Banner trang chủ

Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường ở Niu-Di-Lân

10/04/2018

     Hiếm có quốc gia nào trên thế giới sở hữu nhiều cái “nhất” như Niu-Di-Lân: Trong sạch nhất, có môi trường kinh doanh, chăm sóc người già tốt nhất, xanh nhất… Có được điều này một phần là do Niu-Di-Lân quan tâm đến vấn đề BVMT. Đặc biệt, đối với du lịch-ngành xuất khẩu lớn thứ 2 của nước này, chất lượng môi trường càng được ưu tiên cải thiện và nâng cao.

     Phát triển du lịch song hành cùng bảo tồn

     Niu-Di-Lân nằm ở phía Tây Nam Thái Bình Dương, có diện tích 270.534 km2và dân sốkhoảng hơn 4 triệu người. Là một trong những đất nước sạch và đẹp nhất thế giới, với 14 TP có không khí trong sạch, hàng năm, Niu-Di-Lân thu hút lượng lớn khách du lịch. Chính sách phát triển du lịch của Niu-Di-Lân xoay quanh 2 giá trị cốt lõi: Bảo vệ thiên nhiên và lòng mến khách, trong đó, bảo vệ thiên nhiên, cảnh quan, môi trường được đặt ở vị trí hàng đầu. Có lẽ vì thế mà đi từ đảo Nam đến đảo Bắc, du khách có thể dạo bước trên những bãi biển cát mịn, ngắm nhìn những chú cá heo tung tăng bơi lội, hải cẩu nằm lười phơi mình trên những tảng đá…

     Niu-Di-Lân được bao quanh bởi biển nên hình thức du lịch bằng tàu thuyền hay câu cá giải trí rất phát triển. Tuy nhiên, không phải loài nào cũng có thể đánh bắt. Bộ Bảo tồn Niu-Di-Lân (DoC) quy định rất nghiêm ngặt về chủng loại, kích cỡ, số lượngcá được câu trong ngày cho mỗi người và cả mùa đánh bắt nhằm tránh làm tuyệt diệt các loài vào mùa sinh sản. Nhiều loài còn được bảo vệ nghiêm ngặt, việc đánh bắt, khai thác gần như cấm tuyệt đối như cá voi, cá heo… Đi kèm với quy định trên là các biện pháp, chế tài nhằm xử phạt những hành vi xâm hại nguồn TN&MT. Ngay cả với các tàu chở khách cho dù ở Kaikoura, Paihia hay Abel Tasman, chỉ cần thấy cá heo, cá voi, hải cẩu, cánh cụt… ở đằng xa là tàu sẽ tự động tắt máy, trôi dạt lại đủ gần để khách có thể xem mà không làm chúng hoảng sợ.

 

Công viên quốc gia Abel Tasman, Niu-Di-Lân

 

     Ngoài ra, ở Niu-Di-Lân, việc chặt phá cây cối là điều cấm kỵ. Nhiều du khách đến đây thường ngạc nhiên khi thấy cây ngã đổ sau bão hay chết già đều được để nguyên hiện trạng, tự sinh tự diệt, trừ khi chắn ngang đường thì mới cưa để nhường lối đi. Có thể nói, nhờ dựa vào thiên nhiên mà gần như Niu-Di-Lân tránh được tình trạngthiên nhiên bị “tàn phá” ở những nơi du lịch phát triển như đang xảy ra ở một số quốc gia khác.

     Ý thức BVMT tốt

     Người dân Niu-Di-Lân rất có ý thức trong việc BVMT. Họ duy trì hệ thống kiểm soát, bảo vệ đất đai, nguồn nước và các khu bảo tồn. Hiệnđể giữ gìn cảnh quan nguyên sơ, kỳ ảo, Niu-Di-Lân dành hơn 30% diện tích đất (khoảng hơn 30.000 km2) cho các công viên quốc gia và khu bảo tồn với 14 công viên. Tại đây, du khách được khám phá thiên nhiên hùng vĩ và hệ động vật - thực vật đa dạng.

     Cùng với việc trồng nhiều cây xanh, người dân Niu-Di-Lân còn có ý thức chung tay BVMT từ những điều nhỏ bé trong sinh hoạt hàng ngày như: hạn chế sử dụng giấy vệ sinh không tái chế được, có hệ thống kiểm soát lượng điện năng sử dụng, không dùng máy sấy hay máy rửa chén bát…Bên cạnh đó, tạiNiu-Di-Lân, các chiến dịch bảo vệ động vật hoang dã và hỗ trợ quần thể loài quý hiếm như chim bản địa và chim kiwilớn thường xuyên được tổ chức.Tất cả quy định này đều được phổ biến đến người dân và cập nhật qua Internet. Ngay tại cửa khẩu nhập cảnh, du khách sẽ được cung cấp thông tin về ý thức BVMT của người Niu-Di-Lân.

     Người dân coi trọng thiên nhiên nên những gì tổn hại đến môi trường sẽ không được chấp nhận ở quốc gia này. Tháng 3/2012, cảnước đồng loạt xuống đường phản đối chính sách cho phép khai thác dầu khí mà Chính phủ đề xuất, bởi họ cho rằng, việc khai thác sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên biển, thay đổi hệ sinh thái biển, ô nhiễm môi trường và quan trọng là cần phải gìn giữ cảnh quan thiên nhiên cho các thế hệ sau. Đến nay, Dự thảo này của Chính phủ vẫn chưa được thông qua. Hay mới đây, người dân đã xuống đường ăn mừng khi Đề án xây dựng đường tàu điện một ray chạy xuyên rừng quốc gia Fiordland đến khu vịnh Milford Sound phục vụ cho khách du lịch đã bị bác bỏ…

     Có thể thấy, Việt Nam có nhiều nét giống Niu-Di-Lân trong tiềm năng phát triển du lịch và không thể phủ nhận rằng, trong những năm qua, ngành công nghiệp không khói của nước ta đã có bước phát triển. Tuy nhiên, tiềm năng ấy chưa thực sự tương xứng với những gì mà thiên nhiên ban tặng. Kinh nghiệm phát triển du lịch của Niu-Di-Lân sẽ là kinh nghiệm để ngành du lịch Việt Nam hoạch định, xây dựng chính sách, triển khai kế hoạch nhằm khắc phục tồn tại để phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

 

Lê Văn Tùng

Nguyễn Văn Quý

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2018

 

 

 

 

Ý kiến của bạn