Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 09/01/2025

Cần khai thác, sử dụng hợp lý và bảo vệ đa dạng sinh học

15/09/2015

     Đa dạng sinh học (ĐDSH) là cơ sở của mọi sự sống để tạo nên sự phồn vinh của loài người. Thực vậy, trong cuộc sống, để tồn tại và phát triển, loài người luôn dựa trên hai nguồn năng lượng chính mà thiên nhiên phải mất hàng triệu triệu năm để hình thành. Đó là: Năng lượng hóa thạch là nguồn tài nguyên không tái tạo, vì vậy phải sử dụng hợp lý và tiết kiệm và ĐDSH là nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo, nhưng không phải là vô hạn, nên cần phải được sử dụng hợp lý.      Giá trị của ĐDSH đối với đời sống và phát triển kinh tế - xã hội      ĐDSH có vai trò duy trì cân bằng sinh thái. Các hệ sinh thái (HST) mà hàng đầu là các thực vật chứa diệp lục, là nguồn sống của các sinh vật khác trong chuỗi thức ăn. Thông qua quá trình quang hợp, cây xanh chuyển khí CO2 sang ôxy cho hô hấp ở người và động, thực vật. Các chất hữu cơ, mùn bã được tái sử dụng nhờ sự phân hủy của vô vàn các vi sinh vật, nấm và vi khuẩn phân hủy...      Giá trị của ĐDSH trong dịch vụ sinh thái là vô cùng to lớn, có thể phân thành hai loại, giá trị sử dụng trực tiếp (tiêu thụ, sản xuất, sức khỏe, ổn định kinh tế - xã hội) và các giá trị gián tiếp:      Giá trị sử dụng cho tiêu thụ bao gồm các sản phẩm tiêu dùng lương thực, thực phẩm, thuốc men, năng lượng, xây dựng là nhu cầu cuộc sống hàng ngày. Những nghiên cứu về các xã hội truyền thống tại các nước đang phát triển cho thấy, cộng đồng dân cư bản địa khai thác, sử dụng nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên xung quanh nơi cư trú của họ, như củi đốt, rau cỏ, hoa quả, thịt cá, dược phẩm và các nguyên vật liệu xây dựng cho sinh hoạt hàng ngày. Một trong những nhu cầu không thể thiếu của con người là protein động vật, từ xưa đến nay, người dân có thể kiếm được bằng việc săn bắn các loài động vật hoang dã để lấy thịt. Tại nhiều nơi ở Châu Phi, những động vật bị săn để lấy thịt là nguồn chủ yếu cung cấp protein trong khẩu phần ăn của người dân; Cá biển cũng là nguồn thực phẩm rất quan trọng của nhân dân các vùng gần biển.   Việt Nam là một trong 15 nước được đánh giá có ĐDSH cao trên thế giới        Ngoài ra, ĐDSH cung cấp phần lớn chất đốt cho nhân loại, theo FAO, giá trị hàng năm từ các sản phẩm gỗ và củi sử dụng ở Việt Nam (1.278 triệu USD), Trung Quốc (9.320 triệu USD), Ấn Độ (9.080 triệu USD), Inđônêxia (2.317 USD), Thái Lan (2.027 USD); Hàng năm, Inđônêxia xuất khẩu mây, tre, dầu thực vật đạt 134 triệu USD… Như vậy, ĐDSH quan trọng đối với nông nghiệp và góp phần vào việc bảo đảm an ninh lương thực và cuộc sống hàng ngày.      Giá trị sử dụng cho sản xuất: ĐDSH là nguồn cung cấp giống, nguồn gen, cây trồng cho năng suất và tính bền vững trong nông nghiệp. Các sinh vật ký sinh và thiên địch trong các HST trên thế giới đã giúp phòng trừ sâu bệnh hiệu quả. Các loài ong, bướm... và các động vật đã giúp thụ phấn cho hơn 70% cây trồng chủ yếu trên thế giới và 90% thực vật có hoa. Các loài hoang dã đã thuần hóa được coi là các nguyên liệu di truyền cung cấp khả năng kháng bệnh, nâng cao năng suất, cải thiện sự thích nghi đối với các điều kiện môi trường. Các sản phẩm của rừng đã và đang là một nguồn kinh tế lớn trên toàn thế giới. Theo ước tính, hơn 40% nền kinh tế và 80% nhu cầu của người nghèo trên thế giới phụ thuộc vào ĐDSH.Các nhà khoa học đã tính giá trị ĐDSH trên toàn cầu đối với loài người là 33.000 tỷ USD/năm. Thực vậy, nền nông nghiệp hiện đại nhờ sử dụng các nguồn gen từ các HST tự nhiên mà đã đạt được khoảng 3 tỷ USD, hoặc kinh doanh du lịch sinh thái cũng đạt được khoảng 12 tỷ USD hàng năm và ngày càng tăng lên rõ rệt, nhất là tại các nước đang phát triển, nơi thường có các cảnh quan đẹp và sinh học phong phú.      ĐDSH cung cấp cơ sở cho sức khỏe con người: ĐDSH góp phần bảo vệ sức khỏe con người. Các cây thuốc và động vật làm thuốc truyền thống là nguồn cung cấp để bảo vệ sức khỏe cho hơn 80% dân số thế giới. Ước tính từ mỗi loài cây, nếu cung cấp được hóa chất cơ bản để sản xuất các loại thuốc mới thì thu lợi được khoảng 290 triệu USD hàng năm. Hiện nay đã có hơn 119 chất hóa học tinh chế từ 90 loài thực vật có mạch bậc cao được sử dụng trong dược học và ngày càng phát hiện thêm nhiều cây, con có khả năng cứu loài người khỏi các bệnh hiểm nghèo; Chế phẩm từ một loài hoa hồng tại Mađagasca dùng để điều trị bệnh máu trắng, tăng tỷ lệ sống trẻ em từ 10% lên 90%.      Giá trị gián tiếp: Bên cạnh việc bảo vệ nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm, bảo vệ sức khỏe, môi trường, ĐDSH còn là nguồn cảm xúc cho sáng tạo trong văn học, hội họa, thơ ca, ẩm thực, mỹ nghệ, giải trí, thể thao, du lịch... Nguồn thu về giải trí có liên quan đến động vật, thực vật, cảnh quan thiên nhiên của nhiều nước đã đạt doanh thu lớn. Hàng năm ở Mỹ, việc tổ chức giải trí bằng câu cá nước mặn đã thu được khoảng 15 tỷ USD và tạo được 200.000 công ăn việc làm thường xuyên. Năm 1986, Mỹ đã thu được khoảng 3,2 tỷ USD từ các khu bảo tồn và năm 1989 riêng việc tổ chức xem voi đã thu được 25 triệu USD. Đối với Việt Nam, cũng nhờ có các HST độc đáo, có tài nguyên động, thực vật đa dạng đã thu hút hàng triệu khách du lịch trong, ngoài nước mỗi năm, giải quyết hàng nghìn công ăn việc làm cho người lao động.      Một số nguyên nhân làm suy giảm ĐDSH      Việt Nam là một trong 15 nước được đánh giá có ĐDSH cao trên thế giới (chiếm 6,5% số loài có trên thế giới). Các nhà khoa học đã xác định Việt Nam có 4 trung tâm ĐDSH cao đó là: Dãy núi Hoàng Liên Sơn; Dãy núi Bắc Trường Sơn (Bắc Trung bộ); Vùng Tây Nguyên; Vùng Đông Nam bộ. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang phải đối diện với sự suy giảm ĐDSH, trong đó có các nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp. Các nguyên nhân trực tiếp là do sự phá vỡ và mất nơi cư trú, xâm lấn của các sinh vật ngoại lai, khai thác quá mức các nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, BĐKH toàn cầu và các hoạt động trong nông nghiệp, công nghiệp, lâm nghiệp.      Sự phá vỡ và mất nơi cư trú, do suy giảm chất lượng rừng: Ở Việt Nam, tuy tổng diện tích rừng hàng năm tăng lên, nhưng chất lượng rừng ngày càng suy giảm. Rừng nguyên sinh chỉ còn 0,57 triệu ha phân bố rải rác, chiếm 8% tổng diện tích rừng. Phần lớn, diện tích rừng tự nhiên hiện nay thuộc loại rừng nghèo có trữ lượng gỗ dưới 100 m3 như rừng khộp ở Tây Nguyên. Rừng non mới được phục hồi chưa ổn định, chất lượng cây gỗ và tính ĐDSH chưa cao. Rừng trồng có cấu trúc đơn điệu, tính ĐDSH thấp. Những khu rừng tự nhiên ít bị tác động, rừng nguyên sinh có giá trị cao về ĐDSH chỉ tập trung chủ yếu ở các khu rừng phòng hộ và khu bảo tồn.   Loài khỉ đột núi nằm trong danh sách có nguy cơ tuyệt chủng cao cần phải bảo vệ        Sự thay đổi trong thành phần HST: Sự mất hoặc suy giảm của một loài có thể dẫn đến sự suy giảm ĐDSH. Ví dụ, việc loại trừ chó sói châu Mỹ ở miền Nam California dẫn đến việc giảm sút các quần thể chim hót trong vùng. Khi quần thể chó sói châu Mỹ giảm sút, quần thể con mồi của chúng, gấu trúc Mỹ sẽ tăng lên. Do gấu trúc Mỹ ăn trứng chim, nên khi số lượng chó sói ít hơn thì số lượng gấu trúc ăn trứng chim lại nhiều lên, kết quả là số lượng chim hót sẽ ít đi.      Sự nhập nội các loài ngoại lai có thể phá vỡ toàn bộ HST và ảnh hưởng đến các quần thể động vật hoặc thực vật bản địa do sử dụng các loài bản địa làm thức ăn, gây nhiễm độc... hoặc giao phối với chúng làm cho các loài bản địa bị tuyệt chủng hoặc suy thoái.      Gia tăng dân số: Đe dọa lớn nhất đối với ĐDSH là số lượng và tốc độ gia tăng dân số của loài người. Càng ngày, con người có nhiều nhu cầu về không gian sống, tiêu thụ nhiều tài nguyên và tạo ra các chất thải gây ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm do con người gây ra có thể ảnh hưởng đến mọi cấp độ của ĐDSH.      Săn bắt, buôn bán động vật hoang dã: Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, việc săn bắt, buôn bán và xuất khẩu các sản phẩm động, thực vật kể cả những loài quý hiếm được bảo vệ gia tăng nhanh chóng. Một số loài như hổ, báo, tê giác, khỉ, vượn... ngày càng hiếm, có loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Nhiều loài động vật thông thường như tê tê, rùa, rắn, kỳ đà... bị săn bắt để xuất khẩu sang Trung Quốc với số lượng lớn đe dọa nghiệm trọng tới sự bảo tồn ĐDSH.      Một số biện pháp bảo tồn, khai thác, hợp lý ĐDSH      Bảo tồn ĐDSH có ý nghĩa quan trọng nhằm giữ cho sinh quyển ở trạng thái cân bằng. Để ngăn chặn các yếu tố có hại và phát huy các yếu tố có lợi cho hoạt động của tự nhiên cũng như của con người, cần phải thực hiện những biện pháp nhằm phòng chống suy thoái, bảo vệ ĐDSH như: Tuyên truyền giáo dục rộng rãi trong nhân dân cùng tham gia bảo vệ rừng; Ngăn chặn phá rừng để BVMT của các loài động, thực vật; Hạn chế săn bắn, khai thác các loài động, thực vật, đặc biệt là các loài quý hiếm; Thực hiện việc ký cam kết, xây dựng hương ước quản lý bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư kết hợp với việc giao, khoán rừng đến hộ gia đình và cá nhân; Xây dựng các vườn thực vật, vườn quốc gia, khu bảo tồn... để bảo vệ các nguồn gen động vật, thực vật quý hiếm; Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH; phát huy nguồn kiến thức, kỹ năng của người dân bản địa tại các địa phương; Điều tra, nghiên cứu xác định các tiêu chí phân vùng sinh thái trên phạm vi cả nước; Xác định các vùng có HST tự nhiên quan trọng, nhạy cảm, dễ bị tổn thương, bị suy thoái để có kế hoạch bảo vệ phục hồi; Tăng cường nghiên cứu, sử dụng các phương pháp, công cụ và áp dụng các mô hình mới, đặc biệt là phương pháp tiếp cận dựa vào HST thích ứng với biến đổi khí hậu; Cấm buôn bán và xuất khẩu các loài động vật, thực vật quý hiếm; Kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các sinh vật ngoại lai và thực thi hiệu quả Luật ĐDSH.   GS.TS.Lê Văn Khoa Viện Tư vấn Phát triển Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2014      
Ý kiến của bạn