Banner trang chủ

Tiêu chuẩn Văn phòng Xanh tại Việt Nam

04/09/2018

     Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất đối với các quốc gia, các Chính phủ, Công ty và công dân trong những thập kỷ tới. Sự phát thải của khí carbon dioxide (CO2) và các loại khí nhà kính (KNK) khác do hoạt động của con người, thông qua việc đốt các nhiên liệu hóa thạch, sẽ có ảnh hưởng đến khí hậu trong tương lai. BĐKH ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, gây nguy hiểm cho an ninh lương thực, nước biển dâng, sự tăng cường sạt lở ở các vùng ven biển, tăng cường độ của các thảm họa tự nhiên, mất đa dạng sinh học và sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm. Do vậy việc tăng cường nỗ lực để giảm phát thải KNK do con người ngày đang ngày càng cấp bách. Hiện tại chính sách của các Chính phủ sẽ không đủ để giải quyết vấn đề. Nó cần phải đi đôi với sự lãnh đạo và sự đổi mới trong kinh doanh để thực hiện quá trình cắt giảm phát thải KNK. Hành động trong việc giảm phát thải KNK cũng thể hiện tinh thần kinh doanh có trách nhiệm của Công ty. Từ đó, Công ty có thể xác định cơ hội để đạt được các mục tiêu phát thải, giảm thiểu rủi ro và khám phá những lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp mình. Các Công ty cần phải bắt đầu lập kế hoạch cho quá trình chuyển đổi, bởi các quyết định của họ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp trong nhiều năm tới. VP xanh (VPX) là một công cụ đơn giản, hiệu quả để doanh nghiệp góp phần giải quyết vấn đề này.

 

Tập huấn và thảo luận về các biện pháp giảm phát thải, tiết kiệm tài nguyên

 

     Hiện nay trên thế giới đang có nhiều Chương trình VPX với các tiêu chí chứng nhận VPX khác nhau. Chương trình VPX đề xuất bởi Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) yêu cầu các tổ chức tham gia xây dựng hệ thống quản lý môi trường, chỉ định người phụ trách chuyên biệt, thiết lập chương trình môi trường, đào tạo về phân loại, tái chế rác thải, giảm phát thải CO2, đưa ra cam kết liên tục cải tiến, giám sát và báo cáo định kỳ tới WWF. Chuyên gia WWF sẽ tiến hành đánh giá hệ thống. Nếu đạt các tiêu chí, văn phòng (VP) sẽ được cấp chứng nhận và có quyền sử dụng logo VPX của WWF. Hàng năm, VP cần phải đóng phí và báo cáo định kỳ để duy trì chứng nhận. WWF sẽ định kỳ đánh giá 3 năm/lần tại VP.

     Một số trường Đại học ở Mỹ và châu Âu đã hỗ trợ kỹ thuật thực hiện sáng kiến VPX cho các VP bằng cách đánh giá tính bền vững trong hành vi của nhân viên thông qua khảo sát. Khảo sát có thể được tiến hành qua khảo sát trực tuyến hoặc điền thông tin vào các danh mục yêu cầu để đánh giá hoạt động VP liên quan đến đến tiết kiệm năng lượng, giảm chất thải và tái chế, mua sắm, vận tải...  Sau khi nhận được kết quả từ các khảo sát, Chương trình tính toán điểm số để xét hạng VPX theo các cấp ví dụ như vàng, bạc, đồng... Trong quá trình xét hạng, một sốChương trình có thể yêu cầu đánh giá tại hiện trường (field visit) trước khi cấp chứng nhận.

     Nhằm mang đến cách tiếp cận mới thúc đẩy và triển khai VPX tại Việt Nam thông qua thay đổi hành vi, hướng tới tiêu dùng bền vững cho nhân viên VP, thiết lập và duy trì chính sách này, Viện Công nghệ Châu Á tại Việt Nam (AIT-VN) đã xây dựng Bộ tiêu chuẩn VPX dựa trên tiêu chuẩn ISO 14064 và tiêu chuẩn GHG Protocol được phát triển bởi Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới (WBCSD), được thiết kế dành riêng cho hoạt động VP tại Việt Nam. Tiêu chuẩn VPX – AIT-VN bao gồm các hướng dẫn đánh giá phát thải KNK dựa trên số liệu về sử dụng tài nguyên, đồng thời cũng đưa ra các hướng dẫn về giám sát, báo cáo, thẩm tra và cấp chứng chỉ cho VPX tại Việt Nam.

 

Phân loại rác thải để tái chế tại VPX

 

     Tiêu chuẩn VPX của AIT-VN đánh giá mức độ VPX qua hai cấp. Cấp 1, chứng nhận VP đã có hệ thống quản lý VPX, có chính sách môi trường, giảm phát thải KNK, các nhân viên được đào tạo, nâng cao nhận thực để thực hiện giảm phát thải... Cấp 2,đánh giá lượng hóa mức độ giảm phát thải thực tế của VP so với năm cơ sở trước khi áp dụng VPX. Đối với cấp 1, chứng nhận VP đã thiết lập hệ thống quản lý VPX, báo cáo và tính toán phát thải KNK theo tiêu chuẩn của Dự án. Các tiêu chícó cam kết của lãnh đạo thực hiện VPX, đồng thời ban hành chính sách môi trường với mục tiêu giảm phát thải được xác định cụ thể; Thực hiện lựa chọn năm cơ sở, ranh giới phát thải, giai đoạn báo cáo và các nguồn phát thải theo quy định của tiêu chuẩn; Đưa ra phương pháp thu thập dữ liệu giám sát của các chỉ tiêu, có quy trình quản lý thông tin, lưu trữ  tài liệu và hồ sơ cho các chỉ tiêu lựa chọn theo quy định của tiêu chuẩn; Thực hiện tính toán phát thải KNKtheo hướng dẫn của tiêu chuẩn; Đào tạo thực hiện lối sống xanh tại VP và có kế hoạch triển khai cụ thể; Báo cáo các kết quả theo các mẫu mới nhất ban hành kèm với tiêu chuẩn; Phát thải của VP được đánh giá và xác nhận phù hợp với tiêu chuẩn VPX AIT-VN.

     Cấp 2, chứng nhận VP là VPX và đã giảm được phát thải theo tiêu chuẩn của Dự án (tính theo %). Các tiêu chí cần đạt được như:VP đã đạt được chứng chỉ cấp 1; Phát thải của giai đoạn báo cáo so với năm cơ sở thấp hơn mức tiêu chuẩn của Dự án.

     Tiêu chuẩn giảm phát thải của Dự án cho chứng nhận loại 2 được xác định dựa trên:(1) Những nghiên cứu về tiềm năng giảm phát thải từ thay đổi hành vi đã được thực hiện. Theo nghiên cứu Đánh giá tiềm năng đóng góp từ thay đổi hành vi (TRANSrisk, 2017), mức giảm phát thải từ các nguồn như sau:

 

STT

Giảm phát thải từ thay đổi hành vi đối với nguồn

Mức giảm phát thải trung bình từ 2011 tới 2050

  1.  

Giảm thải bỏ thực phẩm thừa

2.4%

  1.  

Sử dụng phương tiện công cộng đi làm

0.7%

  1.  

Làm việc từ xa

0.3%

  1.  

Sử dụng xe đạp

0.6%

  1.  

Sử dụng xe chung

1.1%

  1.  

Tránh những chuyến bay ngắn

0.5%

  1.  

Đi du lịch gần hơn

0.5%

  1.  

Giảm tiêu thụ năng lượng sưởi ấm và làm mát

0.6%

  1.  

Tái chế chất thải hữu cơ

1.1%

  1.  

Tái chế giấy thải

0.6%

  1.  

Tái chế chất thải nhựa, kim loại, thủy tinh

1.7%

     Cũng trong nghiên cứu này, 3 kịch bản về giảm phát thải KNKtừ thay đổi hành vi đã được đưa ra:

Kịch bản

Mô tả

Mức giảm phát thải

Enthusiastic

Các biện pháp giảm phát thải được thực hiện tối đa từ các nguồn.

16.2%

Conscious

Thay đổi hành vi ở mức trung bình

12%

Convenient

Thay đổi hành vi tương đối thụ động đảm bảo việc giảm phát thải nhung vẫn thoải mái đối với người tiêu dùng.

5.9%

 

     Trong một nghiên cứu khác về “Thay đổi hành vi hộ gia đình để giảm phát thải cácbon” (Courtney, 2013), ước lượng một cách thận trọng cho giảm phát thải từ thay đổi hành vi từ các hộ gia đình tại Mỹ thì tỷ lệ giảm có thể đạt là 7%.(2) Thực tế triển khai dự án VPX của AIT-VNtại 11 VP trên 3 TP (4 VP tại Hà Nội, 3 tại Đà Nẵng và 4 tại TP. Hồ Chí Minh) cho thấy, các VP phối hợp cùng với nhóm tư vấn của Dự án đã tập huấn lối sống VPX cho nhân viên, thực hiện các giải pháp giảm phát thải từ nguồn tiêu thụ chính như điện, nước, VP phẩm, rác thải... Kết quả thu thập dữ liệu ban đầu từ một số VP thu được như sau: Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam và VP Cục BVMT miền Trungđã đạt mức giảm phát thải tuyệt đối khoảng 15% và 10.2% so với năm cơ sở (trước khi thực hiện Dự án);Công ty TNHHTUV Nord Việt Nam đã đạt mức giảm phát thải tuyệt đối6.02% sơ với năm cơ sở.

     Dựa trên các tiềm năng giảm phát thải tối thiểu và để phù hợp với cam kết quốc gia của Việt Nam, giảm phát thải KNK ở mức 8% trước năm 2030, Dự án VPX của đã lựa chọn Tiêu chuẩn giảm phát thải của Dự án cho chứng nhận cấp 2 cho VP là 6%.Trong các năm tiếp theo, Tiêu chuẩn giảm phát thải của Dự án cho chứng nhận cấp 2sẽ được hiệu chỉnh theo chiều hướng tăng đến 8% - 10% khi điều kiện áp dụng các biện pháp giảm phát thải thuận lợi hơn (giá thành...) và nhận thức của các nhân viên VP về tiêu dùng bền vững được nâng cao.

 

     Tiêu chuẩn VPX - AITVN và Tiêu chuẩn giảm phát thải thông qua thay đổi hành vi của nhân viên và chính sách tiêu dùng của doanh nghiệp được xây dựng trong khuôn Dự án “Thúc đẩy và nhân rộng lối sống VPX tại Việt Nam”. Sáng kiến này thuộc Chương trình Khung 10 năm về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững do Liên minh châu Âu và Bộ TNMT Nhật Bản tài trợ với sự điều phối của Tổ chức Môi trường Liên hợp quốc.

                                                                         

Nguyễn Thị Bích Hòa - Hoàng Thanh Hà

Viện Công nghệ Châu Á tại Việt Nam (AIT-VN)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2018)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn