Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 07/01/2025

Chính sách ưu đãi về tài chính trong phát triển khu công nghiệp sinh thái: Bài học kinh nghiệm từ ASEAN và hàm ý cho Việt Nam

05/12/2024

    Khu công nghiệp sinh thái (KCNST) là mô hình hướng tới nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) và không phát thải, với mục tiêu tối ưu hóa sử dụng tài nguyên bằng cách tái chế chất thải từ quy trình sản xuất. Tại Việt Nam, các dự án thí điểm KCNST trong giai đoạn 2015-2023 đã đạt được một số kết quả khả quan nhưng còn đối mặt với những hạn chế về cơ chế tài chính. Từ kinh nghiệm của ASEAN, việc phát triển KCNST thành công phụ thuộc vào khung pháp lý minh bạch, hệ thống quy chuẩn môi trường chặt chẽ và sự tham gia của các quỹ đầu tư xanh. ASEAN đã áp dụng hiệu quả các chính sách như ưu đãi thuế, phát hành trái phiếu xanh (TPX), hỗ trợ tài chính cho các dự án công nghiệp bền vững. Những bài học này là cơ sở quan trọng để Việt Nam phát triển và hoàn thiện các chính sách tài chính hỗ trợ KCNST trong tương lai.

1. Giới thiệu

    KCNST lần đầu tiên được giới thiệu trong nghiên cứu của Frosch et al., 1989 [8], với mục tiêu tối ưu hóa việc tiêu thụ tài nguyên thông qua việc tái sử dụng vật liệu thải từ một quy trình sản xuất làm đầu vào cho quy trình khác. Mô hình này hướng tới nền KTTH và không phát thải, mang lại tiềm năng lớn trong BVMT, thúc đẩy phát triển bền vững và tạo ra cơ hội đầu tư mới cũng như việc làm cho người lao động. Trong quá trình phát triển KCNST, các chính sách ưu đãi tài chính đóng vai trò then chốt trong việc thu hút sự tham gia của doanh nghiệp và tạo động lực đầu tư. Các chính sách này giúp đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về xử lý nước thải, quản lý năng lượng và tái sử dụng tài nguyên, đồng thời tạo điều kiện thu hút vốn tư nhân vào phát triển KCNST.

    Tại Việt Nam, các trường hợp thí điểm mô hình KCNST đã cho thấy một số điểm còn tồn tại trong khía cạnh tài chính. Mặc dù các dự án thí điểm trong giai đoạn 2015-2019 và 2020-2023 đã đạt được một số kết quả khả quan, nhưng vẫn thiếu cơ chế hỗ trợ cụ thể để duy trì mô hình KCNST tại các khu công nghiệp cũng như mở rộng mô hình ra phạm vi cả nước. Với hơn 400 khu công nghiệp, 44 khu kinh tế ven biển và cửa khẩu trên cả nước, nhiều KCN đã đạt được một số tiêu chí về phát triển sinh thái nhưng cần thời gian và chi phí cho quá trình cải thiện các tiêu chí còn lại cũng như chuyển đổi sang phát triển mô hình KCNST. Do đó, các nguồn tài chính hoặc ưu đãi liên quan dành cho các doanh nghiệp tại các KCN có tiềm năng hoặc định hướng chuyển đổi sang mô hình KCNST. Hệ thống quy phạm pháp luật về KCNST chưa hoàn chỉnh và thiếu tính đặc thù, gây rào cản trong việc tiếp cận các ưu đãi tài chính cần thiết. Các doanh nghiệp không chỉ gặp khó khăn trong việc định hướng phát triển mà còn khó tiếp cận được các chính sách ưu đãi và hỗ trợ tài chính hiện hành.

    Từ kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt từ các quốc gia ASEAN, Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng những chính sách này nhằm thúc đẩy phát triển bền vững. Là thành viên của ASEAN, Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với các quốc gia thành viên trong việc đối mặt với thách thức như biến đổi khí hậu (BĐKH) và ô nhiễm môi trường. ASEAN đã thiết lập nhiều cơ chế hợp tác tài chính bền vững như Diễn đàn Thị trường vốn ASEAN (ACMF) và Hội đồng Phân loại ASEAN (ATB), giúp các quốc gia trong khu vực chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển KCNST.

2. Thực trạng các nguồn tài chính trong phát triển khu công nghiệp sinh thái của ASEAN

2.1. Một số cam kết của khối ASEAN trong thúc đẩy phát triển bền vững

    ASEAN là Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, tổ chức kinh tế, văn hóa và xã hội của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, thành lập ngày 8/8/1967, tại Bangkok, Thái Lan. Hiện nay, ASEAN gồm 10 quốc gia thành viên: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. ASEAN cũng có hai quốc gia quan sát viên là Papua New Guinea và Đông Timor. Các quốc gia thành viên ASEAN đã, đang thực hiện các cam kết quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững, giảm thiểu các rủi ro xã hội và môi trường liên quan đến BĐKH ở cấp độ quốc tế, khu vực, quốc gia [1]. ASEAN đã tham gia ký kết Thỏa thuận Paris về BĐKH, cam kết thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững và thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 [1].

    Năm 2004, Diễn đàn Thị trường vốn ASEAN (ACMF) được thành lập dưới sự bảo trợ của các Bộ trưởng Tài chính ASEAN, bao gồm các cơ quan quản lý thị trường vốn từ 10 quốc gia thành viên. Với mục tiêu phát triển một thị trường vốn khu vực sâu rộng, thanh khoản và tích hợp trong khu vực, ACMF đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tài chính bền vững của ASEAN [1]. Thông qua ACMF, ASEAN đã và đang phát triển lộ trình cho Thị trường vốn bền vững nhằm huy động vốn cho các dự án bền vững và thúc đẩy minh bạch trong các hoạt động tài chính [1].

    Bên cạnh đó, ASEAN đã thông qua Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025 - Chương trình nghị sự khu vực hướng tới một cộng đồng ASEAN gắn kết về chính trị, hội nhập về kinh tế và có trách nhiệm với xã hội. Một trong những mục tiêu trong trụ cột liên quan đến trách nhiệm xã hội là phát triển một cộng đồng bền vững, thúc đẩy phát triển xã hội và BVMT thông qua các cơ chế hiệu quả để đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai của người dân. Đồng thời, tất cả các quốc gia ASEAN đã phê chuẩn Thỏa thuận Paris theo Công ước Khung của Liên hợp quốc về BĐKH (Thỏa thuận Paris) và cam kết Đóng góp do Quốc gia tự quyết định [6] nhằm mục đích giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu so với mức tiền công nghiệp dưới 2°C. Các quốc gia ASEAN cũng đã cam kết thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững, bao gồm 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) nhằm tiếp cận toàn diện để đạt được phát triển bền vững vào năm 2030 [1].

2.2. Các nguồn tài trợ, tín dụng và ưu đãi tài chính cho phát triển khu công nghiệp sinh thái tại ASEAN

    Các nguồn tài trợ, tín dụng và ưu đãi tài chính cho phát triển KCNST tại ASEAN có thể được phân loại thành ba nhóm chính: Các quỹ và chương trình quốc tế; Chính sách; Quy định của Chính phủ và thị trường vốn.

Hình 1. Tổng hợp các nguồn tài chính phát triển KCNST (Nguồn: Tổng hợp của tác giả)

    Thứ nhất, các quỹ và chương trình quốc tế của các tổ chức như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); Ngân hàng Thế giới (WB); Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP); Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP); Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); Liên minh châu Âu (EU); Các tổ chức phi Chính phủ quốc tế (NGOs). Các nguồn trên cung cấp các khoản tài trợ, cho vay ưu đãi hoặc bảo lãnh cho các dự án KCNST, như trường hợp ADB đã và đang tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng tại ASEAN [1; 3]. Đồng thời, các tổ chức quốc tế cũng đã hỗ trợ kỹ thuật về thiết kế, xây dựng và vận hành KCNST. Nhiều quốc gia thành viên ASEAN đã chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm, kiến ​​thức chuyên môn về KTTH, quản lý chất thải và bảo tồn đa dạng sinh học thông qua Chương trình Môi trường Liên hợp quốc [11]. Tiêu biểu là sự thành lập ASEAN Catalytic Green Finance Facility (ACGF) tháng 4/2019 nhằm tăng cường đầu tư vào hạ tầng xanh tại khu vực. ACGF thuộc sở hữu của các Bộ Tài chính thuộc 10 quốc gia thành viên ASEAN và ADB. Quỹ có 9 đối tác đã cam kết tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật lên tới 1,8 tỷ USD. Đến cuối năm 2022, 504 triệu USD từ các quỹ của đối tác đã được cam kết cho các dự án đủ điều kiện của ACGF trong danh mục dự án của ADB. Bên cạnh đó, ACGF cũng có các đối tác chia sẻ kiến thức như Sáng kiến Trái phiếu khí hậu (Climate Bonds Initiative), Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (Global Green Growth Institute), Cơ sở hạ tầng châu Á (Infrastructure Asia) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Bảng 1. Các cam kết đồng tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho ACGF

Đối tác

Hỗ trợ kỹ thuật

Cam kết đồng tài trợ

Cơ quan Phát triển Pháp (AFD)

1 triệu Euro

150 triệu Euro

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

1,5 triệu USD

300 triệu USD

CDP (Ý)

2 triệu Euro

130 triệu Euro

Quỹ Hợp tác Phát triển kinh tế (EDCF) (Hàn Quốc)

5 triệu USD

350 triệu USD

Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB)

 

150 triệu Euro

Liên minh châu Âu (EU)

4 triệu Euro

46 triệu Euro

Văn phòng Ngoại giao, Khối Thịnh vượng chung và Phát triển (FCDO) (Anh)

7 triệu bảng Anh

100 triệu bảng Anh

Quỹ Khí hậu xanh (GCF)

20 triệu USD

280 triệu USD

KfW

 

300 triệu Euro

(Nguồn: [12])

    Thứ hai, về các chính sách và quy định của Chính phủ, ASEAN đã ban hành Phân loại Dự án đầu tư bền vững ASEAN (ASEAN Taxonomy). ASEAN Taxonomy đóng vai trò là hướng dẫn chung cho tất cả các nước thành viên ASEAN, bổ sung cho sáng kiến ​​bền vững quốc gia tương ứng của họ và đóng vai trò như ngôn ngữ chung của ASEAN về tài chính bền vững [2; 5]. Văn bản này đã đưa ra các hướng dẫn về phân loại các hoạt động kinh tế đóng góp cho các mục tiêu môi trường, hỗ trợ thu hút đầu tư xanh. ASEAN Taxonomy được thiết kế để phù hợp với các nền kinh tế, hệ thống tài chính và lộ trình chuyển đổi khác nhau của ASEAN [5].

    Nhiều quốc gia ASEAN đã áp dụng các chính sách ưu đãi thuế và tín dụng cho các dự án năng lượng tái tạo, góp phần giảm phát thải trong KCN. Các chính sách này nhằm mục đích hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo tiếp cận thị trường, cạnh tranh với các nguồn năng lượng truyền thống [10].

    ASEAN cũng ban hành Khung KTTH ASEAN khuyến khích tái sử dụng và tái chế tài nguyên, giảm thiểu chất thải và ô nhiễm trong khu công nghiệp [4; 7]. KTTH mang lại nhiều lợi ích, bao gồm kéo dài tuổi thọ của sản phẩm, cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm thiểu chất thải [4]. Để thực hiện thành công mô hình KTTH, cần có sự thay đổi cơ bản về động lực mà nhà sản xuất và người tiêu dùng phải đối mặt, áp dụng phương pháp sản xuất và công nghệ phù hợp, cũng như các quy định và chính sách mới ở cấp quốc gia, khu vực [4]. Việc chuyển đổi sang mô hình KTTH sẽ là một hành trình tiến bộ đối với ASEAN do các mức độ phát triển khác nhau trên khắp khu vực. Điều này yêu cầu các khuôn khổ chính sách và thể chế để hướng dẫn AMS trong việc theo đuổi các can thiệp chính sách liên quan đến CE phù hợp, nâng cao nhận thức, năng lực trên các lĩnh vực để đảm bảo thực hiện hiệu quả các sáng kiến ​​liên quan đến CE, công nghệ kỹ thuật số để thúc đẩy các mô hình kinh doanh sáng tạo và quan hệ đối tác, hợp tác giữa tất cả các bên liên quan trên cả ba trụ cột cộng đồng ASEAN [4].

    Một nhóm chính sách quan trọng khác cũng tạo tiền đề cho phát triển KCNST tại ASEAN là các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong tiếp cận nguồn vốn và công nghệ xanh, bao gồm hỗ trợ tài chính, đào tạo kỹ thuật, kết nối thị trường, hỗ trợ áp dụng công nghệ [10].

    Thứ ba, các khoản tài trợ cho phát triển KCNST có thể được thực hiện thông qua thị trường vốn. Thị trường vốn ASEAN đang trải qua những thay đổi đáng kể do nhu cầu ngày càng tăng về đầu tư bền vững với sự gia tăng khối lượng TPX, tài chính chuyển đổi và số lượng các quỹ đầu tư bền vững.

    Đối với TPX, số lượng phát hành loại hình này trên quy mô toàn cầu tăng [1]. Đặc biệt, ASEAN đã phát triển ASEAN Green Bond Standards (GBS), hướng dẫn các dự án đủ điều kiện để tài trợ bằng TPX, thúc đẩy tính minh bạch và thu hút nhà đầu tư [1]. Nhiều Chính phủ ASEAN đã ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường TPX [6]. Các nhà đầu tư cũng ngày càng quan tâm đến TPX nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư, giảm thiểu rủi ro và đóng góp vào phát triển bền vững.

Bảng 2. Khung trái phiếu bền vững ở châu Á

Quốc gia

Khung xanh

Khung xã hội

Các hướng dẫn khác

Trung Quốc

Nguyên tắc TPX của Trung Quốc

Hướng dẫn về trái phiếu xã hội

Báo cáo chứng khoán Chính phủ SDGs

Indonesia

Khung trái phiếu và Sukuk xanh

Không có

Không có

Nhật Bản

Hướng dẫn về TPX

Không có

Hướng dẫn cơ bản về tài chính chuyển đổi khí hậu

Hàn Quốc

Hướng dẫn về TPX

Không có

Không có

Singapore

Khung TPX Singapore

Tiêu chuẩn trái phiếu xã hội ASEAN

Không có

ASEAN

Tiêu chuẩn TPX ASEAN

Tiêu chuẩn trái phiếu xã hội ASEAN

Tiêu chuẩn trái phiếu bền vững ASEAN

(Nguồn: [9])

    So với các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản và mức trung bình của châu Á, phân bổ nguồn vốn từ TPX, xã hội và bền vững (GSS) tại khu vực ASEAN cho thấy xu hướng đầu tư đáng chú ý vào các lĩnh vực như vận tải sạch, hiệu quả năng lượng và cơ sở hạ tầng. Đây là những lĩnh vực chủ chốt để phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia ASEAN đang nỗ lực cải thiện môi trường và giảm thiểu tác động từ BĐKH. Hiện nay, lĩnh vực vận tải sạch nhận được tỷ lệ phân bổ cao nhất từ các tổ chức tài chính tại ASEAN, lên tới 44%, trong khi các tổ chức phi tài chính phân bổ 21%. Hiệu quả năng lượng cũng chiếm tỷ lệ đáng kể, nhất là từ các tổ chức phi tài chính với 36%. Cơ sở hạ tầng nhận được 30% vốn từ các tổ chức tài chính. Cơ sở hạ tầng xanh đóng vai trò cốt lõi trong phát triển KCNST, bao gồm việc xây dựng các hệ thống quản lý nước, năng lượng tái tạo và xử lý chất thải. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững sẽ giúp các khu công nghiệp, đặc biệt KCNST vận hành hiệu quả và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Bảng 3. Phân bổ GSS tại một số khu vực và quốc gia châu Á theo lĩnh vực, 2019-2023 (%)

 

Châu Á (không bao gồm Nhật Bản và Trung Quốc)

ASEAN

Trung Quốc

Nhật Bản

 

Phi tài chính

Tài chính

Phi tài chính

Tài chính

Phi tài chính

Tài chính

Phi tài chính

Tài chính

Vận tải sạch

37

35

21

44

13

45

24

33

Hiệu quả năng lượng

18

5

36

7

16

10

11

38

Dự án năng lượng tái tạo

11

6

7

0,5

15

8

3

1

Dự án xanh đủ điều kiện

9

5

7

0

34

12

5

0

Thích ứng biến đổi khí hậu

8

4

9

11

5

15

12

0

Bảo tồn đa dạng sinh học

7

10

1

0,5

0,5

0,5

0,5

2

Xây dựng/công trình xanh

3

1

3

7

1

5

5

6

Cơ sở hạ tầng

3

19

0,5

30

4

0,5

35

5

Chi tiêu xã hội

3

14

0,5

2

1

1

2

5

Mục đích chung

1

1

6

4

3

2

3

9

Khác

0,5

0,5

0,5

1

0,5

1

0,5

0,5

(Nguồn: [9])

    Tuy nhiên, một số lĩnh vực quan trọng khác như năng lượng tái tạo và bảo tồn đa dạng sinh học lại nhận được sự đầu tư thấp hơn nhiều. Năng lượng tái tạo chỉ chiếm khoảng 7% từ các tổ chức phi tài chính và gần như không được phân bổ từ các tổ chức tài chính. Điều này có thể là một rào cản lớn đối với việc xây dựng các KCNST bền vững. Các khoản hỗ trợ tài chính chuyển đổi bao gồm các nguồn vốn cung cấp cho các doanh nghiệp trong các ngành có lượng khí thải các-bon cao để chuyển đổi sang mô hình hoạt động bền vững hơn [2]. ASEAN đã ban hành hướng dẫn về tài chính chuyển đổi, đưa ra các tiêu chí đánh giá các dự án chuyển đổi và khuyến khích minh bạch trong quá trình chuyển đổi [2]. Tuy được đánh giá là một lĩnh vực tương đối mới và có tiềm năng tăng trưởng rất lớn do nhu cầu chuyển đổi xanh ngày càng cấp thiết nhưng việc đo lường tác động của tài chính chuyển đổi có thể phức tạp, đòi hỏi các tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá rõ ràng.

Bảng 4. KPI trong trái phiếu liên kết bền vững, 2019-2023 (%)

Chỉ số KPI

ASEAN

Châu Á (không bao gồm Trung Quốc và Nhật Bản)

Trung Quốc

Nhật Bản

Cường độ các-bon

25

19

6

0,5

Phát thải GHG (phạm vi 1 và 2)

20

31

0,5

51

Tiêu thụ và hiệu quả năng lượng

19

0

44

0

Năng lượng tái tạo

8

14

29

13

Cường độ phát thải

3

0

0

0

Tăng số lượng thành viên nữ trong hội đồng quản trị

0

0

0

2

Phát thải GHG (phạm vi 1, 2 và 3)

0

0

0,5

1

Phát thải GHG (phạm vi 3)

0

0

0

9

Khác

26

36

21

23

(Nguồn: [9])

    ASEAN đã phân bổ vốn cho các chỉ số KPI trong trái phiếu liên kết bền vững (SLBs) tập trung vào các lĩnh vực có liên hệ chặt chẽ với sự phát triển của mô hình KCNST như cường độ các-bon (25%), phát thải GHG (phạm vi 1 và 2) (20%), tiêu thụ năng lượng và hiệu quả năng lượng (19%). Điều này thể hiện rõ nỗ lực của ASEAN trong giảm thiểu phát thải các-bon và cải thiện hiệu quả năng lượng. Đây là hai yếu tố quan trọng trong giảm tác động tiêu cực đến môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Tuy nhiên, chỉ có 8% vốn được phân bổ cho năng lượng tái tạo cho thấy, mặc dù có nỗ lực đầu tư, ASEAN vẫn cần tăng cường hơn nữa để đẩy mạnh chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt năng lượng được sử dụng trong các KCN.

    Các quỹ đầu tư bền vững tập trung vào các lĩnh vực khác nhau như năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, quản lý rác thải và nông nghiệp bền vững [6]. Các quỹ đầu tư trên sử dụng tiêu chí ESG để lựa chọn danh mục đầu tư, đảm bảo vốn được đầu tư vào các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và bền vững [1].

3. Bài học kinh nghiệm của ASEAN và hàm ý cho Việt Nam

    Những phân tích thực trạng tài trợ, tín dụng và ưu đãi tài chính cho phát triển KCNST tại ASEAN cho thấy: (i) Khung pháp lý rõ ràng và minh bạch có vai trò nền tảng cho việc thu hút nguồn vốn cho phát triển mô hình KCNST. Do đó, các quy định về tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG), cơ chế ưu đãi đầu tư xanh, quy trình phê duyệt dự án cần được hoàn thiện và đồng bộ; (ii) Thị trường vốn bền vững đóng vai trò quan trọng trong việc huy động nguồn lực tài chính cho phát triển KCNST. Các sản phẩm tài chính xanh như TPX, quỹ đầu tư xanh, tín dụng xanh cần được đa dạng hóa để đáp ứng nhu cầu của các dự án khác nhau; (iii) Sự ban hành phân loại chung (taxonomy) cho tài chính bền vững là công cụ quan trọng để định nghĩa rõ ràng các hoạt động kinh tế được coi là “xanh” hoặc “bền vững” và sẽ giúp nâng cao tính minh bạch, thu hút đầu tư vào các dự án KCNST; (iv) Nâng cao năng lực cho các bên liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nhà đầu tư về tài chính xanh và phát triển KCNST. Cần đẩy mạnh các chương trình đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác quốc tế để nâng cao nhận thức và kỹ năng cho các bên liên quan; (v) Cần có các chính sách hỗ trợ tài chính chuyển đổi cho các doanh nghiệp trong KCNST, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể bao gồm cung cấp tín dụng ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật, giảm thuế và phí.

    Một số hàm ý được rút ra cho Việt Nam để xây dựng và tăng cường hiệu quả của các chính sách ưu đãi về tài chính trong phát triển KCNST bao gồm:

    Một là, chủ động tham gia vào các khuôn khổ hợp tác khu vực, như ACMF và ATB, để chia sẻ kinh nghiệm, huy động nguồn lực, góp phần giải quyết các thách thức chung của ASEAN.

    Hai là, tăng cường hợp tác với các nước ASEAN trong phát triển thị trường vốn bền vững, nâng cao năng lực, chia sẻ kiến thức về tài chính xanh và KTTH.

    Ba là, hoàn thiện khung pháp lý cho tài chính xanh, KTTH và cụ thể hóa các quy định về tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị, cơ chế ưu đãi cho KCNST và quy trình phê duyệt dự án.

    Bốn là, thúc đẩy phát triển thị trường vốn bền vững để đa dạng hóa nguồn vốn cho KCNST, khuyến khích phát triển các sản phẩm tài chính xanh như TPX, quỹ đầu tư xanh, tín dụng xanh và bảo hiểm xanh. Đồng thời, cần tham khảo kinh nghiệm từ các sàn giao dịch chứng khoán ASEAN trong việc niêm yết và giao dịch các sản phẩm tài chính xanh.

    Năm là, đẩy mạnh các chương trình đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực cho các bên liên quan về tài chính xanh và KTTH. Đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao nhận thức, kỹ năng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ tiếp cận các nguồn vốn, công nghệ mới.

    Cuối cùng, thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển KCNST, tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm thiểu tác động môi trường. Nghiên cứu và áp dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, blockchain, internet vạn vật vào quản lý KCN.

Lời cảm ơn: Nghiên cứu này được hỗ trợ từ kinh phí của đề tài nghiên cứu Tư vấn chính sách của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, mã số đề tài: KT23.36.

TS. Trần Thị Mai Thành

Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN

NCS. ThS. Vũ Quỳnh Loan

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, ĐHQGHN

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2024)

 

Tài liệu tham khảo

1. ACMF. (2020). Roadmap for ASEAN Sustainable Capital Markets (p. 44). https://www.theacmf.org/sustainable-finance/publications/roadmap-for-asean-sustainable-capital-markets

2. ACMF. (2023). ASEAN Transition Finance Guidance.

3. Anwar, R.S., Mohamed, M., & Hamzan, S.M. (2020). Report on The Roles of ASEAN Central Banks in Managing Climate and Environment-related Risks.

4. ASEAN. (2021). Framework for Circular Economy for the ASEAN Economic Community. https://asean.org/wp-content/uploads/2021/10/Framework-for-Circular-Economy-for-the-AEC_Final.pdf

5. ASEAN Taxonomy Board (ATB). (2024). ASEAN Taxonomy for Sustainable Finance - version 3.

6. ASEAN Working Committee on Capital Market Development. (2020). REPORT ON PROMOTING SUSTAINABLE FINANCE IN ASEAN. https://www.theacmf.org/sustainable-finance/publications/report-on-promoting-sustainable-finance-in-asean.

7. ERIA study team. (2023). Circular Economy Strategies and Plans in ASEAN. In Circular Value Chains of Electrical and Electronic Equipment in ASEAN (pp. 102-106).

8. Frosch, R. A., & Gallopoulos, N. E. (1989). Strategies for Manufacturing. Scientific American, 261(3), 144-152. https://doi.org/10.1038/scientificamerican0989-144.

9. OECD. (2024). Mobilising ASEAN Capital Markets for Sustainable Growth. OECD. https://doi.org/10.1787/196b5bde-en.

10. Ramli, I. M., & Kasih, M. C. (2023). Integrative Report on Implementation of the Circular Economy in ASEAN.

11. UNEP Finance Initiative. (2020). Financing Circularity: Demystifying Finance for Circular Economies (No. DTI/2301/GE).

12. ADB. (2024). ASEAN Catalytic Green Finance Facility (ACGF). https://www.adb.org/what-we-do/funds/asean-catalytic-green-finance-facility/overview.

Ý kiến của bạn