Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Những dòng sông chết và bài học từ nước Mỹ

04/04/2014

      “Để có được những sông, suối, hồ... đảm bảo hệ sinh thái cho các sinh vật thủy sinh phát triển và con người có thể sử dụng vào các hoạt động giải trí, Mỹ đã phải trải qua một hành trình lâu dài và quyết liệt cải tạo những dòng sông chết”, đây là chia sẻ của bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng tại buổi tọa đàm về kiểm soát ô nhiễm nguồn nước do Tạp chí Môi trường tổ chức mới đây.

 

Cải tạo các con sông ô nhiễm là quá trình lâu dài đòi hỏi sự quyết tâm cao

 

     Chất lượng nước suy giảm nghiêm trọng

     Theo ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường: “Báo cáo Hiện trạng Môi trường quốc gia 2012 cho thấy, chất lượng nước ở hầu hết các con sông nước ta đang bị suy giảm nghiêm trọng, nhất là các đoạn sông chảy qua các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề. Ở các sông, hồ, kênh rạch trong nội thành, nội thị, trị số hàm lượng các chất ô nhiễm của các thông số đặc trưng ô nhiễm hữu cơ đều vượt trị số giới hạn tối đa cho phép đối với nguồn nước”. Ông Hoàng Dương Tùng chỉ ra rằng, tình trạng ô nhiễm nguồn nước đã làm gia tăng bệnh tật cho người dân tại các tỉnh thuộc lưu vực sông, đặc biệt là các tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của các nguồn nước bị ô nhiễm. 

     Về thực trạng ô nhiễm của các nguồn nước, ông Trần Thế Loãn - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) cho biết thêm, hiện nay mức độ ô nhiễm tại các con sông lớn  không cao, tuy nhiên với các con sông ven khu đô thị hoặc khu công nghiệp thì thực trạng ô nhiễm là rất lớn. Việc xây dựng kế hoạch kiểm soát ô nhiễm nguồn nước mỗi địa phương cần phải xem xét cụ thể thực trạng các nguồn gây ô nhiễm và các công cụ quản lý hiện có nhằm đặt ra mục tiêu, biện pháp và lộ trình cần đạt được đối với công tác kiểm soát ô nhiễm.

     Câu chuyện về những dòng sông chết cũng được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực môi trường chia sẻ. Ví dụ như Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từng được mệnh danh là dòng kênh hôi thối nhất tại TP.HCM đang “hồi sinh” từng ngày. Từ năm 1993, chính quyền thành phố có kế hoạch đầu tư cải tạo. Với số tiền được đầu tư lên tới 1.600 tỷ đồng  dự án đã thực hiện đền bù giải tỏa và tái định cư cho gần 7.000 hộ dân sống ven kênh, nạo vét bùn đất, làm đường, lát vỉa hè, trồng cây xanh… Năm 2003, dự án cải tạo vệ sinh môi trường nước Nhiêu Lộc - Thị Nghè được thực hiện từ nguồn vốn tài trợ của ngân hàng quốc tế. Tuy nhiên, trên địa bàn cả nước, vẫn còn rất nhiều dòng sông bị ô nhiễm nghiêm trọng. 
    
Hành trình dài để hồi sinh

     Bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cho biết: “Những năm 50, 60 của thế kỷ trước, sông Cuyahoga ở bang Ohio là một trong những sông bị ô nhiễm nặng nhất ở Mỹ, dòng sông này là nơi xả thải của Công ty lọc dầu. Với chiều dài 160km và có lưu vực khoảng 2.100 km2, bề mặt sông luôn bị bao phủ bởi một lớp dầu nhờn màu nâu, ngoài ra còn có một lớp dầu đen nặng nổi thành váng trên mặt nước. Ôxy hòa tan trong nước gần như bằng 0, hầu như không có bất cứ loài sinh vật nào tồn tại”.

     Sông Cuyahoga ô nhiễm tới mức tự cháy, các vụ cháy được truyền thông chú ý nhờ đó Cuyahoga trở thành tâm điểm của vấn đề ô nhiễm khắp nước Mỹ, các hội nghị chuyên môn được tổ chức nhằm xác định cơ sở cho việc phân tích và giám sát chất lượng nước, đồng thời, tìm ra những giải pháp đối với vấn đề nước thải công nghiệp. Sự kiện dòng sông cháy đã thúc đẩy sự ra đời của Luật Nước sạch năm 1972. Nhờ Luật Nước sạch, Kế hoạch Hành động cho sông Cuyahoga được thực hiện, chất lượng nước sông đã dần cải thiện. 
     “Kể câu chuyện này để thấy, ở các nước phát triển hiện nay như Mỹ, Nhật Bản cũng đều đã từng trải qua những giai đoạn mà ô nhiễm nguồn nước ở mức độ nghiêm trọng hơn so với nước ta hiện nay. Hành trình cải tạo các dòng sông chết là một hành trình dài cần có sự quyết tâm từ phía các nhà quản lý, mà trước hết là việc xây dựng Luật nước sạch nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên nước trước ô nhiễm công nghiệp và các nguồn ô nhiễm khác. Sự thành công trong việc giữ gìn môi trường nguồn nước của Mỹ cũng chính là sự thành công của việc cho ra đời Luật Nước sạch với những quy định hết sức chi tiết, cụ thể và đề cao trách nhiệm cá nhân”, bà Nguyễn Ngọc Lý nói. 

 

Theo Anninhthudo.vn

Ý kiến của bạn