Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 07/01/2025

Tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam

03/01/2025

 

    Ô nhiễm không khí hiện nay là vấn đề ô nhiễm môi trường chính không chỉ ở Việt Nam, mà cũng là vấn đề môi trường chính của các quốc gia trên thế giới. Tại nhiều quốc gia, từ các nước phát triển đến các nước đang phát triển, đều đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, khu vực đô thị. Tại Việt Nam, vấn đề ô nhiễm không khí đã xuất hiện như hệ quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm đã tăng lên mức đáng lo ngại trong khoảng 10 năm gần đây, tập trung tại các thành phố lớn, như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Các kết quả theo dõi cho thấy, ô nhiễm tập trung vào hàm lượng bụi, trong đó có bụi mịn (PM2.5), đối với các thông số khác NO2, O3, CO, SO2 đều đạt gới hạn cho phép (GHCP) của QCVN 05:2023/BTNMT. Thực tế này đòi hỏi phải thực hiện ngay các giải pháp tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

1. Hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam

    Kết quả quan trắc tại các Trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục (Trạm quan trắc) ở các đô thị từ năm 2022 đến năm 2023 cho thấy, giá trị bụi PM2.5  trung bình năm tại các Trạm quan trắc ở TP. Hà Nội, Trạm quan trắc tại Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh), Trạm quan trắc tại Hùng Vương (TP.Thái Nguyên) đều vượt GHCP theo QCVN 05:2023/BTNMT. Trong đó, các Trạm quan trắc tại TP. Hà Nội, giá trị bụi PM2.5 trung bình năm dao động từ 26 - 52 µg/Nm3, vượt GHCP từ 1,1 - 2,1 lần, Trạm quan trắc tại Quế Võ, Bắc Ninh giá trị quan trắc dao động từ 32 - 38 µg/Nm3 vượt từ 1,3 - 1,5 lần. Các Trạm tại khu vực miền Trung giá trị bụi PM2.5  trung bình năm thấp dao động trung bình từ 12 - 24 µg/Nm3 và đều đạt GHCP của QCVN 05:2023/BTNMT. Tuy nhiên, nếu so giá trị quan trắc với QCVN 05:2023/BTNMT (TB 24h), có một số ngày Trạm quan trắc đã quan trắc được các giá trị vượt GHCP.

Biểu đồ 1. Diễn biến giá trị bụi PM2.5 trung bình năm tại một số Trạm quan trắc tự động, liên tục tại khu vực phía Bắc

Biều đồ 2. Diễn biến giá trị bụi PM2.5 trung bình năm tại một số Trạm quan trắc tự động, liên tục tại khu vực miền Trung

Biều đồ 3. Diễn biến giá trị bụi PM2.5 trung bình năm tại một số Trạm quan trắc tại khu vực phía Nam

    Giá trị bụi PM2.5 quan trắc tại các khu vực trên cả nước có sự phân hóa mạnh giữa các vùng, miền, cao nhất tại khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận thuộc đồng bằng sông Hồng, kế tiếp là khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh xung quanh, thấp nhất tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên và Tây Nam bộ.

    Thống kê kết quả quan trắc từ các Trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục cho thấy, giá trị bụi PM2.5 vượt GHCP ở các Trạm quan trắc tại khu vực miền Bắc cao hơn nhiều lần so với các Trạm ở các đô thị miền Trung-Tây Nguyên và phía Nam. Chỉ tính riêng năm 2023, tại Trạm quan trắc tại 556 Nguyễn Văn Cừ (TP. Hà Nội) có đến 34% giá trị quan trắc thông số bụi PM2.5 cho kết quả vượt GHCP trong tổng số ngày hoạt động; Lần lượt tại trạm Hùng Vương (TP. Thái Nguyên) có đến 32% số ngày, trạm Văn Môn (Bắc Ninh) có 26% số ngày, trong khi Trạm Khánh Hòa ghi nhận 1,1% số ngày vượt GHCP của QCVN 05:2023/BTNMT (TB24h).

    Ô nhiễm bụi ở các đô thị cũng có sự phân hóa giữa các khu vực, mức độ ô nhiễm bụi cao tại khu vực gần trục giao thông, khu vực sản xuất công nghiệp nội thị hay tại khu vực đang xây dựng cầu đường hoặc xây dựng dân dụng. Nguyên nhân chính là do việc phát tán chất thải trong quá trình xây dựng, vận chuyển nguyên vật liệu… Theo kết quả quan trắc định kỳ thuộc Chương trình quan trắc quốc gia do Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường thực hiện cho thấy, tình trạng ô nhiễm bụi phần lớn trên các trục giao thông, nhất là các trục giao thông liên tỉnh, liên vùng. Vấn đề ô nhiễm bụi xảy ra ở hầu hết các đô thị kể cả đô thị loại vừa và nhỏ. 

Biều đồ 4. Diễn biến giá trị TSP tại một số trục giao thông đô thị

    Ô nhiễm bụi PM2.5 tại khu vực miền Bắc diễn biến theo quy luật mùa khá rõ rệt. Tại khu vực miền Nam, mức độ ô nhiễm bụi cũng giảm rõ rệt vào các tháng mùa mưa và thường cao hơn vào mùa khô. Ở khu vực miền Trung, quy luật này không thể hiện rõ.

    Khu vực miền Bắc, giá trị bụi PM2.5 thường tăng cao từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau gây ra tình trạng ô nhiễm chất lượng môi trường không khí tại đây. Ô nhiễm chất lượng môi trường không khí thường ghi nhận vào thời điểm trước và sau các đợt không khí lạnh tràn về, thường gia tăng đột biến vào đêm và sáng sớm. Nguyên nhân, vào mùa đông ở miền Bắc, các điều kiện khí tượng bất lợi như lượng mưa thấp, trời lặng gió, nghịch nhiệt nên bụi mịn không khuếch tán được gây ra ô nhiễm chất lượng môi trường không khí cho khu vực. Ngược lại, các điều kiện khí tượng trong mùa hè như tốc độ gió cao, mưa nhiều, hiện tượng đối lưu khí quyển diễn ra mạnh làm rửa trôi và khuếch tán bụi trong không khí nên nồng độ bụi mịn thấp hơn. Trong năm 2024, tính đến tháng cuối tháng 10, tại Hà Nội đã ghi nhận có tổng số 4 đợt ô nhiễm chất lượng môi trường không khí nặng, trong đó có 3 đợt từ tháng 1 đến tháng 4 và 1 đợt vào đầu tháng 10.

Biều đồ 5. Giá trị bụi PM2.5 trung bình 24 giờ trong 10 tháng đầu năm 2024

    Diễn biến giá trị bụi cũng thay đổi theo quy luật ngày, tuần và thể hiện rõ nhất tại các khu vực gần trục giao thông lớn. Giá trị quan trắc bụi thường có xu hướng tăng cao vào các khung giờ cao điểm (từ 7h đến 8h sáng và 18h đến 20h) các ngày làm việc trong tuần và giảm xuống vào giữa trưa, ban đêm và các ngày nghỉ (Thứ 7, Chủ nhật hoặc vào ngày nghỉ lễ).

Biều đồ 6. Diễn biến giá trị bụi PM10 và PM2.5  trong ngày tại các trạm quan trắc không khí tự động, liên tục (trung bình qua các năm)

    Sau 3 năm đại dịch COVID-19, trong khoảng thời gian cao điểm dịch bệnh COVID -19, từ tháng 6 - 9/2021, UBND TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trên cả nước đã đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có việc thực hiện giãn cách xã hội, giảm thiểu hoặc tạm dừng các hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, giao thông. Trong thời gian này, chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã được cải thiện hơn so với cùng kỳ giai đoạn trước. Tuy nhiên, từ năm 2022, khi hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường, nồng độ chất ô nhiễm trong không khí có xu hướng tăng trở lại, giá trị bụi PM2.5 tại Trạm Minh Khai (Hà Nội) và Trạm đại sứ quán Mỹ tại TP. Hồ Chí Minh xấp xỉ chạm mốc của thời điểm trước đại dịch (năm 2019, năm 2020).

Biều đồ 7. Diễn biến giá trị bụi PM2,5 trung bình 24 giờ tại Trạm Minh Khai Hà Nội (từ tháng 6 đến tháng 9) giai đoạn 2019-2024

Biều đồ 8. Diễn biến giá trị bụi PM2.5 trung bình 24 giờ tại Trạm Đại sứ quán Mỹ tại TP. Hồ Chí Minh (từ tháng 6 đến tháng 9) giai đoạn 2019-2023

Biều đồ 9. Diễn biến giá trị NO2 trung bình năm tại một số Trạm quan trắc không khí tự động, liên tục khu vực phía Bắc (giai đoạn 2022 đến tháng 8/2024)

    Đối với các thông số quan trắc NO2, SO2, CO và O3: Kết quả quan trắc từ các Trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục ở đô thị trong giai đoạn 2022 - 2024 cho thấy, giá trị trung bình năm các thông số NO2, O3, CO, SO2 khá thấp và đều đạt GHCP của QCVN 05:2023/BTNMT. Diễn biến giá trị các thông số này trong giai đoạn 2022 - 2024 cơ bản không có nhiều biến động. So với giai đoạn trước đây, giá trị CO và SO2 có xu hướng giảm do đất nước đã chuyển đổi sử dụng nguyên liệu đốt sang sử dụng năng lượng sạch trong sinh hoạt, điển hình tại TP. Hà Nội, từ năm 2019, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ.   

Biều đồ 10. Diễn biến giá trị CO trung bình năm tại một số trạm quan trắc không khí tự động, liên tục (giai đoạn 2022 đến tháng 8/2024)   

Biều đồ 11. Diễn biến giá trị SO2 trung bình năm tại một số trạm quan trắc không khí tự động, liên tục (giai đoạn 2022 đến tháng 8/2024)   

                 Biều đồ 12. Diễn biến giá trị nồng độ SO2 trung bình giờ và 24 giờ tại một số điểm quan trắc gần trục giao thông đô thị

    Đối với thông số O3, có sự chênh lệch lớn về giá trị quan trắc được giữa ban ngày và ban đêm. Bắt đầu từ khoảng 7h sáng, giá trị O3 có xu hướng tăng nhanh và đạt cực đại trong khoảng từ 13 - 15h, sau đó giảm và duy trì ở nồng độ thấp từ 19h. O3 được sinh ra từ các phản ứng quang hóa, vì vậy diễn biến giá trị O3 trong ngày phù hợp với quy luật tăng giảm của cường độ bức xạ mặt trời. Tại một số trạm (thường vào buổi trưa).

Biều đồ 13. Diễn biến giá trị O3 trong ngày tại một số trạm quan trắc

2. Công tác quản lý chất lượng môi trường không khí

    Với trách nhiệm được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đầu mối quản lý nhà nước về chất lượng môi trường không khí, Bộ TN&MT đã tích cực trong công tác xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, chính sách, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, quản lý chất lượng môi trường không khí, cụ thể: Xây dựng, hoàn thiện trình Quốc hội, Chính phủ, Bộ TN&MT ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như Luật BVMT 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT; Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 của Bộ TN&MT quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường; trong đó có quan trắc chất lượng không khí; Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành như Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí…

    Để kiểm soát các thông số ô nhiễm trong khí thải khi xả ra môi trường, Bộ TN&MT đã ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia như QCVN 19:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ; QCVN 20:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với một số chất hữu cơ) và một số quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải cho ngành đặc thù (bao gồm QCVN 21:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất phân bón hóa học; QCVN 22:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp nhiệt điện; QCVN 23:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất xi măng; QCVN 34:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp lọc hóa dầu đối với bụi và các chất vô cơ; QCVN 51:2017/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất thép… Bên cạnh đó, Bộ đã xây dựng Dự thảo QCVN khí thải phương tiện ô tô đang lưu hành và đang được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, đồng thời xây dựng dự thảo Lộ trình áp dụng QCVN khí thải phương tiện ô tô đang lưu hành để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành…

    Đối với xây dựng, hoàn thiện (hiện đại hóa) và vận hành hệ thống quan trắc môi trường không khí xung quanh tự động, liên tục: Đến nay, Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường đã đầu tư, vận hành với tổng số 27 trạm tiêu chuẩn, phân bố ở khu vực đô thị thuộc 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, TP. Hà Nội (4 trạm), TP. Hồ Chí Minh (2 trạm), Đà Nẵng (2 trạm), các tỉnh, thành phố còn lại mỗi tỉnh 1 trạm.

Bảng 1. Số lượng Trạm Quan trắc môi trường không khí do Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường quản lý

TT

Địa phương

Số lượng Trạm

TT

Địa phương

Số lượng Trạm

1

Hà Nội

4

11

Quảng Bình

1

2

TP. Hồ Chí Minh

2

12

Quảng Nam

1

3

Quảng Ninh

1

13

Quảng Ngãi

1

4

Phú Thọ

1

14

Bình Định

1

5

Thái Bình

1

15

Thừa Thiên - Huế

1

6

Hưng Yên

1

16

Đà Nẵng

2

7

Bắc Giang

1

17

Lâm Đồng

1

8

Hải Dương

1

18

Ninh Thuận

1

9

Hà Nam

1

19

Khánh Hòa

1

10

Hà Tĩnh

1

20

Bình Dương

1

     

21

Bà Rịa-Vũng Tàu

1

     

22

Long An

1

Tổng cộng:

27

 

    Trong số 27 trạm, có 7 trạm (556 Nguyễn Văn Cừ, Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Nha Trang- Khánh Hòa, Việt Trì – Phú Thọ, Hạ Long-Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng) đã được đầu tư từ năm 2011-2013, tức cách đây trên 10 năm, có 18 trạm đưa vào sử dụng năm 2024. Bên cạnh các trạm tiêu chuẩn, hiện nay Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đang quản lý 4 trạm cảm biến tại Kỳ Anh-Hà Tĩnh, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, trạm quan trắc không khí kết hợp với trạm khí tượng thủy văn do Tổng cục    Khí tượng thủy văn quản lý gồm (10 trạm), các thông số quan trắc gồm: SO2, NOx, CO, NH3, TSP, PM10, HC, O3, một số yếu tố khí tượng (hướng và tốc độ gió, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất khí quyển, bức xạ mặt trời, bức xạ tử ngoại). Tiếp tục thực hiện Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 7/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục đề xuất xây dựng 16 trạm quan trắc môi trường không khí tự động đã quy hoạch cho giai đoạn 2021 - 2030, dự kiến đến năm 2030, tổng số Trạm quan trắc môi trường không khí xung quanh tự động liên tục do Cục quản lý đạt 43 Trạm.

    Ở địa phương: Hiện nay có 30 địa phương đã xây dựng và vận hành trạm quan trắc không khí tự động, liên tục, với tổng số 95 trạm. Qua đó, đóng góp tích cực trong việc giám sát hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường không khí xung quanh, nhất là tại các khu vực đô thị, các trục giao thông nôi đô, gần các KCN… góp phần phản ánh toàn diện hiện trạng môi trường không khí trên phạm vi toàn quốc, cung cấp dữ liệu hỗ trợ công tác cảnh báo ô nhiễm môi trường đến cộng đồng.

Bảng 2. Thống kê hiện trạng đầu tư trạm quan trắc môi trường không khí tự động của các địa phương

STT

Tỉnh

Số lượng trạm khí tự động

1

Hà Nội

2

2

Hải Dương

10

3

Hưng Yên

2

4

Nam Định

1

5

Thái Bình

1

6

Bắc Ninh

18

7

Vĩnh Phúc

3

8

Thái Nguyên

2

9

Cao Bằng

2

10

Lạng Sơn

3

11

Quảng Ninh

11

12

Lào Cai

2

13

Thanh Hóa

2

14

Nghệ An

1

15

Đà Nẵng

2

16

Bình Định

2

17

Khánh Hòa

1

18

Gia Lai

3

19

Đồng Nai

2

20

Bà Rịa-Vũng Tàu

3

21

Bình Phước

3

22

Tây Ninh

2

23

Cần Thơ

1

24

Long An

3

25

Vĩnh Long

3

26

Trà Vinh

2

27

Kiên Giang

4

28

Hậu Giang

1

29

Sóc Trăng

1

30

Bắc Giang

2

Tổng

 

95

 

    Đồng thời, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã huy động các nguồn lực và tiếp cận các phương pháp dự báo chất lượng môi trường không khí tiên tiến trên thế giới, điển hình mô hình dự báo chất lượng không khí CMAQ (Mỹ), SILAM (châu Âu, Phần Lan). Đến nay, Cục KSONMT xây dựng và công bố bản tin Dự báo nội bộ dự báo chất lượng môi trường không khí ngắn hạn 24 - 48 giờ trên phạm vi toàn quốc và theo 6 vùng kinh tế xã hội; đã xây dựng bản tin Dự báo nội bộ chất lượng không khí cho 2 ngày tiếp theo tại 6 vùng kinh tế và các tỉnh thành phố trên toàn quốc. Trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tích hợp để tăng dày các nguồn dữ liệu phục vụ công tác dự báo chất lượng không khí hướng tới hoàn thiện Hệ thống dự báo chất lượng môi trường có độ chính xác cao và công bố kết quả dự báo chất lượng môi trường trên các phượng tiện truyền thông.

    Theo định hướng của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, từ năm 2023, đối tượng kiểm tra tập trung vào các cơ có lưu lượng nước thải lớn, cơ sở có phát sinh nguồn khí thải lưu lượng lớn và cơ sở xử lý chất thải rắn, chất thải y tế. Trong năm 2023, Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Bắc đã kiểm tra 14 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ có nguồn thải lớn thuộc thẩm quyền phê duyệt hoặc cấp phép của Bộ TN&MT trên địa bàn 5 tỉnh khu vực miền Bắc, trong đó phát hiện và chuyển Thanh tra Bộ ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 09 cơ sở với tổng số tiền phạt là 6.607.000.000 đồng. Trong số đó, có 3/9 cơ sở vi phạm có hành vi thải khí, bụi thải ra môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép. Trong năm 2024, Chi cục đã kiểm tra 12 cơ sở trên địa bàn 2 tỉnh khu vực miền Bắc, phát hiện 1 cơ sở có hành vi thải khí thải ra môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép; chuyển Thanh tra Bộ xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt cảnh cáo đối với cơ sở nêu trên.

3. Một số khó khăn, thách thức trong công tác quản lý chất lượng môi trường không khí

    Có thể nói, hành lang pháp lý để kiểm soát, quản lý chất lượng môi trường không khí đã gần như đầy đủ (từ Luật đến Nghị định, Thông tư và các văn bản chỉ đạo điều hành, hướng dẫn); Đã có sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; Công tác quan trắc môi trường, giám sát nguồn thải tiếp tục được đẩy mạnh, quan tâm đầu tư; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về BVMT không khí… Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý chất lượng môi trường không khí còn một số thách thức như thực trạng ô nhiễm môi trường không khí tại một số thành phố lớn vẫn tiếp tục diễn ra, tại một số thời điểm, một số khu vực ở mức xấu, gây hoang mang cho nhân dân cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Nguồn lực (tổ chức bộ máy, nhân lực, kinh phí) về thực hiện các hoạt động quản lý chất lượng không khí, quan trắc và công bố thông tin chất lượng môi trường không khí chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, năng lực cán bộ còn chưa đáp ứng yêu cầu, ít có chương trình nhiệm vụ cho lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng môi trường không khí.

    Ngoài ra, kinh phí đầu tư của Nhà nước cho thực hiện quan trắc định kỳ và xây dựng, lắp đặt, duy trì các trạm quan trắc không khí tự động liên tục còn chưa tương xứng, chưa đáp ứng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu quản lý trên thực tế. Trách nhiệm thực hiện quản lý nguồn thải gây ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, khu đông dân cư còn phân tán, thuộc nhiều ngành, lĩnh vực như Giao thông vận tải, Xây dựng, Công nghiệp, Nông nghiệp và UBND các địa phương. Việc phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương chưa được chặt chẽ, thường xuyên và kịp thời khi xảy ra những điểm nóng ô nhiễm không khí. Đặc biệt, ý thức của người dân, doanh nghiệp về BVMT không khí còn chưa cao; tình trạng xây dựng không bảo đảm yêu cầu về môi trường vẫn xảy ra, tình trạng xả rác bừa bãi, đốt rơm rạ phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Yếu tố thời tiết, khí hậu bất lợi tại khu vực miền Bắc trong những giai đoạn giao mùa cũng là một trong những yếu tố gây khó khăn cho công tác quản lý chất lượng môi trường không khí.

4. Giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý chất lượng môi trường không khí

    Giải pháp quyết liệt trước mắt

    Thứ nhất, thực hiện kiểm kê các nguồn phát sinh khí thải để xác định chính xác mức độ đóng góp nguồn khí thải, bụi gây ô nhiễm môi trường không khí để có giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu, xử lý đúng, hiệu quả.

    Thứ hai, ưu tiên bố trí ngay nguồn lực lắp đặt bổ sung các trạm quan trắc môi trường; tăng cường tần suất quan trắc môi trường không khí trong chương trình quan trắc định kỳ; vận hành các trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục đảm bảo số liệu truyền, kết nối theo quy định về Sở TN&MT và Bộ TN&MT liên tục, không bị gián đoạn; thực hiện việc tính toán, công bố chỉ số chất lượng không khí xung quanh (AQI); công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trườngkhông khí trên Cổng/Trang thông tin điện tử của tỉnh, thành phố và phương tiện truyền thông; đồng thời, chia sẻ kết quả quan trắc với các cơ quan chuyên môn, cơ quan thông tấn, báo chí theo dõi, tiếp cận và đưa tin; khuyến cáo người dân áp dụng ngay các giải pháp bảo vệ sức khỏe, đặc biệt với các nhóm đối tượng có hoạt động ngoài trời vào 5h-7h sáng và 14h-19h tối.

    Thứ ba, siết chặt các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi phương tiện xanh, không phát thải; sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường; sự dụng phương tiện công cộng.

    Thứ tư, tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giám sát các nguồn thải khí thải (đặc biệt là nguồn diện từ các điểm đốt mở, đốt rác thải, đốt sinh khối, đốt phụ phẩm nông nghiệp, rơm rạ, khu vực xây dựng; nguồn điểm từ các cơ sở sản xuất công nghiệp); yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các cơ sở phát sinh bụi, khí thải lớn trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; đôn đốc, giám sát các cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT theo quy định.

    Thứ năm, các địa phương nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng theo hướng dẫn của Bộ TN&MT (dự thảo Hướng dẫn đã gửi lấy ý kiến của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đang hoàn thiện để trình Lãnh đạo Bộ TN&MT ký ban hành).

    Giải pháp lâu dài

    Triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí và Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh đã được phê duyệt.

    Xây dựng, thiết lập mạng lưới các trạm quan trắc không khí tự động, liên tục đủ lớn, đảm bảo cho việc quan trắc, thu nhận, truyền dẫn số liệu giúp các cơ quan quản lý có thể theo dõi, giám sát, cảnh báo, dự báo được xu thế, diễn biến chất lượng môi trường không khí, đặc biệt là tại các đô thị lớn.

    Đẩy mạnh đầu tư và chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió và thủy điện nhỏ. Hạn chế dần việc xây dựng và sử dụng các nhà máy nhiệt điện than vì đây là nguồn phát thải lớn gây ô nhiễm không khí.

    Phát triển các "đô thị thông minh" với hệ thống giao thông và công nghệ tự động hóa để kiểm soát tốt hơn mức độ phát thải từ các hoạt động kinh tế-xã hội

    Xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông công cộng chất lượng cao và phủ sóng khắp các khu vực đô thị, giúp người dân có thể dễ dàng lựa chọn phương tiện công cộng thay vì sử dụng xe cá nhân. Thiết lập các khu vực hạn chế phương tiện cá nhân trong giờ cao điểm, đặc biệt là ở các khu vực đông dân cư và trung tâm thành phố. Khuyến khích sử dụng xe đạp và phương tiện công cộng bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ bao phủ rộng, thuận tiện cho người dân.

    Tăng cường chia sẻ thông tin, dữ liệu và có cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng, liên tỉnh trong công tác kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí.

    Rà soát và thực hiện nghiêm túc các nội dung của quy hoạch đô thị, đặc biệt là quy hoạch không gian cây xanh, mặt nước; đầu tư xây dựng thêm nhiều khu vực không gian xanh, khu công cộng, trồng thêm nhiều cây xanh trong các khu vực đô thị bảo đảm đúng tỷ lệ bình quân đầu người theo quy chuẩn.

Hoàng Văn Thức, Cục trưởng

Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2024)

Ý kiến của bạn