Banner trang chủ

Thúc đẩy nền tài chính bền vững tại ASEAN

04/05/2018

 

     Tài chính bền vững là một xu thế toàn cầu mà các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn trên thế giới đang thực hiện. Năm 2003, Nguyên tắc Xích đạo về khung đánh giá rủi ro các yếu tố xã hội và môi trường của các dự án tài chính, đã được thông qua bởi các tổ chức tài chính. Tính đến tháng 1/2018 đã có 92 tổ chức tài chính tại 37 quốc gia chính thức thông qua Nguyên tắc này. Những tổ chức tài chính, ngân hàng lớn tham gia Nguyên tắc này có thể kể tới như HSBC Holding plc, Standard Chartered PLC, Citigroup, Westpac Banking Corporation...

     Theo Báo cáo toàn cầu về tiến bộ trong cải cách hướng tới tài chính bền vững do Mạng lưới Ngân hàng Bền vững (SBN) thực hiện và công bố mới đây cho thấy, các nước đang phát triển đã trở thành lực lượng chủ chốt thúc đẩy phát triển và đối phó với BĐKH. Hiện 34 quốc gia thành viên của SBN đã và đang thực hiện các cải cách trong ngành ngân hàng nhằm thúc đẩy tài chính bền vững. Việt Nam, cùng với bảy quốc gia khác là Bănglađet, Braxin, Trung Quốc, Colombia, Inđônêxia, Mông Cổ và Nigeria, được đánh giá ở trong nhóm nước tích cực triển khai những cải cách quy mô lớn, ban hành các chính sách và quy định căn bản để tăng cường tài chính bền vững và có cơ chế đo lường kết quả thực hiện. 

     Bối cảnh định chế tài chính bền vững tại ASEAN

     Trong những năm qua, các hoạt động tiêu thụ và sản xuất không bền vững ở Đông Nam Á đã dẫn đến thiệt hại về môi trường và xã hội (MT&XH) nghiêm trọng, gây ra những nguy cơ lớn như biến đổi khí hậu (BĐKH), mất rừng, mất đa dạng sinh học và khan hiếm nguồn tài nguyên nước… Trước tình hình đó, các quốc gia đều nhận thấy cần phải thay đổi những mô hình phát triển không bền vững trước đây để ngăn chặn những tác động tiêu cực nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và phúc lợi con người. Đồng thời thừa nhận tầm quan trọng của việc chuyển đổi sang tăng trưởng kinh tế bền vững và đã cam kết thông qua Hiệp định Pari về BĐKH, cũng như các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), trong đó, ngành tài chính đóng vai trò then chốt để thực hiện các cam kết này. Các ngân hàng và định chế tài chính có các phương tiện để tác động đến sự thay đổi trong nền kinh tế bằng cách hướng dòng vốn khỏi các hoạt động gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, xã hội và hướng tới các giải pháp thay thế bền vững, thân thiện với khí hậu.

     Báo cáo “Tài chính Bền vững tại khối ASEAN: Giải quyết các vấn đề về rừng, sinh cảnh, khí hậu, nguồn nước và xã hội của ASEAN” được thực hiện bởi WWF và Trung tâm Quản trị, Thể chế và các Tổ chức (CGIO) đã phân tích bối cảnh định chế tài chính bền vững cũng như hỗ trợ các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp và hướng dẫn báo cáo bền vững liên quan đến ngành ngân hàng tại 6 quốc gia ASEAN là Inđônêxia, Malaixia, Philipin, Singapo, Thái Lan, Việt Nam. Báo cáo đánh giá việc công bố thông tin của 34 ngân hàng niêm yết dựa trên một bộ các chỉ số đại diện cho các nguyên tắc cơ bản bao gồm: Thông lệ quản trị doanh nghiệp bền vững (hội đồng quản trị, cổ đông và các bên liên quan, công khai và minh bạch, kiểm toán và quản lý rủi ro) và Chính sách, quy trình, con người, sản phẩm và danh mục đầu tư. Những chỉ số này phù hợp với các khuôn khổ quốc tế quan trọng như GRI (sáng kiến Báo cáo toàn cầu) và SASB (Hội đồng Báo cáo phát triển bền vững tiêu chuẩn). Qua đó đã  phát hiện những nội dung chính:

     Phát triển bền vững đóng vai trò quan trọng trong chương trình nghị sự quốc gia của các nhà hoạch định chính sách ở các nước ASEAN, với các chủ đề chung và vai trò riêng biệt đặc trưng cho ngành tài chính. Cả 6 quốc gia đều đã đưa ứng phó với BĐKH và các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào chương trình nghị sự chính sách quốc gia, cũng như xây dựng các chiến lược tăng trưởng xanh. Các tổ chức tài chính được xác định đóng vai trò then chốt trong việc cấp vốn cho các công nghệ xanh, thúc đẩy các lĩnh vực xanh và phát triển các sản phẩm bền vững phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững. Ở Malaixia và Thái Lan, vai trò của ngành tài chính trong việc đạt các mục tiêu bền vững đã được chính thức công nhận trong các kế hoạch phát triển quốc gia.

     Các quy định và hướng dẫn về tài chính bền vững chưa hoàn toàn phù hợp với các chương trình nghị sự về chính sách phát triển quốc gia, do đó ngành tài chính ASEAN vẫn còn những tiềm năng chưa được khai thác trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Không giống như các chiến lược phát triển bền vững quốc gia, hướng dẫn về tài chính bền vững chỉ gợi ý các vấn đề MT&XH để các ngân hàng cân nhắc và tự quyết định rủi ro nào là trọng yếu. Như vậy, mặc dù có 21 ngân hàng công nhận rủi ro các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong danh mục cho vay, nhưng chỉ 14 công ty công bố danh mục rủi ro MT&XH cụ thể có thể ảnh hưởng đến khách hàng của họ. Do đó, vẫn chưa rõ quan điểm của ngân hàng đối với các vấn đề bền vững trọng yếu và liệu quan điểm đó có phù hợp với các mục tiêu quốc gia hay không. Tuy vậy, 12 ngân hàng đã thực hiện các bước để điều hướng các dòng tài chính hướng tới các hoạt động bền vững hơn thông qua việc sử dụng danh sách loại trừ và chính sách ngành.

     Khả năng hài hòa hóa các quy định về tài chính bền vững của ASEAN là rất đáng kể với các yếu tố chung trong hướng dẫn quản trị doanh nghiệp, quy tắc niêm yết và hướng dẫn lập báo cáo bền vững. Các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp ở các nước ASEAN được thiết kế hợp lý và đề cập các trụ cột chính của thông lệ quản trị tốt. Các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp, quy tắc niêm yết và hướng dẫn lập báo cáo bền vững đều có những điểm chung về các yêu cầu công bố thông tin liên quan đến ESG. Tuy nhiên, các quy định và hướng dẫn về tài chính bền vững sẽ khó hài hòa hơn. Ba nước trong khu vực không có quy định hoặc hướng dẫn chuyên ngành liên quan đó là Malaixia, Thái Lan và Philipin, còn các nước  khác có cách tiếp cận khác nhau như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro MT&XH trọng hoạt động cấp tín dụng; Hiệp hội Ngân hàng Singapo ban hành các hướng dẫn áp dụng trên cơ sở tự nguyện và cơ quan quản lý Inđônêxia ban hành hướng dẫn cấp ngành và quy định về tài chính bền vững.

     Các khuôn khổ pháp lý bổ trợ (nguyên tắc quản trị doanh nghiệp, quy tắc niêm yết và các hướng dẫn lập báo cáo bền vững) đã có ở cả 6 quốc gia để hỗ trợ 6 trụ cột lồng ghép vấn đề ESG. Các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp ở cả 6 quốc gia đã được mở rộng khỏi phạm vi quản trị doanh nghiệp truyền thống để xem xét các vấn đề MT&XH và tất cả các nước đều nhấn mạnh trách nhiệm của Hội đồng quản trị. Quy định về niêm yết và hướng dẫn lập báo cáo bền vững ở hầu hết tất cả các nước (trừ Inđônêxia) đều yêu cầu sự tham gia của các bên liên quan và cộng đồng địa phương. Khuôn khổ pháp lý của 4/6 nước cũng yêu cầu hoặc khuyến khích các công ty xây dựng chính sách MT&XH và thiết lập hệ thống quản lý rủi ro MT&XH.

     Các ngân hàng ASEAN đang trải qua quá trình thay đổi tư duy, coi bền vững là một chiến lược kinh doanh cốt lõi; họ đang dần nhận ra rủi ro ESG và cơ hội chủ yếu là ở danh mục đầu tư chứ không phải trong hoạt động của chính các ngân hàng. Trong số 34 ngân hàng ASEAN, có 13 ngân hàng quan niệm rằng khái niệm bền vững chỉ áp dụng trong lĩnh vực hoạt động trực tiếp của họ thông qua văn phòng, hội sở, nhân viên và phản ánh quan điểm đó trong bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp, cũng như các hướng dẫn lập báo cáo bền vững. Điều này đang dần thay đổi, với việc 6/21 ngân hàng công nhận tác động MT&XH từ các hoạt động mà họ tài trợ và đưa nội dung cho vay có trách nhiệm vào cam kết của Ban Lãnh đạo.

     Các ngân hàng ASEAN có nền tảng quản trị doanh nghiệp tốt để có thể lồng ghép vấn đề ESG cũng như tích hợp đầy đủ rủi ro và cơ hội ESG trong chiến lược và hoạt động của mình. Với hướng dẫn chi tiết từ phía các cơ quan quản lý, kết quả cho thấy các ngân hàng đang thực hiện công bố thông tin khá tích cực về các chỉ số hoạt động quản trị doanh nghiệp truyền thông như trách nhiệm Hội đồng quản trị và minh bạch thông tin. Nền tảng này, đặc biệt là về các thông lệ quản lý rủi ro, có thể được sử dụng để tăng cường tích hợp các vấn đề ESG cũng như công bố các chỉ số MT&XH trong bối cảnh lồng ghép việc quản lý rủi ro MT&XH vào các tiêu chí quản trị doanh nghiệp.

     Các quy định và hướng dẫn hiện hành về tài chính bền vững mới mang tính quy định khung và chưa áp đặt các biện pháp khuyến khích hay chế tài cụ thể để thúc đẩy tích hợp ESG, dẫn đến những chậm trễ trong quá trình thực hiện và các tiêu chuẩn không chặt chẽ hoặc không nhất quán. Các quy định tài chính bền vững hiện tại không hướng dẫn cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực, ngoại trừ quy định với ngành dầu cọ của Inđônêxia và hướng dẫn chống phát thải khói của Singapo. Các quy định này cũng không bao gồm các yêu cầu về tiêu chuẩn bền vững được quốc tế công nhận. Như vậy, chỉ có 4 ngân hàng công bố yêu cầu về MT&XH đối với khách hàng của họ. Việc thiếu hướng dẫn cụ thể về phương thức tích hợp ESG dẫn đến tình trạng công bố không đầy đủ và thiếu nhất quán về những trụ cột chính của các vấn đề ESG.

     Những bất cập về năng lực và đào tạo đang cản trở các ngân hàng tích hợp ESG một cách tích cực và củng cố quan hệ với khách hàng. Chỉ duy nhất một ngân hàng có bộ phận chuyên trách về các vấn đề ESG và 11 ngân hàng có hỗ trợ tập huấn về rủi ro ESG cho nhân viên, điều này cho thấy những bất cập về năng lực, biểu hiện ở việc thiếu công khai đối với các chỉ số ESG chủ chốt và chậm trễ trong nắm bắt thời cơ. 17 ngân hàng đề cập đến các sản phẩm ngân hàng bền vững nhưng không ngân hàng nào tiến hành các hoạt động tiếp cận khách hàng để phổ biến về tác động MT&XH, cũng như tìm cách thúc đẩy nhu cầu về các sản phẩm ngân hàng bền vững.

     Không có ngân hàng nào ở khu vực ASEAN công bố thông tin về rủi ro MT&XH tích lũy hay tổng mức phát thải các bon trong danh mục đầu tư, và cũng không tiết lộ các biện pháp giảm nhẹ rủi ro hay thiết lập mục tiêu tài trợ xanh để điều chỉnh danh mục đầu tư phù hợp với điều kiện môi trường hạn chế về nguồn lực và kiểm soát các bon. Điều này cho thấy, có thể có những rủi ro tiềm ẩn về MT&XH trong danh mục đầu tư của các ngân hàng đòi hỏi phải có cách tiếp cận chiến lược để quản lý rủi ro cũng như nắm bắt các cơ hội MT&XH.

     Một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy nền tài chính bền vững

     Đối với các ngân hàng ASEAN: Cần xây dựng và thực hiện một chiến lược tài chính bền vững dựa trên 6 trụ cột cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong nền kinh tế thực; Đưa tiêu chí bền vững thành nội dung cốt lõi trong chiến lược công ty, được Hội đồng Quản trị và Ban giám đốc giám sát, chú trọng thông qua việc áp dụng vào tiêu chí đãi ngộ và các thông lệ quản trị doanh nghiệp khác; Công bố các thông lệ tài chính bền vững và tổng mức rủi ro bằng cách sử dụng các chỉ số đề xuất để chịu trách nhiệm với các bên liên quan; Phối hợp với các bên liên quan như các nhà quản lý, các hiệp hội ngân hàng và các NGOs để nâng cao năng lực về tài chính bền vững, cùng phát triển các hướng dẫn nghiệp vụ ngân hàng bền vững, tạo ra những thay đổi trong toàn ngành và sân chơi bình đẳng cho tất cả các bên; Tham gia vào các sáng kiến đa bên cho ngành ngân hàng để thể hiện cam kết bằng cách đặt ra những mục tiêu trong lĩnh vực tài chính bền vững.

     Các ngân hàng Trung ương và Hiệp hội Ngân hàng ASEAN: Thúc đẩy quá trình tích hợp ESG vào hoạt động ngành ngân hàng bằng cách xây dựng các quy định hoặc hướng dẫn về tài chính bền vững có thời hạn cố định và áp dụng trên phạm vi toàn quốc; Thảo luận cùng các nhà xây dựng luật về vấn đề BĐKH và phát triển bền vững để thiết kế các quy định về tài chính bền vững nhằm phát huy khả năng của ngành tài chính trong việc đóng góp vào các mục tiêu này; Phối hợp cùng các nhà quản lý và các hiệp hội ngân hàng của các quốc gia ASEAN khác để thống nhất các quy định về ESG trong khu vực, tạo ra một sân chơi bình đẳng, đảm bảo tính nhất quán giữa các ngân hàng; Hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực cho ngành ngân hàng thông qua phối hợp với các NGOs có chuyên môn sâu trong các vấn đề MT&XH, có khả năng xây dựng các công cụ và hướng dẫn hữu ích.

Các ngân hàng và định chế tài chính cần hướng dòng vốn khỏi các hoạt động gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, xã hội 

 

Phạm Hồng Hạnh - Nguyễn Thị Thúy Hằng

Trường Đại học Tài chính và Quản trị Kinh doanh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2018)

 

 

Ý kiến của bạn