Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 09/01/2025

Hợp tác về vấn đề tiếp cận và chia sẻ lợi ích của nguồn gen

15/09/2015

     Từ ngày 20 - 22/11/2013, tại Hà Nội, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) (Tổng cục Môi trường) đã tổ chức Hội thảo quốc tế về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích (ABS). Hội thảo nằm trong dự án khu vực xây dựng năng lực cho các nước Đông Nam Á, nhằm đẩy mạnh công tác ABS thông qua hệ thống luật pháp quốc gia. Tham dự Hội thảo có 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng với Đông Timor. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng tới dự và phát biểu khai mạc Hội thảo.   Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu khai mạc Hội thảo         Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, Hội thảo là cơ hội để các nước chia sẻ về những tiến độ đạt được trong việc thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về ABS, đồng thời tăng cường hơn nữa sự hiểu biết của mỗi quốc gia đối với các vấn đề ABS cần giải quyết ở cấp khu vực và quốc gia.      Mặc dù chỉ chiếm 3% tổng diện tích thế giới, nhưng Đông Nam Á lại là nơi cư trú của 18% số loài động, thực vật trên thế giới. Sự phát triển của nhiều ngành, trong đó có lâm nghiệp và công nghệ sinh học (CNSH) tiếp tục phụ thuộc vào nguồn gen (thành phần cơ bản của ĐDSH) nhưng những lợi ích có được từ việc tiếp cận nguồn gen vẫn chưa được chia sẻ một cách công bằng giữa người cung cấp và người sử dụng nguồn gen. Năm 2012, thị trường CNSH đã đạt 162 tỷ USD doanh thu, đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm 11% trong giai đoạn 2008 - 2013 (Theo báo cáo Nghiên cứu thị trường về Thị trường Công CNSH toàn cầu của IBIS Word).   Toàn cảnh Hội thảo        Theo ông Anthony Charly Thomas Foronda, Điều phối viên Dự án khu vực về ABS của Trung tâm ĐDSH Đông Nam Á, một quốc gia cung cấp nguồn gen cho các ngành và lĩnh vực khác cần xây dựng hệ thống pháp lý nhằm đảm bảo rằng song song với việc tiếp cận và sử dụng nguồn gen, công tác bảo tồn và chia sẻ lợi ích có được từ sử dụng nguồn gen cũng được thực hiện.      Hệ thống pháp lý này bao gồm những quy định về hợp đồng giữa người cung cấp nguồn gen (chủ yếu là các quốc gia có mức độ ĐDSH cao trong khu vực Đông Nam Á) và người sử dụng nguồn gen (ví dụ các ngành công nghiệp, các cơ sở nghiên cứu).      Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn nguồn gen và tri thức truyền thống, ABS vẫn còn là một lĩnh vực mới tại Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam đã tiến hành rà soát và đánh giá hiện trạng hệ thống chính sách, pháp luật, năng lực quản lý về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích nhằm tăng cường năng lực quốc gia về quản lý ABS.      Việc triển khai thực hiện ABS tại Việt Nam còn nhiều thách thức như:  Nhận thức về quản lý nguồn gen vẫn hạn chế; Khái niệm về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích còn mơ hồ; Cơ chế quản lý chưa đồng bộ, thiếu các công cụ pháp lý và những hỗ trợ kỹ thuật, hành chính; Không có các cơ sở dữ liệu về nguồn gen hoặc tri thức truyền thống để theo dõi nguồn gen.      Hiện nay, Việt Nam chưa phê chuẩn Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen. Theo đó, để chuẩn bị cho việc trở thành thành viên của Nghị định thư Nagoya, Việt Nam đã xác định lộ trình từ năm 2013 - 2020 sẽ ra nhập Nghị định thư Nagoya về ABS, tiến hành xây dựng hệ thống pháp lý, chính sách, năng lực quản lý và nghiên cứu, thực hiện thí điểm, xây dựng cơ sở dữ liệu về ABS và truyền thông nâng cao nhận thức về ABS.   Theo VEA  
Ý kiến của bạn