Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 24/07/2025

Đánh giá tác động thực hiện NDC trong lĩnh vực giao thông, năng lượng, AFOLU ở Việt Nam

21/07/2025

    Ngày 21/7/2025, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường tổ chức họp tham vấn chuyên gia “Đánh giá tác động thực hiện NDC trong lĩnh vực giao thông, năng lượng, AFOLU ở Việt Nam”. Phó Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ chủ trì cuộc họp.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường Nguyễn Đình Thọ phát biểu tại cuộc họp

    Phát biểu tại cuộc họp, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường Nguyễn Đình Thọ cho biết, Thỏa thuận Paris được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) năm 2015 và có hiệu lực năm 2016, đã có 189 Bên tham gia, ràng buộc trách nhiệm đóng góp của tất cả các quốc gia tham gia về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, đóng góp tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực. Đây là khuôn khổ pháp lý toàn cầu đầu tiên ràng buộc trách nhiệm của tất cả các bên trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững. Nội dung quan trọng nhất của Thỏa thuận Paris quy định việc các bên tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC); giám sát, đánh giá việc thực hiện và cung cấp nguồn lực tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực để thực hiện NDC. NDC cung cấp những thông tin về đóng góp do một quốc gia sẽ thực hiện nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại và dự báo trong tương lai.

    Đến nay, tất cả các Bên tham gia Thỏa thuận Paris đã đệ trình NDC cho Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Tuy nhiên, nội dung NDC của các nước rất khác nhau, đưa ra các đóng góp dự kiến phù hợp với bối cảnh của mỗi nước và đồng thời cũng đưa ra các điều kiện để thực hiện các đóng góp đó. Nếu thực hiện toàn diện các NDC, mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu vẫn cao so với thời kỳ tiền công nghiệp khoảng 3oC, cao hơn nhiều so với mục tiêu nêu trong Thỏa thuận Paris thực hiện Công ước là hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở dưới ngưỡng 2oC và tiến tới hạn chế mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Để thu hẹp thiếu hụt trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, Ban Thư ký UNFCCC đã yêu cầu các quốc gia rà soát và cập nhật NDC, bảo đảm NDC là nỗ lực cao nhất của quốc gia. Việc rà soát và cập nhật NDC phải hoàn thành trong năm 2020 và tiếp tục thực hiện định kỳ 5 năm một lần để gửi Ban Thư ký UNFCCC.

    NDC của Việt Nam được đệ trình vào tháng 9/2015. Khi đó, NDC của Việt Nam cũng như của các quốc gia khác mới ở mức dự kiến (Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định - INDC). Thực hiện quy định của COP21 và nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ TN&MT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện rà soát, cập nhật NDC trên cơ sở điều kiện phát triển của đất nước. Các Bộ, ngành đã chủ động tham gia, đóng góp tích cực trong quá trình rà soát và cập nhật NDC, cung cấp các thông tin chính thức nhằm đảm bảo các mục tiêu của NDC cập nhật có tính khả thi, thể hiện nỗ lực cao nhất của Bộ, ngành, lĩnh vực phù hợp với điều kiện hiện tại và dự báo đến 2030. Tại Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022 do Bộ TN&MT xây dựng, gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã cập nhật, bổ sung những điểm mới, nỗ lực của Việt Nam thực hiện cam kết đưa ra tại Hội nghị COP26.

    NDC của Việt Nam bao gồm hợp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hợp phần thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, các biện pháp thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong NDC cập nhật gồm: (i) Nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng; (ii) Thay đổi cơ cấu tiêu thụ nhiên liệu, sử dụng năng lượng trong công nghiệp và giao thông vận tải; (iii) Chuyển đổi phương thức vận tải hành khách, hàng hóa; (iv) Đẩy mạnh khai thác hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng; (v) Giảm phát thải khí nhà kính thông qua phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh trong sản xuất nông nghiệp; (vi) Quản lý và phát triển rừng bền vững, tăng cường hấp thụ các-bon và các dịch vụ môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho cộng đồng và người dân sống phụ thuộc vào rừng; (vii) Quản lý chất thải; (viii) Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bằng các biện pháp thay thế vật liệu xây dựng và cải tiến quy trình sản xuất xi măng, công nghiệp hóa chất và giảm tiêu thụ HFCs.

    Theo Phó Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ, việc đánh giá tác động thực hiện NDC trong lĩnh vực giao thông, năng lượng, nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất khác (AFOLU) ở Việt Nam là rất quan trọng và cần thiết, giúp xác định mức độ đạt được mục tiêu, những khó khăn gặp phải và bài học kinh nghiệm để cải thiện hiệu quả thực hiện NDC trong tương lai. Do đó, tại buổi họp tham vấn, Phó Viện trưởng đề nghị các đại biểu tham vấn tập trung vào các khía cạnh như: Xem xét các mục tiêu giảm phát thải và thích ứng đã đề ra trong NDC, so sánh với kết quả thực tế đạt được, xác định các khoảng cách và nguyên nhân; Phân tích tác động của từng chính sách, biện pháp cụ thể được thực hiện, đánh giá hiệu quả chi phí, hiệu quả môi trường và hiệu quả xã hội; Xem xét mức độ tham gia của các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, khu vực tư nhân, tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng, cũng như hiệu quả của việc phối hợp giữa các bên; Xác định các yếu tố thuận lợi giúp thúc đẩy thực hiện NDC, như chính sách hỗ trợ, công nghệ, tài chính, các yếu tố khó khăn, như thiếu nguồn lực, rào cản kỹ thuật, hoặc thiếu sự phối hợp. Dựa trên kết quả đánh giá, đề xuất các giải pháp để cải thiện hiệu quả thực hiện NDC trong tương lai, bao gồm việc điều chỉnh các chính sách, tăng cường sự tham gia và huy động thêm nguồn lực.

    Chia sẻ tại buổi họp tham vấn, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, những nỗ lực của Việt Nam nhằm đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 đang được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực. Việc chuyển đổi sang phát triển kinh tế xanh là xu thế tất yếu và là mục tiêu mà Việt Nam đang hướng đến để thực hiện định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; đồng thời, tạo cơ hội để Việt Nam trở thành một quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển mới của thế giới. Theo Quyết định số 2157/QĐ-TTg ngày 21/12/2021, Chính phủ đã xác định hai nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến chuyển đổi xanh và phát triển phương tiện thân thiện. Một là, chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch. Hai là, khuyến khích nghiên cứu, phát triển và sử dụng ô tô điện. Trong đó, ngành giao thông vận tải với đại diện là ô tô, xe máy, xe buýt điện sẽ đóng vai trò dẫn dắt trong tiến trình chuyển đổi xanh. NDC 2022 của Việt Nam cũng đặt ra 3 nhóm, 10 giải pháp giảm phát thải khí nhà kính liên quan đến giao thông vận tải. Thứ nhất là sử dụng năng lượng hiệu quả, cần giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; tăng hệ số tải của ô tô tải. Thứ hai là chuyển đổi phương thức vận tải, ưu tiên chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng, từ đường bộ sang đường sắt, từ đường bộ sang đường thủy nội địa và đường ven biển. Thứ ba là chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh; theo đó, ưu tiên sử dụng xe buýt dùng khí nén thiên nhiên (CNG), khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học, ô tô điện, xe máy điện và xe buýt điện. NDC đặt mục tiêu đến 2030, tỷ lệ sử dụng ô tô điện đạt khoảng 30% trên toàn quốc. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh của ngành giao thông vận tải, bên cạnh những cơ hội còn nhiều khó khăn, thách thức như: thiếu cơ sở hạ tầng, trạm sạc; giá thành xe điện còn cao; còn thiếu các cơ chế khuyến khích tiêu dùng, sử dụng ô tô điện; nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp về việc chuyển đổi năng lượng xanh chưa thực sự đầy đủ…

Quang cảnh buổi họp tham vấn

    Trong khi đó, đại diện Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cho rằng, phát triển thị trường các-bon và các cơ chế quản lý, trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với chi phí hợp lý, thúc đẩy phát triển, ứng dụng công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và thu nhập của người dân tham gia các dự án giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ và phát triển rừng. Tại Việt Nam, từ giữa những năm 2000 đến nay đã có nhiều doanh nghiệp triển khai thực hiện các chương trình, dự án tạo tín chỉ các-bon và trao đổi tín chỉ các-bon ra thế giới trên thị trường tự nguyện, đặc biệt là tín chỉ các-bon từ các chương trình, dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM). Tuy nhiên, trong thời gian qua, có nhiều thông tin, dư luận xã hội chưa thực sự đầy đủ, toàn diện, chính xác về thị trường các-bon và các cơ chế quản lý tín chỉ các-bon, đặc biệt là hoạt động tạo tín chỉ, quản lý tín chỉ các-bon từ rừng và một số lĩnh vực khác. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người dân hiểu chưa đúng đắn về thị trường các-bon và phương thức tạo tín chỉ các-bon để có thể giao dịch trên thị trường.

    Đồng tình với nội dung này, đại diện Công ty TNHH Green Carbon Japan Vietnam - một công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý và các hoạt động liên quan đến nông nghiệp, môi trường, công nghệ thông tin và nghiên cứu thị trường cho biết, Công ty đang tập trung vào việc tạo ra tín chỉ các-bon từ tự nhiên ở khu vực Đông Nam Á, với các dự án đa dạng như giảm phát thải từ ruộng lúa, giảm khí thải từ chăn nuôi bò và các dự án than sinh học. Năm 2024, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung bộ và Công ty TNHH Green Carbon Japan Vietnam đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác xây dựng và triển khai thí điểm Dự án "Giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp tại Quảng Trị trong năm 2025". Qua đó nhằm cao hiệu quả canh tác lúa, tiết kiệm nước, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến việc đăng ký tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn Gold Stand, JCM, đồng thời thúc đẩy canh tác lúa bền vững, nâng cao giá trị kinh tế gắn liền với thương hiệu lúa gạo giảm phát thải, qua đó tăng thu nhập cho người trồng lúa…

  Đức Anh

 

Ý kiến của bạn