Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/09/2024

Hội nghị đánh giá công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

26/09/2024

    Ngày 26/9/2024, tại Hà Nội, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

    Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ TN&NT Lê Minh Ngân, đại diện một số Cục, Vụ, Viện của Bộ TN&MT, đại diện lãnh đạo của 28 Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển, cùng các chuyên gia, nhà khoa học và các đơn vị báo chí truyền thông...

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân phát biểu tại Hội nghị

    Ngày 25/6/2015, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 40/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Nghị định số 41/2016/NĐ-CP quy định chi tiết việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trên vùng biển Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành.

    Đồng thời, Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ mục tiêu “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển”. Đặc biệt là Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 139/2024/QH15 là một bước tiến mới trong quản lý tài nguyên, BVMT biển và hải đảo.

    Thực hiện quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và tư tưởng của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cùng với Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển đã triển khai thực hiện bằng các chương trình, dự án, nhiệm vụ vụ thể. Như vậy, có thể thấy rằng chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ngày càng được quan tâm chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, BVMT biển và hải đảo ở nước ta.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị

    Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh, Hội nghị là dịp để Bộ TN&MT làm việc với các địa phương có biển trao đổi, thảo luận về kết quả thực hiện công tác quả lý tài nguyên, BVMT biển và hải đảo cũng như thảo luận cơ chế phối hợp giữa Cục Biển và Hải đảo Việt Nam với các Sở TN&MT của 28 địa phương có biển nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả về quản lý khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, BVMT biển và hải đảo. Đồng thời, Thứ trưởng khẳng định, Bộ TN&MT đánh giá cao những kết quả đạt được và sự nỗ lực, cố gắng của 28 tỉnh, thành phố có biển trong thời gian qua. Sự phối hợp và tham gia tích cực của các cơ quan Trung ương và địa phương sẽ góp phần xây dựng và triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước tài nguyên, BVMT biển, hải đảo để tăng cường phát triển kinh tế biển bền vững, bảo vệ sinh kế của người dân. Trước các tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, vị trí địa lý của biển, đảo, thực trạng, nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển, các vấn đề về quản lý tài nguyên, BVMT biển và hải đảo, cần thiết phải có sự chung tay quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

    Tại Hội nghị, đại diện Sở TN&MT các tỉnh, thành phố Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Trà Vinh, Thanh Hóa… chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế biển gắn BVMT; khó khăn trong quá trình thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; khai thác hiệu quả tài nguyên khu vực biển để tăng thu cho ngân sách nhà nước…

Toàn cảnh Hội nghị

    Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận giải pháp triển khai hiệu quả quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý tài nguyên biển đảo như Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam; chuyển đổi số trong quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Các đại biểu cho rằng, địa phương cần giải quyết các chồng lấn để bố trí, sắp xếp khoanh vùng định hướng phát triển các vùng dựa trên lợi thế với điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; tận dụng tối đa lợi thế để phát triển các ngành du lịch và dịch vụ biển để địa phương trở thành điểm đến hấp dẫn của cả nước; quan tâm, thúc đẩy đầu tư khai thác năng lượng tái tạo và các dạng năng lượng khác. Đặc biệt, các địa phương cần nghiên cứu để thực hiện, đưa nội dung Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh có biển, phát triển kinh tế biển; trong đó, cần xác định các nhiệm vụ ưu tiên, đột phá, phù hợp với tiềm năng, nguồn lực; chú trọng xây dựng hạ tầng kết nối đất liền ra biển, kết nối vùng. 

    Các đại biểu cũng nhất trí cho rằng, công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về ý thức khai thác bền vững tài nguyên và BVMT biển, hải đảo cần được chú trọng đẩy mạnh để biến nhận thức thành ý thức tự giác và hành động cụ thể, thiết thực ở mỗi cấp, mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp và từng cá nhân…

Vũ Nhung

Ý kiến của bạn