Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Phát huy hiệu quả Nghị quyết liên tịch, Chương trình phối hợp công tác với các tổ chức chính trị - xã hội

06/11/2014

     Nhằm huy động sức mạnh toàn dân tham gia quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý và BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển bền vững đất nước, nâng cao hiệu lực công tác quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với BVMT, Bộ TN&MT đã tiến hành ký kết Nghị quyết liên tịch, Chương trình phối hợp công tác với 9 tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp như: Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam.

     Bên cạnh đó, Bộ TN&MT còn ký kết Chương trình phối hợp công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị về TN&MT với 4 cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và cơ quan thông tấn báo chí như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị TN&MT.

 

Bộ TN&MT ký kết giao ước thi đua năm 2014 hưởng ứng phong trào thi đua
“Cả nước xây dựng nông thôn mới”

 

     Hoạt động ký kết phối hợp Nghị quyết liên tịch, Chương trình công tác giữa Bộ TN&MT và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã trở thành hoạt động trọng tâm có tính truyền thống, thường xuyên giữa ngành TN&MT với các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp. Qua mỗi giai đoạn công tác, Bộ cùng với các đơn vị phối hợp tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá những khó khăn, bàn phương hướng và đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả BVMT.

     Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch hành động để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động cụ thể về lĩnh vực TN&MT. Các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ trì, phối hợp tổ chức nhiều Hội nghị chuyên đề, Hội thảo với hàng chục triệu lượt hội viên, thành viên tham gia; tư vấn, tham vấn và đề xuất với cơ quan có thẩm quyền nhiều nội dung phù hợp trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách TN&MT; Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật; in ấn, phát hành hàng triệu bản in, cuốn tập, tờ rơi; tổ chức hưởng ứng các sự kiện chính trị TN&MT với đông đảo thành viên, hội viên tham gia; xây dựng các mô hình điểm, mô hình tự quản về BVMT; thăm quan thực tế về quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường.

     Theo thống kê hiện nay của Bộ TN&MT đã có khoảng 85% quy ước, hương ước, quy định tại cộng đồng địa phương có lồng ghép các nội dung về quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Trong kế hoạch nhiệm vụ công tác hàng năm của các tổ chức chính trị - xã hội đã ưu tiên nhiệm vụ, nguồn lực đối với lĩnh vực TN&MT.

     Đặc thù chung của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức liên quan của nước ta là hoạt động thống nhất, xuyên suốt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng và Nhà nước; phạm vi hoạt động rộng lớn bao trùm từ Trung ương đến địa phương; liên cấp, liên ngành trong phạm vi cả nước, thậm chí vươn tầm quy mô quốc tế; luôn được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, phối hợp công tác thường xuyên của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; đặc biệt có lực lượng và quy mô hùng hậu (Hội Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên...). Vì vậy, đây là các lực lượng tham gia trực tiếp và quyết định sự thành công, hiệu quả đối với công tác quản lý nhà nước về TN&MT.

     Điển hình như Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát động sâu rộng trên khắp các vùng miền đất nước phong trào toàn dân tham gia BVMT. Các mô hình tự quản về BVMT mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết của người dân, giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc tại khu dân cư. Người dân là chủ thể giám sát quá trình tổ chức thực thi pháp luật TN&MT tại địa phương.

     Trong những năm qua, phát huy vai trò xung kích và tình nguyện, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đồng loạt triển khai phong trào Mùa hè Xanh, Mùa hè tình nguyện vì môi trường; lồng ghép các nội dung tài nguyên môi trường, biến đổi khí hậu trong hệ thống trường học và các hoạt động Đoàn thể; tổ chức đồng loạt các Chiến dịch ra quân BVMT. Nhiều Chương trình, mô hình, sáng kiến BVMT hiệu quả đã được giới thiệu, điển hình các Câu lạc bộ Đạp xe vì môi trường, Nhà báo Xanh, True Action, Go Green - Hành trình Xanh; Chương trình vận động “Tắt động cơ xe máy khi dừng đèn đỏ”... Nhận thức, trách nhiệm của thanh niên, thiếu niên đối TN&MT của đất nước được nâng cao.Hoạt động của thanh thiếu niên tham gia BVMT được khẳng định trong cộng đồng đời sống xã hội.

     Phát huy tinh thần gương mẫu, thành viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam cả nước thực hiện tốt việc vận động các thành viên trong từng gia đình, thôn/xóm để quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai tại địa phương, giải quyết các xung đột khiếu nại về TN&MT. Qua đó, góp phần giảm khiếu kiện về đất đai và nâng cao đời sống khu dân cư. Bên cạnh đó, phát động sâu rộng phong trào trồng nhiều cây xanh BVMT; tích cực tham gia hoạt động giữ gìn vệ sinh công cộng.

     Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động phong trào lao động thân thiện môi trường; sử dụng nguyên vật liệu ít tiêu hao năng lượng. Hội Nông dân phát động thực hiện phong trào Xanh - Sạch - Đẹp; thực hiện tốt các tiêu chí BVMT trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới...

     Ngoài ra, theo thống kê hàng năm đã có hàng chục triệu lượt hội viên, thành viên của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, lực lượng quần chúng tham gia hưởng ứng các ngày Lễ kỷ niệm về môi trường: Tết Trồng cây, Ngày Khí tượng thế giới 22/3, Ngày Nước thế giới 23/3; Ngày Môi trường thế giới 5/6; Ngày Đa dạng sinh học 22/5, Tuần lễ Nước sạch và Vệ sinh môi trường (29/4 - 06/5), Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn...

     Tuy nhiên, nhiệm vụ phối hợp đang gặp nhiều khó khăn như: Việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau khi ký kết của các đơn vị phối hợp chưa có sự đổi mới, còn trùng lặp và nguồn kinh phí hạn chế.

     Để công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường hiệu quả, Bộ TN&MT cần chỉ đạo rà soát, sơ kết, tổng kết đánh giá các Nghị quyết, chương trình phối hợp; chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác. Xác định đây là lực lượng đông đảo và tiên phong thực hiện tốt các chính sách pháp luật TN&MT.

     Đồng thời, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, nhất là cấp chủ quản trong hệ thống tổ chức chính trị - xã hội về lĩnh vực TN&MT từ Trung ương đến địa phương. Tăng cường khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong hoạt động TN&MT.

     Cuối cùng, tăng cường các nguồn lực, nhất là đa dạng các nguồn kinh phí để các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị về TN&MT.

 

 

ThS. Lê Văn Hợp, Vụ trưởng;

ThS. Phạm Ngọc Bách

Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền, Bộ TN&MT

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 10/2014

 

Ý kiến của bạn