Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 09/01/2025

Xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở trung du và các tỉnh miền núi phía Bắc

15/09/2015

     Ngày 14/8/2015, tại TP.Lai Châu, Viện Địa lí nhân văn thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và UBND tỉnh Lai Châu phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học về Xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) ở vùng trung du và miền núi phía Bắc. Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và cán bộ thuộc các Sở, ban, ngành địa phương…      Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Ngọc Ngoạn - Phó Viện trưởng Viện Địa lí nhân văn cho biết, để triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH, Viện Địa lí nhân văn được Bộ TN&MT giao nhiệm vụ cấp Nhà nước thực hiện Đề tài “Nghiên cứu, xây dựng, cơ chế chính sách liên kết vùng trong ứng phó với BĐKH ở Việt Nam”, thời gian thực hiện từ năm 2013 - 2015. Mục tiêu của Đề tài nhằm đánh giá thực trạng và thách thức về thể chế chính sách đối với liên kết vùng tại 6 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam, trong đó có vùng trung du và miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh (Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái), từ đó đề xuất những giải pháp cơ chế, chính sách nhằm tăng cường liên kết vùng trong ứng phó với thiên tai, BĐKH ở Việt Nam.      Theo Báo cáo tại Hội thảo, trung du và miền núi phía Bắc là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. Các địa phương nghèo nhất của vùng chủ yếu ở các huyện miền núi có địa hình phức tạp và có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao và cũng là những nơi có tần xuất xảy ra các hiện tượng cực đoan nhiều nhất. Hiện nay, đang có khoảng 10.266 điểm nguy cơ sạt lở đất tại 10 tỉnh miền núi phía Bắc. Vùng trung du và miền núi phía Bắc chiếm tới 40% tổng diện tích đất bị thoái hoá thành đất trống, đồi trọc trên cả nước với 5,2 triệu ha. Bên cạnh đó, các tác động về môi trường như  hiện tượng suy thoái tài nguyên đất, nước và tình trạng cháy rừng đã gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân địa phương.   Toàn cảnh Hội thảo        Góp ý tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá, vùng trung du và miền núi phía Bắc có rất nhiều lợi thế không chỉ cho phép vùng liên kết với các vùng khác trong quốc gia, mà còn tạo cơ hội thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Các lợi thế của vùng bao gồm khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản và thuỷ điện; thế mạnh cây công nghiệp, dược liệu; chăn nuôi gia súc và du lịch sinh thái... Tuy nhiên, qua rà soát vẫn chưa có chính sách đề cập đến vấn đề liên kết vùng trong ứng phó với BĐKH và bảo vệ tài nguyên, môi trường vùng trung du và miền núi phía Bắc. Vì vậy, về lâu dài cần xét đến điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của vùng, để có chính sách liên kết vùng hiệu quả, trong đó, tập trung đẩy mạnh các giải pháp phục hồi hệ sinh thái của vùng. Cụ thể, cần tập trung vào giải pháp trồng và bảo vệ tốt tài nguyên rừng, cần có những cơ chế đầu tư hợp lý để người dân phát triển kinh tế của họ nhờ vào trồng rừng (Nhà nước cần chuyển từ cơ chế hỗ trợ bảo vệ rừng sang cơ chế đầu tư cho trồng rừng). Đồng thời, phát triển một nền nông nghiệp xanh bền vững cùng với quy hoạch, sắp xếp lại dân cư.      Để thực hiện liên kết vùng trong ứng phó BĐKH vùng Trung du và miền núi phía Bắc, các đại biểu đã thống nhất quan điểm đề xuất liên kết vùng phải được xây dựng trên nguyên tắc phân cấp, phân quyền chặt chẽ và hiệu quả giữa Trung ương (gồm các Bộ, ngành Trung ương) và địa phương cũng như giữa các địa phương với nhau và giữa các vùng; Thực hiện nguyên tắc chia sẻ trách nhiệm; Sớm ban hành Luật Quy hoạch và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đầy đủ về quy định trách nhiệm cụ thể cho từng địa phương;  Đề xuất cơ chế phối hợp giữa Ban Chỉ đạo Tây bắc với Bộ KH&ĐT và các tỉnh trong vùng xây dựng thí điểm cơ chế liên kết vùng trung du miền núi phía Bắc trong ứng phó với BĐKH giai đoạn 2015 - 2020 để trình Chính phủ phê duyệt; Tăng cường sự kết nối, hợp tác giữa các địa phương trong vùng, trong đó chú trọng vào các lĩnh vực nông nghiệp, hệ thống hạ tầng giao thông, bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý tài nguyên nước...   Châu Loan          
Ý kiến của bạn