Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 09/01/2025

Hoạt động phản biện xã hội về môi trường - nhu cầu và xu thế phát triển tất yếu

15/09/2015

   "Phản biện xã hội (PBXH) về môi trường” mặc dù chưa được đưa vào chính thức trong các văn bản pháp luật về môi trường, song nội hàm cụm từ “PBXH về môi trường” cũng không xa lạ bởi nó được gắn liền trong các hoạt động phản biện của các tổ chức chính trị -xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp và được quy định trong điều 145, Luật BVMT 2014, với nội dung: Trách nhiệm của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp có quyền tư vấn, phản biện về BVMT với cơ quan quản lý nhà nước và chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có liên quan theo quy định của pháp luật...    PBXH về môi trường có thể được coi là một dạng của hoạt động PBXH với đối tượng tập trung vào các vấn đề môi trường của một chính sách, dự án, chương trình, kế hoạch, đề án (gọi chung là đề án về môi trường). Trong bối cảnh ngày càng gia tăng xung đột về môi trường thì vai trò của phản biện các chính sách về môi trường ngày càng quan trọng và cần được thúc đẩy. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể về loại hình phản biện này.    Hoạt động PBXH là hành vi tự nguyện của xã hội    Hoạt động PBXH nói chung hay phản biện về môi trường nói riêng là hoạt động phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp (gọi chung là các tổ chức xã hội, nghề nghiệp), mang tính chất xã hội, không vì mục đích vụ lợi, phản ánh ý kiến và sự quan tâm của xã hội về vấn đề cụ thể.    Đề cập tới hoạt động PBXH của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp là nói đến vai trò tập hợp, lãnh đạo, tổ chức cho hội viên tham gia những hoạt động PBXH. Pháp luật đã công nhận quyền làm chủ của công dân như quyền được biết, được bàn, được tham gia, được quyết định. Tuy nhiên, khi quần chúng nhân dân được tập hợp trong các tổ chức xã hội, nghề nghiệp thì sức mạnh sẽ tăng lên, chất lượng thực hiện quyền được xác lập rõ hơn. Từ đó ý kiến phản ánh của tổ chức sẽ có hiệu lực hơn hành vi của các cá nhân đơn lẻ. Vì vậy, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp đại diện cho tiếng nói của các hội viên, bên cạnh việc thực hiện các sứ mệnh khác, cần phải đóng vai trò chính trong PBXH của tổ chức.    Hoạt động PBXH là những hành vi tự nguyện của xã hội, dù không có ai tổ chức nó vẫn diễn ra và lan tỏa trong xã hội, cả bề rộng và chiều sâu để trở thành dư luận xã hội. Nó là những sản phẩm của quần chúng, của xã hội nhận xét đánh giá các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Các tổ chức xã hội, nghề nghiệp có vai trò tập hợp, hiệp thương để có sự thống nhất về phương thức và nội dung PBXH nhằm phản ánh khách quan ý chí, nguyện vọng và dư luận xã hội trước vấn đề môi trường.    Hoạt động PBXH là hoạt động khoa học, vì vậy đòi hỏi tổ chức đó phải có các hội viên với trình độ chuyên môn nghề nghiệp nhất định để có thể nghiên cứu, xem xét, đánh giá, tổng hợp và đề xuất, kiến nghị những nội dung cần thiết. Vì vậy, về nguyên tắc thì tất cả các tổ chức xã hội - nghề nghiệp đều có quyền thực hiện hoạt động PBXH nhưng kết quả và mức độ đóng góp cho xã hội thì phụ thuộc nhiều vào năng lực chuyên môn của các hội viên tập hợp trong tổ chức.    PBXH là một phương sách hữu hiệu mở rộng dân chủ, phát huy sự tương tác trong thống nhất giữa Nhà nước và xã hội, góp phần nâng cao chất lượng các quyết sách của các cơ quan chức năng trong quá trình phát triển đất nước và BVMT. PBXH là một kênh thông tin rất quan trọng, nhưng không phải duy nhất. VUSTA đóng góp ý kiến phản biện vào Đề án quy hoạch Hà Nội nhằm đảm bảo cảnh quan môi trường khi mở rộng Thủ đô    Tăng cường PBXH về môi trường tạo sự đồng thuận trong xã hội    Hoạt động PBXH được thực hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực môi trường. Một số hoạt động PBXH về môi trường điển hình mà Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và các tổ chức thành viên đã triển khai được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và dư luận xã hội đánh giá cao như: Các góp ý cho dự án thay nước hồ Tây bằng nước sông Hồng và đề nghị các cơ quan chức năng không thông qua phương án thay thế nước hồ tránh việc lãng phí đầu tư tới 23 triệu USD vào dự án; Bảo vệ rừng quốc gia Cúc Phương nơi có đoạn dự án đường Hồ Chí Minh đi qua rừng, thông qua việc đề xuất tạo các hành lang an toàn để động vật hoang dã có thể di chuyển, không làm thay đổi sinh cảnh của khu vực rừng; Phản biện dự án quy hoạch thành phố bên bờ sông Hồng đoạn qua TP. Hà Nội nhằm bảo đảm chế độ thủy văn và môi trường nước của sông Hồng; Góp ý kiến phản biện vào đề án quy hoạch Thủ đô mở rộng liên quan đến vấn đề môi trường nhằm bảo đảm bảo cảnh quan và môi trường khi mở rộng Thủ đô.    Tuy vậy hoạt động phản biện không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ, thuận lợi. Một mặt do chúng ta chưa hình thành thói quen tiếp nhận những thông tin từ nhiều chiều khác nhau với tư duy chủ quan là cơ quan công quyền lúc nào cũng đúng. Nhiều nơi, nhiều chỗ xem phản biện như là những ý kiến phản đối, gây khó dễ cho những cơ quan thực thi đề án vì vậy mang tâm lý không muốn hợp tác. Đôi khi những khuất tất mang màu sắc lợi ích nhóm muốn tạo vòng khép kín đề án cũng được khỏa lấp bằng cách viện dẫn coi PBXH là tạo sự bất ổn, gây nguy cơ rối loạn xã hội. Thiếu sự hợp tác từ phía chủ đề án làm cho các tổ chức xã hội, các nhà khoa học khó tiếp cận những thông tin để có thể đánh giá, phân tích một cách thấu đáo nội dung đề án. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý liên quan đến hoạt động PBXH còn chưa hoàn thiện, trong đó có cơ chế về tài chính là những rào cản làm hạn chế tính hiệu quả của hoạt động PBXH.    Để hoạt động PBXH nói chung và phản biện về môi trường nói riêng đạt hiệu quả cao cần nỗ lực từ 2 phía: chủ thể và khách thể. Các chủ thể chương trình đề án, dự án (gọi chung là đề án) phải thấy rõ sự cần thiết của việc lấy ý kiến phản ánh của xã hội, trong đó có PBXH. Vì vậy, chủ thể cần đặt yêu cầu PBXH cho các tổ chức hội xã hội nghề nghiệp, trong trường hợp cần thiết có thể đặt yêu cầu PBXH cho VUSTA là tổ chức tập hợp rất nhiều hội nghề nghiệp chuyên ngành. Các đề án cần đặt yêu cầu PBXH rất đa dạng nhưng chủ yếu là các đề án của các cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp, các dự án đầu tư sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước.    Hoạt động PBXH của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp cần được thực hiện theo các phương thức: Đặt hàng trực tiếp của các cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc trình phê duyệt đối với các đề án cần lấy ý kiến PBXH; Đặt hàng theo đề xuất của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp đối với các đề án có tác động lớn về kinh tế - xã hội, môi trường sau khi có sự đồng ý của cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền giao cho các hội xã hội, nghề nghiệp tổ chức PBXH trước khi các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Các tổ chức xã hội, nghề nghiệp chủ động đề xuất các đề án cần lấy ý kiến PBXH đã quy định trong lĩnh vực có liên quan. Các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương chủ trì đề án trong các lĩnh vực có liên quan có trách nhiệm lấy ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp trước khi phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.    Các cơ quan đặt hàng yêu cầu PBXH cần nêu rõ nội dung yêu cầu PBXH cho các tổ chức xã hội, nghề nghiệp. Mặt khác cần cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin, tư liệu cần thiết, bảo đảm các điều kiện thuận lợi về thời điểm, thời gian, kinh phí và sử dụng cơ sở vật chất (nếu có thỏa thuận) cho các tổ chức xã hội, nghề nghiệp thực hiện nhiệm vụ được yêu cầu. Khi có ý kiến PBXH cần xử lý, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của tổ chức xã hội, nghề nghiệp vào hồ sơ đề án trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.    Các khách thể là các tổ chức xã hội, nghề nghiệp khi nhận trách nhiệm PBXH phải thực hiện các biện pháp thích hợp để tập hợp các chuyên gia đầu ngành, các chuyên gia có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực có liên quan của tổ chức trong việc triển khai nhiệm vụ PBXH với chất lượng cao, đề xuất các kiến nghị cụ thể với cơ quan đặt yêu cầu. Mặt khác phải chịu trách nhiệm về nội dung, tiến độ thực hiện và tính khoa học, độc lập, khách quan, trung thực của nội dung báo cáo kết quả PBXH. Chịu trách nhiệm trước xã hội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về căn cứ khoa học, tính hợp pháp của nội dung PBXH và những kiến nghị, đề xuất.    Trong quá trình thực hiện mở rộng dân chủ để người dân tham gia hơn nữa vào quá trình quyết định sự phát triển của đất nước thì hoạt động PBXH nói chung và phản biện về môi trường nói riêng sẽ càng được quan tâm chú ý và đề cao. Các tổ chức xã hội, nghề nghiệp cần phát huy tiềm năng to lớn của đội ngũ chuyên gia để có thể thực hiện tốt hoạt động PBXH và nâng cao vai trò của tổ chức trong xã hội, đáp ứng sự kỳ vọng của xã hội nhất là trong công tác BVMT. Trong bối cảnh đó, việc mở rộng phạm vi và quy định cụ thể chủ thể phản biện cũng là điều cần tính tới nhằm đáp ứng nhu cầu và xu thế phát triển tất yếu của thời đại. TS. Phạm Văn Tân -Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi Trường số 6/2015) 
Ý kiến của bạn