Banner trang chủ

Những ngôi làng cổ thanh bình miền Bắc Việt Nam

16/05/2017

     Làng là nơi lưu giữ những nét đẹp truyền thống bình dị, gần gũi trong văn hóa Việt Nam. Những ngôi làng cổ thanh bình luôn là chốn dừng chân thích hợp nhất cho bạn khi muốn trốn khỏi sự náo nhiệt của đô thị.

     Làng Cựu (huyện Phú Xuyên, Hà Nội)

     Thủ đô Hà Nội có một ngôi làng hơn 500 tuổi với những biệt thự pha lẫn kiến trúc Việt cổ và Pháp rất độc đáo, khiến cho bất cứ ai đi ngang qua cũng phải trầm trồ khen ngợi - Đó chính là làng Cựu, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên.

 

Cổng làng cổ kính đã tồn tại hàng trăm năm

 

     Làng Cựu cách trung tâm Thủ đô khoảng 40 km về phía Nam. Về làng Cựu, du khách sẽ được tản bộ trên những con ngõ hẹp, đơn sơ mà gợi nhiều xúc cảm. Không gian vùng quê thanh bình khiến người ta cứ mãi xao xuyến, bâng khuâng vì cái đẹp đến từ cảnh vật.

     Từ thuở Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp, làng Cựu đã có những ngôi nhà, quần thể nhà, biệt thự kiểu Pháp đẹp nhất vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ. Đi qua thời gian, đường nét kiến trúc tinh tế của những ngôi nhà vẫn gần như nguyên vẹn.

     Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội)

     Được mệnh danh là một trong những ngôi làng cổ nhất miền Bắc, Đường Lâm gây ấn tượng với không gian có sự kết hợp hài hòa từ màu xanh của cây cối, màu xanh trong của bầu trời kết hợp với gam nâu cổ kính từ những ngôi nhà nhỏ. Chẳng còn gì bằng khi tới Đường Lâm vào một chiều thảnh thơi, ngắm sắc màu trầm buồn tỏa ra từ những bức tường nâu rêu phong in đậm dấu ấn thời gian.

 

Chiều buông trên cổng làng

 

     Làng Đường Lâm cách Hà Nội khoảng 44 km, thuộc huyện Sơn Tây, Hà Nội. Bạn có thể kết hợp thăm quan làng cổ cùng với Thành Cổ Sơn Tây (nằm trong trung tâm thành phố Sơn Tây), đền Và hay đền Măng Sơn.

     Làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội)

     Nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng, làng gốm Bát Tràng thuộc tỉnh lộ 195, huyện Gia Lâm. Làng đã tồn tại ở ven đô Thăng Long với tư cách một làng nghề khoảng hơn 500 năm nay.

 

Đến làng Bát Tràng, du khách có cơ hội trải nghiệm với việc làm gốm

 

     Tại đây có nhiều hoạt động vui chơi, khám phá, một trong những hoạt động thú vị tại làng Bát Tràng là ngắm nghệ nhân làm gốm và tự tay trải nghiệm hoạt động thú vị này, làm nên những đồ vật theo ý thích cá nhân. Bên cạnh đó, du khách đến với Bát Tràng còn được thưởng thức những món ăn đặc trưng như bánh tẻ, bánh sắn, ổi Đông Dư...

     Làng Ước Lễ (huyện Thanh Oai, Hà Nội)

     Làng Ước Lễ thuộc xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, nổi tiếng với hương vị giò chả ngon trứ danh. Tuy nhiên, nếu có dịp ghé thăm ngôi làng cổ này, thứ khiến người ta choáng ngợp và bị mê hoặc đầu tiên phải kể đến nét kiến trúc mang đậm dấu ấn thời gian.

 

Ước Lễ nổi tiếng với chiếc cổng làng chứa đựng cả tinh hoa hồn Việt

 

     Đến Ước Lễ, thứ đầu tiên thu vào tầm mắt bạn chính là chiếc cầu cong cong rộng hơn 2 m, dài khoảng 10 m bắc qua con mương khá rộng dẫn vào làng. Tiếp đó, du khách sẽ được chào đón bởi chiếc cổng mang đậm dấu ấn Việt với lối vòm truyền thống, có sự gắn kết của những viên gạch đỏ vững chãi cùng vòm mái cong vút như lân. Trên gác cổng làng có treo bức đại tự: “Mỹ Tục Khả Phong”, nghĩa là Phong tục đẹp được ban tặng. Tương truyền, danh hiệu cao quý này được vua Tự Đức thứ 33 ban tặng cho ngôi làng Ước Lễ.

     Không mang dáng vẻ tấp nập, ồn ào, du lịch hóa, làng nghề hóa như nhiều làng cổ khác, Ước Lễ vẫn giữ cho mình nét thanh bình, vắng vẻ, đậm hồn quê như một thời xa vắng. Không chỉ cổng làng, những ngôi nhà, khu chợ với kiến trúc cổ xưa vẫn tồn tại hiên ngang như minh chứng rõ nét nhất về lịch sử huy hoàng của vùng đất lịch sử.

     Làng Thổ Hà (Bắc Giang)

     Làng Thổ Hà thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, cách thủ đô Hà Nội khoảng 50 km về phía Bắc. Nằm bên con sông Cầu, Thổ Hà là một trong những làng cổ hiếm hoi còn giữ được trong mình những nét văn hóa cổ của vùng Kinh Bắc, bao gồm nếp sinh hoạt, kiến trúc, tâm linh và sản xuất. Đây là làng quê có phong cảnh hữu tình, cây đa, bến nước, sân đình, những nếp nhà cổ san sát nằm sâu trong các ngõ hẻm cổ kính.

 

Bánh đa được phơi trên mái ngói cổ

 

     Khác với các làng ở đồng bằng Bắc Bộ, cư dân Thổ Hà không có ruộng mà sống chủ yếu bằng nghề thủ công và buôn bán nhỏ. Trước năm 1960, làng nổi tiếng về nghề làm gốm. Nhưng về sau, người dân chuyển sang làm bánh đa nem và mì gạo. Nếu ghé qua vùng quê này, không khó để bắt gặp những người dân đang miệt mài làm nghề trong khung cảnh thanh bình.

     Làng Thổ Hà nổi tiếng với những kiến trúc cổ từ nhà cửa, cổng làng đến khu giếng cổ đều được làm bằng gạch nung và sành đắp nổi không tráng men. Đặc biệt, nơi đây còn hiện hữu ngôi chùa, ngôi đình Thổ Hà bề thế - một kiệt tác của kiến trúc cổ truyền Việt Nam.

     Làng Nôm (Hưng Yên)

     Ngôi làng 200 tuổi ở Hưng Yên có không gian uy nghi, dáng điệu hoài cổ đặc trưng của miền Bắc và là ngôi làng cổ duy nhất của phố Hiến còn tồn tại cho đến nay.

 

Cây cầu gồm chín nhịp, mặt cầu được ghép bằng những phiến đá xanh

 

     Bước qua cánh cổng làng có từ hàng trăm năm, một không gian làng quê còn khá nguyên vẹn mở ra trước mắt. Nằm ở vị trí trung tâm làng có một hồ nước rộng và trong xanh, đặc biệt, dọc bên hồ là những ngôi nhà cổ hay nhà thờ tổ của các tộc họ lớn, toát lên nét văn hóa độc nhất vô nhị ở đất kinh kỳ phố Hiến. Đối diện với cổng làng, bên kia hồ là một quần thể kiến trúc đẹp gồm đình làng, giếng cổ và cây đa cổ thụ.

 

Nam Hưng

Ý kiến của bạn