24/07/2025
Tóm tắt:
Để góp phần thực hiện hiệu quả quản lý chất thải bền vững của Việt Nam, mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội (Social - Ecological Transformation) là một trong các cách tiếp cận phát triển mới, trong đó đề cập sự dịch chuyển của hệ thống xã hội, vốn có sự tách biệt tương đối với hệ thống phi chính thức, sang một hệ thống tích hợp hài hoà các thành phần khác nhau trong xã hội. Bài viết tìm hiểu, phân tích mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội và khả năng ứng dụng vào điều kiện thực tế của Việt Nam nhằm tăng cường vai trò của lực lượng phi chính thức trong việc thu gom, tái chế rác thải tại Việt Nam, từ đó gợi ý các nhà hoạch định chính sách có cách tiếp cận tổng thể trong xây dựng chính sách về quản lý chất thải bền vững. Ứng dụng mô hình này kết hợp với vai trò của các bên tham gia, hy vọng sẽ thực hiện tốt các quy định về quản lý chất thải, đồng thời gắn với quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn.
Từ khóa: Sinh thái - xã hội, thu gom, tái chế rác thải.
JEL Classifications: Q56, O44, O13.
1. Mở đầu
Việt Nam ngày nay cũng như nhiều các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa ở mức cao. Theo Báo cáo năm 2020 của Chương trình phát triển Liên hợp quốc “Việt Nam là một trong những quốc gia có mức tiêu thụ nhựa nhanh nhất tại châu Á. Sản lượng rác thải nhựa ước tính khoảng 2,5 triệu tấn mỗi năm và dự kiến gia tăng gấp đôi trong vòng 10 năm tới” [1].
Ô nhiễm môi trường từ rác thải có nhiều nguyên nhân, cụ thể: Từ nhu cầu tiêu dùng của người dân dẫn đến sản xuất tăng cao; việc sử dụng các vật liệu không tái chế nhiều dẫn đến các vật liệu này khó phân hủy trong môi trường tự nhiên; hệ thống quản lý và xử lý rác thải chưa hiệu quả cùng với hạn chế trong công nghệ xử lý rác… Những nguyên nhân này dẫn đến hậu quả ô nhiễm rác thải lớn tích tụ trong nhiều năm làm suy giảm chất lượng môi trường sống, đe dọa đến an toàn của hệ sinh thái, tác động tiêu cực đến nền kinh tế quốc gia và đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe con người.
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, Nhà nước cần thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ cũng như huy động toàn bộ lực lượng xã hội tham gia, cụ thể, từ việc tăng cường quản lý, hoàn thiện chính sách, đầu tư công nghệ để xử lý chất thải, tuyên truyền để nâng cao ý thức cộng đồng, thu hút người dân cũng tham gia bảo vệ môi trường. Đồng thời, theo quan điểm của hệ thống sinh thái, đó là xem xét môi trường như một tổng thể các mối quan hệ tương tác giữa các thành phần tự nhiên và con người, từ đó Nhà nước đưa ra các giải pháp toàn diện và bền vững.
Những vấn đề môi trường có thể được coi thuộc về cấu trúc xã hội. Do đó, những vấn đề bất ổn về môi trường một cách rất tự nhiên đã chuyển tải thông điệp rằng chúng đại diện cho một vài khía cạnh xã hội cần cải thiện. Theo các tác giả Sievers-Glotzbach và Tschersich (2019), mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội (SET) chính là một cách tiếp cận đa ngành đối với những vấn đề về môi trường và xã hội. Những vấn đề bất cập này được xem xét dưới quan điểm sinh thái và bao gồm phân tích lý thuyết hệ thống về sự phụ thuộc lẫn nhau [2]. Điểm khác biệt với hệ thống sinh thái - xã hội là cách tiếp cận này nhấn mạnh đến sự chuyển đổi (transformation). Quá trình chuyển đổi mang tính sinh thái - xã hội được đề cập thường gắn với những khủng hoảng bất ngờ và mạnh mẽ đủ để các hệ thống sinh thái - xã hội bị rối loạn, các tương tác giữa các thành phần của hệ thống trở nên “mất nhịp”, làm cho các yếu tố cấu thành không hoàn thành chức năng, có thể gây ra những phản ứng bước đầu mang tính thụ động và tiêu cực với cả hệ thống [8].
Các yếu tố của quá trình chuyển đổi sinh thái - xã hội được tập hợp thành ba nhóm dựa trên quá trình ra quyết định của của xã hội theo vòng tròn mở, cụ thể: kiến thức (k - knowledge), giá trị (v - value) và quy tắc (r - rules). Theo đó, các giá trị (v) chỉ ra những động lực có tác dụng định hướng các mục tiêu, hành động và ưu tiên; Các quy tắc (r) thể hiện tính hợp pháp về sự can thiệp của các bên liên quan và luôn trả lời câu hỏi “quá trình chuyển đổi có hợp pháp không” và kiến thức (k) với hàm ý các bên liên quan có biết đến kết quả hay không [7].
Các tương tác giữa giá trị (v) với quy tắc (r) và kiến thức (k) phản ánh mức độ phức tạp của quá trình vận động. Trong quá trình này sẽ có những vấn đề phát sinh, các yếu tố này sẽ xác định rõ vấn đề và đưa ra giải pháp để hướng quá trình vận động này đi đến quỹ đạo phát triển bền vững (Hình 1). Quá trình chuyển đổi một hệ thống sinh thái - xã hội có thể theo các quỹ đạo với khả năng thích ứng và mức độ bền vững khác nhau. Nếu quá trình chuyển đổi diễn ra theo xu hướng tích cực thì hệ thống sẽ vận động theo hướng phát triển bền vững hơn, tăng cường khả năng thích ứng với các biến đổi của hệ sinh thái và điều kiện kinh tế - xã hội [7, 9].
Hình 1. Bối cảnh ra quyết định trong mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội (Nguồn: [7])
2. Vai trò của lực lượng thu gom phế liệu tự do góp phần thực hiện quản lý chất thải tại Việt Nam
Lực lượng thu gom phế liệu tự do
Việt Nam từ lâu nay có một lực lượng đặc thù trong xã hội vẫn “âm thầm” thu gom các chất thải, theo cách nói dân gian, đó là những người làm nghề “đồng nát” (cách gọi của miền Bắc) và “ve chai” (cách gọi miền Nam), còn theo cách gọi của Liên hợp quốc là “lực lượng thu gom phế liệu tự do”. Họ là lực lượng lao động phi chính thức, yếu thế trong xã hội nhưng lại đóng vai trò chủ chốt, tích cực góp phần làm giảm lượng rác thải ra môi trường, giúp làm giảm gánh nặng tài chính cho Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, lực lượng này đến nay vẫn chưa được Nhà nước công nhận chính thức, điều này làm họ không thể tiếp cận với nhiều dịch vụ xã hội, trong khi đó họ vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn trong cuộc sống và chịu sự kỳ thị của xã hội [1, 3].
Chị Trần Thị Phượng (Hình 2) quê huyện Lục Ngạn, Bắc Giang cho biết, công việc thu gom phế liệu tại quê nhà chị rất vất vả, không kể thời tiết, địa điểm ở đâu, cứ thấy có vật liệu bỏ đi thì chị đều tìm đến. Tuy nhiên, chị cũng cho biết, nghề này giúp chị lo được cuộc sống tối thiểu của bản thân và hai người con, “hằng ngày cứ đi nhặt phế liệu là tôi có tiền đong gạo”, chị Phượng cho biết.
Lực lượng thu gom phế liệu tự do hoạt động rất đa dạng, từ những người thu gom trên đường phố, các khu dân cư, khu công nghiệp, họ có thể là những người thu gom độc lập hoặc theo mô hình hợp tác xã, hộ gia đình. Từ những người thu gom trực tiếp họ sẽ bán lại cho đầu mối hoặc các vựa thu gom, tiếp đến các đầu mối hoặc vựa thu gom này sẽ bán cho các cơ sở tái chế và tạo thành một mạng lưới thu gom chất thải. Mạng lưới này có mô hình khác nhau với mỗi tỉnh, thành trên cả nước. Theo Tổ chức Hành động phát triển môi trường vì thế giới thứ ba (Environmental development action in the third world - ENDA) ước tính, phụ nữ chiếm 95% số người làm nghề ve chai ở TP. Hồ Chí Minh và chiếm 42% lao động thuộc nhóm thu gom tự do. Hầu hết, những người làm nghề tự do thường là dân nhập cư, họ từ các vùng quê lên các thành phố lớn tự làm nghề thu gom hoặc gia nhập lực lượng tự do này. Do vậy, lực lượng này luôn phải làm việc trong điều kiện độc hại và khó khăn, trực tiếp chịu ảnh hưởng thời tiết, ô nhiễm trực tiếp của công việc thu gom cùng với thiếu trang thiết bị bảo vệ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và an toàn của họ [5].
Lực lượng thu gom phế liệu tự do đóng vai trò chính trong quá trình tái chế rác thải
Lực lượng thu gom phế liệu tự do là những người trực tiếp tiếp cận rác thải, họ “lặng lẽ, âm thầm” thu gom rác thải, phế liệu từ các khu dân cư, khu sản xuất thải ra môi trường. Theo nghiên cứu của Đại học Kiến trúc Hà Nội, lực lượng thu gom phế liệu tự do gom từ 6% đến 7,5% tổng lượng chất thải đưa đến bãi chôn lấp của Đà Nẵng (khoảng 1.000 tấn/ngày), góp phần giảm tải cho các bãi rác thải tại các thành phố lớn, giảm chi phí vận chuyển và xử lý rác thải tái chế [4].
Trong quá trình làm việc, lực lượng thu gom phế liệu tự do đã hình thành mạng lưới hợp tác với nhau, từ những người thu gom nhỏ lẻ, đến hộ gia đình, hợp tác xã, kết nối với đầu mối, vựa thu mua gom, từ đó chuyển đến các công ty môi trường để xử lý rác thải. Mối quan hệ giữa những người thu gom với các công ty môi trường thường là mối quan hệ chính thức, thường xuyên. Lực lượng thu gom phế liệu tự do thực chất họ làm công việc dịch vụ công, nhưng cho đến nay vẫn chưa được công nhận là lực lượng chính thức do nhiều lý do, nhiều tỉnh/thành cho rằng, họ vẫn chưa tuân thủ các điều kiện, tiêu chí về BVMT [4].
Chị Trần Thị Phượng (Lục Ngạn, Bắc Giang), một thành viên trong lực lượng thu gom phế liệu tự do (Nguồn: Nhóm tác giả)
Từ những tìm hiểu và phân tích vai trò của lực lượng thu gom rác thải tự do, các tổ chức xã hội, quốc tế, nhóm tác giả đưa ra một số kiến nghị, đề xuất với nhóm người lao động chưa được công nhận chính thức, cụ thể: (1) Trước tiên, cần xây dựng chính sách, ban hành các quy định để công nhận lực lượng thu gom rác thải tự do là lực lượng lao động chính thức, có vai trò quan trọng trong quá trình thu gom rác thải, phế liệu. Khi có chính sách công nhận chính thức, các quy định sẽ giúp họ tiếp cận với các dịch vụ xã hội từ việc có nơi tạm trú, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đối với người thu gom và đăng ký kinh doanh đối với các đầu mối, vựa thu gom phế liệu. (2) Góp phần quản lý tốt hơn hoạt động thu gom rác thải tự do. Khi được công nhận chính thức, những người hoạt động thu gom tự do sẽ có điều kiện đăng ký vào tổ chức, có đăng ký kinh doanh, khi đó các nhà quản lý sẽ dễ dàng nắm vững được đầu mối. Từ đó, Nhà nước hoặc các tổ chức xã hội sẽ quản lý họ tốt hơn thông qua việc hỗ trợ cung cấp thông tin, chính sách, thậm chí đào tạo, tập huấn trong việc BVMT. Tuy nhiên, cần đẩy mạnh vận động, tuyên truyền, giải thích để họ tham gia các tổ chức chính thức vì hiện nay nhiều người trong lực lượng này vẫn gặp nhiều khó khăn với các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính khi gia nhập, mất đi tính tự do và linh hoạt vốn có khi họ làm việc độc lập [3]. (3) Nâng cao năng lực cho người thu gom rác thải tự do, lực lượng thu gom rác thải tự do rất cần hỗ trợ từ việc cung cấp kiến thức, tập huấn kỹ năng, nâng cao thu nhập, vay vốn làm ăn, mở rộng sản xuất. (4) Tăng cường sự tham gia của lực lượng thu gom phế liệu tự do vào quá trình quản lý chất thải bền vững. Họ vốn là những người đã góp phần hiệu quả trong việc giảm phát thải, giờ đây cần thúc đẩy họ tham gia tốt hơn vào quá trình quản lý chất thải bền vững cùng xã hội.
3. Áp dụng mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội nhằm tăng cường vai trò của lực lượng thu gom phế liệu tự do
Cách tiếp cận mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội được nhiều quốc gia áp dụng trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững quốc gia. Các quốc gia đã nhận thức sự phát triển hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế theo mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội gắn với BVMT là cơ sở để phát triển bền vững và tạo động lực để phát triển kinh tế tốt hơn. Đặc biệt, các quốc gia cũng nhận thức trong quá trình thực hiện cần sự chung tay của tất cả các thành viên trong xã hội, sự tham gia của các cộng đồng trong xã hội là động lực chính góp phần đưa nhanh các mục tiêu phát triển bền vững đi vào cuộc sống.
Để góp phần thực hiện hiệu quả quản lý chất thải bền vững của Việt Nam, mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội là một trong các cách tiếp cận phát triển mới, trong đó đề cập sự dịch chuyển của hệ thống xã hội, vốn có sự tách biệt tương đối với hệ thống phi chính thức, sang một hệ thống tích hợp hài hòa các thành phần khác nhau trong xã hội. Với những phân tích về mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội ở phần trên cũng như tìm hiểu, phân tích về lực lượng thu gom rác thải, phế liệu tự do, nhóm tác giả khuyến nghị về khả năng ứng dụng mô hình này nhằm thúc đẩy sự tham gia của lực lượng này trong quản lý chất thải bền vững ở Việt Nam với một số nội dung:
(i) Mô hình này có thể mang đến thành công nhất định về BVMT, phát triển bền vững. Tuy nhiên, để áp dụng cần lưu ý các yếu tố khác nhau về kinh tế, xã hội, đặc điểm văn hóa và sinh thái, điều này có thể làm cho nhà hoạch định chính sách gặp khó khăn trong việc so sánh và lựa chọn chính sách.
(ii) Để đạt được mục tiêu đưa lực lượng thu gom rác thải, phế thải thành lực lượng chính trong xã hội cần phải có những đánh giá rõ ràng, chính xác đặc điểm, tình trạng của lực lượng này từ đó đưa họ vào lực lượng chính thức trong hệ thống quản lý chất thải của xã hội.
(iii) Xây dựng hệ thống chính sách và pháp luật để công nhận các hoạt động liên quan đến thu gom chất thải có thể tái chế. Tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân về vai trò và ý thức bảo vệ môi trường. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường để bảo đảm phát triển một nền kinh tế - xã hội theo mô hình sinh thái - xã hội bền vững.
(iv) Hoạch định chính sách phát triển bền vững dựa trên mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội được hiểu là tập hợp các yếu tố liên quan với nhau theo một cách có cấu trúc theo hướng bền vững, thích ứng với sự chuyển đổi sinh thái, xã hội đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội nhấn mạnh các chức năng sinh thái cũng như sự thay đổi cấu trúc kinh tế - xã hội chính là các điều kiện tiên quyết để bảo đảm phát triển bền vững. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách phát triển bền vững cần phải nắm rõ cách thức áp dụng, từ nhận thức toàn diện, tư duy ra quyết định hệ thống và mô hình khả thi. Trong bối cảnh gia tăng biến đổi khí hậu thay đổi nhanh chóng, chính sách cần linh hoạt, dễ dàng thích nghi để cập nhật, cải tiến liên tục.
(v) Hỗ trợ mạng lưới liên kết lực lượng thu gom phế liệu tự do với các thành phần khác trong xã hội.
Từ việc phân tích về mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội với những ưu điểm, hạn chế cũng như thách thức phải đối mặt cho thấy, để đạt được mục tiêu đưa lực lượng thu gom vào hệ thống quản lý chất thải bền vững, gợi ý cần thực hiện kết hợp đồng bộ một số giải pháp:
Trước tiên, ở cấp Trung ương, Chính phủ cần xây dựng chính sách để công nhận lực lượng thu gom phế liệu tự do là lực lượng chính thức trong việc tham gia quản lý chất thải bền vững. Để thực hiện, Chính phủ cần thúc đẩy sự hình thành các liên kết, hợp tác giữa các bên từ cơ quan quản lý, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, người dân, cơ sở đào tạo cùng hướng tới việc hỗ trợ lực lượng thu gom phế liệu tự do. Cụ thể hơn, Chính phủ đưa ra các chính sách ưu đãi để doanh nghiệp sản xuất theo nguyên tắc giảm thiểu ô nhiễm, khuyến khích sử dụng và tái sử dụng sản phẩm tái chế. Đặc biệt, Chính phủ cần xây dựng một cơ chế phối hợp, đối thoại chia sẻ thông tin và cam kết hành động chung, đặc biệt là cần có cơ chế chỉ đạo, giám sát việc thực hiện, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương nhằm tránh tình trạng chồng chéo.
Mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội sẽ đạt được hiệu quả nhất khi ứng dụng ở tầm trung mô và vi mô. Ở cấp địa phương, chính quyền địa phương cần đưa ra các quy định cụ thể hóa các giá trị, đưa ra các chuẩn mực để giúp lực lượng thu gom phế liệu chuyển đổi kiến thức đạt được kết quả như mong muốn. Để thực hiện, các thành phần trong xã hội cùng tham gia như các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, người dân cùng hành động tích cực với chính quyền địa phương để giải quyết hiệu quả các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường, thúc đẩy thực hiện mục tiêu này.
Ngoài ra, nhằm góp phần đạt hiệu quả hơn nữa thực hiện mục tiêu chuyển đổi lực lượng thu gom phế liệu tự do thành lực lượng chính thức tham gia quản lý chất thải bền vững, cần sự tham gia trực tiếp của người thu gom phế liệu, các hộ gia đình, đầu mối thu gom, vựa thu gom phế liệu. Đây chính là quy mô thực hiện ở tầm vi mô. Các đối tượng này chính là lực lượng trực tiếp chịu ảnh hưởng của sự chuyển đổi sinh thái - xã hội, nhưng cũng chính họ sẽ là các nhân tố tích cực để đẩy mạnh chuyển đổi sinh thái - xã hội. Lựa chọn mô hình này, các đối tượng cần phải tham gia và cam kết thực hiện theo các tiêu chuẩn để thay đổi dần mô hình truyền thống và trở thành lực lượng chính thức trong quá trình quản lý chất thải của Việt Nam.
Từ việc tìm hiểu và phân tích mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội, bài viết đề xuất những ưu điểm và thách thức khi ứng dụng cách tiếp cận này để có thể gợi ý cho các nhà quản lý quyết định xây dựng chính sách phát triển quản lý chất thải của Việt Nam, đặc biệt ứng dụng trong việc thúc đẩy lực lượng lao động thu gom phế liệu tự do trở thành lực lượng chính thức, góp phần quan trọng trong việc quản lý chất thải của Việt Nam. Tuy nhiên, cần có nghiên cứu sâu hơn nữa để có thể đưa ra những tiêu chí triển khai trên quy mô toàn xã hội. Nhóm tác giả đề xuất các nghiên cứu tiếp theo để đẩy mạnh vai trò lực lượng thu gom phế liệu tự do trở thành lực lượng chính thức thực hiện dịch vụ công trong xã hội, tiếp tục góp phần chính trong quá trình quản lý rác thải bền vững tại Việt Nam.
Lời cảm ơn: Nhóm tác giả chân thành cảm ơn chị Trần Thị Phượng (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang). Công việc và cuộc đời của chị là nguồn cảm hứng cho nhóm tác giả viết bài này.
ThS. Hoàng Thanh Hương, ThS. Doãn Ngọc Khanh, Nguyễn Thị Thảo
Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường
ThS. Nguyễn Thị Hồng Minh
Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt II/2025)
Tài liệu tham khảo
1. Báo cáo quốc gia năm 2020, Tiến độ 5 năm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UNDP, tháng 5/2020.
2. Sievers-Glotzbach, S., & Tschersich, J (2019). Overcoming the process-structure divide in conceptions of Social - Ecological Transformation: Assessing the transformative character and impact of change processes. Ecological Economics, 164, 106361.
3. Marie Lan Nguyen Leroy, Morgane Rivoal (2022). Sự tham gia của lực lương thu gom phế liệu tự do (ve chai) vào quá trình chuyển đổi sang quản lý chất thải bền vững, UNDP, tháng 6/2022.
4. Phạm Thị Thanh Bình (2016). Phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiêu chí đánh giá và định hướng phát triển, Tạp chí Tài chính.
3. Nguyễn Thi (2022). Khung chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) ở Việt Nam và tác động đối với những người lao động chính thức về chất thải. Báo cáo tóm tắt UNDP, tháng 6/2022.
4. Nguyễn Thái Huyền (2022). Lao động phi chính thức về chất thải trong quy hoạch đô thị. Báo cáo tóm tắt UNDP, tháng 6/2022.
5. Nguyễn Thị Hoài Linh (2022). Nghiên cứu về việc tiếp nhận những lao động phi chính thức về chất thải trong dịch vụ đô thị tại TP. Hồ Chí Minh, tổ chức EDN. Báo cáo tóm tắt UNDP, tháng 6/2022.
6. Philip Degenhardt (2016). Master thesis: “From sustainable development to socio-ecological transformation - An Overview”.
7. Colloff, M.J., Martin-López, B., Lavorel,S., Locatelli, B., Gorddard, R., Longaretti, P.-Y., Walters, G., van Kerkhoff, L., Wyborn, C., Coreau, A., Wise, R.M., Dunlop, M., Degeorges, P., Grantham, H., Overton, I.C., Williams, R.D., Doherty, M. D. Capton, T., Sanderson, T., & Murphy, H. T. (2017). An intergrative research framework for enabling transformative adaptation. Environmental Science & Policy, 68, 87-96. (http://doi.org/10.1016/j.envsci.2016.11.007).
8. Đào Thanh Trường và Philip Degenhardt (2022). Sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam từ cách tiếp cận chuyển đổi sinh thái - xã hội: Cơ hội, thách thức và hàm ý chính sách, NXB Lao động.
9. Phan Văn Phúc (2022). Tiếp cận chuyển đổi sinh thái - xã hội: Lý thuyết liên ngành cho phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Cần Thơ, tập 58, Số chuyên đề SDMD (2022): 134-141.