Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

WWF - Việt Nam: 20 năm và những thành tựu nổi bật

01/07/2015

   Năm 2015 đánh dấu 20 năm hoạt động tại Việt Nam của Quỹ Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF) với sứ mệnh ngăn chặn sự suy thoái của môi trường tự nhiên và xây dựng một tương lai trong đó con người sống hòa hợp với thiên nhiên. Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường đã có dịp phỏng vấn ông Văn Ngọc Thịnh - Giám đốc WWF tại Việt Nam.

Ông Văn Ngọc Thịnh - Giám đốc WWF tại Việt Nam

   Xin ông giới thiệu đôi nét về quá trình hình thành và phát triển của WWF?

   Ông Văn Ngọc Thịnh: WWF là một tổ chức phi Chính phủ quốc tế được thành lập vào ngày 29/4/1961, hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn, nghiên cứu và phục hồi môi trường tự nhiên. WWF là tổ chức bảo tồn lớn nhất thế giới với hơn 5 triệu người ủng hộ trên toàn cầu, hoạt động tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, hỗ trợ khoảng 1.300 dự án bảo tồn và BVMT. Sứ mệnh của tổ chức là ngăn chặn suy thoái môi trường tự nhiên của Trái đất và xây dựng một tương lai, nơi đó con người sống hòa hợp với thiên nhiên.

   Tại Việt Nam, từ những năm 1980, WWF đã có mặt ở Việt Nam và cùng với các nhà khoa học trong nước và quốc tế xác định giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH) quốc gia và những xung đột, đe dọa chính đối với môi trường Việt Nam. Đây là một trong những nguồn thông tin có giá trị đóng góp vào việc xây dựng Chiến lược bảo tồn quốc gia đầu tiên của Việt Nam. Năm 1995, WWF ký Biên bản ghi nhớ với Chính phủ Việt Nam, khẳng định cam kết và mong muốn hợp tác để bảo tồn ĐDSH và xây dựng một tương lai phát triển bền vững đối với người dân Việt Nam. Sự kiện này là dấu mốc quan trọng cho những hoạt động chính thức của WWF tại Việt Nam.

   Năm 1996, cùng với các chương trình quốc gia của Campuchia, CHDCND Lào, văn phòng WWF Chương trình Đông Dương đã được thành lập tại Hà Nội. Năm 2006, WWF-Thái Lan sát nhập cùng với ba nước thành Chương trình WWF-Greater Mekong và năm 2014, tổ chức mở rộng mạng lưới sang Myanmar với văn phòng thứ năm đặt tại Yangon. WWF-Việt Nam có nhiệm vụ thực hiện các dự án của WWF-Greater Mekong tại Việt Nam, đồng thời hợp tác chặt chẽ với bốn văn phòng còn lại của WWF-Greater Mekong tại Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar.

   Xin ông cho biết, một số kết quả nổi bật của WWF - Việt Nam trong thời gian qua?

   Ông Văn Ngọc Thịnh: Những thành tựu mang dấu ấn của WWF - Việt Nam trong suốt 20 năm qua là thiết lập vùng cảnh quan ĐDSH ưu tiên Việt Nam được quốc tế công nhận là một trong những quốc gia có tính ĐDSH cao trên thế giới, với các hệ sinh thái khác nhau bao gồm các kiểu rừng, biển, đầm lầy, sông suối, rạn san hô... tạo nên môi trường sống cho khoảng 10% tổng số loài động vật hoang dã trên thế giới. Nhằm góp phần bảo vệ ĐDSH của Việt Nam, WWF đã thiết lập và tập trung các hoạt động bảo tồn tại 3 vùng cảnh quan ưu tiên bao gồm Trung Trường Sơn, Nam Trường Sơn và đồng bằng sông Cửu Long.

   Thành công tiếp theo là bảo tồn các loài thú quý hiếm, nguy cấp và hệ sinh cảnh của loài. WWF - Việt Nam đã hỗ trợ tìm ra phương pháp bảo tồn phù hợp cho từng vùng cảnh quan, nghiên cứu giá trị ĐDSH, thực thi pháp luật, cải thiện điều kiện làm việc và năng lực của các cán bộ kiểm lâm bảo tồn các loài đặc hữu và bị đe dọa trong khu vực như sao la, hổ, voi... Trong 20 năm thực hiện, WWF đã phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam và khu vực, trong đó phải kể đến loài sao la, loài thú cổ đại và được coi là kỳ lân của châu Á (năm 1992), loài mang lớn (năm 1994), mang Trường Sơn (năm 1997), tái phát hiện gà lôi lam mào trắng (năm 1996) sau một thập niên bị tuyệt chủng, cùng với 11 loài động thực vật mới ở khu vực rừng nhiệt đới thuộc dãy Trường Sơn của miền Trung.

   Bên cạnh đó, WWF - Việt Nam đã hỗ trợ thành lập các khu bảo tồn, vườn quốc gia nhằm phục hồi và duy trì tính liên kết của hệ sinh thái trong khu vực (ba nước Lào, Việt Nam và Campuchia). Tại khu vực Trung Trường Sơn, WWF - Việt Nam đã hỗ trợ thành lập một hệ thống hành lang ĐDSH bao gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Hoạt động này đem lại lợi ích sinh kế quan trọng cho cộng đồng địa phương nhằm phát triển kinh tế khu vực và hỗ trợ kế hoạch quản lý khu vực, đồng thời thực hiện khung chính sách của Trung ương và địa phương để đạt được sự ổn định bền vững của dịch vụ hệ sinh thái. Ngoài ra, WWF - Việt Nam còn phối hợp với các ban ngành xây dựng các dự án thành lập các khu bảo tồn và vườn quốc gia, trong đó có khu bảo tồn sao la tại Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và sự mở rộng của VQG Bạch Mã.

ĐNN vùng đồng bằng sông Cửu Long

   Bảo tồn đất ngập nước (ĐNN) và hỗ trợ thành lập các khu Ramsar cũng là một trong những thành tựu quan trọng của WWF - Việt Nam trong thời gian qua. Việt Nam có tới hơn 10 triệu ha ĐNN, phân bố ở hầu khắp các vùng sinh thái của cả nước. Với mức độ ĐDSH cao, các khu ĐNN đã mang lại những giá trị quan trọng cho nền kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, diện tích các hệ sinh thái ĐNN tự nhiên bị suy giảm nghiêm trọng do các hoạt động xâm lấn, chuyển đổi sử dụng đất của con người, cũng như áp lực từ xã hội và các phương pháp quản lý không thích hợp. Trong bối cảnh đó, chương trình bảo vệ nguồn nước của WWF - Việt Nam đã ra đời nhằm phục hồi và bảo vệ các vùng ĐNN tự nhiên gắn với bảo tồn ĐDSH, trong đó có Khu bảo tồn Tràm Chim và Láng Sen, những vùng ĐNN tự nhiên còn lại của Đồng Tháp Mười rộng lớn trước đây. WWF - Việt Nam đã thực hiện các sáng kiến trong chính sách quản lý ĐNN tại VQG Tràm Chim và sau 3 năm thực hiện (2007 - 2010), các kết quả đã thể hiện rõ rệt. Sinh cảnh VQG đã được phục hồi bao gồm cả các bãi thức ăn cho các loài chim quý hiếm như sếu đầu đỏ. Ngoài ra, các chương trình cải thiện sinh kế cho người dân địa phương cũng được triển khai cùng các hoạt động nâng cao nhận thức cho người dân. Từ những nỗ lực này, VQG Tràm Chim đã được trở thành khu Ramsar thứ 2.000 vào năm 2012. Tiếp theo thành công của Tràm Chim, Khu bảo tồn ĐNN Láng Sen cũng đang được WWF - Việt Nam hỗ trợ mạnh mẽ và được công nhận là một khu Ramsar mới của Việt Nam vào ngày 22/5/2015.

   Ngoài ra, WWF - Việt Nam còn hỗ trợ sản xuất và khai thác bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong hơn 15 năm qua, nuôi trồng thủy sản đã phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam và hiện nay đã trở thành một trong những quốc gia sản xuất thủy sản lớn nhất thế giới. Cùng với việc mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương, ngành thủy sản đã gây ra những tác động tiêu cực tới môi trường do các trại nuôi chưa tuân theo quy định về môi trường, xã hội và an toàn thực phẩm. Do đó, WWF đã phát triển chương trình thủy sản dành cho cá tra và tôm nhằm khuyến khích việc nuôi trồng có trách nhiệm thông qua tiêu chuẩn quốc tế của Hội đồng Nuôi trồng Thủy sản Bền vững (ASC). Cho đến nay, 30% sản lượng cá tra xuất khẩu đã nhận được chứng nhận ASC. WWF - Việt Nam cũng giới thiệu các sáng kiến nhằm thúc đẩy khai thác thủy sản tự nhiên bền vững thông qua các mạng lưới toàn cầu như Sáng kiến Khai thác thông minh hơn và Sáng kiến Thay đổi thị trường nhằm thay đổi các phương pháp đánh bắt tự nhiên và thúc đẩy thị trường tiêu thụ các sản phẩm bền vững có nhãn sinh thái như MSC và ASC. Không chỉ tập trung vào ngành thủy hải sản, WWF - Việt Nam còn hợp tác với hộ trồng rừng để thúc đẩy hoạt động cấp chứng chỉ trồng rừng FSC, nâng cao năng lực và kiến thức bảo vệ rừng cho người dân để đảm bảo sinh kế bền vững lâu dài cũng như tránh các hoạt động xâm lấn và chặt phá rừng trái phép.

   Mặt khác, để giảm áp lực cho các khu bảo tồn, WWF - Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình nâng cao sinh kế cho người dân địa phương. Những mô hình thành công có thể kể tới mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng Tà Lài quanh VQG Cát Tiên, mô hình trồng ca cao và điều - nông lâm kết hợp tại Lâm Đồng, mô hình nuôi tôm thâm canh đúng kỹ thuật.

   Một trong những thành tựu khác của WWF - Việt Nam là đối phó với tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). WWF - Việt Nam đã giới thiệu nhiều chương trình nhằm tác động tới nhận thức người dân và ảnh hưởng chính sách tại cấp Trung ương và địa phương. Giờ Trái đất có thể coi là một thành công điển hình. Ngoài ra, WWF cũng thúc đẩy phát triển dựa vào phát thải các bon thấp tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Với những thành công này, trong những năm sắp tới, WWF tiếp tục đưa ra những chiến lược và chương trình mới nhằm phát huy các thành quả 20 năm qua, đồng thời tiếp tục vì sự nghiệp bảo tồn của nước nhà.

   Trong thời gian qua, WWF cũng thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp. Trung bình, nhân loại hiện đang sử dụng nhiều hơn 1,5 lần so với khả năng sinh thái của Trái đất. Các doanh nghiệp, là động lực chính của nền kinh tế toàn cầu và có ảnh hưởng mạnh mẽ, có trách nhiệm lẫn khả năng đảm bảo tính bền vững của tài nguyên thiên nhiên và các hệ sinh thái. WWF đã khởi động và xây dựng chương trình Hợp tác doanh nghiệp tại Việt Nam để dần nâng cao nhận thức và thu hút sự tham gia của họ về các vấn đề môi trường, tài nguyên thiên nhiên. Song song, WWF tiếp tục thực hiện các hoạt động bảo tồn cùng các đối tác lâu năm như Coca Cola, HSBC và Microsoft.

   Là một tổ chức đi đầu trong lĩnh vực bảo tồn, ông có những đánh giá gì về công tác bảo tồn ĐDSH của Việt Nam hiện nay?

   Trước một Việt Nam đang đổi thay, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, với tỷ lệ dân số tăng nhanh và tác động khôn lường của BĐKH, nhu cầu sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày một tăng cao, sự phát triển của cơ sở hạ tầng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… đây là những thách thức không nhỏ đối với những nhà làm công tác quản lý, hoạch định chính sách trong công tác bảo tồn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, nhận thức rất rõ của các cơ quan chuyên môn là không đánh đổi bằng mọi giá để phát triển mà song hành cùng sự bảo tồn giá trị ĐDSH và Việt Nam phần nào đã làm được điều đó. Để làm chậm lại quá trình suy thoái giá trị ĐDSH, Chính phủ còn đầu tư và kêu gọi sự ủng hộ cũng như các bên tham gia vào công tác bảo tồn ĐDSH. WWF-Việt Nam đã xác định phải đổi mới hơn nữa trong cách tiếp cận để cùng đất nước vượt qua những thách thức và đóng góp vào mục tiêu bảo tồn toàn cầu.

Việt Nam cần học hỏi các nước phát triển về phương pháp tiếp cận, quản lý và bảo tồn của họ. Ví dụ như ở các nước phát triển ở châu Âu, cách đây hơn 300 năm, rừng nguyên sinh của họ bị tàn phá hầu như toàn bộ để đánh đổi cho sự phát triển cũng như nhu cầu sưởi ấm… và họ phải đầu tư gấp rất nhiều lần giá trị đã khai thác để phục hồi và phát triển những cánh rừng như hiện nay, tuy nhiên giá trị ĐDSH đã mất đi, các loài quý hiếm đã tuyệt chủng chỉ còn lại những cánh rừng đơn điệu. Việt Nam cần rút ra kinh nghiệm và hành động ngay bây giờ, nếu không chúng ta sẽ mất tất cả những cánh rừng và rồi phải đi vay mượn tiền để phát triển lại nó và giá trị về ĐDSH thì không thể phục hồi được.

   Ông có thể cho biết một số định hướng của WWF trong thời gian tới?

   Trong 5 năm tới (2015 - 2020), các hoạt động của WWF - Việt Nam nhằm đảm bảo “bảo tồn hiệu quả, quản lý bền vững tài nguyên và tăng cường khả năng phục hồi và chống chịu với BĐKH tại các khu vực ưu tiên tại Việt Nam, đồng thời mở rộng phạm vi tác động ra các vùng khác đóng góp vào sinh kế bền vững của cộng đồng và kinh tế đất nước.” Để thực hiện được mục tiêu trên, WWF đề ra 4 chiến lược, đó là tiếp tục các mục tiêu bảo tồn tại các vùng chiến lược; Đảm bảo vốn tự nhiên cho Tăng trưởng xanh thông qua cải cách và phát triển chính sách; Thúc đẩy tiêu thụ và sản xuất bền vững; Đảm bảo ứng phó với các tác động của BĐKH và thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững.

                Nguyễn Hằng
(Thực hiện)

(Nguồn: Tạp chí Môi Trường số 6/2015)

Ý kiến của bạn