Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 09/01/2025

Thế giới quyết tâm quản lý an toàn PCB

15/09/2015

     Ước tính từ 1930 - 1993 đã có hơn 1,3 triệu tấn PCB được sản xuất nhưng chỉ có 4% lượng PCB phân hủy, 31% tồn tại trong môi trường (đất liền và ven biển), phần còn lại tập trung chủ yếu ở các thiết bị ngành điện. Để quản lý lượng PCB tồn dư, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra những giải pháp nhằm đảm bảo ngăn ngừa những nguy hại từ PCB thông qua việc xây dựng các quy định, xử lý vi phạm và bồi thường thiệt hại.            Các nước tham gia Công ước Stốckhôm nỗ lực thực hiện kế hoạch loại bỏ PCB trong các thiết bị        Xây dựng quy định an toàn PCB      Sau vụ “ngộ độc Yusho” năm 1968 do dầu cám nhiễm PCB tại miền Bắc, Nhật Bản làm hàng nghìn người bị ngộ độc, năm 1973, Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên hạn chế sử dụng và xây dựng các chính sách kiểm soát, quản lý PCB. Đến năm 2001, 172 nước đã cam kết đưa ra các biện pháp nhằm giảm thiểu phơi nhiễm và rủi ro từ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân  hủy, trong  đó  có  PCB bằng việc thông qua một hiệp ước toàn cầu có tên gọi là Công ước Stốckhôm. Từ đó đến nay, các nước thành viên tham gia Công ước này đã nỗ lực thực hiện kế hoạch loại bỏ PCB trong các thiết bị, máy móc, với các điều luật nhằm siết chặt quản lý đối với tất cả các hoạt động liên quan đến hóa chất này.      Theo bà Ingrid Ruk - Chuyên gia PCB của Công ty Witteveen Bos Hà Lan, với độc tính cao, PCB tác động lên hệ thần kinh, hệ sinh sản, hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch của con người, gây ra các khối u và bệnh ngoài da. PCB có thể lây nhiễm vào cơ thể con người qua 3 con đường: hô hấp, ăn uống và tiếp xúc qua da. Người lao động làm việc với thiết bị nhiễm PCB có nguy cơ phơi nhiễm cao. Việc bị phơi nhiễm PCB có thể là vô tình bởi vì công nhân có thể không biết về thiết bị có chứa hóa chất này. Để phòng tránh nguy cơ, khi tiếp xúc trực tiếp với các thiết bị có chứa PCB, người lao động cần mặc quần áo bảo hộ lao động theo đúng quy định. Các quy định an toàn về PCB tập trung vào ba lĩnh vực chính là an toàn cá nhân, PCB trong môi trường và PCB trong thực phẩm.      Ở một số nước, việc phòng tránh phơi nhiễm PCB với người lao động được quy định thông qua khung pháp lý về an toàn vệ sinh môi trường. Ví dụ, tại Niu Di-lân, Bộ Y tế đã ban hành quy định: “Người lao động khi tiếp xúc  trực tiếp với các chất lỏng chứa PCB phải mặc quần áo bảo vệ chuyên dụng không thấm PCB như găng tay, giầy ống bằng cao su hoặc ủng, áo liền quần và yếm tạp dề bao phủ được phần trên của giầy; kính an toàn với các mặt chắn, kính bảo hộ an toàn hóa chất, hoặc tấm che mặt”.      Ngoài ra, tại các nước phát triển như Mỹ, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Bỉ, Đan Mạch, Thuỵ Điển…, nồng độ PCB trong môi trường không khí, đất, nước đều được quy định cụ thể như ở Mỹ, ngưỡng giới hạn về hàm lượng PCB trong không khí tại nơi làm việc với thời gian làm việc là 8 tiếng/ngày, 40 tiếng/tuần là 1,0 mg/m³ (PCB có hàm lượng chlorine 42%) và 0,5 mg/m³ (PCB có hàm lượng chlorine 54%); Ngưỡng quy định về nồng độ PCB tại nơi làm việc thấp nhất là ở Thụy Điển, với mức cho phép là 0,01 mg/m³.      Không chỉ với môi trường, nồng độ PCB trong thực phẩm cũng được quy định với nước uống, sữa và các sản phẩm từ sữa, với thực phẩm như thịt và sản phẩm thịt lợn, bò, cừu, gia cầm, cá, thậm chí đối với cả bao gói thực phẩm bằng nhựa tại các nước châu Âu và Mỹ. Cục BVMT Mỹ (EPA) đã đưa ra cảnh báo, người dân có nguy cơ phơi nhiễm PCB cao nhất thông qua con đường tiêu hóa khi ăn các loài cá, thịt gia cầm và sữa mẹ bị nhiễm PCB. Ngày 19/12/2006, Ủy bản châu Âu đã ban hành Quy định số 1881/2006 về giới hạn tối đa các chất nhiễm bẩn trong thực phẩm, theo đó, hàm lượng tối đa tổng Dioxin và các chất PCB giống Dioxin (WHO-PCDD/F-PCB-TEQ) trong thực phẩm dao động từ 1,5 - 6 pg/g chất béo.      Thanh tra, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm      PCB phát thải ra môi trường do các sự cố rò rỉ, chảy tràn dầu của các thiết bị hoặc vật liệu chứa PCB, hay xử lý, tiêu hủy PCB không đúng quy định hoặc thiếu hiểu biết về PCB trong quá trình vận chuyển, sử dụng và thải bỏ vật liệu, thiết bị chứa PCB. Trao đổi với phóng viên ông Phạm Mạnh Hoài - Quản đốc Ban Quản lý Dự án PCB tại Việt Nam cho biết, để quản lý PCB, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã đưa ra quy trình thanh kiểm tra PCB theo vòng đời sản phẩm từ khâu nhập khẩu, sản xuất, buôn bán, sử dụng cho đến thu gom, tiêu hủy và xử lý. Đối với các nước thuộc EU, Cơ quan quản lý quốc gia chịu trách nhiệm cho việc giám sát chung ô nhiễm PCB trong môi trường (không khí, nước và đất). Tại Mỹ, EPA đóng vai trò giám sát tổng thể việc kiểm tra PCB trong môi trường. Các cuộc thanh tra về quản lý hóa chất tại các nhà máy sẽ có sự tham gia của các thanh tra viên của Cục và Cơ quan Quản lý Hóa chất liên bang.      Đặc biệt, để tạo sự răn đe, góp phần ngăn chặn hành vi vi phạm quy định pháp luật về sử dụng và quản lý PCB, EPA đã ban hành một chính sách xử phạt về PCB vào năm 1990 với mục đích xử lý các vi phạm một cách công bằng, thống nhất và phù hợp. Chính sách này có hiệu lực ngay sau khi ban hành và là cơ sở để tính toán mức tiền phạt liên quan đến PCB. Cụ thể, tại Bộ Luật 40 CFR, Điều 761 quy định, vi phạm các quy định về quản lý và tiêu chuẩn cho phép liên quan đến chất thải PCB có thể bị phạt hành chính lên đến 32.500 USD/ngày và bị thu hồi giấy phép xây dựng các công trình cho đến khi đáp ứng đúng yêu cầu của EPA.      Thời gian qua, EPA đã xử phạt nặng một số doanh nghiệp vi phạm về quản lý an toàn PCB như xử phạt 52.000 USD đối với Công ty Vận chuyển và tái chế dầu CTC do không xác định PCB trước khi trộn với dầu thải từ nguồn khác để tái chế, đồng thời thải bỏ sai quy định 2 máy biến áp bị rò rỉ, không tuân thủ về yêu cầu lưu giữ, dán nhãn thiết bị có chứa PCB cũng như lập biển báo hiệu khu vực lưu giữ PCB; Hay vụ việc Công ty Truyền tải Đông Texas bị xử phạt 15 triệu USD và các chi phí làm sạch PCB do thải bỏ trái phép dung dịch PCB có hàm lượng cao tại các hố chôn lập ở khu vực ngoại thành. Không chỉ xử phạt các doanh nghiệp cố tình phát tán PCB, việc tiếp tục sử dụng các thiết bị, vật liệu có chứa PCB cũng được xem là vi phạm pháp luật. Ví dụ, năm 2012, Trường đại học ở Tiểu bang Masachussets buộc phải thay mới 900 bộ cửa sổ có PCB, với chi phí ước tính lên đến 3.000.000 USD .      Giải quyết bồi thường thiệt hại PCB      Chưa có một quy định cụ thể về mức bồi thường thiệt hại đối với nạn nhân phơi nhiễm PCB nhưng kinh nghiệm từ các sự cố PCB trên thế giới cho thấy chi phí bồi thường là rất lớn do tác động và phạm vi ảnh hưởng nghiêm trọng của PCB gây ra đối với con người và môi trường sinh thái.      Vụ Kanemi xảy ra vào năm 1968 tại tỉnh Kyushu (Nhật Bản) làm ngộ độc 1.853 người và ảnh hưởng tới hơn 14.000 người. Năm 1982, Tòa án Fukuoka công nhận 363 bệnh nhân nhiễm độc và buộc hai Công ty gây ô nhiễm dầu ăn là Kanami Shoko và Kanegafuchi cùng Chính phủ Nhật phải bồi thường 8,4 tỷ Yên, trong đó Chính phủ chịu trách nhiệm thiếu sót trong quản lý, không có biện pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng ô nhiễm để xảy ra trên diện rộng. Năm 1985, Tòa Thượng thẩm tỉnh Fukuoka xác nhận 719 nạn nhân khác và yêu cầu Chính phủ chi trả 1,4 tỷ Yên và mức chi trả của hai công ty là 3,3 tỷ yên.      Ngoài ra, nhà sản xuất PCB lớn nhất thế giới - Mosanto (Mỹ) cũng bị xử phạt 700 triệu USD, trong đó 600 USD bồi thường cho 20.000 nạn nhân bị nhiễm PCB. Ngoài chi phí bồi thường bằng tiền mặt, Công ty còn phải thành lập phòng khám y tế - môi trường và cơ sở nghiên cứu trong vòng 20 năm để cung cấp thuốc miễn phí theo đơn và khám sức khoẻ ở Anniston, nơi lập toà án phán xét vụ kiện Mosanto năm 2003, với chi phí lên đến 75 USD.      Ông Phạm Mạnh Hoài nhấn mạnh, mặc dù, hiện nay, các nước chưa có quy định cụ thể về mức bồi thường thiệt hại đối với người lao động và cộng đồng bị phơi nhiễm PCB. Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố phơi nhiễm PCB, ngoài chi phí khắc phục sự cố môi trường, chi phí bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân phơi nhiễm PCB là rất lớn.   An Nguyên Nguồn: Tạp chí MT, số 9/2013      
Ý kiến của bạn