03/01/2025
TP. Hải Phòng thuộc phía Tây vịnh Bắc bộ có vị trí địa lý đặc biệt, với nguồn tài nguyên thiên nhiên vừa có giá trị khai thác, sử dụng, vừa có giá trị bảo tồn, bảo vệ tạo ra lợi thế phát triển của thành phố (TP) theo định hướng phát triển bền vững. Với 8/15, quận, huyện tiếp giáp với biển và 2 huyện đảo Cát Hải và Bạch Long Vỹ, nên Hải Phòng có nguồn tài nguyên biển khá phong phú, đặc biệt là các hệ sinh thái biển có giá trị cao đều như rừng ngập mặn, san hô, cỏ biển, rạn đá, tùng áng, bãi triều, cửa sông và vùng đáy biển rộng lớn, với diện tích khoảng 4.000 km2. Ngoài ra, Hải phòng còn có các ngư trường truyền thống có các loài hải sản dồi dào như Bạch Long Vỹ, Cát Bà - Long Châu. Do đó, những năm qua, TP đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý tài nguyên, BVMT biển, đảo, đặc biệt là công tác quản lý chất nạo, vét trên địa bàn TP được chú trọng, qua đó, góp phần quan trọng vào sự phát triển của TP.
1.Thực thi chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo
Trước khi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13 được thông qua vào ngày 25/6/2015, UBND TP đã ban hành Quyết định số 800/2015/QĐ-UBND ngày 20/4/2015 về Quy chế phối hợp quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển, hải đảo TP. Hải Phòng. Sau khi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo có hiệu lực, đặc biệt sau khi Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành, Ban Thường vụ Thành ủy, Hội đồng nhân dân và UBND TP. Hải Phòng đã tập trung chỉ đạo, tích cực triển khai, tổ chức quán triệt sâu rộng tới các Sở, ban, ngành, địa phương và mọi tầng lớp nhân dân TP thực hiện các nhiệm vụ Luật giao, đúng thời hạn.
Đồng thời, TP. Hải Phòng đã ban hành các văn bản, quy định làm cơ sở, nền móng và công cụ thực hiện quản lý tài nguyên, BVMT biển trên toàn TP như: Quyết định về tạm giao quản lý hành chính khu vực ven biển giữa các quận, huyện thuộc TP Hải Phòng; Hoàn thiện việc thiết lập, phê duyệt, công bố và cắm mốc hành lang bảo vệ bờ biển; Công bố đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm trên địa bàn TP; Lập hồ sơ tài nguyên hải đảo một số đảo, cụm đảo lớn; Quy định về trình tự lập, thẩm định, phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu; Quy định về mức thu, trình tự thủ tục xác định, chế độ quản lý, sử dụng tiền sử dụng khu vực biển trên địa bàn TP; phê duyệt Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT và phát triển bền vững biển và hải đảo…
Để phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, TP. Hải Phòng đã triển khai lập, trình Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn TP; Thực hiện việc thẩm định và kiểm soát Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cảng sông biển, dự án đầu tư xây dựng công trình ven biển; Giám sát hoạt động chuyển tải xăng dầu trên biển; Công bố danh mục các vị trí đổ chất nạo vét trên bờ; Nghiên cứu các vị trí nhận chìm chất nạo vét ngoài biển; Giám sát các dự án nạo vét duy tu luồng và các công trình hàng hải trên địa bàn TP; Quan trắc môi trường nước biển định kỳ hàng năm. TP đã sắp xếp các vùng nuôi trồng thủy sản trên biển tập trung tại huyện Cát Hải và Tiên Lãng; Thực hiện tháo dỡ và sắp xếp lại các bè nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà; Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao dùng trong các bè nuôi trồng thuỷ sản trên biển và đất có mặt nước ven biển tại TP... Không chỉ quan tâm kiểm soát ô nhiễm biển trong phạm vi địa bàn TP, TP. Hải Phòng đã phối hợp với tỉnh Quảng Ninh xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp trong BVMT tại những vùng giáp ranh, đặc biệt là khu vực vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà để BVMT biển chung trong khu vực.
Với diện tích vùng biển lớn, nguồn tài nguyên biển đa dạng và phong phú, TP. Hải Phòng đã chú trọng công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên biển đảo. Trên địa bàn TP có hai khu bảo tồn biển tại Bạch Long Vĩ và Cát Bà. Công tác bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật biển được các cơ quan quản lý nhà nước kết hợp chặt chẽ với Vườn Quốc gia và các Viện nghiên cứu khoa học đóng trên địa bàn TP như Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Nghiên cứu Thủy sản để triển khai các đề tài, đề án, dự án góp phần bảo tồn, phát triển quy mô, số lượng các giống, loài quý, hiếm, có giá trị sinh thái và giá trị kinh tế cao như bào ngư, tu hài, cá song đỏ… Các giá trị về cảnh quan biển đảo cũng được TP quan tâm phát huy, bảo tồn. Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới đã mở ra cơ hội quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch, thu hút cơ hội đầu tư cho TP. Hải Phòng.
Ngoài tận dụng các nguồn lực trong nước, TP. Hải Phòng đã tranh thủ hợp tác, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho công tác quản lý, phát huy giá trị tài nguyên biển và hải đảo của địa phương như hợp tác với tỉnh Nagakawa - Nhật Bản, thông qua mô hình hồ Biwa để xử lý nước thải cho vùng ven biển tại Cát Bà; Hợp tác với tổ chức UNDP để xây dựng chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ cho TP. Hải Phòng; Đồng ý cho các doanh nghiệp nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội phát triển điện gió ngoài khơi tại khu vực Bạch Long Vỹ.
Nhờ kết hợp các giải pháp tổng hợp, đa ngành trong quản lý và phát huy giá trị của tài nguyên biển và hải đảo, kinh tế biển tại Hải Phòng ngày càng tăng trưởng vững chắc, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của TP.
2. Công tác quản lý vật, chất nạo vét tại TP. Hải Phòng
Theo Quyết định số 323/QĐ-BGTVT ngày 29/3/2024 của Bộ Giao thông vận tải tại, hiện nay, hệ thống cảng biển Hải Phòng bao gồm 50 bến cảng. Ngoài ra, các bến cảng số 3, 4, 5, 6, 7, 8 của Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng, dự kiến hoạt động trong năm 2025, sẽ nâng tổng số các bến cảng tại Hải Phòng lên 56. Với số lượng lớn bến cảng đang hoạt động và được đầu tư xây dựng, lượng chất nạo vét hàng năm tại Hải Phòng rất lớn, khoảng 4 - 5 triệu m3 chất nạo vét duy tu, chưa kể hàng triệu m3 từ hoạt động nạo vét cơ bản.
Từ khi Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa có hiệu lực (nay được thay thế bằng Nghị định số 57/2024/NĐ-CP), hàng năm, Sở TN&MT tham mưu cho UBND TP công bố danh mục các vị trí đổ chất nạo vét trên bờ và ngoài biển thuộc phạm vi quản lý của UBND TP. Trong đó, duy trì khoảng 6 - 7 vị trí đổ chất nạo vét, khả năng tiếp nhận khoảng 15 đến 20 triệu m3/năm. Các vị trí tiếp nhận chất nạo vét chủ yếu là mặt bằng các khu công nghiệp (đã được đánh giá tác động môi trường). Tính từ đầu năm 2024 đến nay, UBND TP. Hải Phòng đã ban hành các văn bản chấp thuận việc đổ chất nạo vét luồng và các công trình hàng hải trên địa bàn TP với tổng khối lượng ước tính khoảng 3,5 triệu m3.
Đặc biệt, nhằm chuẩn bị quy hoạch các vị trí đổ chất nạo vét dài hơi cho các công trình nạo vét luồng hàng hải và xây dựng cảng biển với quy mô lớn, năm 2015, UBND TP. Hải Phòng đã giao Viện Tài nguyên và Môi trường biển thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng luận cứ phục vụ đổ bùn cát do nạo vét trên địa bàn Hải Phòng”. Đề tài được UBND TP nghiệm thu tại Quyết định số 3209/QĐ-UBND ngày 24/11/2017 đã chỉ ra 4 vị trí ngoài biển (D1, D2, D3, D4 có tổng diện tích là 3.034 ha) với khả năng tiếp nhận khoảng 206 triệu m3 chất nạo vét. Kết quả của Đề tài là một trong những luận cứ khoa học quan trọng để UBND TP xác định các khu vực khả thi nhận chìm chất nạo vét ở biển. Dựa trên kết quả của Đề tài, UBND TP đã có văn bản đồng ý về mặt chủ trương việc nhận chìm chất ở biển đối với chất nạo vét của các công trình duy tu luồng hàng hải Hải Phòng tại điểm D2 có diện tích 866 ha. Đây là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng để Bộ TN&MT cấp 3 Giấy phép nhận chìm, tương ứng với 3 Quyết định giao khu vực biển cho Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc để nhận chìm chất nạo vét duy tu luồng hàng hải Hải Phòng các năm từ 2021-2025.
Bên cạnh đó, quá trình chấp thuận vị trí đổ thải, hoàn thiện các thủ tục liên quan, giám sát trong quá trình thi công đều có sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị liên quan như Sở TN&MT, Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ Hàng hải, Công an, Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã. Đặc biệt, các chủ đầu tư công trình nạo vét đã thực hiện nghiêm túc việc xin chấp thuận, cũng như thông báo trước khi thi công và báo cáo kết thúc thi công tới các cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, quá trình thi công nạo vét và đổ chất nạo vét đảm bảo an toàn, không gây ô nhiễm môi trường tại địa phương.
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, công quản lý tài nguyên, BVMT biển và hải đảo tại Hải Phòng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Hiện nay, đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm của TP chưa được công bố đầy đủ, còn nhiều sai khác với địa hình thực tế, do vậy, TP gặp nhiều khó khăn trong công tác giao khu vực biển. Quy hoạch không gian biển quốc gia đã được phê duyệt, tuy nhiên việc công bố đầy đủ, đặc biệt là hệ thống bản đồ liên quan - là cơ sở quan trọng để TP rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan làm cơ sở triển khai thì chưa được thực hiện. Thủ tục cấp phép cho các hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thủy sản có diện tích trên 1 ha còn gặp nhiều rào cản pháp lý do phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, xin ý kiến 4 Bộ trong quá trình giao khu vực biển, vì thế, gây khó khăn khi triển khai thực hiện…
3. Đề xuất một số giải pháp
Để công tác quản lý vật, chất nạo vét nói riêng và quản lý tài nguyên, BVMT biển nói chung trên địa bàn TP. Hải Phòng đạt hiệu quả, đề xuất một số nội dung cần triển khai như:
Thứ nhất, Chính phủ cần sớm phê duyệt Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ làm căn cứ để TP xây dựng và triển khai Chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ TP.
Thứ hai, Bộ TN&MT cần sớm công bố và chuyển giao đầy đủ dữ liệu Quy hoạch không gian biển quốc gia để TP có cơ sở rà soát, điều chỉnh các quy hoạch liên quan làm cơ sở triển khai thực hiện; Công bố đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm của đảo Cát Bà và Bạch Long Vĩ; Điều chỉnh đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm phù hợp với thực tế tại một số khu vực của TP. Hải Phòng để thuận lợi cho công tác thực hiện thủ tục giao đất, giao biển và thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan; Sửa đổi điểm c khoản 2 Điều 16 Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/2/2021 của Chính phủ theo hướng UBND cấp tỉnh được phép giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản tại khu vực đã được TP sắp xếp, quy hoạch, tích hợp vào quy hoạch chung của TP mà không cần xin ý kiến 4 Bộ để tạo sự chủ động cho địa phương cũng như rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục giao khu vực biển của tổ chức, cá nhân.
Thứ ba, với cơ quan quản lý tại TP. Hải Phòng, cần nâng cao hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo; Tiếp tục triển khai chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ; hoàn thành công tác thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; thực hiện tốt công tác giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển; kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhận chìm ở biển; xử lý kịp thời sự cố môi trường trên biển và vùng bờ, nhất là sự cố tràn dầu, hóa chất trên biển; giảm thiểu rác thải nhựa đại dương trên biển; Triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư các ngành kinh tế biển; chủ động gắn thu hút đầu tư với cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động phát triển kinh tế biển. Ngoài ra, xác định và triển khai lộ trình tăng trưởng kinh tế các-bon thấp nhờ chuyển giao công nghệ, sử dụng các cơ chế phát triển sạch, tìm kiếm tài trợ quốc tế cho các chương trình quản lý hiệu quả tài nguyên, BVMT biển và hải đảo trên địa bàn.
Đồng thời, triển khai các giải pháp đồng bộ giảm mức độ dễ bị tổn thương của nền kinh tế biển trước các rủi ro và tác động của biến đổi khí hậu; nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của nền kinh tế, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gây ra; chung tay cùng cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất. Chú trọng công tác bảo tồn kết hợp với việc phân bổ và khai thác bền vững nguồn tài nguyên biển, BVMT biển; chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển, ven biển, đảo, đặc biệt là các rạn san hô; bảo đảm tính toàn vẹn và mối quan hệ tự nhiên mang tính cộng sinh giữa các hệ sinh thái đất liền và biển. Quản lý nghiêm ngặt, giám sát và đánh giá thường xuyên dựa trên các tiêu chí nghiêm ngặt và sử dụng công nghệ hiện đại để kịp thời nắm bắt nguy cơ ô nhiễm môi trường biển do hoạt động của các dự án đầu tư ven biển và trên biển thuộc tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ biển…
Phạm Duyên Minh
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2024)