Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 16/05/2025

Cơ sở dữ liệu quản lý canh tác lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long - Công cụ hữu hiệu trong quản lý sản xuất lúa gạo bền vững

15/05/2025

    Ngày 13/5/2025, Cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) tổ chức Hội thảo “Cơ sở dữ liệu quản lý canh tác lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long” nhằm hỗ trợ Đề án Một triệu ha canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Quang cảnh Hội thảo

    Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) là vựa lúa gạo quan trọng của cả nước, cung cấp 90% lượng gạo phục vụ xuất khẩu. Sản xuất lúa gạo tại vùng trong thời gian qua đã đạt nhiều thành tựu to lớn, giúp đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và góp phần cung cấp một lượng lớn gạo phục vụ xuất khẩu tạo nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia. Tuy nhiên, thu nhập của đa phần nông dân còn thấp và sản xuất lúa gạo trong vùng cũng đang phải đối mặt với nhiều điều kiện sản xuất bất lợi do biến đổi khí hậu, giá vật tư đầu vào tăng và người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm. Do vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu cho sản xuất lúa của vùng là rất cần thiết nhằm cập nhật, cung cấp các thông tin hữu ích cho nông dân và các cơ quan quản lý để có những chỉ đạo, điều hành, điều chỉnh phù hợp trong sản xuất đáp ứng yêu cầu phát triển. 

    Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Nguyên Văn Hùng, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế cho biết, để xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý canh tác lúa vùng ÐBSCL, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa quốc tế khảo sát 10.000 nông dân ở 12 tỉnh ÐBSCL nhằm xây dựng dữ liệu quản lý canh tác lúa, phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Mục tiêu nhằm khảo sát đặc điểm nông dân trồng lúa và thực hành canh tác lúa ở ÐBSCL; định lượng các chỉ số liên quan đến sản xuất như năng suất, hiệu quả sử dụng phân bón, chi phí - lợi ích và phát thải để xác định tồn tại trong hướng tới sản xuất lúa bền vững, phát thải thấp; Sự khác biệt trong tập quán, hành vi, phương thức canh tác và nhu cầu của nông dân trồng lúa có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Trên cơ sở đó, đề xuất xây dựng chiến lược đầu tư và thực hiện hiệu quả chuyển đổi lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Cuộc khảo sát được hoàn thành trong quý I/2024 và chia làm nhiều đợt thực hiện gắn với thực tế sản xuất lúa tại các tỉnh, thành vùng ÐBSCL. Qua đó, nhằm đảm bảo thu thập đầy đủ các thông tin, dữ liệu cần thiết về tình hình sản xuất và hiệu quả sản xuất của tất cả các vụ lúa trong năm 2023 (gồm: Đông Xuân, Hè Thu, Thu Đông) tại các địa phương.

    Kết quả phân tích dữ liệu một số lĩnh vực chính cho thấy, về phát thải khí nhà kính, phần lớn nhóm phát thải trung bình cao thuộc phía Nam gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang (10.8 - 11.0; CM: 15.2 tCO2e/ha); Các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang có lượng phát thải thấp nhất (8.2 - 9.0 tCO2e/ha); Ở hầu hết các tỉnh (trừ Bạc Liêu), vụ Thu Đông có cường độ phát thải cao nhất trong 3 vụ; Thu gom rơm có mức giảm phát thải cao nhất (16 nghìn tấn CO2e vụ Đông Xuân, 33 nghìn tấn cho cả 3 vụ); Mức độ giảm phát thải của AWD cao (46%) nhưng tiềm năng giảm thấp do còn ít nông dân có thể áp dụng (2 - 4%). Phân tích hiệu suất sử dụng dinh dưỡng cho thấy, năng suất sử dụng từng phần của đạm (PFPN) cao hơn ở vụ Đông Xuân; Trong cả 3 vụ, các yếu tố quản lý được như lượng giống, số lần bón phân, quản lý nước (số ngày ruộng ngập trước khi xuống giống, số lần tưới tiêu) nằm trong nhóm 10 yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến PFPN… Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã đưa ra khuyến cáo đầu vào canh tác lúa dựa trên số liệu ĐBSCL. Theo đó, phân bón, cách xuống giống, lượng giống, quản lý nước là các yếu tố ảnh hưởng chính; Mức sai khác lớn (~1.5t/ha) trong một giống cho thấy tiềm năng cải thiện năng suất thông qua kỹ thuật canh tác; 40% nông dân có thể giảm bón 50 kg/ha đạm và không làm giảm năng suất; Ở hầu hết các giống, năng suất không tăng, hoặc giảm nếu xuống nhiều hơn 120 kg/ha giống; áp dụng ngập khô xem kẽ (AWD) vẫn đảm bảo năng suất cao; Nông dân không đốt rơm rạ có năng suất cao hơn…

    Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đánh giá hoạt động khảo sát đã cung cấp thêm cơ sở khoa học và thực tế cho quá trình xây dựng bộ dữ liệu sản xuất lúa ở ĐBSCL. Khi cơ sở dữ liệu được số hóa, Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh sẽ dễ dàng tra cứu, xem thông tin về hiện trạng sản xuất để thực hiện tốt việc quản lý, cũng như tối ưu hệ thống sản xuất ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng hiệu quả, giảm phát thải. Ðây cũng là các thông tin, dữ liệu cần thiết để xây dựng hệ thống khuyến nông điện tử, với khả năng tích hợp tốt các dữ liệu và từ dữ liệu kịp thời đề xuất giải pháp giúp nông dân tại từng địa phương thực hiện tốt việc sản xuất…

Đỗ Hương

Ý kiến của bạn