23/07/2025
Tóm tắt:
Việt Nam là một trong những quốc gia được xếp vào loại khan hiếm đất và chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Những thay đổi về nhiệt độ, lượng mưa, các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, nắng nóng, cùng với nước biển dâng đã làm gia tăng diện tích đất bị xâm nhập mặn, khô hạn, hoang mạc hóa, ngập úng, xói mòn, rửa trôi, sạt lở. Trong bối cảnh đó, với những cơ hội và thách thức đan xen, thực trạng suy giảm sức khỏe đất cùng những tác động đa chiều đến kinh tế, xã hội và môi trường cho thấy việc xây dựng và triển khai một Chiến lược Sức khỏe đất quốc gia toàn diện là yêu cầu cấp bách và mang tính sống còn đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Từ khóa: Đất, sức khỏe đất, biến đổi khí hậu.
JEL Classifications: N50, O13, R14, Q15.
1. Mở đầu
Trong những thập kỷ qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã ghi nhận bước tiến vượt bậc, khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Năng suất và sản lượng nhiều loại nông sản chủ lực như lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, trái cây liên tục tăng trưởng, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Những con số ấn tượng này là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của người nông dân, sự đầu tư vào khoa học kỹ thuật và chính sách hỗ trợ của nhà nước. Tuy nhiên, đằng sau thành tựu đó là những đánh đổi không nhỏ đối với môi trường, đặc biệt là sức khỏe đất - nguồn tài nguyên vô giá và có hạn. Áp lực thâm canh, tăng vụ, lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhằm tối đa hóa sản lượng đã và đang khiến đất đai ngày càng suy kiệt. Các chỉ tiêu quan trọng phản ánh "sức sống" của đất, từ tính chất vật lý, hóa học đến sinh học, đều đang có những chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực. Đây là thực trạng đòi hỏi sự nhìn nhận thẳng thắn và những giải pháp căn cơ, có chiến lược để đảm bảo sự phát triển bền vững cho nông nghiệp Việt Nam.
2. Hiện trạng sức khỏe đất
Sức khỏe đất, theo định nghĩa của Ban Kỹ thuật Liên chính phủ về Đất (ITPS), là “khả năng của đất trong việc duy trì năng suất, đa dạng sinh học và các dịch vụ môi trường của hệ sinh thái trên cạn”. Nó không chỉ là yếu tố quyết định đến năng suất cây trồng mà còn liên quan mật thiết đến chất lượng nông sản, sức khỏe vật nuôi và con người. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng khoa học cho thấy sức khỏe đất tại Việt Nam đang trên đà suy giảm, thể hiện rõ qua các biến đổi về chỉ tiêu vật lý, hóa học và sinh học. Thực tế cho thấy, cấu trúc đất - nền tảng cho sự phát triển của cây trồng đang bị phá vỡ ở nhiều vùng nông nghiệp trọng điểm. Tại các vùng chuyên canh cây ăn quả lâu năm, đất trở nên ngày càng chặt nén theo thời gian, khiến khả năng thấm nước, giữ ẩm và lưu thông khí giảm mạnh. Việc canh tác liên tục khiến lớp đất mặt mất dần độ tơi xốp, sét bị rửa trôi xuống sâu, trong khi tầng đất canh tác bị nén cứng, cản trở sự phát triển của rễ và vi sinh vật. Các yếu tố quan trọng như độ xốp hay đoàn lạp bền - vốn giúp đất thông thoáng và chống xói mòn đều suy giảm. Chẳng hạn, tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cơ giới hóa và thâm canh ba vụ lúa cũng đang để lại “di chứng”: tầng đế cày hình thành dưới lớp đất mặt, cứng, nghèo dinh dưỡng và gần như không cho nước hoặc rễ xuyên qua. Không dừng lại ở các đặc tính vật lý, những chỉ số hóa học cũng cho thấy xu hướng suy thoái rõ rệt. Độ pH - yếu tố then chốt trong khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây đang có dấu hiệu chua hóa diện rộng. Nhiều vùng đất lúa từ đồng bằng sông Hồng đến Tây Nguyên, vốn đã chua sẵn, nay còn chua hơn. Các vùng đất mặn, đất phèn và đất phù sa từng màu mỡ đang dần mất đi trạng thái cân bằng tự nhiên. Bên cạnh đó, khả năng giữ và cung cấp dinh dưỡng của đất thể hiện qua chỉ số hấp thu cation (CEC) cũng đang sụt giảm nghiêm trọng. Đây là dấu hiệu cho thấy đất không còn khả năng tích lũy hoặc cung cấp khoáng chất một cách hiệu quả cho cây trồng. Hàm lượng chất hữu cơ vốn được xem là “linh hồn” của đất cũng đi xuống ở nhiều vùng. Đáng lo ngại là xu hướng giảm các-bon hữu cơ trong tầng đất mặt, nơi tập trung phần lớn hoạt động sinh học của đất. Nếu không có giải pháp kịp thời, nhiều vùng đất đang đứng trước nguy cơ mất hoàn toàn khả năng canh tác. Mặt khác, tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng ngày càng phổ biến. Một số vùng đất được bón phân quá mức, tích lũy lân và kali đến mức dư thừa, gây ô nhiễm kim loại nặng. Ngược lại, nhiều nơi, đặc biệt là vùng đồi dốc lại thiếu hụt nghiêm trọng các chất dinh dưỡng thiết yếu, khiến đất trở nên nghèo kiệt và bạc màu nhanh chóng. Ngoài ra, không thể không nhắc tới sự suy giảm của các chỉ tiêu sinh học - thước đo cho "sự sống" trong đất. Đất không chỉ là nơi neo giữ cây trồng, mà còn là hệ sinh thái phức hợp, nơi cư trú của hàng tỉ vi sinh vật, động vật nhỏ và giun đất - những “kỹ sư” thầm lặng điều hòa hệ sinh thái nông nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động thâm canh, sử dụng quá mức phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và đốt tàn dư nông nghiệp đã làm hệ sinh thái này bị xáo trộn nghiêm trọng. Giun đất, loài được xem như chỉ thị sinh học đang giảm về số lượng và đa dạng ở nhiều vùng. Các loài vi sinh vật vốn chiếm hơn 1/4 tổng đa dạng sinh học trên Trái đất cũng đang dần biến mất trong lòng đất nghèo hữu cơ và ô nhiễm hóa chất.
Những thay đổi tiêu cực về các chỉ số vật lý, hóa học và sinh học này không chỉ dừng lại ở con số thống kê mà còn gây ra những tác động tiêu cực sâu rộng đến sản xuất nông nghiệp, sức khỏe con người và hệ sinh thái. Đối với sản xuất nông nghiệp, mất cân bằng dinh dưỡng và suy thoái đất trực tiếp làm giảm năng suất và chất lượng nông sản. Ví dụ, trên đất phèn, kali là yếu tố hạn chế, nếu thiếu sẽ gây ảnh hưởng xấu đến quá trình trao đổi chất trong cây, làm suy yếu hoạt động của hàng loạt các men, giảm quá trình trao đổi các hợp chất, hậu quả là lá già vàng sớm, khô từ mép lá, hạt lép, giảm năng suất và chất lượng. Thiếu các nguyên tố vi lượng cũng ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ các nguyên tố đa lượng của cây trồng, làm giảm hiệu quả phân bón và tăng chi phí sản xuất. Độ pH đất thay đổi cũng ảnh hưởng đến hoạt động của vi sinh vật và sự hữu dụng của dinh dưỡng cho cây.
Đất không chỉ là nền tảng cho sản xuất nông nghiệp, mà còn là điểm xuất phát của một chuỗi tác động liên hoàn đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Khi đất bị ô nhiễm bởi dư lượng thuốc BVTV và kim loại nặng, những độc chất này có thể len lỏi vào cây trồng, thâm nhập vào thực phẩm hằng ngày và âm thầm tích tụ trong cơ thể người tiêu dùng. Tại một nhiều vùng trên cả nước, thực phẩm tưởng chừng an toàn lại đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong một số mẫu hành lá và cải xanh, hàm lượng thuốc trừ sâu cao gấp nhiều lần so với ngưỡng an toàn. Đây không chỉ là vấn đề về chất lượng thực phẩm, mà là hồi chuông cảnh báo cho sức khỏe cộng đồng, bởi việc tích lũy các chất độc này trong thời gian dài có thể gây rối loạn sinh hóa, ảnh hưởng đến hệ thần kinh và thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư. Các kim loại nặng như chì, asen, cadimi cũng đang dần xuất hiện trong chuỗi thực phẩm thông qua nhiều con đường khác nhau. Chì, một chất độc thần kinh có thể xâm nhập cơ thể qua không khí hoặc thực phẩm, gây tổn thương lâu dài cho hệ thần kinh và nội tạng. Asen, thường tích tụ trong đất từ nguồn nước ngầm ô nhiễm đang từng bước thâm nhập vào hạt gạo, làm gia tăng phơi nhiễm cho những người tiêu dùng. Cadimi, chất độc từ phân bón và bùn thải đặc biệt nguy hiểm với cây lúa và đã từng gây ra căn bệnh Itai-itai nổi tiếng ở Nhật Bản, với những hệ quả như loãng xương, đau nhức và suy thận. Không chỉ con người, cả hệ sinh thái cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các chất ô nhiễm hữu cơ bền vững như DDT dù đã bị cấm từ lâu vẫn hiện diện trong đất và chuỗi thức ăn, ảnh hưởng đến nội tiết tố của động vật và làm rối loạn quá trình sinh sản. Trong khi đó, sự suy giảm đa dạng sinh học đất, đặc biệt là sự biến mất của các loài thụ phấn, đang làm lung lay năng suất và chất lượng nông sản.
Đằng sau những cánh đồng xanh và giỏ rau tươi là một câu chuyện đáng suy ngẫm: khi đất bị tổn thương, con người cũng không thể khỏe mạnh. Đất sạch, vì thế, không chỉ là điều kiện để sản xuất, mà là tuyến phòng thủ đầu tiên cho an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng báo động về sức khỏe đất tại Việt Nam rất đa dạng, trong đó hoạt động sản xuất nông nghiệp thiếu bền vững đóng vai trò chủ yếu, bên cạnh các yếu tố khách quan khác. Về sản xuất nông nghiệp, việc lạm dụng phân bón hóa học là vấn đề nổi cộm. Việt Nam sử dụng trung bình 10,3 triệu tấn phân bón/năm trong giai đoạn 2017 - 2020, trong đó gần 90% là các loại phân vô cơ [1]. Lượng tiêu thụ phân bón trên một ha đất canh tác của Việt Nam ở mức 195 - 200 kg/ha, cao hơn mức trung bình thế giới (138 kg/ha năm 2016) [2]. Việc sử dụng các loại phân hóa học thuộc nhóm chua sinh lý nếu bón liên tục mà không có biện pháp trung hòa sẽ làm chua đất, nghèo kiệt các ion bazơ và xuất hiện nhiều độc tố. Tại ĐBSCL, lượng phân bón sử dụng trong canh tác lúa thường vượt mức khuyến cáo, ước tính mỗi năm khoảng 140.000 tấn N, 82.000 tấn P, và 66.000 tấn K bị lãng phí [2]. Nông dân trồng cà phê và hồ tiêu ở Tây Nguyên cũng có tới 70% bón phân hóa học với liều cao hơn nhiều so với khuyến cáo [3]. Cùng với đó, việc lạm dụng thuốc BVTV cũng gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Lượng thuốc trừ sâu sử dụng tăng mạnh từ 76.833,6 tấn năm 2012 lên 139.416,02 tấn năm 2018 [4], mặc dù gần đây có xu hướng giảm nhẹ và tăng sử dụng thuốc BVTV sinh học. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng thuốc độc hại, bị cấm hoặc không đăng ký vẫn diễn ra [5, 6]. Thuốc BVTV làm thay đổi pH đất, gây mất cân bằng dinh dưỡng, tích tụ hóa chất độc hại và suy giảm đa dạng sinh học đất.
Thâm canh và độc canh quá mức cũng là một nguyên nhân quan trọng. Việc trồng một loại cây liên tục (độc canh) và tăng cường đầu vào (thâm canh) nhằm gia tăng sản lượng đã làm giảm đa dạng sinh học, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và lây lan của dịch bệnh, khiến đất bị thoái hóa và mất cân bằng dinh dưỡng. Đất trồng lúa 3 vụ ở ĐBSCL bị bạc màu, suy thoái do áp lực thâm canh tăng vụ. Độc canh cây lúa tại đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL, cà phê ở Tây Nguyên, hồ tiêu ở Đông Nam bộ đang làm giảm tính đa dạng sinh học và khả năng phục hồi của hệ sinh thái nông nghiệp, khiến đất ngày càng bị suy kiệt. Bên cạnh đó, việc đốt phụ phẩm nông nghiệp, như rơm rạ ở ĐBSCL nơi khoảng 70% trong số 26-27 triệu tấn rơm rạ hàng năm bị đốt tại đồng, làm mất đi lượng lớn nitơ (98% - 100%), photpho (24%) và kali (35%), giảm các-bon hữu cơ và tiêu diệt vi sinh vật đất [7, 8, 9]. Các hoạt động tưới tiêu không hợp lý, cày xới làm đất không đúng kỹ thuật cũng góp phần phá vỡ cấu trúc đất, gây xói mòn hoặc khô hạn.
Ngoài ra, ô nhiễm từ các hoạt động công nghiệp, đô thị hóa và sinh hoạt cũng tác động tiêu cực đến sức khỏe đất. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp đã phát sinh lượng lớn chất thải rắn và nước thải công nghiệp. Nhiều chất thải nguy hại không được xử lý đúng cách, gây ô nhiễm kim loại nặng trong đất. Nước thải sinh hoạt và công nghiệp chưa qua xử lý đổ ra môi trường làm chua hóa đất, tích tụ kim loại nặng, đặc biệt ở các vùng ven đô và khu công nghiệp. Đất nông nghiệp xen kẽ khu dân cư, khu công nghiệp thường bị ô nhiễm nghiêm trọng và không thể canh tác.
Cuối cùng, không thể không kể đến tác động của biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong những quốc gia được xếp vào loại khan hiếm đất và chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Những thay đổi về nhiệt độ, lượng mưa, các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, nắng nóng, cùng với nước biển dâng đã làm gia tăng diện tích đất bị xâm nhập mặn, khô hạn, hoang mạc hóa, ngập úng, xói mòn, rửa trôi, sạt lở.
3. Xây dựng và triển khai một Chiến lược Sức khỏe đất quốc gia là yêu cầu cấp bách
Trước những thách thức này và nhận thức được vai trò quan trọng của sức khỏe đất, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo vệ và cải thiện nguồn tài nguyên này, đồng thời khuyến khích các thực hành nông nghiệp bền vững. Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao và Nghị quyết số 19/NQ-TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Đảng đã nhấn mạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát ô nhiễm, ngăn ngừa suy thoái và ứng dụng khoa học công nghệ trong đánh giá, giám sát chất lượng đất. Các văn bản pháp lý quan trọng như Luật Đất đai năm 2024, Luật Trồng trọt năm 2018, Luật BVMT năm 2020, cùng nhiều Nghị định, Quyết định của Chính phủ và các Bộ/ngành đã tạo ra một hành lang pháp lý nhất định. Điển hình là Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt mục tiêu bảo vệ, cải thiện tài nguyên đất và nước. Gần đây nhất, Quyết định số 3458/QĐ-BNN-BVTV ngày 19/12/2024 của Bộ NN&PTNT phê duyệt Đề án Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xem là văn bản chuyên biệt có tính pháp lý cao nhất hiện nay về sức khỏe đất. Tuy nhiên, một thực tế là các quy định này còn nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau, thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều Bộ, ngành như Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính. Điều này dẫn đến sự chồng chéo, thiếu đồng bộ trong triển khai và giám sát. Đề án Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dù mang ý nghĩa quan trọng, nhưng chủ yếu tập trung vào sức khỏe đất phục vụ trồng trọt và các giải pháp cải thiện thực hành sản xuất nông nghiệp. Nhiều nguyên nhân gốc rễ gây suy giảm sức khỏe đất như ô nhiễm từ công nghiệp, đô thị hóa, hay các vấn đề quy hoạch sử dụng đất tổng thể lại không hoàn toàn thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Nông nghiệp. Việc thiếu một hệ thống giám sát chất lượng đất đồng bộ, hiện đại; bộ chỉ số đánh giá sức khỏe đất toàn diện; cơ sở dữ liệu quốc gia về sức khỏe đất tích hợp và dễ tiếp cận cũng là những rào cản lớn. Các chính sách đào tạo, tuyên truyền dù có nhưng còn dàn trải, chưa thực sự đi vào chiều sâu và tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân.
Dù đã có những nỗ lực nhất định, trong tương lai, việc bảo vệ và phục hồi sức khỏe đất tại Việt Nam vẫn đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt không ít thách thức. Về mặt tích cực, có nhiều yếu tố tạo cơ hội để cải thiện tình hình. Đó là cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, giảm phát thải (cam kết Net Zero vào năm 2050 tại COP26) và phát triển nông nghiệp bền vững. Đây là nền tảng chính sách thuận lợi cho các hoạt động bảo vệ sức khỏe đất. Bên cạnh đó, nhu cầu toàn cầu và trong nước đối với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo hướng bền vững ngày càng tăng, tạo động lực kinh tế cho nông dân chuyển đổi sang các phương thức canh tác thân thiện với đất. Sự phát triển của thị trường tín chỉ các-bon, cả toàn cầu và tại Việt Nam, cũng mở ra nguồn tài chính tiềm năng cho các giải pháp nông nghiệp bền vững giúp tăng cường hấp thụ các-bon của đất như giảm phân bón, thuốc trừ sâu, che phủ đất, nông lâm kết hợp, sử dụng phân hữu cơ. Đồng thời, những tiến bộ khoa học công nghệ như IoT, AI, GIS đang mang lại công cụ mạnh mẽ để theo dõi chất lượng đất, tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp và quản lý tài nguyên đất hiệu quả hơn. Sự tham gia ngày càng chủ động của khối tư nhân vào việc đầu tư vào nông nghiệp bền vững, phát triển các mô hình canh tác thân thiện với sức khỏe đất cũng là một tín hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, song hành với những cơ hội là những thách thức không nhỏ. Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa tất yếu sẽ dẫn đến việc chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt là những vùng đất màu mỡ ("bờ xôi ruộng mật") sang mục đích phi nông nghiệp. Nguy cơ lớn nhất từ quá trình này là việc chia cắt đất sản xuất nông nghiệp và ô nhiễm từ chất thải sinh hoạt, công nghiệp. Áp lực dân số gia tăng cùng nhu cầu lương thực ngày càng lớn, cả trong nước và xuất khẩu, sẽ tiếp tục tạo áp lực thâm canh, khai thác đất quá mức để đáp ứng sản lượng. Các tác động của biến đổi khí hậu như hạn hán, lũ lụt, xói mòn, xâm nhập mặn sẽ ngày càng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng hơn, trực tiếp đe dọa các tính chất tự nhiên và sự ổn định của đất. Một thách thức đáng lo ngại khác là sự thu hẹp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học đất. Hiện nay, số trường đại học đào tạo chuyên ngành về khoa học đất/sức khỏe đất không nhiều và công tác tuyển sinh cũng gặp không ít khó khăn. Điều này đặt ra bài toán về việc duy trì và phát triển đội ngũ chuyên gia kế cận cho công tác nghiên cứu, quản lý và phục hồi sức khỏe đất trong tương lai.
Trong bối cảnh đó, với những cơ hội và thách thức đan xen, thực trạng suy giảm sức khỏe đất cùng những tác động đa chiều đến kinh tế, xã hội và môi trường cho thấy việc xây dựng và triển khai một Chiến lược Sức khỏe đất quốc gia toàn diện là yêu cầu cấp bách và mang tính sống còn đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam.
4. Cách tiếp cận xây dựng Chiến lược Sức khỏe đất
Chiến lược Sức khỏe đất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động sẽ kế thừa và mở rộng phạm vi của Đề án Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời bổ sung các thông tin liên quan và đưa ra những cập nhật những thay đổi về bộ máy quản lý nhà nước cấp Trung ương cũng như thay đổi về tổ chức đơn vị hành chính, chính quyền địa phương. Chiến lược này được xây dựng dựa trên cách tiếp cận "Một sức khỏe" (One Health), nhìn nhận mối liên hệ mật thiết và không thể tách rời giữa sức khỏe của đất, sức khỏe của hệ sinh thái, sức khỏe cây trồng, vật nuôi và sức khỏe con người. Quan điểm xuyên suốt của Chiến lược sẽ là: (1) Bảo vệ và phục hồi sức khỏe đất là nền tảng của một hệ sinh thái bền vững, đảm bảo quá trình phát triển nông nghiệp có trách nhiệm, hiệu quả và bền vững về kinh tế - xã hội - môi trường theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; (2) Bảo vệ sức khỏe đất là một phần quan trọng của BVMT, từ đó bảo vệ sức khỏe nhân dân và cần được ưu tiên trong các quyết định phát triển; không đánh đổi sức khỏe đất dài hạn lấy các lợi ích kinh tế; (3) Bảo vệ sức khỏe đất là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn dân cũng như mỗi người sử dụng đất. Tăng cường huy động nguồn lực trong xã hội kết hợp với tăng chi ngân sách để bảo vệ và phục hồi sức khỏe đất.
Trên cơ sở quan điểm nhất quán, Chiến lược cũng đặt ra một số giải pháp thực hiện bao gồm:
Về quản lý Nhà nước: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về sức khỏe đất thông qua hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe đất hoàn thiện, chi tiết và kịp thời.
Về nhận thức và nhân lực: Nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn và truyền thông.
Về kỹ thuật: Áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong canh tác và quản lý đất để bảo vệ và phục hồi sức khỏe đất.
Đối với vấn đề tài chính: Đảm bảo nguồn tài chính đầy đủ và bền vững để thực hiện các giải pháp bảo vệ và phục hồi sức khỏe đất.
Chiến lược Sức khỏe đất không chỉ dừng lại ở các giải pháp kỹ thuật canh tác nông nghiệp mà phải giải quyết được những nguyên nhân sâu xa, mang tính hệ thống gây suy giảm sức khỏe đất. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và phối hợp chặt chẽ của tất cả các Bộ, ngành liên quan, địa phương, tổ chức khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng. Ngoài ra, cần có cơ chế điều phối liên ngành hiệu quả, một khung pháp lý thống nhất, các tiêu chuẩn và bộ chỉ số đánh giá sức khỏe đất rõ ràng, cùng với nguồn lực đầu tư thỏa đáng cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, đào tạo nhân lực và truyền thông nâng cao nhận thức. Việc phục hồi và bảo vệ "mạch sống" của đất không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để Việt Nam kiến tạo một nền nông nghiệp xanh, hiệu quả, bền vững, góp phần vào mục tiêu chung về an ninh lương thực, BVMT, nâng cao chất lượng cuộc sống cho thế hệ hôm nay và mai sau. Đã đến lúc chúng ta cần hành động mạnh mẽ hơn để trả lại cho đất những gì đất xứng đáng được hưởng, để đất thực sự là "tấc vàng" cho muôn đời.
Đỗ Huy Thiệp1, Phạm Đức Thịnh2
1Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Thị trường và Thể chế Nông nghiệp - Học viện Nông nghiệp Việt Nam
2Trưởng phòng Nghiên cứu Chiến lược và Thị trường, Viện nghiên cứu Thị trường và Thể chế Nông nghiệp - Học viện Nông nghiệp Việt Nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt II/2025)
Tài liệu tham khảo
1. Cục BVTV (2021). Báo cáo thực trạng và giải pháp quản lý sử dụng phân bón, thuốc BVTV, vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản tại các tỉnh. Hội nghị Thực trạng và giải pháp quản lý sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản tại các tỉnh (8/2021).
2. Nguyễn, Tín Hồng (2017). Tổng quan về ô nhiễm nông nghiệp ở Việt Nam: Ngành Trồng trọt, báo cáo được chuẩn bị cho Ngân hàng thế giới, Washington, D.C.
3. Trương Hồng (2020). Tây Nguyên: Hơn 1,1 triệu ha đất nông nghiệp đã bị thoái hóa nặng, Báo Nông nghiệp Việt Nam.
4. FAO STAT (2024).
5. Thuy, P. T., Van Geluwe, S., Nguyen, V. A., & Van der Bruggen, B. (2012). Current pesticide practices and environmental issues in Vietnam: management challenges for sustainable use of pesticides for tropical crops in (South-East) Asia to avoid environmental pollution. Journal of Material Cycles and Waste Management, 14, 379 - 387.
6. Chí Nhân (2023). Tiếp tục phát hiện chất cấm trong hồ tiêu. https://thanhnien.vn/tiep-tuc-phat-hien-chat-cam-trong-ho-tieu 18523081413124077.htm.
7. Lê Cảnh Dũng, Nguyễn Phú Son, Võ Văn Tuấn, Nguyễn Thị Kim Thoa (2021). The rice value chain in the Mekong Delta, Vietnam. Dự án GIZ.
8. Nam, T. S., Ingvorsen, K.., Việt, L. H., Như, N. T. H., Chiếm, N. H., & Ngân (2014). Ước tính lượng và các biện pháp xử lý rơm rạ ở một số tỉnh, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, tập 32, tr. 87 - 93.
9. Heard, J., Cavers, C., & Adrian, G. (2006). Up in smoke-nutrient loss with straw burning.