Banner trang chủ

Phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái gắn lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường

07/03/2017

     Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về tăng trưởng và phát triển, cải thiện đời sống của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước. Đóng góp vào quá trình phát triển này có thể kể đến vai trò của các khu công nghiệp (KCN) với khoảng hơn 300 KCN được thành lập, trong đó hơn 220 KCN đang hoạt động tại cả 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc - Trung - Nam.

     Sự phát triển nhanh chóng của sản xuất công nghiệp và phát triển các khu công nghiệp (KCN) đặt ra yêu cầu phải có một mô hình KCN mới theo những tiêu chuẩn tiên tiến về mức phát thải khí nhà kính, xử lý chất thải và không gian xanh, khuyến khích công nghệ tái chế, tái sử dụng năng lượng và chất thải. Vì vậy, KCN sinh thái là một hướng đi đúng đắn, hướng tới một nền sản xuất quan tâm đến môi trường, xã hội và đảm bảo phát triển bền vững.

     Khu công nghiệp sinh thái (KCNST) là một cộng đồng doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ nằm ở cùng một địa điểm. Các doanh nghiệp thành viên tìm cách nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội thông qua sự cộng tác về quản lý các vấn đề môi trường và tài nguyên. Việc phát triển mô hình KCNST gắn chặt giữa lợi ích kinh tế và BVMT được xem như hướng đi mới trước thực trạng phát triển cụm, KCN diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam hiện nay.

 

Toàn cảnh KCN Kalundborg, Đan Mạch

 

     Trên thế giới, nhiều nước đã thành công với mô hình này, mang lại hiệu quả về nhiều mặt. Theo “Sổ tay phát triển KCNST cho các nước đang phát triển châu Á” của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), có 7 nguyên tắc cơ bản để xây dựng một KCNST, gồm: Hài hòa với thiên nhiên; Hệ thống năng lượng; Quản lý dòng nguyên liệu và chất thải; Cấp thoát nước; Quản lý KCNST hiệu quả; Xây dựng/cải tạo; Hòa nhập với cộng đồng địa phương.

     Ước tính, trên thế giới có khoảng 30 KCNST chia thành 5 nhóm sau: KCNST nông nghiệp; KCNST tái tạo tài nguyên; KCNST năng lượng tái sinh; KCNST nhà máy điện và KCNST lọc hóa dầu hay hóa chất. Sự khác nhau của mỗi nhóm KCNST tùy thuộc vào chính sách phát triển của mỗi quốc gia, đặc điểm điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường tại khu vực đặt KCNST hay các KCNST được tái thiết lại từ những KCN.

     KCN Kalundborg, Đan Mạch được coi là KCN điển hình đầu tiên trên thế giới ứng dụng những nghiên cứu vào việc phát triển một hệ thống cộng sinh công nghiệp thông qua sự trao đổi năng lượng và nguyên vật liệu giữa các công ty.

     Thành phần chính trong Hệ sinh thái công nghiệp này là nhà máy điện Asnaes, công suất 1.500 MW. Hầu hết các trạm phát điện sử dụng nhiên liệu hoá thạch, hiệu suất cực đại để chuyển hoá năng lượng từ quá trình đốt than thành điện năng chỉ đạt 40%, còn lại 60% năng lượng bị thải ra môi trường bên ngoài dưới dạng nhiệt và phần lớn ở dạng hơi nước, khí Ethane, Methane, nhiệt thừa, dung môi, thạch cao, xỉ than, bùn thải, tro bụi…

     Những năng lượng dư thừa và chất thải được sử dụng có hiệu quả cho các nhà máy trong cùng KCN, tránh thải bỏ vào môi trường tự nhiên. Hay tại Thái Lan - đất nước đứng thứ hai trên thế giới về số lượng KCNST (29) chỉ sau Mỹ (40) cũng đang áp dụng thành công từ mô hình phát triển KCNST.

     Tại Hội thảo “KCNST: Từ khái niệm tới thực tiễn”, TS.Heinz Leuenberger - Cố vấn trưởng kỹ thuật Dự án KCNST (UNIDO - Bộ KHĐT) đã đưa ra một số gợi ý để phát triển KCNST cho Việt Nam: “Trước hết, các công ty phải tuân thủ pháp luật về BVMT và lao động. Ban quản lý KCNST cung cấp các dịch vụ như đánh giá hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, cộng sinh công nghiệp, đánh giá rủi ro, hạn chế hậu quả của thiên tai và phòng cháy chữa cháy.

     Ngoài ra, KCNST cần cung cấp nhà ở cho người lao động và tham gia tích cực trong các hoạt động tương tác với cộng đồng. Đồng thời, phải có số lượng nhất định các DN đầu tư vào công nghệ sản xuất, phải tham khảo các công nghệ tốt nhất hiện có khi đánh giá khả thi kỹ thuật và tài chính. Một yếu tố quan trọng khác, diện tích cây xanh tối thiểu là 30%...

     Hiện nay, Bộ Kế hoạch và đầu tư đang phối hợp với UNIDO thực hiện Dự án “Triển khai sáng kiến KCNST hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam”. Dự án có tổng vốn viện trợ không hoàn lại là hơn 5 triệu USD từ Quỹ Môi trường toàn cầu, Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ. Dự án được triển khai thí điểm tại KCN Khánh Phú (tỉnh Ninh Bình), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) và KCN Trà Nóc 1,2 (Cần Thơ).

 

Thu Hà (Theo vov.vn)

Ý kiến của bạn