp lý ổn định để nhà đầu tư xác định vị trí dự án phù hợp với chiến lược quốc gia. Đây cũng là cơ sở để xây dựng các bản đồ không gian biển, quy hoạch khu vực ưu tiên đầu tư, vùng cấm hoặc hạn chế, tương tự cách làm tại Tây Ban Nha, Pháp hay Ý. Luật Quy hoạch và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cần được sửa đổi để lồng ghép các nguyên tắc ICZM như tiếp cận dựa trên hệ sinh thái, tham vấn cộng đồng và cân bằng lợi ích các bên.

    Thứ hai, thiết kế cơ chế ưu đãi và bảo hộ đầu tư cho các lĩnh vực biển chiến lược. Các ngành như điện gió ngoài khơi, cảng nước sâu, nuôi biển công nghệ cao đều có vòng đời dự án kéo dài và chi phí khởi điểm lớn, nên cần cơ chế ưu đãi chuyên biệt về thuế, tiếp cận không gian biển, bảo lãnh đầu tư và chia sẻ rủi ro. Đồng thời, Việt Nam cần thiết lập cơ chế bồi thường hoặc bảo vệ kỳ vọng chính đáng của nhà đầu tư khi có thay đổi chính sách bất ngờ. Đây là điều kiện để đáp ứng nguyên tắc FET, một trong những chuẩn mực pháp lý được các nhà đầu tư viện dẫn nhiều nhất khi khởi kiện nhà nước tiếp nhận đầu tư.

    Thứ ba, củng cố cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư có yếu tố biển. Trong bối cảnh các tranh chấp quốc tế về vùng biển và quyền tài phán ngày càng gia tăng, Việt Nam cần cải thiện năng lực pháp lý trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, đặc biệt là tranh chấp liên quan đến khu vực ven biển có tranh chấp hoặc không rõ ràng về quy hoạch. Việc xây dựng đội ngũ chuyên gia pháp lý am hiểu cả UNCLOS và luật đầu tư quốc tế sẽ giúp Việt Nam chủ động hơn trong xử lý tranh chấp phức tạp, nhất là khi ranh giới giữa bảo vệ lợi ích quốc gia và tuân thủ cam kết quốc tế ngày càng trở nên nhạy cảm.

    Cuối cùng, bảo đảm sự tương thích giữa luật quốc gia và cam kết đầu tư quốc tế. Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định đầu tư thế hệ mới như EVIPA, CPTPP, RCEP, trong đó đều có quy định bảo hộ đầu tư nước ngoài theo các tiêu chuẩn quốc tế. Việc nội luật hóa nghĩa vụ trong các hiệp định đầu tư trên vào pháp luật đầu tư biển (đặc biệt là nghĩa vụt liên quan đến minh bạch, không phân biệt đối xử và bảo vệ môi trường) sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ xung đột pháp lý và tăng mức độ tin cậy cho nhà đầu tư.

6. Kết luận

    Kinh tế biển là lĩnh vực có tiềm năng phát triển to lớn, đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, thực tiễn thu hút đầu tư vào các ngành kinh tế biển còn nhiều hạn chế, trong đó nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những bất cập về khung pháp lý, đặc biệt là sự chưa hoàn thiện của hệ thống luật đầu tư quốc tế và luật nội địa liên quan đến đầu tư biển. Các đặc thù về không gian pháp lý trên vùng biển, rủi ro về quyền sử dụng, cũng như các yêu cầu bảo vệ môi trường và an ninh biển khiến lĩnh vực này đòi hỏi một môi trường pháp lý minh bạch, ổn định và đồng bộ hơn bao giờ hết.

    Luật đầu tư quốc tế với các nguyên tắc như FET, bảo vệ chống trưng thu phi pháp (unlawful expropriation), cơ chế ISDS đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng niềm tin và bảo hộ quyền lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, từ đó góp phần thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào kinh tế biển. Song song đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc xây dựng một khung pháp lý đầu tư biển tích hợp, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch không gian biển và quản trị vùng bờ theo mô hình ICZM và MSP là con đường thiết thực để Việt Nam nâng cao tính khả thi và hiệu quả của các dự án đầu tư biển.

    Do đó, để phát huy tối đa lợi thế và tiềm năng kinh tế biển, Việt Nam cần tiến hành đồng bộ các cải cách pháp luật và chính sách đầu tư, hướng tới một cơ chế ưu đãi và bảo hộ đầu tư chuyên biệt cho các lĩnh vực biển chiến lược. Đồng thời, cần củng cố năng lực giải quyết tranh chấp và đảm bảo sự hài hòa giữa luật nội địa với các cam kết quốc tế về đầu tư. Qua đó, Việt Nam không chỉ nâng cao được sức hấp dẫn đầu tư mà còn khẳng định vị thế là quốc gia ven biển phát triển bền vững, góp phần bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên trường quốc tế.

Nguyễn Quốc Hiếu, Hoàng Văn Hiệu, Nguyễn Phạm Tiến Thắng, Đỗ Thị Huyền

Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt II/2025)

Ý kiến của bạn