Banner trang chủ

Tài chính bền vững về khí hậu và năng lượng

30/03/2018

     Ngành tài chính Việt Nam cần thể hiện rõ vai trò trong việc giúp dịch chuyển nền kinh tế trong nước sang mô hình phát thải các bon thấp thông qua đầu tư vào các dự án phát triển xanh, có tính đến yếu tố rủi ro môi trường và xã hội. Đây là thông điệp chính trong Hội thảo “Tài chính bền vững về khí hậu và năng lượng”, do WWF-Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam(VCCI) tổ chức ngày 29/3/2018, tại Hà Nội.

 

 

     Biến đổi khí hậu (BĐKH) không còn là một khái niệm mới đối với các chính phủ và người dân trên toàn cầu. Theo Liên hợp quốc, BĐKH gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới khoảng 300 tỷ đô la Mỹ mỗi năm, trong đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hiện tượng thời tiết cực đoan, giá lạnh và băng tuyết các vùng phía Bắc, hạn hán, xâm nhập mặn khu vực Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng tới sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của hàng triệu người dân.

     BĐKH không chỉ tác động lên tới các cộng đồng và xã hội, mà còn là một rủi ro cho các tổ chức tài chính. Ngành tài chính đóng một vai trò quan trọng trọng việc chuyển đổi nền kinh tế sang mô hình phát triển các bon thấp thông qua từ chối đầu tư vào các hoạt động không bền vững. Đặc biệt, đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, các tổ chức tài chính, ngân hàng là chìa khoá thúc đẩy quá trình chuyển đổi này bằng cách áp dụng chặt chẽ hơn chính sách đánh giá tác động môi trường và xã hội trong đầu tư, đồng thời, phân bổ nguồn vốn cho hoạt động bền vững.

     “Mặc dù Việt Nam đã có những chính sách và quy định nhằm thúc đẩy tài chính bền vững, việc thực thi các chính sách này hiện nay vẫn chưa thực sự tốt. Trong thời gian tới, WWF sẽ hợp tác với các ngân hàng, hiệp hội và các đối tác trong việc thúc đẩy thực hiện tài chính bền vững tại Việt Nam thông qua các hoạt động tăng cường năng lực, xây dựng các công cụ và hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động ngân hàng”, Quản lý chương trình Tài chính Bền vững của WWF-Singapo Naomin Tancho biết.

     Tổng thư ký phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam - VBCSD Nguyễn Quang Vinh khẳng định: “Việt Nam và các nước trong khu vực sẽ không thể thực hiện được thoả thuận Pari về BĐKH và Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc nếu như khu vực tài chính - ngân hàng không thực hiện vai trò của mình. Chỉ khi nào các ngân hàng nói không với các dự án gây tác động xấu tới môi trường và xã hội, khi đó, chúng ta mới có thể xây dựng một nền kinh tế bền vững”.

     Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe chuyên gia tài chính quốc tế và trong nước chia sẻ xu hướng chuyển dịch nền kinh tế phát triển các bon thấp trên thế giới; kinh nghiệm trong đánh giá rủi ro các dự án đầu tư về môi trường và xã hội; các sản phẩm cho vay bền vững cũng như nêu ra các khó khăn và cơ hội khi áp dụng tài chính bền vững…

 

Bích Hồng

Ý kiến của bạn