Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Phát hiện 126 loài mới tại Việt Nam

03/06/2015

   Năm 2014 được đánh giá là một năm thành công rực rỡ của các nhà khoa học sinh vật. Trong năm 2012 - 2013, có khoảng 100 loài sinh vật mới được phát hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ riêng năm 2014, theo thống kê của nhóm các nhà khoa học từ Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã phát hiện thêm 126 loài mới tại Việt Nam, tăng 26% so với cả hai năm 2012 - 2013. Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Anh thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, đại diện nhóm đa dạng sinh học (ĐDSH) và Bảo tồn Việt Nam (BIODIVN) về vấn đề này.

   Xin ông cho biết, việc phát hiện thêm 126 loài mới ở Việt Nam có ý nghĩa như thế nào đối với môi trường và đời sống của con người?

   TS. Nguyễn Đức Anh: ĐDSH có vai trò quan trọng đối với môi trường và đời sống con người, đảm bảo chức năng hệ sinh thái, cung cấp các nguyên liệu thiết yếu như thực phẩm, dược liệu, các nguồn gen quý của các loại cây trồng vật nuôi… Mức độ ĐDSH càng cao càng đảm bảo sự bền vững của hệ sinh thái và cuộc sống của con người, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

   Việt Nam là một trong những quốc gia có tính ĐDSH cao trên thế giới với gần 19 nghìn loài động vật và gần 14 nghìn loài thực vật được xác định và con số vẫn tiếp tục tăng khi mà mỗi năm có hàng trăm loài mới cho khoa học được phát hiện từ Việt Nam.

   Với những nỗ lực và say mê của các nhà khoa học Việt Nam, những phát hiện về các loài sinh vật mới đã đóng góp thông tin rất giá trị cho hệ động, thực vật, làm rõ tính ĐDSH và cung cấp thêm những dẫn liệu khoa học cho việc nghiên cứu các quan hệ phát sinh loài, tiến hóa và bảo tồn.

   Ông có thể cho biết, các loài mới được phát hiện tập trung vào những loài nào?

   TS. Nguyễn Đức Anh: Thống kê của nhóm BIODIVN được tiến hành dựa trên các phát hiện được công bố trên các tạp chí khoa học quốc gia và quốc tế trong năm 2014. Theo đó, đã có 80 loài động vật và 46 loài thực vật, nấm mới cho khoa học đã được phát hiện ở Việt Nam trong năm vừa qua.

   Đối với các loài động vật, có 80 loài mới được công bố, chủ yếu thuộc về các nhóm côn trùng (chiếm tỷ lệ 64%), lưỡng cư (chiếm 16%) và các nhóm còn lại như bò sát, cá, cổ sinh vật, giáp xác, thân mềm, thú (chiếm tỷ lệ từ 2 đến 5%). Trong đó, có 45% số loài được phát hiện ở khu vực miền Bắc, 43% từ khu vực miền Nam và chỉ có 12% từ khu vực miền Trung.

   Hiện nay, rất khó có thể phát hiện những loài thú mới ở Việt Nam, nhưng các nhà khoa học vẫn tìm được hai loài thú mới, Dơi muỗi Hypsugo dolichodon ở Đồng Nai và Chuột cây Chiromyscus thomasi ở Sơn La. Đặc biệt là việc tìm thấy những loài thú cổ đại (đã tuyệt chủng) ở Việt Nam. Các nhà khoa học đã công bố 3 loài thú cổ đại từ các mẫu hóa thạch thu được ở Na Dương, Lạng Sơn gồm: Tê giác Na Dương Epiaceratherium naduongense, thú than phương Đông Bakalovia orientalis và cá nước ngọt cổ đại Planktophaga minuta.

   Đối với các loài thực vật, nấm và địa y, trong tổng số 46 loài thực vật, nấm và địa y mới cho khoa học được phát hiện ở Việt Nam, 50% số loài được đến từ miền Nam, 33% số loài đến từ miền Bắc và 17% số loài đến từ miền Trung. Đặc biệt, việc tập trung nghiên cứu tại tỉnh Lâm Đồng đã cho kết quả đáng kinh ngạc với 14 loài thực vật được công bố, chiếm 30,4% tổng số loài đã phát hiện. Hầu hết, các loài thực vật mới đều thuộc dạng cây bụi chiếm 39%, các dạng cây còn lại như cây gỗ, thân thảo và dây leo chiếm tỷ lệ lần lượt là 26%, 17%, và 7%.

   Việc phát hiện loài thông năm lá rủ Pinus cernua được đánh giá là ấn tượng nhất về thực vật. Bởi vì, trong nhiều năm qua chưa có phát hiện mới nào về các loài cây thông.

   Có thể nói, năm 2014 được đánh giá là một năm thành công của các nhà khoa học sinh vật. Theo ông, nguyên nhân dẫn đến những thành công này là gì ?

   TS. Nguyễn Đức Anh: Để có được những thành công này bắt nguồn từ các nguyên nhân, đó là các nhà khoa học đã tập trung vào các nhóm sinh vật có kích thước nhỏ (côn trùng, thực vật dạng cây bụi), là những nhóm ít được quan tâm nghiên cứu trước đây. Bên cạnh đó là sự nỗ lực khảo sát, nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam trong sự hợp tác với các đồng nghiệp nước ngoài và sự hỗ trợ kinh phí của một số tổ chức quốc tế, Chính phủ Việt Nam vào công tác nghiên cứu của ngành khoa học này.

   Tuy nhiên, việc phát hiện những loài mới ở Việt Nam cũng đang chỉ ra những thách thức lớn đối với việc bảo vệ và bảo tồn ĐDSH. Các loài sinh vật mới được phát hiện đều có vùng phân bố hẹp và có nguy cơ đe dọa tuyệt chủng cao, ví dụ, những loài bò sát, ếch nhái, thực vật lá kim… Sự phá rừng, chuyển đổi đất rừng và khai thác quá mức tài nguyên sinh vật đang là những mối đe dọa chính đến nơi sống của các loài mới nói riêng và các loài sinh vật nói chung. Nơi sống bị đe dọa là nguyên nhân đẩy các loài này vào nguy cơ biến mất khỏi hệ sinh thái.

   Trong năm 2015, hy vọng với những chính sách bảo tồn mà Chính phủ đã đưa ra, như quy hoạch ĐDSH toàn quốc, cấm khai thác gỗ tự nhiên… sẽ có tác động tích cực đến việc bảo vệ các hệ sinh thái, nơi sống của các loài. Đồng thời, với những nỗ lực của các nhà khoa học, chắc chắn số loài sinh vật mới được phát hiện trong năm 2015 sẽ không chỉ dừng lại ở con số 126 loài như năm 2014.

   Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này!

               Nguyễn Hằng (Thực hiện)

(Nguồn: Tạp chí Môi Trường số 5/2015)

Ý kiến của bạn