Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 26/07/2025

Cục Chăn nuôi và Thú y: Tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả nhiệm vụ công tác 6 năm cuối năm 2025

22/07/2025

    Ngày 22/7/2025, Cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến tham dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đại diện các Cục, Vụ và đại diện một số Hiệp hội liên quan…

    Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y Dương Tất Thắng nêu rõ: Năm 2025 là năm tổng kết đánh giá kết quả triển khai các nội dung, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn 5 năm giai đoạn 2021-2025 và sơ kết đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, căn cứ vào chỉ tiêu cụ thể và kết quả thực hiện kế hoạch từng năm, đồng thời căn cứ vào mục tiêu của Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045 trong từng thời kỳ và các dự báo bối cảnh trong thời gian tới, Cục Chăn nuôi và Thú y đã rà soát, xác định chỉ tiêu cần đạt trong năm theo từng chỉ số tiểu ngành chăn nuôi nhằm đạt các mục tiêu chung phát triển lĩnh vực chăn nuôi trong tổng thể ngành nông nghiệp.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo Hội nghị

    Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2025, Cục đã tập trung xây dựng và triển khai văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Chăn nuôi, Luật Thú y và các văn bản quản lý, chỉ đạo sản xuất có liên quan. Các quy định về quản lý giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, kiểm dịch, tiêm phòng, giết mổ được triển khai thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

    Chăn nuôi quy mô tập trung ngày càng phát triển, tỷ lệ sử dụng giống năng suất cao tăng lên rõ rệt. Trong khi đó, các mô hình chăn nuôi tuần hoàn, xử lý chất thải bằng công nghệ sinh học cũng được nhân rộng, nhất là ở các vùng trọng điểm.

    Lĩnh vực thú y ghi nhận những bước tiến quan trọng về giám sát dịch tễ, tiêm phòng, kiểm soát vận chuyển, kiểm tra giết mổ và kiểm soát an toàn thực phẩm. Các chương trình phòng, chống dịch bệnh trọng điểm được thực hiện đúng tiến độ, góp phần giảm rõ tỷ lệ phát sinh dịch trên gia súc, gia cầm. Công tác đào tạo cán bộ, chuyển giao kỹ thuật, cập nhật quy trình phòng dịch cũng được quan tâm đầu tư.

    Để đảm bảo tăng trưởng lĩnh vực chăn nuôi góp phần tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp và môi trường năm 2025 (Chính phủ giao 4%), cần tăng cường chỉ đạo điều hành sản xuất chăn nuôi nhằm đạt được mục tiêu là: Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng khoảng 5,7-5,98% so với năm 2024, tỷ trọng chăn nuôi trong tổng thể ngành nông nghiệp ước đạt 28-30% (đối với ngành hẹp đạt mức từ 33-34%).

    Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 8,79 triệu tấn, tăng 5,88%; sản lượng thịt lợn hơi đạt 5,52 triệu tấn (tăng 6,3%);  Sản lượng thịt gia cầm đạt trên 2,59 triệu tấn (tăng 5,6%); Sản lượng trứng các loại 21,39 tỷ quả (tăng 5,1%); Sản lượng sữa đạt 1,3 triệu tấn (tăng 5,27%); Sản lượng mật ong 26,0 ngàn tấn (tăng 9,2%); Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt trên 22,8 triệu tấn (tăng 6,0%) so với năm 2024. Giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2025 đạt trên 550 triệu USD, tăng 3,1% so với năm 2024.

    Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, trong 6 tháng đầu năm 2025, cả nước xảy ra 399 ổ dịch DTLCP tại 39 tỉnh với hơn 24.500 con lợn mắc bệnh và hơn 25.400 con lợn buộc tiêu hủy... So sánh với cùng kỳ năm ngoái, các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm tiếp tục được kiểm soát, cơ bản giảm so với cùng kỳ năm ngoái...

    Trong 6 tháng cuối năm, Cục tập trung nguồn lực triển khai nhiệm vụ trọng tâm của năm 2025 cũng như các chương trình, đề án kết thúc trong giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể:

    Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; truyền thông nâng cao nhận thức, quyết tâm chính trị thực hiện các giải pháp tăng trưởng ngành. Tích cực phối hợp với các Bộ, ngành các địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 109/CĐ-TTg ngày 16/7/2025 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Chỉ đạo các địa phương triển khai chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh cấp vùng và cấp quốc gia; tiêm phòng và công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt trong bối cảnh trong quá trình sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy;

    Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, giám sát quá trình thực hiện và tổ chức sơ kết “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh VDNC, giai đoạn 2022 - 2030” và “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022 - 2030”; Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia phòng chống các bệnh Lở mồm long móng, Dịch tả lợn Châu Phi và Tai xanh giai đoạn 2026-20230.

Toàn cảnh Hội nghị

    Củng cố, tăng cường năng lực cho hệ thống thú y tại địa phương, đặc biệt tại cấp xã đảm bảo yêu cầu chuyên môn, hiệu lực, hiệu quả trong tình hình hiện nay (địa bàn cấp xã rộng hơn rất nhiều so với trước đây). Tăng cường giám sát chủ động lưu hành bệnh, đánh giá sự biến đổi của tác nhân gây bệnh để dự báo, cảnh báo; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nghiên cứu, tổ chức sản xuất vắc xin phù hợp với các tác nhân gây bệnh tại thực địa.  Đẩy mạnh xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất chăn nuôi an toàn dịch bệnh hướng tới xuất khẩu theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH).

    Về xúc tiến thương mại và phát triển thị trường: Thúc đẩy công nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi: Tổ chức lại hệ thống giết mổ, tăng cường chế biến thực phẩm, đa dạng hóa sản phẩm; tăng cường chế biến phụ phẩm chế biến sau giết mổ làm TACN.

     Liên kết sản xuất với thị trường: Làm việc với các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi để tháo gỡ những khó khăn, khuyến khích sản xuất/chế biến sản phẩm chăn nuôi phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trong nước, khách du lịch và góp phần thúc đẩy xuất khẩu.

    Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tăng sản lượng và số lượng mặt hàng chăn nuôi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường đã được mở cửa như Nhật Bản, Nga và Liên minh kinh tế Á- Âu, Hồng Kông, Singapore, Trung Quốc ; Tăng cường tìm kiếm, đàm phán mở cửa các thị trường mới, mở cửa thị trường cho các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh vào các thị trường tiềm năng: tổ yến và sản phẩm tổ yến, bò, cám gạo sang Trung Quốc; mật ong sang các thị trường khác như Châu Âu, Châu Phi và Trung Đông; chú trọng sản phẩm gà chế biến và thịt gà vào thị trường Halal…

    Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu 17 vấn đề để Cục Chăn nuôi và Thú y triển khai trong thời gian tới, cụ thể: Phải rà soát toàn diện hệ thống văn bản quy phạm, từ nghị định, thông tư đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số. Trước diễn biến nghiêm trọng về tình trạng buôn lậu phức tạp và dịch tả lợn Châu Phi (ASF), Thứ trưởng yêu cầu ngành phải chủ động nắm bắt thực trạng, tham mưu kịp thời, không gây thiệt hại cho nông dân. Công tác quản lý vaccine, thuốc thú y, yêu cầu xây dựng thể chế đủ mạnh và nguồn lực tài chính vững chắc để ngăn chặn thuốc giả, vaccine kém chất lượng. Đối với việc xúc tiến thương mại cần đi vào thực chất, tháo gỡ vướng mắc trong xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang các thị trường trọng điểm như Trung Quốc… Bên cạnh đó, Cục cần có sự phối hợp với các đơn vị trong Bộ và từ các chi cục, học viện, trung tâm và địa phương… và phát huy nguồn lực các Hội nghề nghiệp, để xây để triển khai hiệu quả hoạt động chuyên môn.

Nam Hưng

Ý kiến của bạn