06/05/2025
Ngày 6/5/2025, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường phối hợp với WWF-Việt Nam tổ chức cuộc họp tham vấn Dự án Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong sử dụng tài nguyên nước ở đồng bằng sông Cửu Long và lưu vực sông Đồng Nai - Thí điểm cho ngành Dệt may và Thủy sản.
TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường phát biểu khai mạc cuộc họp
Phát biểu khai mạc cuộc họp, TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường khẳng định, phát triển kinh tế tuần hoàn với mục tiêu tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm thiểu chất thải, tái sử dụng dòng nước là một trong những giải pháp then chốt nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực, phục hồi tài nguyên và hướng tới phát triển bền vững. Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trong việc xây dựng hành lang pháp lý hướng tới chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023 là một bước ngoặt quan trọng trong việc tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022) đã xác định rõ vai trò của tài nguyên nước và thích ứng biến đổi khí hậu trong phát triển bền vững. Phát triển kinh tế tuần hoàn cũng đã được thể chế hóa trong Luật BVMT năm 2020 (Điều 142). Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2020 quy định tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn. Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 23/1/2025…
Nhằm đóng góp cho việc thực hiện chính sách về kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, áp dụng thí điểm các giải pháp kinh tế tuần hoàn trong ngành Dệt may, Thủy sản, các khu công nghiệp và cơ sở sản xuất tại đồng bằng sông Cửu Long và lưu vực sông Đồng Nai, Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường phối hợp với WWF-Việt Nam thực hiện Dự án “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong sử dụng tài nguyên nước ở đồng bằng sông Cửu Long và lưu vực sông Đồng Nai - Thí điểm cho ngành Dệt may và Thủy sản”. Theo TS. Nguyễn Trung Thắng, để triển khai Dự án, Viện phối hợp với WWF-Việt Nam tổ chức cuộc họp với mục địch: (i) Giới thiệu và tham vấn kế hoạch triển khai Dự án; (ii) Xác định các địa bàn mục tiêu cho các hoạt động của Dự án; (iii) Chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi về khả năng hợp tác giữa các bên liên quan trong quá trình triển khai Dự án, cũng như cơ hội áp dụng các kết quả Dự án cho quá trình xây dựng chính sách cấp Trung ương, địa phương.
Ông Thibault Ledecq, Giám đốc bảo tồn, WWF-Việt Nam chia sẻ tại cuộc họp
Chia sẻ về nội dung này, ông Thibault Ledecq, Giám đốc Bảo tồn, WWF-Việt Nam cho rằng, tài nguyên nước ở đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với năm thách thức thường trực, gồm hai thách thức về lượng nước (ngập lụt và hạn hán) và ba thách thức về chất lượng nước (sụt giảm trầm tích, xâm nhập mặn và ô nhiễm nước). Những khó khăn này đang diễn biến xấu hơn dưới các tác động cộng hưởng của nhiều yếu tố: biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thay đổi chế độ thuỷ văn sông do các vấn đề xuyên biên giới như phát triển dự án thuỷ điện ở thượng nguồn, mất rừng, thay đổi sử dụng đất, đô thị hóa, thu hẹp các vùng đất ngập nước tự nhiên, khai thác nước dưới đất trong mùa khô và ô nhiễm nước do gia tăng các hoạt động công, nông nghiệp ở lưu vực sông. Riêng ở lưu vực sông Đồng Nai, tình trạng ô nhiễm nước vẫn tiếp tục gia tăng ở các khu vực tập trung cao các khu, cụm công nghiệp như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, tạo áp lực đáng kể lên hệ sinh thái cũng như chất lượng cuộc sống của người dân. Trong bối cảnh đó, thông qua việc tập trung vào hai ngành kinh tế sử dụng nhiều nước - dệt may và thủy sản, Dự án kỳ vọng không chỉ cải thiện hiệu quả sử dụng nước, mà còn thúc đẩy các mô hình sản xuất sạch hơn, có trách nhiệm hơn và góp phần nâng cao sức khỏe tài nguyên nước tại hai lưu vực quan trọng này.
Giới thiệu về Dự án, bà Hoàng Thị Thanh Nga, WWF- Việt Nam cho biết, Dự án được thực hiện trong 4 năm (2025 - 2029) trên phạm vi toàn quốc và áp dụng thí điểm tại các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang. Mục tiêu cụ thể của Dự án gồm: Thúc đẩy thực hiện các giải pháp kinh tế tuần hoàn thông qua nghiên cứu và thực hành quản lý, phát triển công nghệ, kỹ thuật để sử dụng tối đa giá trị của nước thải phát sinh, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước trong ngành dệt may và thủy sản; Các giải pháp tuần hoàn nước kết hợp với các giải pháp thuận thiên (NbS) được thực hiện đóng góp vào việc thực thi chính sách về kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, giảm thiểu ô nhiễm ở cấp lưu vực sông. Về kết quả đạt được, Dự án hướng tới: Năng lực kỹ thuật của các doanh nghiệp dệt may được tăng cường, dẫn đến 30 doanh nghiệp dệt may thực hiện các biện pháp kinh tế tuần hoàn tăng cường hiệu quả sử dụng nước và giảm 30% lượng nước thải; Doanh nghiệp và trại nuôi thủy sản nước ngọt được nâng cao nhận thức và năng lực kỹ thuật để áp dụng kinh tế tuần hoàn trong sử dụng nước, dẫn đến 10 doanh nghiệp và 20 trại nuôi giảm 30% lượng (hoặc chất ô nhiễm) nước thải. Cùng với đó, các khu công nghiệp có doanh nghiệp dệt may và thủy sản được tăng cường năng lực kỹ thuật để áp dụng kinh tế tuần hoàn trong sử dụng nước, dẫn đến 2 khu công nghiệp giảm 30% lượng nước thải so với giá trị sản xuất của khu công nghiệp; Các giải pháp thuận thiên được thực hiện để giảm ô nhiễm ở 2 khu vực nguồn nước tiếp nhận nước thải công nghiệp thuộc đồng bằng sông Cửu Long và lưu vực sông Đồng Nai; Doanh nghiệp tiếp cận vốn để đầu tư cho các dự án về tiết kiệm, tuần hoàn nước, nhờ đó 1 doanh nghiệp được tài trợ bởi nguồn tài chính để đầu tư dự án tuần hoàn nước và 2 tổ chức tín dụng tăng 10% tỷ trọng vay cho ngành nước. Đồng thời, các giải pháp cung cấp nước sạch cho cộng đồng bị ảnh hưởng bởi nước thải công nghiệp, dẫn đến 200 hộ gia đình cải thiện nguồn nước sinh hoạt; Các hành động chung để thúc đẩy chính sách kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nước và tăng cường sự tham gia của khối tư nhân vào quản trị nước bền vững ở cấp lưu vực sông, trên cơ sở đó 2 Hướng dẫn kỹ thuật tái sử dụng nước thải và bùn thải thủy sản được xây dựng và 10 doanh nghiệp tham gia vào diễn đàn tham vấn cho tổ chức lưu vực sông.
Các đại biểu tham dự cuộc họp
Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận về kết quả chính của Dự án; việc lựa chọn địa bàn mục tiêu cho các hoạt động của Dự án; sự tham gia của các bên liên quan; áp dụng các kết quả của Dự án cho quá trình xây dựng chính sách cấp Trung ương và địa phương…
Mai Hương