Banner trang chủ

Chuẩn bị di dời cá thể voi hoang dã tại Sơn La về Đồng Nai

29/09/2017

     Tỉnh Sơn La đang lên có kế hoạch di dời cá thể voi hoang dã ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La về nhập đàn với quần thể voi tại tỉnh Đồng Nai.

 

 

     Từ năm 2014 đến đầu năm 2017, trên địa bàn xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La thường xuyên xuất hiện một cá thể voi hoang dã, di chuyển đến tiếp giáp khu dân cư. Qua thống kê, cá thể voi này đã xuất hiện và gây xung đột trên 156 lần trong khoảng thời gian và địa bàn nêu trên. Tuy chưa có thiệt hại về người, xong đã gây thiệt hại hơn 400 triệu đồng về tài sản, hoa màu của người dân. Mặt khác, cá thể voi thường xuất hiện vào ban đêm, tiến sát nhà dân gây tâm lý hoang mang, lo sợ, bất an cho nhân dân trong khu vực.

     Qua khảo sát ghi nhận đây là cá thể voi cái, khoảng 25-30 tuổi, cân nặng khoảng 4 tấn và đang trong độ tuổi sinh sản. Theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 và Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ thì voi thuộc nhóm động vật nguy cấp quý hiếm cần đưa vào bảo tồn và bảo vệ. Trong khi Tổng cục Lâm nghiệp đang triển khai dự án “Khẩn cấp bảo tồn voi và nâng cao năng lực kiểm soát, buôn bán ngà voi ở Việt Nam đến năm 2020”, một số đàn voi trong khuôn khổ dự án đang có nguy cơ bị đồng huyết. Vì vậy, việc di dời cá thể voi cái hoang dã tại huyện Sông Mã đến nơi ở mới phục vụ việc bảo vệ, bảo tồn và sinh sản, duy trì nòi giống là cần thiết và mang tính cấp bách. Đồng thời, tạo điều kiện cho cá thể voi sống lâu dài, ổn định, phát huy khả năng sinh sản, không tốn kém về nhân lực và kinh phí để quản lý và chăm sóc voi; Tạo tâm lý ổn định cho người dân quanh khu vực xã Chiềng Khoong huyện Sông Mã yên tâm canh tác, ổn định cuộc sống cho người dân, đặc biệt, tránh xung đột xảy ra giữa người và voi, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân nếu xảy ra xung đột.

     Phương án di dời sẽ được tiến hành theo các bước: dẫn dụ; bắt; huấn luyện voi; tiếp nhận; vận chuyển; tiếp nhận tại điểm đến; chăm sóc tại điểm đến; tái thả vào khu vực nuôi bán hoang dã và bắt cặp với quần thể voi hiện có.

     Dự kiến, công tác chuẩn bị, thiết lập điểm dẫn dụ sẽ được hoàn thành trong tháng 10/2017. Khoảng tuần 3 - tháng 11/2017 sẽ hoàn thành tiếp nhận và vận chuyển voi đến tỉnh Đồng Nai.

 

Quang Ngọc

Ý kiến của bạn