Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Những nỗ lực của Ðà Lạt để trở thành thành phố tiềm năng bền vững môi trường

16/01/2015

     TP. Đà Lạt được biết đến như một TP du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng của cả nước nhờ có khí hậu ôn hòa mát mẻ, những công trình kiến trúc đặc sắc và danh lam thắng cảnh hùng vỹ. Bao quanh TP là những dải rừng thông xanh quanh năm tạo cho Đà Lạt những nét đặc trưng riêng của một “TP trong rừng, rừng trong TP”. Với những ưu đãi của thiên nhiên, Đà Lạt chú trọng phát triển ngành nông nghiệp và đã trở thành vùng canh tác nông nghiệp lớn cả nước với nhiều loại cây trồng đặc trưng của vùng ôn đới. Chính những điều này góp phần tạo nên TP. Đà Lạt với đặc thù là TP “công nghiệp không khói”.

     Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, Đà Lạt cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề môi trường. Trong đó, vấn đề nổi cộm là ô nhiễm nguồn nước mặt do của các hộ sản xuất, kinh doanh, nông nghiệp và nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường. Nguồn nước thải này làm cho các thác, hồ nổi tiếng của TP. Đà Lạt như thác Cam Ly, hồ Xuân Hương thường xuyên trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, với vai trò là một vùng canh tác nông nghiệp lớn, nên lượng chất thải nông nghiệp, đặc biệt là chất thải từ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng ngày càng nhiều và gây ô nhiễm môi trường.

 

TP. Đà Lạt

 

     Với mục tiêu xây dựng TP. Đà Lạt trở thành đô thị sinh thái, việc giải quyết các vấn đề trên đóng vai trò quan trọng. Trong những năm qua, TP đã có nhiều nỗ lực và hành động thiết thực nhằm khắc phục những vấn đề môi trường phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Được sự tài trợ của Chính phủ Đan Mạch, TP. Đà Lạt đã xây dựng Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung với công suất thiết kế là 7.400 m3/ngày. Nhà máy đảm bảo thu gom và xử lý được 14,29% nước thải trong giai đoạn 1 và đang triển khai thu gom xử lý khoảng 60% tổng lượng nước thải phát sinh trong giai đoạn 2 nhằm giảm tình trạng ô nhiễm nguồn nước của các suối, hồ trên địa bàn TP. Thực tế cho thấy, từ khi Nhà máy đi vào hoạt động, mức độ ô nhiễm ở các hồ, thác giảm đáng kể. Điều này đã tạo động lực để TP. Đà Lạt tiếp tục mở rộng phạm vi thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt.

     Hiện nay, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đạt 85%. Với đặc thù của một vùng chuyên canh nông nghiệp, tỷ lệ chất thải hữu cơ chiếm một lượng lớn trong tổng chất thải rắn phát sinh, TP. Đà Lạt đang tiến hành xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn có công suất 200 tấn/ngày, dự kiến sẽ xử lý toàn bộ lượng chất thải rắn. Ngoài ra, Nhà máy xử lý chất thải rắn còn tận dụng nguồn rác hữu cơ để tái chế làm phân compost, đáp ứng nhu cầu phân bón cho vùng canh tác nông nghiệp của TP.

     Nhận thức rõ vai trò của nhân dân trong BVMT, TP luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tích cực tổ chức các phong trào hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn… Ngoài ra, luôn vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư. Bên cạnh đó, TP cũng chú trọng đến việc duy trì cũng như xây dựng thêm các công viên cây xanh, các mảng xanh đường phố nhằm nâng cao chất lượng không khí và đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

     Với những nỗ lực đó, chất lượng môi trường TP không ngừng được cải thiện và nâng cao mà đặc biệt là chất lượng môi trường nước được cải thiện đáng kể. Từ đó, góp phần để Đà Lạt trở thành TP thực sự Xanh - Sạch - Đẹp và thu hút được lượng khách du lịch ngày càng tăng.

     Đặc biệt, để ghi nhận các nỗ lực về BVMT của TP, ngay từ đầu năm, TP. Đà Lạt đã chuẩn bị hồ sơ và phối hợp với Bộ TN&MT, Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng tiến hành các thủ tục đề cử là TP tiềm năng trở thành TP bền vững môi trường nộp về Ban Thư ký ASEAN, đưa ra Hội đồng xét duyệt tại Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về TP bền vững môi trường tại Thái Lan, tháng 5/2014 và Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường lần thứ 25 được tổ chức tại Lào, tháng 8/2014. Trong Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN được tổ chức vào tháng 10/2014 tại Lào, Đà Lạt đã trở thành một trong 6 TP của Đông Nam Á được nhận Chứng nhận TP tiềm năng trở thành TP bền vững về môi trường. Đây là ghi nhận xứng đáng cho các nỗ lực của TP và cũng là động lực để chính quyền, nhân dân TP Đà Lạt tiếp tục xây dựng TP Xanh - Sạch - Đẹp, TP sinh thái bền vững về môi trường.

 

Nguyễn Công Thủy - Chi cục trưởng
Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Lâm Đồng

Nguồn: Số Chuyên đề Tăng trưởng xanh, Tạp chí Môi trường 2014

 

 

 

Ý kiến của bạn