Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Quyền an sinh xã hội cần gắn bó chặt chẽ với nghĩa vụ bảo vệ môi trường

14/12/2015

   Ngay từ những ngày đầu tiên là công dân một nước tự do, độc lập, tất cả mọi người dân Việt Nam đã được hưởng quyền của một con người theo đúng nghĩa của nó. Điều này đã được thể hiện và bảo đảm bằng Hiến pháp, pháp luật.Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã khẳng định nhiều quyền cơ bản của tất cả mọi công dân sống trên đất nước Việt Nam. Theo đó, Chương II quy định các quyền tự do dân chủ của công dân trong các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội và tự do cá nhân. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật được ghi nhận trong đạo luật của Nhà nước (Điều 7).Hiến pháp quy định phụ nữ được ngang quyền với nam giới về mọi phương diện.

Môi trường tự nhiên làm nền tảng cho cuộc sống của con người

   Nội dung tiến bộ, dân chủ và nhân đạo của Hiến pháp 1946 còn được thể hiện ở những quy định về các quyền cơ bản của công dân như quyền tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc (Điều 7), quyền bầu cử và ứng cử (Điều 18), quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra (Điều 20), quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia (Điều 21), quyền tư hữu tài sản (Điều 12), quyền học tập (Điều 15), quyền tự do ngôn luận, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài (Điều 10), quyền bất khả xâm phạm về nhà ở và thư tín (Điều 11), quyền được Nhà nước ưu tiên chăm sóc giúp đỡ của công dân thuộc dân tộc thiểu số (Điều 8), của công dân già cả, tàn tật, trẻ em (Điều 14), của giới cần lao trí thức và chân tay (Điều 13).

   Các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992 đã bổ sung, cụ thể hóa các quyền của công dân, phù hợp với tình hình, điều kiện, hoàn cảnh của đất nước trong từng giai đoạn. Đặc biệt, Hiến pháp 2013 đã bổ sung, sửa đổi nhiều quyền của công dân Việt Nam. Chương II của Hiến pháp 2013 có 36 điều (từ Điều 14 đến Điều 49) quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân thì có tới 30 điều quy định về quyền con người. Lần đầu tiên, Hiến pháp nước ta quy định quyền an sinh xã hội (ASXH). Cụ thể Điều 34 Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”. Trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định và có cả một phần về “Bảo đảm an sinh xã hội”.

   ASXH là một khái niệm mới được dùng trong một số văn kiện của Đảng ta thời gian gần đây. Không phải ai cũng có thể hiểu một cách đầy đủ, cặn kẽ nội hàm của khái niệm này. Thế nhưng khi nó đã được đưa vào nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì cần phải làm cho mọi người, nhất là cán bộ lãnh đạo, hiểu để giải thích, vận động người dân. Hiện nay, trong xã hội, không ít người hiểu ASXH là những gì thuộc phạm trù bảo đảm xã hội ổn định, cuộc sống vật chất, tinh thần, các thiết chế xã hội, văn hóa, chăm sóc sức khỏe... cho người dân được bảo đảm. Cũng có không ít người cho rằng ASXH không mấy liên quan trực tiếp đến vấn đề BVMT.Nhưng thật ra không phải hoàn toàn như vậy.

   Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012-2020” đã giải thích, chỉ ra một số nội hàm cơ bản của khái niệm ASXH. Theo đó, ở nước ta, với đặc trưng của chế độ chính trị, yếu tố lịch sử, địa lý và điều kiện kinh tế-xã hội cho nên cấu trúc của hệ thống ASXH bao gồm 3 trụ cột: BHXH (bao gồm cả BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); Ưu đãi xã hội; Bảo trợ xã hội (bao gồm trợ giúp xã hội và cứu trợ xã hội). Ba trụ cột này nhằm thực hiện 3 chức năng cơ bản của hệ thống ASXH: phòng ngừa rủi ro; giảm thiểu rủi ro và khắc phục rủi ro (hiện nay rủi ro lớn nhất đối với nước ta là tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).

   Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng lưu ý cần phân biệt các yếu tố ảnh hưởng đến ASXH. Đó là quá trình toàn cầu hóa, vấn đề thất nghiệp và nghèo đói, ô nhiễm môi trường, BĐKH, dịch bệnh, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, tham nhũng, chiến tranh, khủng bố, bất bình đẳng xã hội... Như vậy, có thể nói ASXH liên quan mật thiết đến nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề BVMT, hạn chế, ngăn chặn tác hại của BĐKH. Do vậy, xã hội muốn bảo đảm quyền con người về quyền được bảo đảm ASXH thì một trong những vấn đề rất cơ bản, cấp thiết đối với toàn xã hội, với mỗi địa phương, gia đình và từng cá nhân trong xã hội là phải thực hiện trách nhiệm, cao hơn là nghĩa vụ BVMT.

   Tại Điều 43 Hiến pháp 2013 đã quy định rõ “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ BVMT”. Trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng, sau phần “VIII-Quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội” là phần “IX-Tăng cường quản lý tài nguyên; BVMT; chú trọng phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH”. Thế nhưng, trong nội dung của phần IX chưa thấy đề cập đến vấn đề nghĩa vụ của người dân đối với công tác BVMT. Như vậy, sẽ không nhất quán như trong Hiến pháp 2013 đồng thời quyền được bảo đảm ASXH chưa đi liền với nghĩa vụ BVMT của công dân. Trong khi đó, “việc ứng phó với BĐKH còn bị động, lúng túng; thiên tai ngày càng bất thường, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản”. Đối chiếu với phần “VII-Phát triển văn hóa, xây dựng con người” trong Dự thảo Báo cáo chính trị, cũng chưa thấy ý nào nói đến vấn đề xây dựng văn hóa môi trường, hay đạo đức môi trường, tức là con người sống thân thiện với môi trường và có nghĩa vụ, trách nhiệm BVMT sống xung quanh. Trong khi đó môi trường xã hội, đạo đức xã hội, mối quan hệ xã hội xuống cấp, các giá trị xã hội bị đảo lộn cũng đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên, đến môi trường sống của chúng ta.

   Như chúng ta đều biết, con người và môi trường có mối quan hệ chặt chẽ. Con người sống trong môi trường nào thì chịu sự tác động qua lại của môi trường đó. Trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên, con người lựa chọn tạo dựng môi trường sống của mình từ môi trường tự nhiên, tận dụng khai thác tài nguyên thiên nhiên, các yếu tố môi trường nhằm phục vụ cuộc sống của mình. Môi trường tự nhiên quy định cách thức tồn tại và phát triển của con người. Trong mối quan hệ tương tác, môi trường tự nhiên làm nền tảng cho cuộc sống của con người. Nếu con người biết giới hạn để vừa sử dụng vừa BVMT tự nhiên thì mối quan hệ ngày càng bền chặt và tồn tại lâu dài. Ngược lại, môi trường tự nhiên bị tàn phá nếu con người không có biện pháp cụ thể để bảo vệ.Trong mối quan hệ với môi trường xã hội, con người là nhân tố trung tâm, tham gia và chi phối môi trường xã hội. Ngược lại, môi trường xã hội là nền tảng căn bản trong sự phát triển nhân cách con người. Môi trường xã hội tốt, con người sống sẽ hòa nhập vào môi trường, được hưởng đầy đủ các giá trị do môi trường xã hội mang lại.Môi trường xã hội không tốt là sự suy thoái về đạo đức, lối sống, sự tiêm nhiễm văn hóa ngoại lai, các tệ nạn xã hội, tội phạm và các biểu hiện lệch lạc khác. Để bảo đảm cho sự phát triển bền vững, đòi hỏi phải duy trì mối quan hệ thân thiện giữa con người và môi trường, ngăn chặn những tác động tiêu cực của con người tới môi trường tự nhiên và xã hội.

   Từ một số lý do nêu trên, xin kiến nghị, trong Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng, cần bổ sung những nội dung liên quan đến vấn đề BVMT, trong đó quán xuyến, thẩm thấu và thống nhất với các nội dung xây dựng văn hóa, xây dựng con người và nhất là đề cao nghĩa vụ BVMT trong phần có nội dung quyền được bảo đảm ASXH. Quyền của công dân bao giờ cũng phải đi liền với nghĩa vụ công dân.Ở đây, nếu mỗi người dân không có nghĩa vụ, trách nhiệm BVMT thì quyền ASXH sẽ không bao giờ được trọn vẹn, đầy đủ. Khi thiên tai, thảm họa do BĐKH gây nên thì không còn gì để con người đòi hỏi được hưởng cái quyền mà thiên nhiên đã ban tặng mà không biết gìn giữ, quý trọng và nâng niu.

Vũ Ngọc Lân

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11 - 2015)

Ý kiến của bạn